Đặng Ngữ - "...việc thiếu vắng tầm nhìn có khả năng đưa đến nhiều rủi ro và thất bại lớn hơn những thất bại được ghi lại trong quá khứ. Bởi thế giới ngày nay liên kết chặt chẽ. Và trò chơi ghép hình địa chính trị hiện nay đã khác xưa. Những va đập có sức phá hủy lớn hơn rất nhiều lần so với những gì chúng ta đã từng phải trả học phí cho những niên học 1945, 1954, 1975, 1979..."
*
Sư phụ của anh Trần Minh Khôi đã nói về một lọai bệnh não đặc trưng của người Việt như sau:
"Từ giã một nền văn hóa không dễ đâu; nó đòi hỏi một cố gắng tàn bạo đối với chính mình, điều mà cho tới nay chúng ta vẫn từ chối không làm. Kiến thức của chúng ta có thể đã đổi mới rất nhiều nhưng văn hóa không phải chỉ là kiến thức. Và văn hóa của chúng ta chưa thay đổi bao nhiêu. Một nếp sống mà chúng ta đã theo trong mấy ngàn năm không dề gì chúng ta có thể đoạn tuyệt trong vòng một thế kỷ, nhất là trong suốt thế kỷ đó chúng ta lại rất ít đặt vấn đề triết lý và tâm lý. Chúng ta vẫn giữ hồn tính cũ và nói chung chỉ tiếp thu những hiểu biết mới một cách thực dụng, để sử dụng chúng với tâm lý có sẵn nghĩa là tâm lý Nho Giáo. Đó là nói về những người có học thức, còn đối với đại đa số quần chúng thì tâm lý Nho Giáo lại còn tồn tại mạnh hơn. Văn hoá và tâm lý chủ yếu nằm trong nếp sống, và một nếp sống có cách lưu truyền riêng của nó, qua sinh hoạt gia đình, qua hành động, cử chỉ, thái độ và những cái nhìn của cha mẹ và người chung quanh, qua những gương anh hùng, liệt sĩ, vĩ nhân mà chúng ta tiếp thu tại học đường, qua những chuyện quyền bà kể cho cháu, cô giáo kể cho học trò ở ngay đầu đời. Văn hóa là toàn bộ những ý niệm và giá trị mà chúng ta đã được giáo dục để coi là đúng và do đó quyết định cách suy nghĩ, hành động và ứng xử của chúng ta. Kiến thức chỉ là bề mặt của văn hóa, là những dụng cụ để thể hiện một văn hóa. Văn hóa không đến với chúng ta bằng lý trí để chúng ta có thể biện luận, chọn lọc và phản bác. Nó đến một cách kín đáo và vô tình; nó nằm trong vô thức của chúng ta, nó xâm nhập tâm hồn chúng ta, trở thành bản năng của chúng ta. Nó khống chế và chỉ huy chúng ta mà chúng ta không ý thức được nên càng khó cưỡng lại. Nó là một phần của chính chúng ta nên chúng ta chỉ có thể xét lại nó nếu dám ra khỏi mình để chống lại chính mình.
Do đó văn hóa và tâm lý có sức sống cực kỳ dai dẳng".
...
Một trong những thế mạnh của anh Tư là đem lại cảm giác hy vọng, một cảm giác về tương lai và sự thay đổi (dù rất mơ hồ nhưng có chút hi vọng vẫn đỡ hơn tuyệt vọng). Tôi thích phong thái của anh Tư hơn cụ Tổng, những bài diễn văn của anh Tư có vẻ hùng hồn và thực tế (khác với giọng Bắc luôn mang trong gió tiếng kim khí, giọng nói của dân miền Nam bao giờ cũng êm tai). Có vẻ anh Tư đang cố gắng để thay đổi tâm trạng của đất nước từ tuyệt vọng sang hy vọng, khi sự thất vọng là hậu qủa đương nhiên của những dòng tin tức gần như bất tận, ngày càng xấu hơn của tình hình kinh tế, chính trị, đạo đức, văn hóa...hiện nay. Dường như anh Tư có một tầm nhìn. Nhưng Tư lại cố tình tránh né khi không dám thừa nhận hoặc ít ra là phân tích kỹ những sai lầm nghiêm trọng của hệ thống. Về điểm này thì Tư có nét hao hao với cụ Tổng khi lo ngại làm như vậy sẽ gây ra xung đột nội bộ trong thời điểm mà đội ngũ cần sự đồng thuận. Nhưng liệu một sự thẳng thắng thừa nhận hay phân tích nguyên nhân của cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ gắn kết được xã hội hay làm trầm trọng thêm các xung đột trong đó? Những tổn thương nhỏ có thể tự lành. Tuy nhiên, đối với những vấn đề tầm cỡ ung thư thì loại bệnh này chỉ có thể chữa lành bằng cách đưa ra xạ trị dưới ánh sáng mặt trời. Thiếu vắng một tầm nhìn sẽ khiến việc cải cách trở nên không thể kiểm soát, mất định hướng hoặc sẽ bị điều khiển bởi những "nhóm lợi ích" nào đó là điều có thể nhìn thấy trước được. Không phải ngẫu nhiên mà chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã phát biểu: "Việt Nam rất giỏi trong việc biến cơ hội thành... thách thức". Tất nhiên, bà chuyên viên kinh tế chỉ có ý đề cập đến lĩnh vực kinh tế. Trong thực tế, Việt Nam đã rất và rất nhiều lần biến cơ hội thành nguy cơ, hết lần này đến lần khác. Những thông tin được công bố trong cuốn sách được phát hành gần đây của anh Huy Đức - Bên Thắng Cuộc - cung cấp nhiều dẫn chứng cho nhận định này. Hoàn toàn thiếu vắng những đầu óc có thể tư duy mang tính chiến lược hay nói đúng hơn: thiếu một tầm nhìn xa để đưa đất nước này tiến lên. Rõ ràng, việc thiếu vắng tầm nhìn có khả năng đưa đến nhiều rủi ro và thất bại lớn hơn những thất bại được ghi lại trong quá khứ. Bởi thế giới ngày nay liên kết chặt chẽ. Và trò chơi ghép hình địa chính trị hiện nay đã khác xưa. Những va đập có sức phá hủy lớn hơn rất nhiều lần so với những gì chúng ta đã từng phải trả học phí cho những niên học 1945, 1954, 1975, 1979.
Câu hỏi vẫn là: tại sao chúng ta vẫn luôn loay hoay với những lựa chọn mang tính đối phó tình huống thực tế trong khi tình hình đòi hỏi phải cần làm một cái gì đó mang tính triệt để?
Câu trả lời: văn hóa của chúng ta quá tồi. Văn hóa chính trị, văn hóa kinh tế, văn hóa giá dục...của chúng ta quá tồi. Xin đừng hiểu văn hóa theo nghĩa hẹp thông thường. Văn hóa, nếu được phép, xin hãy hiểu: văn hóa là toàn bộ những ý niệm và giá trị mà chúng ta đã được giáo dục để coi là đúng và do đó quyết định cách suy nghĩ, hành động và ứng xử của chúng ta.
...
Những lúc say nắng tôi thường hy vọng (lưu ý: người mắc chứng say nắng thường hy vọng như kiểu mộng du) cuộc khủng hỏang lần này sẽ dẫn đến những thay đổi triệt để trong tư tưởng và chính sách. Nếu chúng ta mạnh dạn có những quyết định đúng, không chỉ đơn giản thay đổi trong lĩnh vực kinh tế mà tình hình đòi hỏi phải có những thay đổi tận gốc rễ trong cách chúng ta tư duy về chính trị, giáo dục, văn hóa...thì chúng ta không những giảm thiểu được các va chạm xã hội mà còn tránh được nguy cơ một cuộc khủng hỏang lớn hơn, khủng khiếp hơn trong tương lai. Nếu quyết định sai lầm, chúng ta sẽ có một cái bánh quốc gia bị chia cắt thành nhiều phần và rất dễ bị tổn thương như một cục diện tất phải đến. Cách đây gần 100 năm, bác sĩ thiên tài người Quảng Nam-cụ Phan Chu Trinh đã gần như chẩn đóan được căn bệnh này với bài thuốc trị tận gốc: khai dân trí-chấn dân khí-hậu dân sinh (một lần nữa, xin đừng giới hạn phương thuốc của cụ Phan trong các khái niệm về giáo dục). Theo một cách hiểu rộng hơn, cụ Phan Chu Trinh đã lên kế hoặch có tầm nhìn xa hơn dự báo thời tiết của hải quân Hoa Kỳ: chấn hưng văn hóa dân tộc. Tiếc thay, tiếng nói thông tuệ của người đàn ông xứ Quảng này đã không thể nào át tiếng gào của bác sĩ chuyên nghành cấp cứu-Phan Bội Châu và dòng chủ lưu dao kéo đến từ xứ Nghệ. Tiếc thay, Phan Chu Trinh mất đi mà chưa kịp đào tạo môn đồ đủ đông để có thể tạo nên dòng chủ lưu. Và tầm nhìn của cụ Phan chỉ để nhìn chơi cho đến tận ngày nay.Chúng ta cần một tầm nhìn mới không chỉ vì mô hình cũ đã thất bại hòan tòan mà còn bởi vì những bài học đau đớn đã phải trả khi dựa trên nền móng văn hóa đầy khiếm khuyết và sai lầm.
Thế giới đã thay đổi mà chúng ta thì không theo kịp.
Kẻ chậm chân sẽ bị những kẻ to lớn giẫm đạp mà chết.
Nếu không, đám đông (thường không có nhân tính) sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình: thải lọai kẻ chậm chân, yếu đuối như một quy luật tự nhiên.
Sài Gòn, 19/12/2012
Đặng Ngữ