Nguyễn Viện (Tiền Vệ) - Một sự tình cờ thú vị xảy ra đúng vào ngày 9/12 năm 2007 và 2012.
5 năm cho cùng một sự kiện: biểu tình chống Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam ở cả 2 đầu thành phố lớn nhất nước: Hà Nội và Sài Gòn.
Trong vòng 5 năm, nhiều người đã đi tù, nhiều người đã lưu vong, nhiều người bị hành hạ, đọa đày… Và nguy cơ mất hẳn hai quần đảo ấy càng ngày càng trở nên rõ ràng.
Năm 2007
Tôi nhớ khoảng ngày 6/12, sau khi nghe tin Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, lúc ấy chúng tôi gồm: họa sĩ Trịnh Cung, nhạc sĩ Tuấn Khanh, các nhà thơ Trần Tiến Dũng, Thận Nhiên, Lynh Bacardi và tôi ngồi uống cà phê ở bên hông siêu thị Diamond (phía đường Phạm Ngọc Thạch) cùng nghĩ: Không thể im lặng, phải làm cái gì đi chứ.
Và chúng tôi thống nhất quyết định ra một tuyên cáo kêu gọi chống Trung Quốc. Tôi nhận nhiệm vụ chấp bút.
Sau khi mọi người xem lại, góp ý sửa đổi, ngày 7/12 văn bản hoàn tất với cái tựa là TUYÊN CÁO CỦA NGƯỜI VIỆT NAM YÊU NƯỚC và được ký tên bởi:
“Văn Nghệ Sĩ Việt Nam” với đầy đủ tên tuổi của nhóm chúng tôi lúc đó.
Văn bản này được gửi đến anh Hoàng Ngọc-Tuấn (tienve.org) và anh Phùng Nguyễn (damau.org) để nhờ dịch sang tiếng Anh và phổ biến trên mạng (gần như đồng thời với cuộc biểu tình đầu tiên 9/12).
Kết quả đã có hơn 3.000 chữ ký ủng hộ. Sau ít ngày phổ biến, văn bản này chỉ còn ghi là “Văn Nghệ Sĩ Việt Nam”, không còn tên những người chủ xướng.
Những cuộc biểu tình chống Trung Quốc được tiếp tục và được ghi nhận là có sự tham gia đặc biệt của giới văn nghệ sĩ.
Tôi cần ghi chú điều này: tất cả các cuộc biểu tình vừa qua xảy ra được đều có một yếu tố mang tính kích nổ.
Cuộc biểu tình ngày 9/12/2007 đầu tiên ở Sài Gòn là cú liều mạng của hai nhà thơ Phan Bá Thọ và Vương Văn Quang, hai anh đã lừ lừ từ phía Nhà Văn hóa Thanh Niên bước sang bên kia đường đến sát Tòa Tổng Lãnh sự Trung Quốc kéo mọi người ùa theo. Thế là có biểu tình.
Ngày 29/4/2008, ở Sài Gòn có cuộc rước đuốc Olympic Bắc Kinh. Toàn bộ anh chị em văn nghệ sĩ có dính dáng đến biểu tình đều bị mời lên phường “chơi” suốt ngày.
Chỉ trừ tôi (có lẽ an ninh muốn để tôi tường thuật cho BBC hoặc RFA). Nhưng tôi đã từ chối vụ tường thuật với cả hai đài, mặc dù tôi đã có cơ hội quan sát trực tiếp.
Tôi vốn làm cho một công ty chuyên về event, cho nên tôi phải công nhận nhà tổ chức cuộc rước đuốc này là… hoàn hảo. Không một con muỗi nào có thể bay qua lọt để phá hoại.
Và tôi cũng phải công nhận cuộc bắt giữ các anh em mình ngày hôm đó là… có thể hiểu được (tôi không nói là đúng). Bởi vì, các cổ động viên người Trung Quốc tràn ngập và họ cực ‘máu’. Nếu những người Việt Nam cũng ‘máu’ như họ có mặt, thật sự không thể biết điều gì sẽ xảy ra.
Trong lúc rước đuốc, có thêm vài người bạn tôi quen bị bắt.
Những tên tuổi nổi bật xuất hiện từ các cuộc biểu tình chống Trung Quốc năm 2007 ở Sài Gòn: Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), Tạ Phong Tần, Tuấn Khanh, Song Chi, Lynh Bacardi, Bùi Chát, Uyên Vũ, Huỳnh Công Thuận, Thiên Sầu, Phan Thanh Hải (Anh Ba Sài Gòn), Kim Duy… Ở Hà Nội, tôi nhớ nhất bài viết của nhà văn Trang Hạ kể chuyện chị bị bắt.
Có một hiện tượng mà tôi cho rằng lịch sử văn học Việt Nam cần ghi nhận. Đó là sự bùng nổ văn thơ chống Trung Quốc (tất nhiên không do nhà nước chỉ đạo) chuyên đề Hoàng Sa – Trường Sa với những ngôn ngữ chưa từng có trong văn học Việt Nam, đa phần được phổ biến trên hai trang mạng tienve.org và damau.org.
Phong trào văn chương này vẫn còn đang tiếp tục đến nay. Nó khác hẳn với loại văn chương yêu nước chung chung xưa nay vốn thiếu cái trực diện nồng nhiệt, máu me của tính thời sự.
Năm 2011
Nếu năm 2007 các cuộc biểu tình thường gắn với văn nghệ sĩ và sinh viên học sinh, thì năm 2011, lại là sự đóng góp nòng cốt của “nhân sĩ, trí thức” với các vị như Huệ Chi, Nguyễn Quang A, Nguyên Ngọc, Chu Hảo, Phạm Xuân Nguyên… ở Hà Nội.
Ở Sài Gòn, ngoài cụ Nguyễn Đình Đầu, giáo sư Tương Lai là sự trỗi dậy ngoạn mục của quí vị trong phong trào sinh viên tranh đấu ở Miền Nam trước 1975 với các ông Lê Hiếu Đằng, Huỳnh Tấn Mẫm, Cao Lập, Huỳnh Kim Báu, Lê Công Giàu, Hạ Đình Nguyên…
Ngày 5/6 biểu tình lớn xảy ra ở Hà Nội và Sài Gòn mở đầu cho một đợt đấu tranh mới. Sài Gòn nổ được 2 lần chính thức, Hà Nội kéo dài được đến lần thứ 10 liên tiếp mỗi chủ nhật. Công đầu thuộc về “Nhật Ký yêu nước” đã phát động kêu gọi.
Mỗi cuộc biểu tình đều có một số người bị bắt và đôi khi bị đánh. Hình ảnh Nguyễn Chí Đức bị đạp vào mặt tiêu biểu cho cách hành xử của nhà nước đối với công dân biểu thị lòng yêu nước của mình.
Tôi cũng như nhiều người khác có dính dáng đến biểu tình đều bị an ninh canh cửa hoặc mời đi uống cà phê ngày cuối tuần.
Ấn tượng đặc biệt của tôi từ các cuộc biểu tình là sự hình thành của 2 nhóm No-U Sài Gòn và Hà Nội. Họ có tinh thần tương trợ, đoàn kết và yêu thương, thể hiện một thái độ chính trị dứt khoát, mạnh mẽ.
Tôi cũng đặc biệt ngưỡng mộ các chị Bùi Hằng, Mẹ Nấm, Nguyễn Hoàng Vi, Huỳnh Thục Vy, Phan Thị Lan Phương, Trịnh Kim Tiến… các anh Nguyễn Chí Đức, Người Buôn Gió…
Năm 2012
Lại cũng “Nhật ký yêu nước” ra lời kêu gọi biểu tình ngày 9/12 trước các hành động leo thang lấn chiếm Biển Đông của Trung Quốc như hộ chiếu in hình lưỡi bò, cắt cáp tàu Bình Minh, kiểm soát tàu bè từ 2013… nhưng chỉ ở Hà Nội.
Sài Gòn lên tiếng. Năm ông Huỳnh Tấn Mẫm, Tương Lai, Hồ Ngọc Nhuận, Lê Hiếu Đằng và Lê Công Giàu đã ký tên ngày 7/12/2012 (thay mặt cho 42 nhân sĩ trí thức đã từng kiến nghị tổ chức biểu tình chống Trung Quốc vào tháng 7/2012) trên một Thông báo kêu gọi mít tinh tại Nhà hát Thành phố cũng vào ngày 9/12.
Sự kiện đặc biệt ở chỗ, đây là lần đầu tiên, biểu tình có danh xưng người tổ chức chính thức. Một bước tiến bộ lớn trong sinh hoạt chính trị của người dân.
Báo chí quốc tế và lề dân đều đã có thông tin về hai cuộc biểu tình này.
Ở đây, tôi muốn nói đến một số chi tiết khác. Tại sao chỉ có một ông Huỳnh Tấn Mẫm trong số 5 năm ông ký tên tổ chức mít tinh có mặt tại hiện trường?
Ngày 9/12, hầu như tất cả các ông đều bị khoảng 10 công an canh cửa không cho ra khỏi nhà. Các ông/bà khác trong số 42 người như Cao Lập, Phạm Đình Trọng, Tuấn Khanh… cũng bị canh cửa.
Đỗ Trung Quân bị giữ. Huỳnh Ngọc Chênh uống cà phê với tôi ở khu vực trung tâm bị phát hiện bởi an ninh theo tôi và canh trước cửa quán. PA 25 gọi sẽ đến chỗ tôi cùng cà phê, buộc tôi phải về. Anh Chênh sau đó cũng được ưu ái áp tải về nhà. Còn nhiều người khác tôi chưa biết cụ thể.
Yêu nước quả thật không đơn giản. Nhưng dù thế nào, sự kiện 9/12 đã đánh dấu một cuộc vận động mới mang tính nội tại thể hiện sức sống dân tộc, tách rời ý chí áp đặt của chính quyền.