Minh Việt (Danlambao) - Nếu bạn ở Việt Nam, đang vượt tường lửa để đọc những dòng này, chính là bạn đang thực hiện hành vi phản kháng bất bạo động.
Nếu bạn ở Việt Nam, đang giới thiệu với bạn bè và người thân những thông tin mà chỉ có báo ”lề Dân” đăng, và giúp nhau vào các trang bị tường lửa ngăn cản như vầy, bạn đang phản kháng bất bạo động.
Nếu bạn ở Việt Nam, đang lên tiếng thông qua những bài viết, những trang blog, những kiến nghị, những tuyên bố, chống lại những áp bức, bất công, nêu lên những giả dối, đưa ra những phản biện chống lại những chính sách, hành vi không đúng của những nhân viên, quan chức chính phủ, một cách hòa bình nhưng mạnh mẽ và dứt khoát, bạn đang phản kháng bất bạo động.
Còn rất nhiều những ví dụ khác.
Phản kháng bất bạo động được diễn dịch đơn giản là những hành động một cách phi bạo lực nhằm xóa bỏ những bất công trong xã hội (chứ không phải để tiêu diệt hay đàn áp những cá nhân, cho dù đó là người thi hành).
Và do đó, những hành vi phi bạo lực của những cá nhân giúp chống lại những những cấm đoán phi lý của chính quyền được xem là những phản kháng bất bạo lực.
Chúng ta đã và đang (dù đôi khi một cách vô tình) thực hiện những phản kháng bất bạo động này và chúng ta đã và đang chiến thắng.
Kể từ khi đảng cộng sản cưỡng chiếm miền Nam và cai trị toàn thể đất nước Việt Nam, những phản kháng bất bạo động đã được thực hiện liên tục và từng bước đẩy chính quyền vào thế nhượng bộ, và cuối cùng phải chấp nhận.
Về mặt kinh tế, sự áp đặt đường lối kinh tế tập trung ngặt nghèo đã đem đất nước đến bờ vực thẳm. Trong suốt thời gian này, những phản kháng bất bạo động thể hiện qua những khoán chui, những hành động buôn lậu, những kiến nghị đổi mới. Những áp lực đã khiến đảng cộng sản nhượng bộ và chấp nhận đường lối kinh tế thị trường, nhưng vẫn theo định hướng xã hội chủ nghĩa với vai trò nòng cốt của các công ty nhà nước. Cuộc đấu tranh nhằm đưa nền kinh tế chuyển hẳn về kinh tế thị trường với các doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò nòng cốt vẫn đang tiếp diễn.
Về mặt văn hóa, sau năm 1975, các ca sỹ, nhạc sỹ của miền Nam bị cấm biểu diễn, các nhạc phẩm bị cấm phổ biến. Tuy nhiên, các ca khúc của miền Nam vẫn được phổ biến theo cách này hay cách khác, thông qua những anh bán kem dạo, những băng đĩa chui... Các ca sỹ vẫn đi hát những bản nhạc cũ tại các tụ điểm âm nhạc. ”Sự phá rào” ở đây hay còn gọi là những phản kháng bất bạo động cuối cùng buộc đảng cộng sản chấp nhận sự thật rằng không thể cấm những bản nhạc này, họ buộc phải đồng ý.
Về mặt chính trị, nếu cách đây 30 năm, những bài viết chống lại chính sách hay chính quyền, tác giả có thể bị ở tù và quy kết cho những tội danh rất nặng. Sự sợ hãi đã bao trùm trong một thời gian rất dài. Ngày nay, sự sợ hãi đang giảm đi, nhường chỗ cho lòng dũng cảm. Số người thể hiện ý kiến nhiều hơn, viết nhiều đề tài nhạy cảm hơn. Tiếng nói của người dân thể hiện qua báo chí cả chính thống và không chính thống ngày càng mạnh mẽ hơn. Điển hình là những áp lực đã khiến quy định phạt xe chính chủ phải ngừng lại ngay lập tức.
Giờ đây, phong trào phản kháng đang đi những bước quyết liệt tiến tới đang đòi quyền tự do báo chí và tự do biểu tình. Chúng ta đã đi những bước đầu tiên và đang làm chính quyền lúng túng. Chính phủ đang kêu gọi những nhân viên không xem báo ”lề Dân”, nhưng khi chính những nhân viên chính phủ vượt tường lửa để xem báo lề Dân, họ đang thực hiện những phản kháng bất bạo lực chống lại những quy định sai trái của chính phủ. Khi chính phủ ra những quy định nhằm dẹp tan và kiểm soát các báo lề Dân, chúng ta bằng mọi cách duy trì báo lề Dân và cố gắng lên tiếng bảo vệ mọi bất công trong xã hội, chúng ta đang phản kháng bất bạo lực chống lại những quy định sai trái này.
Một bên là những sai trái: không tự do báo chí, tự do biểu tình, tự do lập hội, tự do bầu cử, từng bước một chúng ta sẽ cùng nhau thực hiện những phản kháng bất bạo động, một cách hòa bình nhưng kiên quyết và mạnh mẽ, nhằm đem lại công bằng cho xã hội. Chúng ta không nhằm tấn công ai, chúng ta chỉ nhằm thay đổi xã hội.
Chậm nhưng chắc. Sự thật và công lý đang đứng về phía chúng ta.