Ts Tô Văn Trường (NLĐ) - Việc vay vốn ODA để đầu tư các công trình điện nếu không được tính toán kỹ lưỡng thì con cháu của chúng ta có nguy cơ phải “còng lưng” làm để trả nợ.
Công luận đang xôn xao trước thông tin theo hạch toán, năm 2012, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lãi khoảng 4.000 tỉ đồng nhưng tổng lỗ năm 2010 và 2011 cộng lại là 11.000 tỉ đồng; phần lãi của năm nay sẽ bù lỗ 3.500 tỉ đồng cho năm trước; bởi vậy, phải tiếp tục tăng giá điện lên 5%. Có thể hiểu rằng việc tăng giá điện là qua quá trình tính toán chi tiết và cân nhắc của EVN trước khi đề xuất các bộ liên quan và Chính phủ phê duyệt.
Còn độc quyền thì còn tùy tiện
Kêu ca của người tiêu dùng, giải thích của EVN - ai cũng có lý cả. Có điều dễ thấy rõ là với mô hình doanh nghiệp Nhà nước nói chung thì cứ mập mờ vai trò kinh doanh (để giải thích về tính tự chủ của doanh nghiệp khi có vẻ đang thắng thế và chi tiêu quá tay) của một doanh nghiệp với vai trò xã hội (để giải thích khi làm ăn thất bát). Riêng một số tập đoàn (như EVN) thì còn độc quyền sẽ còn sự tùy tiện và khi không có cạnh tranh thì khó nói tới hiệu quả.
Đứng về góc độ người tiêu dùng, việc tăng giá điện tại thời điểm cận Tết Nguyên đán là gây khó khăn thêm cho người dân, bởi vì gần cả năm qua, họ đã quá chật vật với tình hình kinh tế khó khăn; nhiều người bị thất nghiệp, đồng lương thực tế giảm do vật giá leo thang hằng ngày…
Công nhân thuộc EVN cải tạo lưới điện trên đường Lý Thái Tổ,
quận 10 - TPHCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Dưới góc độ khoa học, có thể thấy cách tính hạch toán của EVN không giống ai vì lãi của một năm sao lại để trả cho các năm lỗ trước đây? Lãi cần được tích tụ trong một số năm để trả dần nợ ngân hàng nếu lỗ thật. Nếu giá điện không tăng thì năm sau lại có thể lãi 4.000 tỉ đồng nữa, nếu trả hết nợ rồi thì có giảm giá điện không? Phân tích, đối chiếu với biểu đồ so sánh giữa đường tăng trưởng về điện thì rất trớ trêu là chẳng có tương quan gì đến đường biểu thị tăng trưởng kinh tế từ năm 2000 đến 2009!
Hiệu quả năng lượng thấp
Điện chỉ là một trong các thành phần của năng lượng, bên cạnh dầu, khí, than. Một trong những chỉ số để đánh giá mức hiệu quả năng lượng là cường độ năng lượng (CĐNL), tính bằng lượng năng lượng cần thiết để sản sinh ra một đơn vị GDP. Năm 2006, CĐNL của Việt Nam là 5.938 KWh/1.000 USD, hơn gấp đôi so với trung bình thế giới là 2.920 KWh/1.000 USD.
Trong các nước phát triển thì Nhật Bản đứng đầu về hiệu quả năng lượng với CĐNL năm 2006 là 1.280 KWh/1.000 USD; tức hiệu quả năng lượng của Nhật gấp 4,6 lần của Việt Nam (tính từ số liệu của U.S Energy Information Administration 2009). Thực ra, điều đáng lo hơn là theo số liệu của Bộ Công Thương, CĐNL của Việt Nam lại có khuynh hướng tăng lên chứ không giảm xuống. Một trong những biện pháp làm giảm CĐNL của quốc gia chính là tiết kiệm điện.
Hiện tại, giá điện của Việt Nam thấp hơn giá điện của các nước trong khu vực nhưng lại không theo sự điều tiết của thị trường đầy đủ. Điều này gây khó khăn cho công việc tái đầu tư các dự án nguồn và lưới điện, không khuyến khích được các nhà đầu tư đầu tư các công trình năng lượng tái tạo (như năng lượng gió, pin mặt trời...) Năm 2012 là năm tương đối khó khăn của ngành điện trong việc thu xếp vốn cho các dự án nguồn và lưới điện. Việc vay vốn ODA để đầu tư các công trình điện nếu không được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng và đầy đủ thì con cháu của chúng ta có nguy cơ phải “còng lưng” làm để trả nợ!
Giá các sản phẩm độc quyền (điện, xăng, than) của Việt Nam hiện đang thuộc loại thấp nhất thế giới, do đó gây ra nhiều vấn đề, điển hình là: Khuyến khích sử dụng điện quá mức (sản xuất thép, xi măng giá điện rẻ); không khuyến khích đầu tư; phí phạm ngân sách rất lớn vì bù lỗ và cho phép các công ty độc quyền này đầu tư ngoài ngành hoặc phá hoại tài nguyên thiên nhiên như khai thác loạn thủy điện... Theo tính toán của chuyên gia Vũ Quang Việt, để sử dụng điện tạo ra 1 USD GDP thì Việt Nam tốn gấp 3-4 lần so với Philippines, Singapore và cao hơn nữa so với Úc. Không những thế, mức độ tốn kém ngày càng tăng và hệ số dùng cao nhất châu Á.
Đừng để EVN phù phép làm giàu
Chính phủ cần kiểm soát giá sản phẩm mang tính độc quyền bằng các chính sách vi mô nhằm bảo vệ người tiêu dùng; không cho phép doanh nghiệp phù phép làm giàu, đồng thời, không cản trở sự vận hành hữu hiệu của doanh nghiệp và nền kinh tế. Gọi là chính sách vì nó đặt ra khung pháp lý để các việc điều chỉnh giá tự vận hành mà không cần đến sự chỉ đạo hay can thiệp trực tiếp, tùy tiện của cơ quan Nhà nước. Để việc điều chỉnh giá không bị can thiệp chính trị, các nước trên thế giới đều phải dựa vào một ủy ban chuyên gia họp định kỳ, quyết định giá, bằng việc áp dụng công thức dựa trên cơ sở kỹ thuật.
EVN tiếp tục muốn độc quyền nhưng lại không muốn bị kiểm soát, để họ có thể đem tiền đầu tư ra ngoài ngành. Người dân thì chỉ muốn giá rẻ. Có nhiều biện pháp giải quyết vấn đề năng lượng, hoặc là tăng cung hoặc là giảm cầu bằng cách tăng hiệu năng. Cầu khó giảm và hiệu năng khó tăng nếu như giá năng lượng rẻ như hiện nay.
Điều này chưa được phân tích kỹ lưỡng ở Việt Nam vì không thấy nơi nào cung cấp đủ số liệu đáng tin cậy. Nhưng cách tính của EVN như nói ở trên thì chẳng khác nào đời cha đi đánh bạc thua, bắt đời con trả nợ vậy. Công ty Nhà nước nào cũng làm vậy thì toàn dân phải oằn lưng làm trả nợ cho các tập đoàn, tổng công ty và cả các ngân hàng thương mại quốc doanh, không biết đời kiếp nào mới hết nợ.
Trên công luận, các chuyên gia, người dân góp ý, hiến kế đã nhiều. Chính phủ và EVN cần nghiên cứu tiếp thu đưa ra giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Có thể còn nhiều biến số ẩn chưa được rõ. Giá điện thấp thì không khuyến khích đầu tư sẽ dẫn đến thiếu điện, giá cao thì lại quá sức chịu đựng của người dân và ảnh hưởng đến nhiều thứ vì điện cũng là một loại hàng hóa đặc biệt. Đương nhiên, cũng khó chấp nhận cung cách điều hành giật cục không chỉ của EVN mà của nhiều ngành khác.
“Bóng ma” thuế, phí
Nhìn vào bức tranh tổng thể là ngân sách không đủ chi
nhiều khoản, người dân lại lo lắng giá đủ thứ mặt hàng sẽ tăng và “đẻ”
thêm các loại phí giao thông để bù lại. Hiện nay, nhiều địa phương đang
gặp khó khăn về tiền trả lương cho cán bộ phường, xã do doanh nghiệp
đóng cửa, bà con tiểu thương làm ăn không có lãi và hầu như không thu
được phí trước bạ chuyển nhượng đất đai. Liệu sẽ còn nhiều loại phí khác
ra đời trong năm 2013 theo hướng này?
|
Lời thì hưởng, lỗ bắt dân chịu!
Hầu hết bạn đọc rất bức xúc trước việc tăng giá điện.
Tình hình kinh tế đang khó khăn, hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa, thất
nghiệp ngày càng nhiều, sức mua của thị trường giảm mà tăng giá điện thì
rất khổ cho người dân.
Bạn đọc Lê Bằng phân tích: “Hiện nay, các doanh
nghiệp đang đau đầu về việc tăng lương định kỳ cho công nhân. Hàng hóa
thì tồn kho, nợ đọng ngân hàng chưa trả hết... TPHCM và các tỉnh có KCN
đang vận động chủ nhà trọ không tăng giá nhà trọ cho công nhân vậy mà
ngành điện lưc lại tăng giá. Ngành điện đang có lãi lớn, lương của ngành
điện cao thì hãy nghĩ cho người dân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ một
chút đi”.
Bạn đọc Sao Mai bày tỏ: “Lương chưa kịp tăng, giá
điện lại tăng rồi. Ngành điện lấy cớ gì để tăng giá bán điện trong lúc
này, trong khi ngành này hoạt động bằng nguồn lợi thiên nhiên sẵn có.
Nhiều năm qua, hàng loạt dự án phá rừng làm thủy điện thì ai hưởng lợi
chứ người dân luôn chịu thua thiệt vì phải mua điện theo giá bán tùy
hứng của ngành điện. “Ông” giao thông thu phí, “ông” điện lực tăng giá,
vật giá sẽ ồ ạt tăng theo, làm sao ngăn chặn được lạm phát”.
Trước lý lẽ của ngành điện là tăng giá để trả nợ cho
những năm trước, bạn đọc Lê An cho biết: “Thật là phi lý. Tại sao người
dân phải gánh chịu khoản bù lỗ ở những năm trước do EVN đầu tư chứng
khoán, bất động sản? Nếu đầu tư sai dẫn đến thua lỗ thì lãnh đạo EVN
phải móc tiền túi ra mà đền, thậm chí phải bị truy cứu trách nhiệm. Kinh
doanh bị lỗ thì không được phép bắt người dân - cũng là khách hàng gánh
nợ cho EVN? Đó là điều không thể chấp nhận”.
Bạn đọc Trương Văn Quận dẫn chứng thêm: “Đâu chỉ có
giá điện tăng mà còn các thứ khác cũng tăng theo. Lập luận như Bộ Công
Thương và EVN là tăng giá điện, người dân không bị tác động lớn trong
sinh hoạt, chỉ có chịu thêm mỗi tháng vài chục ngàn thì chúng tôi nói
thẳng rằng các ông nói “bừa” và bất chấp nỗi khổ của người dân. Chỉ có
kinh doanh theo kiểu độc quyền Nhà nước mới có chuyện này”.
Phạm Hồ
|