TTO - Đó là chất vấn của đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) dành cho Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội diễn ra sáng 12-11.
Ông Đương đặt vấn đề có hay không sự “linh hoạt” trong điều hành giá xăng dầu của hai bộ Công thương và Tài chính, vì theo dõi mấy kỳ họp Quốc hội gần đây cho thấy cứ trước hoặc trong khi diễn ra kỳ họp là giá xăng dầu giảm.
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và sau đó là Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đều khẳng định rằng việc điều hành giá xăng dầu được thực hiện theo đúng quy định pháp luật, trong đó có nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, vì diễn biến giá thế giới giảm trùng hợp với thời điểm họp Quốc hội nên giá trong nước giảm theo.
“Tôi tin rằng không có động thái linh hoạt ở đây” - ông Hoàng nói. Ông Huệ cùng đồng quan điểm này: “Đúng là cứ Quốc hội họp, giá xăng lại giảm. Anh em trong tổ điều hành giá cũng nói vui là giá như Quốc hội họp suốt thì giá sẽ giảm nhiều. Nhưng vấn đề ở đây là giá trong nước giảm theo giá thế giới”.
Trước đó, trong báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 và thứ 3, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết giá xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo nghị định số 84. Theo đó, trong điều kiện bình thường, doanh nghiệp đầu mối được điều chỉnh giá bán lẻ trong phạm vi, trình tự, định mức quy định; liên bộ Tài chính - Công thương giám sát, hậu kiểm và xử lý nếu có vi phạm.
Giá xăng dầu, nỗi quan tâm lớn của người dân - Ảnh: Tuổi Trẻ
Trong trường hợp cần thiết, Nhà nước bình ổn giá xăng dầu thông qua chính sách thuế và Quỹ bình ổn giá. Về việc công khai minh bạch trong kinh doanh xăng dầu, nghị định trên đã đưa ra công thức tính giá cơ sở để hình thành giá bán lẻ, các yếu tố hình thành giá được công bố thường kỳ. Tuy nhiên, một số quy định về yếu tố cấu thành giá cơ sở đã lạc hậu so với thực tế; công tác quản lý chất lượng, đo lường, chống đầu cơ thiếu chặt chẽ; cơ chế phối hợp trong quản lý, điều hành giá chưa hiệu quả.
Chính phủ đã chỉ đạo tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện nghị định, trên cơ sở đó tiến hành sửa đổi, bổ sung chính sách về kinh doanh xăng dầu trong tháng 12-2012.
Petrolimex có thực “lỗ nặng, lương cao”?
Được yêu cầu trả lời chất vấn liên quan đến hoạt động của Petrolimex “lỗ nặng, lương cao”, Bộ trưởng Hoàng nói chưa nhận được báo cáo chính thức của Kiểm toán Nhà nước mà cũng chỉ biết thông tin qua báo chí. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mời Tổng Kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng cung cấp thông tin.
Ông Dũng cho biết năm 2011, Petrolimex lỗ 1.423 tỉ đồng, còn lương bình quân tại tập đoàn trên 6 triệu đồng/người/tháng. Về lương của lãnh đạo tập đoàn, năm 2011 lương bình quân của chủ tịch tập đoàn là 58 triệu đồng/tháng, ủy viên hội đồng quản trị 42 triệu đồng, trưởng ban kiểm soát 41 triệu và phó tổng giám đốc là 40 triệu. Tuy nhiên, mức lương này cũng đã giảm khá nhiều so với mức trung bình của năm 2010 (năm Petrolimex có lãi).
Năm 2010, lương của chủ tịch hội đồng quản trị Petrolimex là 70,7 triệu đồng, các vị trí còn lại như nêu trên nhận gần 55 triệu đồng/tháng.
Trả lời các chất vấn của đại biểu xung quanh vấn đề hàng tồn kho, ví dụ như sắt thép, ximăng, gạch ngói... Bộ trưởng Hoàng thừa nhận trong công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch có bất cập, cùng với đó là khả năng dự báo thị trường còn hạn chế, chính vì vậy ở đây có vấn đề về vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc cảnh báo, khuyến cáo cho doanh nghiệp, tránh tình trạng cứ sản xuất mà không tính đến tiêu thụ sản phẩm.
Về việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, Bộ trưởng Hoàng nói năm 2012 Việt Nam dự kiến xuất khẩu khoảng 7,5 triệu tấn gạo, vươn lên dẫn đầu trong số các nước xuất khẩu gạo, tuy nhiên lượng xuất khẩu gạo lớn nhưng giá cả còn thấp trong tương quan với một số nước, ví dụ như so với Thái Lan.
Bộ trưởng Hoàng nói vấn đề nêu trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có chủng loại gạo năng suất cao nhưng chất lượng lại hạn chế. Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng các bộ ngành liên quan đã làm được một số việc để xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, như quan tâm đến các giống gạo có chất lượng cao, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại để giới thiệu cho bên ngoài biết đến gạo Việt Nam...
Chiều nay, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng sẽ tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng sẽ đăng đàn.
V.V.THÀNH