Chí Hiếu (SGTT.VN) - Tại buổi họp báo chiều 23.11 để công bố kết quả kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói rằng việc Quốc hội họp kín về tình hình Biển Đông vào chiều hôm qua (22.11) là theo kiến nghị của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và điều này là bình thường, đúng quy định.
Theo chương trình nghị sự thì vào chiều 22.11 Quốc hội họp kín để nghe báo cáo tình hình Biển Đông, vậy việc họp kín là thực hiện theo thủ tục nào: theo đề nghị của Chủ tọa, đề nghị của Chính phủ hay theo ý kiến của quá nửa số ĐBQH?
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc
Quốc hội họp kín chiều qua về Biển Đông là điều rất bình thường, không phải chỉ ở Việt Nam, Quốc hội mới họp kín mà trên thế giới, Nghị viện các nước cũng thế khi có nhu cầu. Cụ thể, lý do của phiên họp kín chiều qua là do trước khi báo cáo dự thảo chương trình kì họp phát đi để chúng tôi tiếp thu ý kiến đại biểu thì có đề nghị báo cáo tình hình Biển Đông. Tiếp thu ý kiến đại biểu thì chúng tôi tổ chức báo cáo để ĐBQH nghe nên việc này là đúng theo quy định.
Sau họp kín các vấn đề mà được đông đảo nhân dân quan tâm thì Quốc hội có nên có thông điệp tới cử tri, tới đây khi tiếp xúc cử tri nếu cử tri hỏi Quốc hội nghe và bàn thế nào về tình hình Biển Đông thì ông sẽ nói gì?
Khi các ĐBQH tiếp xúc cử tri, nếu nắm được chắc các nội dung cụ thể về Biển Đông thì sẽ trả lời cho cử tri. Bản thân tôi nếu được cử tri hỏi thì mình sẽ trả lời.
Trong khi Quốc hội thảo luận dự thảo luật Đất đai sửa đổi thì dân Văn Giang có gửi thư đề nghị Quốc hội và ĐBQH về tiếp thu ý kiến, lắng nghe nhưng không có ĐBQH nào về, điều này khiến có ý nói trách nhiệm đại biểu với cử tri như vậy là cần phải bàn, ông bình luận gì?
Ở mỗi tỉnh đều đã có đoàn ĐBQH, trách nhiệm của đoàn đó, ĐBQH đoàn đó khi tiếp xúc đã phản ánh đầy đủ ý kiến của dân bức xúc. Trong báo cáo của chủ tịch Mặt trần tổ quốc về tổng hợp kiến nghị cử tri đã đề cập vấn đề này, trong đó yêu cầu Chính phủ tập trung giải quyết vấn đề đất đai; Trong 528 vụ việc khiếu kiện phức tạp kéo dài thì đã giao Tổng thanh tra Chính phủ, bộ Tài nguyên Môi trường có trách nhiệm giải quyết và Văn Giang là một trong nội dung đó, dù đã được giải quyết nhưng vẫn chưa giải quyết xong. Tại phiên chất vấn kỳ họp rồi cũng có nội dung này và tiếp tục yêu cầu cần được tiếp tục giải quyết những tồn tại.
Truyền hình có phản ảnh một cảnh rất đáng buồn là trong khi một đại biểu phát về một dự án luật, tại hội trường thì nhiều hàng ghế bị bỏ trống. Vậy có cơ chế nào trong nội bộ kì họp để cho ĐB tham dự hay vắng mặt?
Trong tất cả nội quy kì họp, luật Tổ chức Quốc hội không quy định ĐBQH nghỉ thế nào. ĐBQH thay mặt cho cử tri thì phải hoàn thành nhiệm vụ. Có ĐBQH có việc đặc biệt, hoặc ốm đau thì phải nghỉ. Hơn nữa, Quốc hội chúng ta có từ 60-70% là đại biểu kiêm nhiệm nên có những việc cần phải giải quyết. Khi xin nghỉ thì đã có đơn báo cáo trưởng đoàn, trưởng đoàn báo cáo với Chủ tịch Quốc hội.