Người lên núi Quyết khấn Quang Trung (1)
Người ra Phú Thọ vái vua Hùng (2)
Người đi Yên Tử cầu tiên đế (3)
Quê hương bây giờ như thế đó
Xương máu anh hùng đã thành tro
Đập vỡ gương xưa hồn Dân Tộc
Phá nát sơn hà lấp Tự Do!
Ai đó bây giờ tỏ tường chưa?
Một thời say máu những ngày xưa
Phí cả đời trai xây cỗ máy
Nghiến nát quê hương, tổ tiên bừa!
Ai đó đêm nằm nhớ Trường Sơn
Bên rừng sốt rét... đói từng cơn...
Một thuở say men lời gian dối
Nhìn nước non nay có căm hờn?
Đời nay hỏi có mấy ai vui?
Trẻ thơ chưa lớn phải ngậm ngùi
Xa trưởng, xa lớp, xa bạn cũ
Vì nghèo nên chữ nghĩa buông xuôi!
Ai không có lần đi bệnh viện
Mà lòng không đắng nỗi ưu phiền
Nước mắt lăn dài khi tiền thiếu
Lòng cầu mong được gặp “cô tiên”!
Mấy chục năm qua đã thấy gì?
Dân hiền nào có tội tình chi?
Nước Biển Đông rửa không hết tội
Rừng đâu còn đủ lá để ghi...
Thôi hãy buông đi chén Mao Đài
Lòng thành hối cãi, tỉnh cơn say
Quay về với nẻo đường Dân Tộc
Chớ để thiên thu oán hận hoài...
_____________________________
Chú thích (nguồn Wikipedia):
(1) Núi Quyết có diện tích 56 ha, nằm trong quần thể Lâm viên Núi Quyết có diện tích 160 ha, thuộc địa bàn phường Trung Đô, Thành phố Vinh, Nghệ An. Từ xa xưa Núi Quyết đã được đánh giá là có thế Long, Ly, Quy, Phụng, nơi đây được vua Quang Trung chọn là nơi đóng đô gọi là Phụng Hoàng Trung Đô.
(2) Đền Hùng bắt đầu được xây dựng từ thời vua Đinh Tiên Hoàng trị vì. Đến thời Hậu Lê (thế kỷ 15) được xây dựng hoàn chỉnh theo quy mô như hiện tại. Quần thể di tích đền Hùng nằm từ chân núi đến đỉnh ngọn núi Nghĩa Lĩnh cao 175 mét (núi có những tên gọi như Núi Cả, Nghĩa Lĩnh, Nghĩa Cương, Hy Cương, Hy Sơn, Bảo Thiếu Lĩnh, Bảo Thiếu Sơn), thuộc địa phận xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. (Khu vực đền Hùng ngày nay nằm trong địa phận kinh đô Phong Châu của nước Văn Lang cổ xưa).
(3) Núi Yên Tử (1.068 m) là ngọn núi cao trong dãy núi Đông Triều vùng đông bắc Việt Nam. Núi thuộc xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Trên đỉnh núi thường có mây bao phủ nên ngày trước có tên gọi là Bạch Vân sơn.