Phương Bích - Nói mở mắt ra là nghe thấy cưỡng chế thì quả có hơi ngoa. Nhưng sự thực bây giờ nghe thấy cái từ đấy hơi bị nhiều. Phường phường cưỡng chế, huyện huyện cưỡng chế. Cứ đà nở rộ thế này, không khéo năm nay sẽ được gọi là năm cưỡng chế mất. Chả gì trên mạng người ta bình chọn nhân vật của năm 2012 là dân oan đấy thây.
Trước thì người ta thường hình dung cưỡng chế đi liền với tội phạm, nhưng bây giờ cưỡng chế phát triển mạnh sang lĩnh vực kinh tế. Nhiều nhất là cưỡng chế trong việc tranh chấp giữa người dân với doanh nghiệp. Trong những vụ cưỡng chế kiểu này, chưa vụ nào thấy doanh nghiệp bị cưỡng chế.
Người ta có quyền nghi ngờ động cơ đằng sau việc cưỡng chế như vậy. Chuyện phá nhà cũ, xây nhà mới, phá chợ cũ, xây chợ mới, phá đường cũ, xây đường mới, tất tật đều có lợi cả. Nhưng vấn đề là cái lợi ấy nó chia không đều, thành ra mới nảy sinh tranh chấp, khiếu nại... Vấn đề ở chỗ chả ai thèm hỏi han ý kiến cái thằng dân cả, chỉ bố thí cho một mẩu vụn trong cái bánh lợi nhuận ấy thì làm gì thằng dân chả giãy nảy lên hỏi, phân lớn cái bánh ấy đi đâu?
Vâng! Người ta có quyền nghi ngờ doanh nghiệp hối lộ chính quyền bằng phần lớn cái bánh ấy, nên chính quyền mới kiên quyết cưỡng chế, bắt thằng dân phải cho thằng doanh nghiệp có đất mà làm ăn sinh lời. Chứ làm sao mấy ông bên chính quyền là dân làm công ăn lương ngân sách, kiếm ở đâu ra mà giàu nhanh thế? Trong thiên hạ người ta vẫn xì xào về chuyện mỗi một dự án, từ ông to đến ông bé đều không được căn hộ thì cũng ki ốt hay tiền mặt. Chỉ khổ cái thằng lính đi cưỡng chế, được mỗi tiền bồi dưỡng, lại còn bị mang tiếng ác là ra tay với dân.
Lan man một tý, tôi không nhớ đọc ở đâu một bài viết, phân tích khá hay về chuyện tham nhũng. Tham nhũng có ở nhiều dạng. Tôi chỉ để ý cái mà bài viết ấy nói về một dang mà không mấy người nhìn thấy, đó là dạng tham nhũng quy mô ở nhóm (hay cấp) quy hoạch. To thì quy hoạch vùng chiến lược, ví như hồi có đề xuất xây trung tâm hành chính quốc gia ở Ba Vì chẳng hạn. Lập tức các nhà đầu tư đổ tiền vào mua đất Ba Vì. Cái đất đồi núi khỉ ho cò gáy, có lẽ chỉ hợp với du lịch sinh thái bỗng chốc đắt như tôm tươi. Sau này đề xuất đó bị phản đối kịch liệt, không thực thi được, thế là các nhà đầu tư chết vật. (cả chuyện đầu tư nhà hàng, khách sạn dọc trục đại lộ Thăng Long dẫn đến khu hành chính ấy cũng chết vật theo thì phải)
Cấp thấp hơn thì chỉ cần một ý tưởng đưa ra, như nắn con đường cong đi một tý tránh giải tỏa nhà ông này, hay vẹo đi một tý cho nhà ông kia ra mặt đường cho dù nó có vô lý đến mấy (kiểu thắt nút cổ chai chẳng hạn) cũng là chuyện hoàn toàn có thể tin được (mà chắc là có, vì cái vô lý đó có thể kiểm tra bằng mắt thường được).
Ông giời cũng đỏng đảnh. Cứ bảo giời có mắt nhưng cứ lúc có lúc không thế này, khổ dân đen quá. Ở đời cái gì thuận cũng đem lại thái bình. Không thuận thì sinh ra loạn lạc. Cứ cưỡng chế liên miên thế này, dân không oán, không chửi, không phản kháng mới là lạ. Mới đây cưỡng chế chợ dân sinh Thanh Ấm, Hà Tây cũ, dân còn đem trống ra đánh để phản đối. Xem đấy nhé, mở đầu là tiếng súng Tiên Lãng. Tiếp đến là gạch đá Đông Triều. Nữa là tiếng trống Thanh Ấm vang lừng. Tiếp đến sẽ là gì đây? Không lẽ cứ chĩa súng vào dân mãi sao?
Phương Bích