Nguyễn Thu Trâm, 8406 (Danlambao) - Hôm nay Chúa Nhật ngày 04 tháng 10 năm 2012, Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, Quốc Hội, Chính Phủ và lãnh đạo nhà nước cộng sản Việt Nam hết sức hồ hỡi phấn khởi trước nguồn tin “Thái Lan sắp tiếp nhận lao động Việt Nam”.
Theo một mẫu tin ngắn trên báo Dân trí thì:
“Thái Lan sẽ tiếp nhận lao động Việt Nam trong một số ngành nghề. Tuy nhiên tình hình Xuất khẩu lao động nói chung đến hết năm vẫn gặp nhiều khó khăn.
Thông tin từ Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết, phía Bộ Lao động Thái Lan đã đồng ý sẽ tiếp nhận lao động từ Việt Nam để đáp ứng nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, việc tiếp nhận này chỉ giới hạn cho một số ngành nghề mà Thái Lan đánh giá sẽ thiếu hụt lao động trong những năm tới, trong đó có thủy sản và nông nghiệp. Đây là những ngành tiếp nhận nhiều lao động từ Myanmar và Lào.
Theo chuyên gia, việc mở cửa kinh tế và chính trị của Myanmar cùng sự gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới – WTO - của Lào, được cho là sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung lao động, vì vậy, Việt Nam được xem là nguồn cung cấp thay thế. Cơ quan Phát triển xã hội và kinh tế quốc gia – NESDB - dự đoán trong 10 năm tới Thái Lan cần đến 5,36 triệu lao động nước ngoài.
Tín hiệu từ thị trường Thái Lan đã mang chút màu tươi sáng, giúp bức tranh của ngành xuất khẩu lao động bớt ảm đạm. Báo cáo từ Cục quản lý Lao động Ngoài nước của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết, tính đến hết quý III năm nay Việt Nam mới xuất khẩu lao động được 51.318 người, đạt 57% kế hoạch năm..."
Nguồn lợi từ xuất khẩu lao nô
Lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản không mừng vui sao được trước nguồn tin này, vì trước đó phía Hàn Quốc thông báo sẽ chấm dứt việc nhận lao động Việt Nam vì lao động Việt Nam bỏ trốn quá nhiều. “Có tới gần 50% lao động đã hết hạn hợp đồng 5 năm, nhưng không về nước”. “Mới đây, có 22 lao động bỏ trốn ngay tại sân bay khi vừa nhập cảnh Hàn Quốc khiến phía Hàn Quốc quyết định hoãn cuộc thi kiểm tra tiếng Hàn vào ngày 7 tháng 8. Bộ Lao động thương binh và xã hội đã quyết định không tuyển dụng lao động đi Hàn Quốc ở những xã thuộc tỉnh Hà Tĩnh có nhiều người bỏ trốn là: Cương Gián, Cẩm Nam, Kỳ Ninh. Theo thống kê của bộ Lao động và việc làm Hàn Quốc, trong tổng số 60.000 lao động Việt Nam hiện đang làm việc tại Hàn Quốc, có tới 8.150 người đang cư trú bất hợp pháp. Hàng năm, có khoảng hơn 10.000 lao động nước ta được đưa sang Hàn Quốc làm việc.
Sau khi phía Hàn Quốc có văn bản thông báo với Bộ Lao động tạm ngừng tuyển lao động Việt Nam sang làm việc khiến hàng vạn lao động đang chờ ngày xuất cảnh rất lo lắng. Để giải tỏa những băn khoăn này, chiều 23/10, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã có buổi trả lời những xoay quanh vấn đề trên tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Chuẩn bị đi làm công xứ người |
Bà bộ trưởng Chuyền cho biết: “Gần đây xuất hiện tình trạng người lao động Việt Nam không về nước sau khi hết hạn hợp đồng lao động mà ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Đặc biệt là từ năm 2012 đến nay, tỷ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng không về nước chiếm khoảng 50% tổng số lao động phải về nước vì hết hạn hợp đồng. Chính vì vậy, vừa qua Hàn Quốc đã đề nghị Bộ Lao động – Thương Binh Xã Hội tạm thời chưa ký kết gia hạn bản Ghi nhớ về hợp tác lao động đã hết hạn vào tháng 9/2012 để hai bên phối hợp các biện pháp nhằm giảm tỷ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng nhưng không về nước. Trong thời gian chưa ký kết gia hạn thỏa thuận, phía Hàn Quốc tạm thời chưa giới thiệu lao động mới cho người sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn. Tuy nhiên, lao động về nước đúng thời hạn vẫn được tiếp tục sang làm việc tại Hàn Quốc. Đảng và nhà nước đang hết sức lo lắng về vần đề này.”
Lãnh đạo đảng và nhà nước lo lắng khi thị trường lao động ở Hàn Quốc có nguy cơ bị đóng cửa, một thị trường mà mỗi năm nhập cảng đến 10.000 lao nô của Việt Nam. Lãnh đạo đảng và nhà nước lại vui mừng, lại hồ hỡi, phấn khởi khi một thị trường lao động mới sắp mở ra: “THÁI LAN SẮP TIẾP NHẬN LAO ĐỘNG VIỆT NAM”!
Cái lo âu rồi cái vui mừng của lãnh đạo đảng và nhà nước nếu mỗi người chịu suy nghĩ một chút thôi sẽ thấy nhục, quá nhục cho quốc thể Việt Nam: Sinh con đẻ cái ra, rồi mong cho chúng được đi làm tôi mọi cho nhà giàu để cha mẹ lấy tiền, mà khi nhà giàu phát tín hiệu có thể không cần đến tôi đòi nữa, thì kẻ làm cha làm mẹ đó lại âu lo, phiền muộn. Rồi khi nghe đến một nhà giàu khác có thể cần thuê mướn tôi đòi, thì lại mừng vui. Nhục quá!
14 người trở về nước trong quan tài từ Nga |
Chỉ bởi cái ngoa ngữ, cái mỹ từ để đánh lừa công luận mà lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản đã không thấy nhục, mà người dân nghèo cũng không nhận ra cái nhục, bởi người ta đã phải cầm cố, thế chấp nhà cửa, đất đai hương hỏa của tổ tiên để lại cho các ngân hàng nhà nước, mới có được vài trăm triệu đồng để mua được cái phận tôi đòi đó. Vì vậy mà họ cảm thấy kiêu hãnh trước xóm giềng họ mạc khi con em họ được ra nước ngoài, được đi xuất khẩu lao động. Họ có biết đâu để giành dụm đủ số tiền mà chuộc lại nhà đất đã cầm cố cho ngân hàng để có tiền mua được một xuất lao nô trước đó, thì còn em họ hàng ngày phải làm lụng quần quật suốt ngày như thân trâu thân ngựa, phải làm cả những công việc nặng nề, dơ bẩn và độc hại mà người bản xứ không bao giờ làm, nhưng đã hết đâu, họ còn thường xuyên bị nhiếc mắng, bị sỉ vả, bị đánh đập vì không làm vừa lòng chủ, thậm chí nhiều nữ lao động ngày thì lao động quần quật, đêm về còn phải làm nô lệ tình dục cho tất cả mấy cha con chủ nhà nữa chứ. Điều này chỉ có những người được xuất khẩu lao động đó và lãnh đạo đảng và nhà nước biết thôi chứ cha mẹ anh em của họ ở quê nhà có biết đâu để mà biết nhục!
Là các bậc phụ huynh, liệu chúng ta có cảm thấy hãnh diện với xóm giềng, với họ mạc không khi chúng ta cho con cái chúng ta đi ở đợ cho nhà giàu và biết được hàng ngày con cái chúng ta luôn bị đánh đập, mắng chửi và hàng đêm con cái của chúng ta lại phải làm nô lệ tình dục cho ông chủ nhà và các con trai của ông ấy? Và là phụ huynh, chúng ta sẽ cảm nghĩ gì khi con cái chúng ta đi ở đợ cho nhà giàu đến khi hết thời hạn phải ở đợ, phải làm kiếp tôi mọi rồi mà không chịu trở về nhà lại trốn lánh để ở lại đó bất hợp pháp?
Trở về từ Hàn Quốc |
Sao cái thiên đường Xã Hội Chủ Nghĩa mà không giữ chân được thần dân của mình ở lại với bờ tre, gốc lúa, với giếng nước ao làng, với cây đa, mái đình với vô vàn kỷ niệm êm đẹp của thời thơ ấu… mà để họ trốn lại xứ người sau những hạn định 3 năm, 5 năm trong thân phận tôi đòi, ngựa trâu ở đó? Ôi cái thiên đường XHCN sao nên nổi 22 lao động phải bỏ trốn ngay tại sân bay khi vừa nhập cảnh Hàn Quốc, để không bao giờ còn phải quay lại với chốn thiên đường nữa. Các lãnh đạo đảng và nước cộng sản có hiểu vì sao không?
Xin đừng tiếp tục phỉnh lừa nhân dân bằng ngôn từ hoa mỹ nữa, bởi chẳng phải là “XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG” gì cả, mà đó chỉ là một kỹ nghệ buôn người, một kỹ nghệ buôn bán nô lệ của thế kỷ 21 mà thôi. Bán đất liền và biển đảo bán rừng đầu nguồn, bán bauxite Tây Nguyên vẫn chưa đầy túi tham hay sao mà cứ tiếp tục biến thanh niên, thiếu nữ Việt Nam thành súc vật để bán để mua như người ta bán mua nô lệ thời Trung Cổ.
Những giọt nước mắt sau những ngày bị giam đói |
“Thái Lan sắp tiếp nhận lao động Việt Nam” một nguồn tin vui cho lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam bởi tài sản ký gởi ở các ngân hàng quốc tế của họ sắp được tăng lên khi sắp có thêm một thị trường nữa để họ bán hàng triệu thanh niên, thiếu nữ đang chực chờ để được rời khỏi thiên đường XHCN Việt Nam để trở thành những nô lệ mới nơi xứ người.
Chủ nghĩa cộng sản có thực sự là giai đoạn phát triển cuối cùng của loài người như lý luận của Karl Marx hay không? Chế độ cộng sản Việt nam có phải là cái thiên đường nơi trần thế hay không sao đất đai, biển đảo cứ tiếp tục bị dâng bán cho ngoại bang? Sao thanh niên thiếu nữ của Việt nam lại cứ tiếp tục bị biến thành nô lệ để xuất bán sang các nước láng giềng?
Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang và các lãnh đạo của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam ơi, sao cứ suốt đời buôn dân bán nước thế này?
Có ai cứu giúp được cho dân Việt tôi sớm thoát cảnh đọa đày do bị biến thành nô lệ để bị bán mua qua cái ngôn từ hoa mỹ là XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG như thế này không?
Ngày 04 tháng 11 năm 2012