Người Việt kêu gọi biểu tình chống Trung Quốc vào Chủ nhật 09/12 - Dân Làm Báo

Người Việt kêu gọi biểu tình chống Trung Quốc vào Chủ nhật 09/12

"Phía công an thường hay nói những cuộc biểu tình như thế bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng. Tất nhiên không có bất kỳ lực lượng nào lợi dụng cả. Mình sẽ có nhiều lập luận để phản bác lại họ, vì những cuộc biểu tình đơn giản là xuất phát từ lòng yêu nước, lo lắng cho đất nước khi người Trung Quốc ngày càng hống hách. Theo em tất cả mọi người đều có quyền biểu hiện lòng yêu nước của mình, mỗi người có cách riêng và biểu tình là một cách như thế..." - Từ Anh Tú

"Họ cứ cho chúng tôi gây rối. Nhưng với đám đông hằng trăm người như thế không thể gọi là gây rối được. Gấy rối chỉ là những sự vụ nhỏ lẻ, một vài người thôi. Chúng tôi sẳn sàng, kể cả họ bắt đi nữa... Họ cứ bắt đưa chúng tôi ra chỗ khác, giữ một ngày. Họ khủng bố tinh thần cho những người khác nhìn vào; thế nhưng những người trong đó không hề run sợ. Họ còn đấu lý với những người mặc quân phục công an. Tôi nghĩ lần này mình phải cương quyết hơn..." - Blogger Phương Bích

*

Gia Minh (biên tập viên RFA, Bangkok) - Lại có kêu gọi biểu tình tại Hà Nội vào ngày chủ nhật 09 tháng 12 tới đây. Mục đích chống những hành động gây hấn gần đây của Trung Quốc tại Biển Đông đối với Việt Nam. Phản ứng đối với lời kêu gọi đó thế nào? Và ý kiến liên quan vấn đề bảo vệ chủ quyền đất nước của Việt Nam ra sao? 


Giới trẻ Hà Nội trong một lần biểu tình chống Trung Quốc - ảnh AFP 

Tham gia 

Kêu gọi vừa nêu được một số trang mạng đưa ra vào ngày 6 tháng 12. Nội dung chính nhắc lại những hành động gần đây của Trung Quốc nhất là vụ việc hồi ngày 30 tháng 11 khi tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam bị tàu của phía Trung Quốc cắt đứt cáp. Đây là lần thứ hai tàu này bị Trung Quốc cắt cáp trong vòng 18 tháng qua. 

Kêu gọi cho rằng từ năm 1956 đến nay, Trung Quốc liên tục có những hành động xâm phạm bờ cõi của Việt Nam. Gần đây sự việc càng thêm nghiêm trọng, nên người dân không thể ngồi yên.

Sau khi có lời kêu gọi trên mạng như thế, một số người từng tham gia trong những cuộc biểu tình chống Trung Quốc hồi năm ngoái cũng như năm nay ở Hà Nội lên tiếng cho biết lần này họ cũng sẽ tham gia.

Tàu TQ cắt cáp tàu Bình Minh 02 hôm 30 tháng 11, 2012. Source petrotimes 

Thanh niên Từ Anh Tú, hiện sinh sống ở Bắc Giang, cho biết ý định đó như sau:

Theo em rất có thể chủ nhật này có cuộc biểu tình diễn ra. Em có xem trên mạng, và em chắc sẽ tham gia để phản đối hành động của Trung Quốc. 

Blogger Phương Bích sống tại Hà Nội cũng bày tỏ ủng hộ đối với kêu gọi mà bà đọc được trên mạng, cũng như sẽ tham gia: 

Ở đây bao giờ người ta lên đường ra biểu tình tôi đều ủng hộ. Dù thế nào, tôi không bao giờ từ chối việc đi biểu tinh chống Trung Quốc cả. 

Ở thành phố Sài Gòn chưa có kêu gọi biểu tình; nhưng ông Lê Hiếu Đằng, nguyên phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh, một người ký tên trong kiến nghị hồi tháng 7 năm nay gửi UBND đề nghị cho tổ chức biểu tình chống Trung Quốc, cho biết những người như ông cũng có hành động để biểu tỏ bất bình với những hành động của Trung Quốc gây hấn tại Biển Đông: 

Vấn đề ở đây là cần phải có thái độ nhân dân để phản ứng lại những hành động ngang ngược và gây hấn của Trung Quốc. Hà Nội chuẩn bị biểu tình, còn thành phố Hồ chí Minh trong những ngày tới anh sẽ biết thôi.

Mẫu hộ chiếu mới của Trung Quốc có in đường lưỡi bò mà họ đòi hỏi trên Biển Đông. Source báo TQ/peopledaily 

Chống ngăn cản 

Tại Hà Nội hồi mùa hè năm ngoái, những cuộc biểu tình chống Trung Quốc kéo dài được 11 tuần lễ và sau đó bị cơ quan chức năng ngăn lại. Có người tham gia biểu tình bị bắt giữ với lý do gây rối trật tự công cọng. 

Đối với việc ngăn cản biểu tình như thế, thanh niên Từ Anh Tú có ý kiến:

Phía công an thường hay nói những cuộc biểu tình như thế bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng. Tất nhiên không có bất kỳ lực lượng nào lợi dụng cả. Mình sẽ có nhiều lập luận để phản bác lại họ, vì những cuộc biểu tình đơn giản là xuất phát từ lòng yêu nước, lo lắng cho đất nước khi người Trung Quốc ngày càng hống hách. Theo em tất cả mọi người đều có quyền biểu hiện lòng yêu nước của mình, mỗi người có cách riêng và biểu tình là một cách như thế. 

Blogger Phương Bích cũng trình bày lại hành xử của cơ quan chức năng đối với những người biểu tình chống Trung Quốc hồi mùa hè năm ngoái cũng như hồi tháng 8 năm nay như sau: 

Họ cứ cho chúng tôi gây rối. Nhưng với đám đông hằng trăm người như thế không thể gọi là gây rối được. Gấy rối chỉ là những sự vụ nhỏ lẻ, một vài người thôi.

Chúng tôi sẳn sàng, kể cả họ bắt đi nữa. Nhưng lần nào cũng thế họ chỉ làm theo kiểu lấy lệ thôi. Họ nắn gân những người không đủ lý lẽ, không hiểu biết và sợ hãi. 

Nhưng thực tế tôi thấy như hồi ngày 5 tháng 8 lúc họ đưa chúng tôi vào trại Lộc Hà, họ làm rất chiếu lệ. Họ chẳng nói chuyện với chúng tôi, mà chỉ ngồi nói chuyện vui thôi. Khi chúng tôi ra về thì họ tự biên tự diễn đưa ra cái gọi là 'xử phạt hành chính'.

Có điều tôi nhận thấy là các cháu thanh niên, nhỏ có những lý lẽ rất sắc bén. Chúng tôi rất mừng là họ có nhận thức về vấn đề đó hơn cả những người lớn tuổi hơn chúng tôi nữa. 

Chúng tôi chẳng quan ngại gì về chuyện đó. Họ cứ bắt đưa chúng tôi ra chỗ khác, giữ một ngày. Họ khủng bố tinh thần cho những người khác nhìn vào; thế nhưng những người trong đó không hề run sợ. Họ còn đấu lý với những người mặc quân phục công an. Tôi nghĩ lần này mình phải cương quyết hơn.

Hàng chục ngàn tàu cá TQ từ Hải Nam đổ xuống Biển Đông đánh cá. Source Sina.com 

Bà này phân tích lý do vì sao chỉ tại Hà Nội và Sài Gòn mới có thể diễn ra một số vụ biểu tình chống Trung Quốc gây hấn, còn những tình thành khác thì chưa có thể: 

Ở Hà Nội, chính quyền người ta ít ra gần với giới trí thức hơn. Ở đây có các cơ quan sứ quán, các tổ chức quốc tế nên họ không dám làm mạnh. Nhưng ở các địa phương, 'luật rừng' ghê gớm lắm. Ngay cả ở thành phố Hồ Chí Minh, ở đó người ta bất chấp pháp luật nhiều hơn, dễ đàn áp hơn; nhưng tôi cho chưa đến thời điểm nên người dân chưa tích cực. 

Theo ông Lê Hiếu Đằng, hành động ngăn cản của cơ quan chức năng không để người dân tham gia biểu tình chống Trung Quốc gây hấn sẽ dẩn đến hậu quả bất lợi cho phía Nhà Nước mà thôi. Ông nói: Nếu họ càng đàn áp bắt bớ thì càng mất lòng dân thôi. 

Tàu Hải giám Trung Quốc tăng cường kiểm soát tuần tiểu trên biển Đông. Courtesy sinaimg.cn 

Trách nhiệm Nhà Nước 

Mới hôm ngày 4 tháng 12 vừa qua, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của chính quyền Hà Nội trong cuộc tiếp xúc với cử tri thành phố Hải Phòng lên tiếng nói rằng Việt Nam quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên theo một số người dân thì những phản ứng của chính quyền Việt Nam vừa qua trước các hành động như cắt cáp tàu Việt Nam, bắt bớ ngư dân Việt, cũng như ban hành lệnh khám xét tàu thuyền của nước ngoài tại khu vực Biển Đông mà ngư dân Việt Nam là đối tượng chính... chính quyền Hà Nội chưa có những biện pháp thích đáng. 

Nhiều người Việt Nam trong cũng như ngoài nước hiện rất bất bình trước những tin tức về hành động của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông. Đây là nơi mà Trung Quốc hồi năm 2009 trình cho Liên hiệp quốc bản đồ đường chín đoạn chiếm gần 80% khu vực biển này. Những người quan tâm tình hình bày tỏ mong muốn chính phủ phải dựa vào lòng dân trong tình hình hiện nay để đấu tranh với phía Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền biển đảo, cũng như sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

2012-12-06 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo