"Hãy nói điều người dân muốn nghe!" - Dân Làm Báo

"Hãy nói điều người dân muốn nghe!"

Lưu Thủy (Kienthuc.net.vn)Trả lời chất vấn không phải chỉ là trả lời đại biểu, mà là trả lời nhân dân, trả lời cái mà hơn 80 triệu dân muốn nghe. Xảy ra sai phạm gây thất thoát về kinh tế, Chính phủ bảo sẽ bù, Chính phủ lấy tiền đâu ra mà bù, chính phủ đâu có tiền. Tiền đó là của nhân dân đấy chứ, còn Nhà nước với Chính phủ chỉ là người giữ tiền cho nhân dân thôi. Nên hậu quả khi sai phạm xảy ra rõ ràng nhân dân là người phải gánh chịu... - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.

*

“Cần nói điều mà nhân dân đang quan tâm, chứ không phải nói về vấn đề mà Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội muốn nói. Hãy nói điều người dân muốn nghe. Khi người dân muốn biết, cần biết thì phải cho dân biết”, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (nguyên đại biểu Quốc hội khóa VIII, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, nguyên Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Cựu chiến binh Việt Nam) khẳng định.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước 
Nhận xét về phiên họp Quốc hội nghe trả lời chất vấn vừa qua, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng: “Theo dõi phiên chất vấn Quốc hội vừa qua tôi thấy có cái được và cũng có cái chưa được. Nhiều khóa trước, lúc tôi đang là đại biểu Quốc hội, cũng có người nói là Quốc hội họp lần này rất được nhưng rồi cuối cùng làm thì chẳng được. 

Cho nên quan trọng nhất là nói rồi nhưng các phải làm như thế nào. Chứ nói để cho xong, trả lời chất vấn xong coi như thoát nạn thì đó là thất bại. Thất bại ở đây có nghĩa là ý nguyện, mong muốn của người dân bị thất bại. 

Người dân muốn tổ chức cơ quan chính quyền nhà nước có sai thì phải sửa. Người dân yêu cầu sửa chứ không phải yêu cầu nhận. Nhận mà không sửa thì còn “hư” hơn là không nhận. Không nhận tức là không biết để mà nhận, chứ nhận, tức là đã biết sai rồi mà không sửa, thì cái này còn tệ hại hơn”.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước bày tỏ: “Nguy hiểm nhất là nếu cứ “sai-nhận-sai-nhận” như vậy mãi lâu ngày sẽ thành cái vết, dân thì cứ tiếp tục phê phán, nhà nước thì cứ nhận, nhưng rồi cuối cùng đâu lại vào đấy, nó sẽ thành căn bệnh kinh niên. Mà đã rơi vào kinh niên thì cực kì nguy hiểm. Khi đó nó đã thành bản chất, mà đã là bản chất thì rất khó sửa đổi. 

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước khẳng định: “Trả lời chất vấn không phải chỉ là trả lời đại biểu, mà là trả lời nhân dân, trả lời cái mà hơn 80 triệu dân muốn nghe. Xảy ra sai phạm gây thất thoát về kinh tế, Chính phủ bảo sẽ bù, Chính phủ lấy tiền đâu ra mà bù, chính phủ đâu có tiền. Tiền đó là của nhân dân đấy chứ, còn Nhà nước với Chính phủ chỉ là người giữ tiền cho nhân dân thôi. Nên hậu quả khi sai phạm xảy ra rõ ràng nhân dân là người phải gánh chịu. 

Tôi cho rằng, trong phiên chất vấn Quốc hội vừa qua còn có những vấn đề thực sự chưa sòng phẳng từ phía cơ quan điều hành Quốc hội, điều hành cuộc họp. Một buổi Thủ tướng nói chưa hết thì thêm cho một ngày nữa Thủ tướng nói cho dân thỏa mãn. Một ngày mà dân thỏa mãn thì bằng mười mấy ngày ngồi họp bàn với nhau trên hội trường mà dân người ta không quan tâm gì cả”. 

“Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội cần nói điều mà nhân dân đang quan tâm, chứ không phải nói về vấn đề mà Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội muốn nói. Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Nói đến công khai và minh bạch là nói đến minh bạch, công khai với dân. Người dân muốn biết, cần biết thì phải cho dân biết”, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhấn mạnh. 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo