Văn hóa từ chức phải khởi đầu từ Thủ tướng - Dân Làm Báo

Văn hóa từ chức phải khởi đầu từ Thủ tướng

Quỳnh Chi (RFA) - Trong phiên chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa qua, ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng phải hướng tới đoạt tuyệt với việc xin lỗi và thay bằng một văn hóa từ chức và đây là điều mà các quốc gia tiên tiến hay làm. Giữa lúc TT Nguyễn Tấn Dũng đang bị chỉ trích về những sai phạm nghiêm trọng trong kinh tế, phát biểu này được đánh giá là “mạnh mẽ” và lập tức thu hút sự quan tâm trong nước và quốc tế. Trao đổi với Quỳnh Chi cùng ngày sau sau khi cuộc chất vấn kết thúc, GS Nguyễn Minh Thuyết, cựu ĐBQH cho rằng ông Dương Trung Quốc đang thực hiện trách nhiệm của mình:

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sáng 14/11/2012 - Photo courtesy of chinhphu.vn

GS Nguyễn Minh Thuyết: Tôi có đọc lại bản gỡ băng của Chính phủ thì tôi thấy rằng ĐHQH Dương Trung Quốc đã đặt vấn đề rất thẳng thắn nhưng cũng rất tế nhị. Ông còn viện dẫn một số tiền lệ trong lịch sử. Tôi nghĩ là ĐBQH Dương Trung Quốc đã nói lên ý kiến của số đông người dân. Nói về trách nhiệm của ĐBQH thì ông đã thực hiện được trách nhiệm của mình. Đặc biệt là so với phát biểu, hoạt động của ĐBQH nhiều nước khác thì phát biểu của ông Dương Trung Quốc cũng chỉ là thực hiện đúng nhiệm vụ của mình thôi. 

Quỳnh Chi: Văn hóa từ chức ít được nói đến nhiều tại Việt Nam và hiện tượng này cũng ít xuất hiện ở Việt Nam. Vì sao đây là lúc người ta nói đến văn hóa từ chức? 

GS Nguyễn Minh Thuyết: Trong lịch sử Việt Nam cũng đã có rất nhiều người treo ấn từ quan vì nhiều lý do khác nhau nhưng đều xuất phát từ lòng tự trọng cao. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, rất nhiều công việc Nhà nước được giao vào tay một số vị mà không hoàn thành đầy đủ công việc của mình; thậm chí có những sai phạm rất lớn đáng lẽ phải chịu trách nhiệm, bị cách chức. Tuy nhiên, đến từ chức còn không thấy. Như thế thì sẽ ảnh hưởng đến công việc quốc gia. Vì vậy mà ĐBQH Dương Trung Quốc và nhiều người đã phải nói đến văn hóa từ chức. 

Quỳnh Chi: Một số người cho rằng chủ trương “phê và tự phê” của ĐCSVN ở một khía cạnh nào đó làm giảm đi sự xuất hiện của văn hóa từ chức. Ông có đồng ý với ý kiến này? 

GS Nguyễn Minh Thuyết: Tôi không nghĩ điều này đúng. Bởi nếu thực hiện đúng nguyên tắc “phê bình và tự phê bình” một cách nghiêm túc thì người có khuyết điểm phải tự phê bình một cách sâu sắc nhất và phải tự mình áp dụng hình thức chế tài thích hợp vì quyền lợi chung. Một trong những chế tài là từ chức. Nếu “phê bình và tự phê bình” được thực hiện nghiêm túc thì dẫn đến kết quả như vậy. Tuy nhiên, theo quan sát cho thấy nhiều người đã không thực hiện nhiệm vụ, thậm chí có những sai phạm lớn mà vẫn không chịu từ chức. Điều này chứng tỏ “phê bình và tự phê bình” chưa được thực hiện tốt. 

Quỳnh Chi: Thế thì một văn hóa từ chức có thể mang đến những ảnh hưởng như thế nào? 

GS Nguyễn Minh Thuyết: Quan sát chính trường của rất nhiều nước, nhất là những nước văn minh và dân chủ thì tôi thấy những người được giao trách nhiệm và thấy mình không đủ sức khỏe hoặc năng lực để đảm nhận công việc, hoặc khi phải chịu trách nhiệm về những sai phạm lớn trong công việc mình phụ trách thì họ từ chức. Việc này thể hiện lòng tự trọng cao và cũng giúp có lợi cho công việc. Nước Việt Nam có gần 90 triệu dân, không thiếu gì người tài. Nếu ai cứ được cử vào một chức vụ nào đó mà dù làm không được việc mà vẫn “ngồi” đấy cho đến hết khóa thậm chí kéo dài nhiều khóa thì làm sao chọn được những người tài để gánh vác công việc? Như thế thì hỏng việc chung của đất nước. 

Phải có người khởi đầu 

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trong phiên chất vấn tại nghị trường Quốc hội hôm 14/11/2012. AFP photo Quỳnh Chi: Nghĩa là ông cũng đồng ý với ý kiến của ông Dương Trung Quốc khi nói rằng văn hóa từ chức là “cho sự tiến bộ của Chính phủ”?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Vâng, tôi đồng ý và tôi cũng tán thành ý kiến của ông Dương Trung Quốc là phải có người khởi đầu. 

Quỳnh Chi: Vậy thì tại sao sự khởi đầu ấy phải bắt đầu từ thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng? 

GS Nguyễn Minh Thuyết: Trước hết, Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ. Nếu Thủ tướng có những động thái rất quyết liệt và gương mẫu thì cũng làm gương cho những người khác. Thứ hai, thực sự công việc của Chính phủ có rất nhiều yếu kém, nhiều sai lầm dẫn đến nền kinh tế xuống dốc. Thứ nữa là có khá nhiều tập đoàn kinh tế được mở ra một cách vội vàng nhưng hoạt động yếu kém mà còn để xảy ra thất thoát, tham nhũng, thua lỗ, nợ nần chồng chất. Tôi nghĩ phải có người chịu trách nhiệm về vấn đề đó. Và, có rất nhiều quyết định, dự kiến của các bộ, ngành mà khi đưa ra công luận thì rất là phi lý. 

Quỳnh Chi: Nên hiểu về văn hóa từ chức như thế nào? Nó có thay thế được trách nhiệm pháp lý kể cả đối với những người lãnh đạo đất nước và những người giữ các chức vụ cao? 

GS Nguyễn Minh Thuyết: Ở nhiều nước, người ta phải từ chức vì bên cạnh việc muốn thể hiện lòng tự trọng, tin thần trách nhiệm đối với công việc của mình, đối với đất nước, đối với nhân dân thì còn vì một lý do nữa. Đó là nếu không từ chức thì đằng nào cũng bị cách chức. Cho nên, pháp luật vẫn là tối thượng. Chế tài pháp luật là điều mà trước tiên phải được xem xét, tôn trọng và nhìn nhận. 

Quỳnh Chi: Câu hỏi cuối thưa ông, phát biểu của ông Dương Trung Quốc cùng với bình luận của giáo sư khá thẳng thắn. Các ông có quan ngại nó sẽ ảnh hưởng đến cá nhân mình? 

GS Nguyễn Minh Thuyết: Tất cả mọi người đều phải nghĩ đến cuộc sống của mình và lo cho mình. Đó là chuyện tự nhiên. Chúng tôi là những người trí thức thì không thể nói dối hay che giấu ý kiến của mình. Đặc biệt với trách nhiệm trước nhân dân, tổ quốc thì chúng tôi thấy là dù có phải như thế nào cũng phải nói lên ý kiến của mình. Dĩ nhiên những ý kiến ấy phải đảm bảo đúng sự thật và pháp luật. Còn nếu vì nói những ý kiến thẳng thắn ấy mà bị lãnh hậu quả thì nói thật là những điều ấy chỉ xảy ra ở những nước phát xít và độc tài thôi. 

Quỳnh Chi: Xin cám ơn GS Nguyễn Minh Thuyết. 

Xin được nhắc lại. Trong phiên trả lời chất vấn được truyền hình trực tiếp hôm thứ Tư (14 tháng 11) của TT Nguyễn Tấn Dũng, ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng “Đã đến lúc phải đề cao trách nhiệm pháp luật” và khuyến nghị khởi đầu cho sự tiến bộ của Chính phủ hướng đến một văn hóa từ chức. Phát biểu được đưa ra trong bối cảnh có nhiều sai phạm, tuột dốc và bất cập trong hoạt động của Chính phủ và Nhà nước ở lĩnh vực kinh tế và quản lý. Trả lời chất vấn của ông Dương Trung Quốc, TT Nguyễn Tấn Dũng nói rằng vẫn sẽ “tiếp tục nhiệm vụ” của mình.

2012-11-14 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo