Viết văn làm thơ - Từ Leo Tolstoy đến Hồ Chí Minh - Dân Làm Báo

Viết văn làm thơ - Từ Leo Tolstoy đến Hồ Chí Minh

Trần Việt Trình (Danlambao) - Trên đây là những “thói hư tật xấu” của các nhà văn nhà thơ trên thế giới khi sáng tác. Có những cái hư cái xấu nhưng cũng có cái “dễ thương” và cái dị biệt riêng của mỗi người. Chỉ có một người chẳng có thói quen gì đáng nói, người này chỉ có một thói hư tật xấu là đạo văn đạo thơ của người khác. Nói nôm na là “chôm” tác phẩm của người khác làm tác phẩm của mình. Người đó là Hồ Chí Minh. 

Ngục Trung Nhật Ký hay được gọi nôm na là cuốn Nhật Ký Trong Tù là một bằng chứng hùng hồn nhất...

*

Có những nhà văn có thói quen dựng truyện rất công phu, nào là lập biểu đồ tâm lý, nào là tạo hình tượng các nhân vật như trường hợp Leo Tolstoy với bộ tiểu thuyết “Chiến tranh và hòa bình” (War and Peace). Còn nhà văn Aleksay Tolstoy, thế hệ sau và có liên hệ bà con xa với Leo Tolstoy, tác giả cuốn “Con đường đau khổ” (The Road to Calvary) thì lại không hề biết nhân vật của ông sẽ đối thoại với nhau những gì trước đó hai phút. Ông là người có tài sáng tác nhanh và bất ngờ. Người ta nói tay ông không chạy theo kịp với ý nghĩ của ông. 

Khi hoàn tất xong một tập bản thảo, nhà văn Nga Konstantin Paustovsky thường cho đánh máy lại gọn gàn sạch sẽ rồi hủy bản nháp ngay. Ông không thích nhìn những dòng chữ bị gạch xóa, viết đi viết lại. Trong khi đó thì thi hào Nga Alexander Pushkin khi sáng tác, nếu thấy đoạn nào không ưng ý là bỏ qua ngay, cứ tiếp tục viết, không dừng lại. Sau đó, ông mới quay trở lại những đoạn đã bỏ dở trước kia, nhưng cũng chỉ quay trở lại khi còn hứng thú sáng tác. 

Nhà văn Nga Anton Tsekhov khi còn trẻ có thể viết ra trên bất cứ vật liệu gì, ngay cả vỏ bao thuốc lá. Có năm ông sáng tác đến 200 truyện ngắn. 

Một nhà văn người Nga khác là Arkadi Gaidar lại thích viết trong khi đi tản bộ. Ông có trí nhớ tuyệt vời. Vừa đi dạo ông vừa lẩm nhẩm và sắp xếp trong đầu những câu văn. Về đến nhà, ông chỉ việc lấy giấy bút ra ghi chép lại. 

Nhà văn Pháp Alexandre Dumas (cha) rất cầu kỳ trong việc lựa chọn giấy viết. Ông sáng tác nhiều thể loại nên ông ưa chọn loại giấy màu xanh để viết tiểu thuyết, giấy màu vàng để làm thơ và giấy màu hồng dành cho những bài nghị luận. 

Nhà văn Stendhal, tên thật là Marie-Henri Beyle, lại có thói quen lạ lùng là, để hâm nóng cảm hứng sáng tác, ông thường phải đọc vài trang trong Bộ Dân luật của Napoleon rồi mới ngồi vào bàn viết. 

Khi sáng tác, nhà thơ Pablo Neruda của Chile không muốn thấy bất cứ vật gì trước mặt, ngoại trừ bức tường. Ông có một ngôi nhà gỗ và trên bức tường gỗ ấy, ông để trống, không cho trang trí gì cả. Ông không muốn đầu óc bị phân tâm để tập trung tất cả vào việc làm thơ. 

Nhà văn Ernest Hemingway của Mỹ thì loay hoay gọt hàng chục cây bút chì trước khi ngồi vào bàn. Ben Franklin có thói quen viết trong lúc ngâm mình trong bồn tắm. Nhà văn - nhà thơ James Whitcomb Riley lại thích giam mình trong căn phòng thuê của khách sạn để sáng tác. Ông đóng hết cửa phòng để viết trong tình trạng... thoát y. Bennett Cerf thì lại có cảm hứng sáng tác nhất khi ngồi trong... toilet. 

Trên đây là những “thói hư tật xấu” của các nhà văn nhà thơ trên thế giới khi sáng tác. Có những cái hư cái xấu nhưng cũng có cái “dễ thương” và cái dị biệt riêng của mỗi người. Chỉ có một người chẳng có thói quen gì đáng nói, người này chỉ có một thói hư tật xấu là đạo văn đạo thơ của người khác. Nói nôm na là “chôm” tác phẩm của người khác làm tác phẩm của mình. Người đó là Hồ Chí Minh. 

Ngục Trung Nhật Ký hay được gọi nôm na là cuốn Nhật Ký Trong Tù là một bằng chứng hùng hồn nhất. 

Thật ra, cuốn thơ này là do một ai đó đã viết ra trong khoảng thời gian từ năm 1932 tới năm 1933. Nội dung toàn là những bài thơ nói về cuộc kháng chiến chống Nhật của dân Trung Hoa, ca tụng Tưởng Giới Thạch, không lẽ HCM là cộng sản, mà lại làm thơ ca tụng một lãnh tụ của quốc gia? 

Theo Wikipedia, nguyên gốc tập thơ chỉ là một quyển sổ tay nhỏ, bìa xanh đã bạc màu, ghi bốn chữ “Ngục trung nhật ký”. Kèm theo bốn câu thơ và hình vẽ hai nắm tay bị xích, bên trong gồm hơn 100 bài thơ chữ Hán và một số ghi chép, trang đầu ghi 29.8.1932 và ngày 10.9.1933, trang sau ghi 29-8-194210-9-1943 là thời điểm HCM bị bắt ở Quảng Tây. Điều này làm nảy sinh nhiều nghi vấn về thời điểm sáng tác cũng như về tác giả của tập thơ. 

Đã lâu rồi, có nhiều bài báo bàn ra tán vào và đặt nghi vấn ai là tác giả đích thật. Những điểm khác biệt giữa 2 tác phẩm cần được lưu ý như: số bài thơ trong 2 tác phẩm không đồng nhất, ngày tháng tù ở bìa sách và của HCM ở lưng sách sai biệt đến 10 năm, chữ viết có vẻ khác. Trang đầu ngày tháng dùng dấu chấm, chữ hơi nghiêng về trái. Trang bìa cuối, ngày tháng dùng dấu gạch ngang, chữ hơi ngã về phải. Nói chung quy, hầu hết các bài báo xác quyết HCM “chôm” thơ của người khác rồi nhét thêm thơ của mình vào. Cho nên HCM không thể là tác giả của Ngục Trung Nhật Ký gốc được. 

Theo Giáo sư Lê Hữu Mục, trước 1975 dạy Triết trường Quốc Học Huế và các Đại Học Văn Khoa, qua cuốn “Hồ Chí Minh không phải là tác giả Ngục Trung Nhật Ký”, thì tác giả của tập thơ là của một ông già tên Lý bị giam ở Hồng Kông những năm 1932-1933. 

Một lập luận khác khá chính xác và uy tín cho rằng tập thơ là của một tù nhân người Hán sáng tác từ 29.8.1932 đến 10.9.1933 trong một nhà tù ở Quảng Tây, Trung Quốc. Tù nhân này đã chết trong tù vì bệnh lao sau khi viết xong 134 bài thơ và bỏ lại tập thơ trong nhà lao đó, nơi mà 10 năm sau HCM mới bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam vào ngục này trong 11 năm từ năm 1942 đến 1943. Rồi bằng một cách nào đó HCM đã “nhặt” được cuốn Nhật Ký này trong nhà lao đó. 

Ai cũng biết thời gian 29.8.1932 đến 10.9.1933 ghi trên bìa bản gốc quyển Nhật Ký không trùng hợp với thời gian “Bác” nằm tù ở Quảng Tây, Trung Quốc. Nhiều người nghi ngờ, chất vấn “Bác”. “Bác” trả lời ỡm ờ rằng “Mình muốn đánh lạc hướng, ai hiểu thế nào thì hiểu”. Câu hỏi này, “Bác” luôn trả lời không có sức thuyết phục. Trả lời như dinh đóng cột sao được? “Bác” có phải là tác giả thật đâu! Chỉ có tác giả thật mới trả lời được câu hỏi này với sức thuyết phục mà thôi! 

Nhật Ký Trong Tù được công bố lần đầu vào năm 1960, sau vụ Nhân văn Giai Phẩm. Năm 1990 mới cho xuất bản toàn bộ gồm 133 bài. Sách nào viết về HCM cũng đề cập tới Nhật Ký Trong Tù. Các bộ máy công quyền CSVN đã vận dụng mọi phương tiện để quảng cáo vị lãnh tụ của họ không những là một nhà cách mạng mà còn là một nhà thơ, một nhà văn hóa nữa. Nhằm tâng bốc lãnh tụ, đảng và nhà nước CSVN tiếp tục dí những vần thơ đó vào miệng HCM, tiếp tục thừa nhận tập thơ đó là của “Bác”, đưa vào làm sách giáo khoa để giáo dục học sinh các thế hệ sự bịp bợm, dối trá, vay mượn, và ăn cướp những vần thơ ô uế tục tằn đó. 

Ở vào kỷ nguyên thông tin dễ dàng truy cập như ngày nay, khó có một bí mật nào có thể được giấu kín mãi với công chúng. Điều này cũng không là một ngoại lệ đối với các lãnh tụ cộng sản, những kẻ thường được nhào nặn và thêu dệt thành những vĩ nhân, thánh nhân, trong khi con người phàm tục của họ thì được che đậy hết sức khéo léo để lừa gạt, để mị dân. 

Lãnh tụ HCM của CSVN phải được xem làm một kẻ bịp bợm nhất trong số các lãnh tụ cộng sản. 

Viện Văn Học của CSVN trong cuốn “Suy Nghĩ Mới Về Nhật Ký Trong Tù”, với sự cộng tác của 21 giáo sư và nhà nghiên cứu của chế độ cho biết “Nhật Ký Trong Tù của Hồ Chí Minh đã được tìm hiểu, nghiên cứu hầu như về tất cả mọi phương diện và công bố dưới nhiều hình thức khác nhau: khảo luận, giảng dạy, bình thơ...” Tác phẩm này được dịch và phổ biến ở nhiều nước trên thế giới như Liên sô, Pháp, Balan, Hungari, Trung Quốc, Tiệp Khắc, Mỹ,... 

Dầu vậy, những phản biện của Viện Văn Học không đủ sức thuyết phục, không đánh tan được nghi vấn ăn cắp thơ của Hồ Chủ Tịch từ nửa thế kỷ nay. Đây là một vụ đạo văn thơ lớn nhất trong lịch sử văn học VN, có sự hỗ trợ của nhà cầm quyền. HCM đã đi vào lịch sử VN bằng con đường cách mạng vô sản, để lại nhiều nhà tù, nhiều án mạng bí ẩn, thanh trừng, gây cảnh Nam Bắc phân ly, huynh đệ tương tàn. Đường vào văn học sử thì khác. Rất dễ nhưng rất khó. Nó đòi hỏi nghệ thuật và sự thật. “Bác” thiếu cả hai. 

Còn nữa, ngoài việc “chôm”, HCM còn xuất sắc trong việc viết “tự truyện”. 

Hai cuốn sách “Vừa đi vừa kể chuyện” viết với bút danh T.Lan và cuốn “Những Mẩu Chuyện Về Đời Hoạt Động Của Hồ Chủ Tịch” do Trần Dân Tiên viết, cả hai đều do Hồ viết ra, và cả cái đảng CSVN ra sức đánh bóng nó lên. 

Cuốn “Vừa đi đường vừa kể chuyện” xuất bản lần đầu năm 1950, HCM lấy bút hiệu là T Lan, đóng vai một chiến sĩ trong đoàn tùy tùng của Hồ Chủ tịch đi hành quân, vừa đi vừa hỏi chuyện Chủ tịch và ghi chép lại. 

Cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” được xuất bản lần đầu tiên tại Trung Hoa năm 1948, tại Paris năm 1949 và đã được tái bản nhiều lần. Trong cuốn này, Trần Dân Tiên không dùng hình thức tự truyện mà thuật lại lời của một người khác. Ông đóng vai trò một nhà báo xin gặp HCM để ghi chép lại tiểu sử của Chủ tịch nhưng không được chấp thuận (sic!). Trần Dân Tiên phải lân la tìm gặp những người đã từng quen biết với Hồ Chủ tịch để hỏi chuyện, thu thập tài liệu rồi viết ra tác phẩm này. Trần Dân Tiên không ai khác hơn là Hồ Chính Mi

Trong cuốn “Ho Chi Minh: The Missing Years”, Sophie Quinn-Judge nhận xét như sau: 

“While it is based on fact, its omissions, embellishments, and insistence on Ho Chi Minh's proletarian virtue made it an element in the construction of his myth rather than a serious record.” 

Tạm dịch: 

“Tuy nó được dựa trên sự thật, những sự kiện mà nó bỏ qua, những điều mà nó tô vẽ thêm, và việc nó khăng khăng khẳng định phẩm chất vô sản của Hồ Chí Minh đã làm cho nó thành yếu tố tạo ra sự huyền hoặc thay vì một sử liệu nghiêm túc”. 

Trong cuốn “Ho Chi Minh: A Life”, William J. Duiker đã nói việc HCM dùng tên giả khi viết tự truyện và các bài báo đã tạo sự khó khăn cho những ai định viết sách về ông. 

Hai cuốn sách tự truyện trên không thể nào được coi là sách tài liệu được, vì nó do chính Hồ viết ra để tự đánh bóng mình, tự khoe khoang thành tích của mình. 

Thật là dối trá và bịp bợm! Nhưng chuyện đó cũng chẳng có gì là lạ. Bởi đối với HCM, sự thật thì ít mà dối trá thì nhiều. Dối trá đến cả họ tên, cả ngày sinh và ngày mất. Sự nghiệp HCM là làm cách mạng chuyên nghiệp. Có cả hàng chục lần thay tên đổi tên họ, thanh toán và thủ tiêu, tù tội và thảm sát, dối trá lường láo suốt cả đời người. Đến lúc chết, nằm xuống rồi vẫn còn láo.


Vậy thì chúng ta, những người dân Việt, còn lý do gì nữa để tin vào HCM, tin vào đường lối mà ông ta đã chọn, và những tay chân thủ hạ của ông đã theo? Chúng ta còn lý do nào nữa để tiếp tục tin vào đảng CSVN? Chúng ta chần chờ gì nữa? Sao không rũ bỏ chế độ cộng sản bán nước hại dân này để xây dựng một chế độ chính trị thực sự do dân và vì dân? 

14 tháng 11 năm 2012 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo