Nhật xuất kích tám máy bay chiến đấu đuổi máy bay Trung Quốc - Dân Làm Báo

Nhật xuất kích tám máy bay chiến đấu đuổi máy bay Trung Quốc

Nhật Bản: Căng thẳng từ trên biển đã lên đến trên không

Hùng Khương (SGTT.VN) - Ngoại trưởng Nhật Bản cho biết một máy bay của chính phủ Trung Quốc vào ngày 13.12 đã xâm nhập vào vùng mà Nhật Bản xem là không phận trên vùng quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Theo bộ quốc phòng Nhật Bản, vụ việc này khiến quân đội Nhật phải xuất kích tám máy bay F-15. Đây là lần đầu tiên trong năm nay máy bay Trung Quốc xâm phạm không phận trên vùng Senkaku/Điếu Ngư. Cùng ngày, cảnh sát biển Nhật Bản cho biết bốn tàu tuần tra của Trung Quốc cũng đã vào vùng. Tàu tuần tra Nhật Bản đã dùng loa yêu cầu các tàu Trung Quốc rời khỏi khu vực, nhưng tàu Trung Quốc đã phớt lờ các lời kêu gọi này. Gần đây nhất, vào ngày 11.12 hai tàu tuần tra Trung Quốc đã ngang nhiên tiến vào khu vực các đảo tranh chấp với bảng điện tử gắn trên tàu có nội dung yêu cầu người Nhật rút ngay khỏi vùng lãnh hải Trung Quốc.


Chiếc máy bay Trung Quốc này đã xâm nhập không phận quanh đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: Lực lượng Tuần duyên Nhật Bản. 

Quan hệ Nhật – Trung trở nên xấu đi sau khi Nhật Bản mua lại của tư nhân các đảo nhỏ ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. “Mặc cho các cảnh báo liên tục của chúng tôi, các tàu của chính phủ Trung Quốc vẫn tiến vào vùng lãnh hải của chúng tôi trong ba ngày liên tiếp”, người đứng đầu nội các Nhật Bản, ông Osama Fujimura cho báo giới biết. Tuy nhiên, Trung Quốc lại nói rằng các chuyến bay của máy bay Trung Quốc là hoàn toàn bình thường và yêu cầu Nhật Bản ngừng xâm phạm lãnh hải và không phận quanh các đảo nói trên.

Sự cố trên xảy ra chỉ vài ngày trước kỳ bầu cử hạ viện của Nhật Bản, mà đảng Dân chủ Tự Do (LDP) đang thắng thế, hứa hẹn sự trở lại nắm quyền của cựu thủ tướng Shinzo Abe. Là người có quan điểm cứng rắn đối với vấn đề tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, ông Shinzo Abe đã hứa sẽ tăng ngân sách quốc phòng, kể cả ngân sách cho tuần duyên, nếu trở lại ghế thủ tướng vào ngày 26.12. Trong khi đó, tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm đến khu vực châu Á trong tháng 11 đã kêu gọi lãnh đạo các nước trng khu vực này kiểm soát căng thẳng trong các vùng đang tranh chấp. Không đứng về phía nào giữa các bên tranh chấp, nhưng đã ký hiệp ước an ninh với Nhật Bản từ năm 1960, Mỹ khẳng định rằng sẽ trợ giúp Nhật Bản nếu nước này bị tấn công. 

Philippines cũng đang hướng đến khả năng tăng cường hợp tác quân sự với cả Mỹ và Nhật Bản để đối phó với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp biển đảo. Trả lời phỏng vấn báo Financial Time của Anh vài ngày trước, ngoại trưởng Philippines, ông Albert del Rosario mới đây nhấn mạnh trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, Philippines ủng hộ việc một Nhật Bản hiện đại hóa quân sự và trở thành một đối trọng với một Trung Quốc đang gia tăng phát triển quân sự. “Chúng tôi rất chào đón điều đó. Chúng tôi trông đợi các yếu tố cân bằng trong khu vực và Nhật bản có thể là một yếu tố cân bằng quan trọng”, ông Albert del Rosario phát biểu. Bộ trưởng Ngoại giao Philippines còn nói rằng, hơn hết trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc đất nước ông sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ từ Mỹ và Nhật Bản. Vào tháng 7.12, Philippines và Nhật Bản đã ký thoả thuận củng cố hợp tác quân sự.

HÙNG KHƯƠNG (TỔNG HỢP)


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo