Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex): Lỗ to nhưng lương vẫn cao ngất ngưởng... - Dân Làm Báo

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex): Lỗ to nhưng lương vẫn cao ngất ngưởng...

Mạnh Quân - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa kết thúc cuộc kiểm toán báo cáo tài chính năm 2011 của tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Những thông tin về kết quả kinh doanh, việc quản lý vốn và tài sản nhà nước tại tập đoàn này cho thấy những yếu kém đến…khó hiểu ở tập đoàn này. Mà một câu chuyện điển hình, giống như ở một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn nhà nước khác, như ở tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trước đây: tuy thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng nhưng thu nhập của những người làm ở Petrolimex vẫn cứ cao ngất ngưởng…

Thua lỗ, làm giảm vốn chủ sở hữu

Theo báo cáo kiểm toán (cũng đã được KTNN trả lời đại biểu Quốc hội), năm 2011, lợi nhuận trước thuế của Petrolimex âm 1.423,46 tỷ đồng (trong đó, khối đơn vị kinh doanh xăng dầu lỗ trước thuế 2.358,77 tỷ đồng, các công ty con lãi 841,29 tỷ đồng). Nếu tính cả các khoản chênh lệch lỗ do định giá lại các khoản đầu tư chứng khoán tại thời điểm chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sang công ty cổ phần (949 tỷ đồng) thì nhà nước sẽ phải xem xét, xử lý tồn tại khi bàn giao sang công ty cổ phần là 3.413 tỷ đồng.

Theo KTNN, việc xử lý các tồn tại về tài chính, xử lý trách nhiệm, quyết định bù đắp các tổn thất…thế nào sẽ do ban chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp, bộ Tài chính và bộ Công thương xem xét, quyết định nhưng, kết quả kinh doanh của Petrolimex đã cho thấy, giá trị phần vốn nhà nước, vốn chủ sở hữu của tập đoàn này đã giảm đáng kể do kinh doanh xăng dầu thua lỗ và chênh lệch định giá lại các khoản đầu tư chứng khoán.

Nguyên nhân dẫn đến số thua lỗ khá lớn nói trên, theo KTNN, chủ yếu do chênh lệch tỷ giá ngoại tệ tăng cao đột biến (riêng nguyên nhân này làm lỗ 1.853 tỷ đồng). Các nguyên nhân khác được nêu ra: giá bán lẻ nhiều giai đoạn thấp hơn giá cơ sở do liên bộ: Tài chính-công thương quy định; chi phí kinh doanh tăng do các yếu tố: tiền thuê đất, tiền lương, chi phí vận chuyển tăng…Nhưng KTNN cũng cho rằng, khoản thua lỗ này còn có những nguyên nhân về quản trị khác.

Tiền lương khối văn phòng: trung bình 20,9 triệu đồng/người/tháng.

Cho dù có một số nguyên nhân khách quan nhất định gây nên thua lỗ nhưng nhìn vào kết quả kiểm toán của KTNN, cũng có thấy: trong lề lối, cách thức quản trị của Petrolimex có những lỏng lẻo nhất định. Cũng giống như một số tập đoàn khác: Dầu khí, Điện…Petrolimex đã đầu tư khá lớn vào các lĩnh vực: bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm với giá trị 1.534,5 tỷ đồng-tương đương 15,69% vốn chủ sở hữu. Do thị trường chứng khoán biến động, giảm sút, đương nhiên những khoản đầu tư này đã và đang giảm sút hiệu quả khiến Petrolimex cũng gặp khó khăn trong việc thu hồi vốn về, tập trung đầu tư cho lĩnh vực kinh doanh chính. Nhất là trong vốn chủ sở hữu còn thấp, nhu cầu vốn nhập khẩu ngày càng cao, việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành không hề dễ dàng thì càng thấy, những quyết định đầu tư ra ngoài ngành của lãnh đạo Petrolimex phiêu lưu, thiếu trách nhiệm thế nào đối với đồng vốn của doanh nghiệp.

Đáng chú ý, mặc dù kinh doanh khó khăn, tiền vốn còn hạn hẹp nhưng Petrolimex vẫn có những quy định về chi tiêu, tiền lương không hợp lý. Tại công ty mẹ của tập đoàn, tổng quỹ tiền lương năm 2011 trên 60,36 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với năm 2010. Tiền lương thực tế bình quân của cán bộ, nhân viên làm việc tại công ty mẹ, mặc dù giảm 1,7% so với năm 2010 nhưng vẫn ở mức khá cao: 20.96 triệu đồng/người/tháng, bằng 1,75 lần so với mức lương khối văn phòng ở các công ty thành viên trực thuộc.

Quản lý chi phí: nhập nhèm

Mặc dù cho rằng, công ty mẹ Petrolimex và các công ty thành viên quản lý chi phí tương đối, đầy đủ, rõ ràng…nhưng KTNN cũng cho rằng, vẫn còn có những tồn tại ở công ty mẹ và các đơn vị thành viên về việc hạch toán giá trị tài sản cố định, chi phí đầu tư xây dựng cơ bản, chi phí sản xuất kinh doanh: hạch toán sai niên độ kế toán, chi phí không phù hợp với doanh thu, hạch toán trùng chi phí…

Việc chấp hành các quy định về thuế của công ty mẹ-tập đoàn và các công ty được kiểm toán cũng có những tồn tại nhất định: một số đơn vị phân bổ khấu trừ thuế giá trị gia tăng chưa đúng, chưa kê khai đầy đủ thuế thu nhập cá nhân (897 triệu đồng)…Một số doanh nghiệp trực thuộc Petrolimex như: công ty Cổ phần hóa dầu, công ty Cổ phần Gas qua kiểm toán, đối chiếu đã được yêu cầu phải nộp số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp không được ưu đãi là 65,49 tỷ đồng.

Ngay tại công ty mẹ, cũng có một số việc làm chưa đúng, được phát hiện qua cuộc kiểm toán. Ví dụ, trong việc cổ phần hóa, bán cổ phần lần đầu ra công chúng, số tiền thu được sau khi tăng vốn nhà nước và thanh toán chi phí cổ phần hóa, tiền phải nộp về tổng công ty Đầu tư vốn nhà nước (SCIC) trên 83,22 tỷ đồng. Nhưng đến ngày 27.10.2011, công ty mẹ mới nộp 65 tỷ đồng. Hiện còn trên 18,22 tỷ đồng, công ty mẹ còn chưa nộp về quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp trung ương. Hay ở việc định giá khoản đầu tư tại công ty Cổ phần hóa dầu, có việc đánh giá thiếu giá trị vốn tăng thêm gần 85 tỷ đồng.

Qua cuộc kiểm toán này, KTNN đã yêu cầu Petrolimex và các đơn vị thành viên xử lý về tài chính nhiều khoản như nộp thuế tăng thêm gần 73,97 tỷ đồng, trong đó: thuê thu nhập doanh nghiệp: 72,466 tỷ đồng; thuế giá trị gia tăng 272,6 triệu đồng; thuế thu nhập cá nhân 230,29 triệu đồng; thuế nhà đất 936,96 triệu đồng…KTNN cũng yêu cầu tập đoàn này và các đơn vị liên quan chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng đất nhất là việc phải hoàn thiện thủ tục chuyển đổi từ hình thức thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng với các lô đất đã xin chuyển đổi hình thức khi cổ phần hóa để thực hiện nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước số tiền 807.056 triệu đồng; thu hồi các khu đất bị lấn chiếm…

Sau cuộc kiểm toán, KTNN đã gửi công văn thông báo kiến nghị kiểm toán tại Petrolimex tới bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ. Báo cáo này cho rằng, công thức giá cơ sở để hình thành giá bán lẻ xăng dầu tại thông tư 234//2009/TT-BTC của bộ Tài chính còn có những vướng mắc, hạn chế cần phải làm rõ để thống nhất áp dụng. Theo KTNN, quy định mức chi phí bán lẻ xăng dầu bình quân 600 đồng/lít, kg áp dụng cho tất cả các đầu mối nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu khác nhau (trong khi qui mô, đặc điểm kinh doanh, sản lượng tiêu thụ, hệ thống phân phói, vị trí địa lý các đơn vị phân phối…rất khác nhau) là không sát chi phí thực tế của từng đầu mối kinh doanh xăng dầu và có sự khác biệt giữa các đơn vị, làm hạn chế doanh nghiệp phát triển thị trường ở những khu vực hoạt động khó khăn, chỉ tập tring ở các thị trường thuận lợi (gần cảng nhập, khu vực thuận tiện vận chuyển) để giảm chi phí. Theo KTNN, định mức phí bán lẻ xăng dầu cần phải được nghiên cứu, sửa đổi.

Cũng theo KTNN, thù lao đại lý kinh doanh xăng dầu có thời điểm quá thấp, gây khó khăn cho các đại lý và hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu, dễ tạo ra tình trạng gian lận số lượng, chất lượng gây nên những bất ổn của thị trường xăng dầu.

Mạnh Quân


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo