Hữu Nguyên Blog - Nếu những thông tin trên các báo mới đây tường trình về chuyện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu với cử tri Hải Phòng liên quan tới “nhóm lợi ích” là đúng thì thật quả là một chuyện bi hài. Các khái niệm nghiêm túc hình như đang bị cố tình làm cho loạn xì ngầu lên. GS. Trần Hữu Dũng buộc phải ngậm ngùi mà rằng... "sự phá sản của chữ nghĩa".
Các nhóm lợi ích là những thực thể tồn tại khách quan trong xã hội, đặc biệt là với các xã hội dân chủ phát triển, được điều chỉnh bằng pháp luật. Không cần phải có lời kêu gọi của một ông thủ tướng hay của bất kỳ một quan chức chính phủ nào về chuyện ủng hộ nhóm lợi ích này hay không ủng hộ nhóm lợi ích kia. Trong một xã hội lành mạnh, những kẻ vi phạm pháp luật đương nhiên bị ngăn chận và bị trừng trị thích đáng. Còn người dân bình thường phải được luật pháp bảo hộ, nhà nước có nghĩa vụ đảm bảo cho họ được hưởng các quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của một công dân.
Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Bất kỳ ai, dù ở trong bất cứ nhóm lợi ích nào mà vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý bằng luật pháp. Những nhóm chủ trương vi phạm pháp luật làm phương châm tìm kiếm siêu lợi ích cho mình, đích thị là những băng đảng mafia, những tập đoàn tội phạm. Chúng cần bị trừng trị và quét sạch ra khỏi đời sống xã hội vì những tội ác cũng như hậu quả tai hại mà chúng mang lại cho cộng đồng do nhận thức và hành vi chà đạp lên luật pháp, coi thường đạo lý của chúng.
Theo BBC, trong phần tường thuật của đài truyền hình nhà nước VTV tối 4/12/2012 về chuyến thăm cử tri Hồng Bàng, Hải Phòng, ông Nguyễn Tấn Dũng đã phân biệt ra hai loại "nhóm lợi ích".
Bản tin cho hay trong các câu hỏi, cử tri đặc biệt quan tâm đến việc chống tiêu cực và lợi ích nhóm là “vấn đề nhân dân bức xúc nhất hiện nay”.
“Nhóm lợi ích là những nhóm người có chức có quyền, câu kết với nhau, vi phạm pháp luật làm phương hại đến lợi ích chung và lợi ích cuả người khác”.
“Tuy nhiên, nếu đó là nhóm lợi ích mà đem lại lợi ích chung, không vi phạm pháp luật, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của đất nước và cá nhân thì phải phân biệt và ủng hộ,” ông Dũng nói, theo tường thuật của VTV.
Nghe Thủ tướng định nghĩa về “nhóm lợi ích” lại chợt nhớ nhiều năm trước đây khi Thủ tướng vừa nhậm chức đã ra lệnh giải tán ngay cái tổ nghiên cứu tư vấn cho chính phủ bao gồm nhiều trí thức tâm huyết của đất nước từng được các thủ tướng tiền nhiệm tin dùng, lắng nghe.
Sau đó, trong một lần trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Lê Bộ Lĩnh (An Giang) năm 2008, về chủ đề trước nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước, trí thức trong và ngoài nước đã có nhiều đóng góp và gởi nhiều ý kiến, Thủ tướng có kế hoạch đối thoại với các nhà khoa học và trí thức không? (xem ở đây)
Thủ tướng phát biểu tỉnh queo: “Những người làm việc xung quanh tôi đều là tiến sỹ, kỹ sư, có học vị cả. Chúng tôi làm việc liên tục và tiếp xúc hàng ngày. Treo khẩu hiệu đối thoại với trí thức thì hình thức quá”. Cần lưu ý là Thủ tướng có bày tỏ sự thắc mắc không biết đại biểu định nghĩa trí thức như thế nào, còn “ngày nào tôi cũng đối thoại với trí thức cả”.
Tuy nhiên, cách đặt vấn đề của đại biểu Lĩnh cho thấy ông hiểu “trí thức” không chỉ đơn giản là những người có học vị. Đồng thời ông đang đề cập tới việc đối thoại chứ không phải việc Thủ tướng hỏi ý kiến của những người giúp việc, của các chuyên viên bên cạnh để lựa chọn các quyết sách. Việc lắng nghe ý kiến của các chuyên gia chỉ là sự cố vấn, trao đổi của những người dưới quyền, giúp việc cho Thủ tướng. Đó không phải là “đối thoại với trí thức” như đại biểu Lĩnh muốn chất vấn.
Do vậy, cái định nghĩa về trí thức mà Thủ tướng muốn hỏi chắc hẳn có khác biệt với cách hiểu của đại biểu Lê Bộ Lĩnh. Thông thường người ta hay đồng nghĩa “trí thức” với những người có học hàm, học vị. Nhưng theo cách hiểu mà đại biểu Lĩnh nêu ra trong phần chất vấn Thủ tướng thì “trí thức” không chỉ là những người có học vị. Bản thân hai chữ “trí” và “thức” cũng bao hàm ý nghĩa là người vừa có học vấn, vừa phải có trách nhiệm “thức tỉnh” công chúng. Cố GS Nguyễn Khắc Viện, người từng trăn trở rất nhiều về vị trí, thái độ, trách nhiệm của trí thức trong xã hội, từng nói: “Nhiệm vụ của kẻ sĩ, thời nào cũng vậy, là gây dư luận”. Khuấy động dư luận có nghĩa là không để cho ai bằng lòng với tất cả những gì đã tưởng là đương nhiên để giữ cho trí óc và lương tâm xã hội luôn tỉnh thức.
Trí thức có thể là những người có ý kiến độc lập với lãnh đạo. Có những trí thức ngoài Đảng, ở trong nước hoặc ngoài nước, không làm việc cho Chính phủ hay cố vấn cho Thủ tướng. Họ hoàn toàn có thể đóng góp những quan điểm, chính sách hữu ích cho Chính phủ. Nhưng nếu Thủ tướng không đối thoại với họ thì Chính phủ sẽ không thể biết đến tiếng nói của họ.
Trong khi đó, những người giúp việc, hiến kế ở xung quanh Thủ tướng có thể là những nguời giỏi giang, đầy đủ các loại học vị nhưng họ cũng có thể sẽ bị ràng buộc bởi quyền lợi và góc nhìn do địa vị mang lại. Nói như thế không có nghĩa là những đóng góp của họ là không quan trọng, mà nó không đủ. Không thể lấy chuyện hàng ngày Thủ tướng làm việc với bộ phận chuyên môn, giúp việc xung quanh, dù đó là những người có kỹ năng chuyên môn cao, có học vị để rồi cho rằng như vậy là Thủ tướng đang đối thoại với trí thức.
Nghe chuyện này, nhiều người đã từng ngửa mặt mà than Trời rồi. Vì đơn giản là Thủ tướng không phân biệt được đâu là tiếng nói phản biện độc lập của giới trí thức và đâu là ý kiến tham mưu của những người giúp việc cho Thủ tướng. Tuy những vị này có mang học hàm học vị song họ lại đang bị ràng buộc bởi chức trách, địa vị cũng như lợi ích trong bộ máy chính phủ nên ý kiến của họ chỉ có thể xem là sự tham mưu, cố vấn chứ không thể là sự đối thoại, phản biện của giới trí thức độc lập được.
Quan niệm của Thủ tướng về chuyện ngày nào ông cũng làm việc với đội ngũ trí thức hùng hậu như trên khiến cho ông dễ lâm vào tình cảnh chỉ còn nghe được những âm thanh cùng tông, phụ họa chứ chưa chắc đã nghe được những “trung ngôn nghịch nhĩ”.
Mặc dù tỏ ra rất là coi trọng tiếng nói của trí thức, sự phản biện độc lập đối với việc xây dựng chính sách cho đất nước, nhưng ngay sau phát biểu này Thủ tướng vẫn không ngần ngại ban hành các chính sách ngăn cản việc thành lập các tổ chức nghiên cứu, tư vấn và phản biện của các nhà trí thức đôc lập ngay sau đó.
Có lẽ vì lý do trên mà các trợ lý của Thủ tướng sau khi thi hành lệnh kiểm tra các định nghĩa về “nhóm lợi ích” đã đi tới kết luận: “Chúng ta chưa có môt định nghĩa đầy đủ trong từ điển về cụm từ lợi ích nhóm” (lại chuyện “định nghĩa” nữa). Căn cứ vào đánh giá đó, Thủ tướng rất mạnh dạn đưa ra một định nghĩa theo cách của ông như sau: “Tôi có thể giải thích cơ bản thế này, lợi ích nhóm là một nhóm có quyền lực và vị thế nhất định câu kết với nhau để mưu cầu lợi ích cho các thành viên trong nhóm, nhưng lợi ích này đi ngược lại với lợi ích quốc gia, ảnh hưởng không tốt đến lợi ích chính đáng của đại đa số người dân”. Ông nói tiếp: “Tôi khẳng định một lần nữa, chúng tôi kiên quyết ngăn chặn lợi ích nhóm để đảm bảo sự công bằng xã hội. Việc hợp tác, liên kết để giúp nhau làm giàu chính đáng là tốt, nhưng không thể vì lợi ích của anh mà phương hại đến lợi ích của cộng đồng”.
Đáng lưu ý là bên cạnh việc cam kết sẽ ngăn chận lợi ích nhóm đi ngược lại lợi ích quốc gia, cộng đồng, vi phạm pháp luật, ông Dũng cũng ra sức giải thích với cử tri rằng có sự tồn tại của “nhóm lợi ích tốt cho đất nước”. Tuy không nói cụ thể, thẳng thắn ra nhóm này có những ai là đại diện, nhưng cách diễn đạt của Thủ tướng khiến ai ai cũng phải tự mà hiểu rằng ông đang nằm trong cái “nhóm lợi ích tốt cho đất nước”. Vì ông đang đại diện nhóm lợi ích của ông lớn tiếng lên án và cam kết sẽ ngăn chận cái “nhóm lợi ích làm hại quốc gia, cộng đồng” cơ mà!
Tiếc rằng là sau khi nghe kết luận của các trợ lý về định nghĩa “nhóm lợi ích” Thủ tướng Dũng không tiếp tục chịu khó lắng nghe thêm ý kiến về đề tài này từ các nhà trí thức độc lập, hiện có sẵn trong nước, trước khi ông đăng đàn và đưa ra các phát biểu cũng như định nghĩa về “nhóm lợi ích” theo kiểu của ông. Thật không khó khăn gì để thấy rằng từ lâu các nhà nghiên cứu trong nước đã nói nhiều, rất phong phú về khái niệm, cũng như định nghĩa về nhóm lợi ích trên cơ sở vừa kế thừa nền học thuật về chính trị và xã hội của các nước phát triển trên thế giới; vừa tìm tòi chỉ ra các điểm đặc trưng của khái niệm này tại Việt Nam, tương thích với nền chính trị và xã hội hiện tại.
Chẳng hạn như theo nhà nghiên cứu Vũ Cao Phan, khái niệm “nhóm lợi ích” (interest groups - cũng, pressure/lobby/advocacy... groups) là bản quyền của người Mỹ nhưng cũng phổ biến ở Anh với một chút trại đi là “lobby”. Các nhóm này xuất hiện lần đầu giữa thế kỷ XIX trong các nền dân chủ đại nghị, nơi quyền công dân được để thoáng. Có khá nhiều định nghĩa về nhóm lợi ích, tuy không khác nhau bao nhiêu. Đại loại: Nhóm lợi ích là tập hợp những người cùng chí hướng, cùng mưu cầu một lợi ích, với phương thức hoạt động chủ yếu là tìm cách tác động lên chính quyền (nghị viện, chính phủ, các hội đồng địa phương) hoặc khai thác sự đa nghĩa trong một số điều khoản luật để giành lấy mục đích. Nó bao gồm đa dạng các đoàn thể, các tổ chức nghề nghiệp, xã hội, các cơ cấu dân quyền, thiện nguyện v.v... Sự tồn tại của nhóm lợi ích phần lớn được coi là tích cực.
Đấy là cách hiểu kinh điển về nhóm lợi ích ở các xã hội Âu - Mỹ, nơi nó được sinh ra và hoạt động trên một nền tảng luật pháp ổn định. Nhưng như Ngân hàng Thế giới đã từng cảnh báo cách nay vài thập kỷ, các nhóm lợi ích mới ngày nay thiên về các mục đích kinh tế và do đó, đã xuất hiện những tập hợp mang màu sắc mafia. Điều này càng đúng ở những nền kinh tế đang chuyển đổi, đang phát triển, đang cải cách nhưng thiếu đồng bộ. Nhóm lợi ích ở đây được hình thành trên cơ sở các liên minh bất hợp pháp.
TS Nguyễn Hữu Lam, giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Quản trị (CEMD), trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng sự tồn tại của các nhóm lợi ích là khách quan và luôn tồn tại trong đời sống xã hội. Các nhóm này gắn bó với nhau, cùng nhau bảo vệ và mở rộng những lợi ích của họ.
Trong điều kiện của một chính quyền tốt, vững mạnh, những người ra quyết định chính sách tận tâm phục vụ quốc gia thì việc ảnh hưởng của các nhóm lợi ích cũng giúp những nhà hoạch định chính sách có những thông tin đầy đủ và toàn diện hơn để ra các quyết định chính sách tốt hơn. Tuy nhiên, khi các hoạt động xã hội (đặc biệt trong kinh tế) phát triển, những lợi ích to lớn bắt đầu xuất hiện từ các chính sách phát triển thì hoạt động của các nhóm lợi ích trở nên mạnh mẽ hơn và tinh vi hơn. Đặc biệt, trong môi trường luật pháp thiếu minh bạch, các quy trình ra quyết định chính sách không rõ ràng, thiếu thông tin và các nhóm khác có những lợi ích có liên quan mà thiếu tổ chức… thì các nhóm lợi ích sẽ ảnh hưởng, cấu kết, mua chuộc những người ra quyết định để hướng chính sách về phía có lợi cho lợi ích của nhóm mình, bất chấp lợi ích của các nhóm khác, của số đông và lợi ích quốc gia.
Ở nước ta gần đây, nói đến nhóm lợi ích chủ yếu là nói về việc các nhóm hoạt động ngầm trong lĩnh vực kinh tế, cấu kết với những người có quyền ra quyết định hoặc có thể tác động đến chính sách vì lợi ích riêng của họ mà làm tổn hại đến lợi ích của các nhóm khác, lợi ích của số đông và đặc biệt là lợi ích quốc gia. Do đó, khi nói về các nhóm lợi ích dạng này người ta dễ dàng liên tưởng đến những “sân sau” của các công ty nhà nước, những tập đoàn độc quyền có khả năng ảnh hưởng tới chính sách của Chính phủ thao túng thị trường (sữa, thuốc chữa bệnh, xăng dầu, điện lực, ô tô…); những lĩnh vực phát triển sử dụng nhiều tài nguyên và tài sản quốc gia. Độc quyền và cơ chế “xin – cho” là mảnh đất màu mỡ cho sự hình thành và phát triển các nhóm lợi ích dạng này.
“Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cơ cấu” là tên gọi bản báo cáo về kinh tế vĩ mô 2012, được Nhóm Tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô thực hiện trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực tham mưu, thẩm tra và giám sát chính sách kinh tế vĩ mô” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì, với sự tài trợ của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP). Dưới tiêu đề “Đổi mới tư duy và cải cách thể chế những yêu cầu từ thực tiễn”, TS. Lê Đăng Doanh, ngay trong phần mở đầu Chương 7 của báo cáo này, đã nhắc lại lời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương lần thứ 3, rằng phải khắc phục “tư duy nhiệm kỳ” và “lợi ích nhóm” trong đầu tư công trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách đầu tư.
Dành khá nhiều dung lượng để nói về khái niệm thứ hai, ông Doanh dẫn định nghĩa của Wikipedia tiếng Việt, “nhóm lợi ích” là một tập thể gồm nhiều cá nhân, tổ chức cùng chia sẻ một mối quan tâm chung và cùng nhau thúc đẩy các mục tiêu đó bằng cách tác động vào các chính sách của chính phủ. Là những nhóm vận động hành lang hay cửa hậu (lobby) để tạo ra hay thay đổi những luật lệ và cách thực thi có lợi cho phe nhóm mình, nhằm tạo dựng một vài đặc quyền, đặc lợi để thụ hưởng.
Ở các nước có luật về lobby, các nhóm lợi ích hình thành và hoạt động công khai như nhóm doanh nghiệp, tài chính - ngân hàng, công đoàn, hiệp hội, truyền thông,... nhằm tác động tới các chính sách của Quốc hội và Chính phủ một cách công khai và hợp pháp. Họ vận động qua nhiều kênh khác nhau, sử dụng các chuyên gia và công ty tư vấn.
Còn ở Việt Nam, theo quan sát của ông Doanh, vì những lý do về thể chế, pháp luật và truyền thống nhóm lợi ích ở Việt Nam chưa có kênh tác động chính thức đến quá trình soạn thảo, ban hành luật pháp của Quốc hội và chính sách của Chính phủ, quá trình vận động chưa được công khai và luật hóa, nên nhóm lợi ích ở Việt Nam rất đa dạng, phức tạp và chưa được xác định rõ.
Tuy nhiên, theo nhìn nhận của ông Doanh thì, lợi ích nhóm ở Việt Nam có đặc trưng là liên quan đến những người có chức, có quyền, nhất là quyền liên quan đến cán bộ, tài chính, ngân sách, đầu tư, đất đai, hầm mỏ, rừng, biển… Những hoạt động này len lỏi cả vào các hoạt động được xem như là rất trí thức và cao sang như nghiên cứu khoa học, cấp bằng, mua điểm, chấm luận án.
Ông Doanh cũng “khen” những nhóm lợi ích ở Việt Nam hoạt động rất linh hoạt, theo từng vụ, việc, vây quanh một số cá nhân nhất định. Lợi dụng tính thiếu công khai, minh bạch, các nhóm lợi ích thường tiếp xúc theo “quan hệ” cá nhân, với chất kết dính là lợi ích tiền bạc. Ông lấy một câu “thành ngữ” hiện đại nhằm thể hiện các nhóm lợi ích như sau: “Thứ nhất tiền tệ, thứ nhì hậu duệ, thứ ba quan hệ, thứ tư mới đến trí tuệ” để mô tả nhóm lợi ích trong bổ nhiệm cán bộ. Lợi ích càng lớn thì nhóm lợi ích hoạt động càng mạnh. Luật pháp càng lỏng lẻo hay quyền lực ít bị giám sát thì nhóm lợi ích hoạt động càng trắng trợn, liều lĩnh.
“Nhóm lợi ích ở Việt Nam hoạt động trong một không gian chủ yếu phi chính thức, bất hợp pháp, trong không ít trường hợp có quan hệ đến buôn lậu hay các hoạt động có tính chất phạm pháp ở mức độ khác nhau. Việc xác định bản chất, hình thức, phạm vi hoạt động của các loại nhóm lợi ích khác nhau cần được đầu tư, nghiên cứu thêm trong thời gian tới để làm rõ những lỗ hổng hay khe hở luật pháp để các nhóm lợi ích lợi dụng”, ông viết.
Còn doanh nhân, TS Alan Phan thì nhấn mạnh thêm theo phong cách của một nhà buôn: “Một đặc tính khác là vì lòng tham vô đáy, các nhóm lợi ích này không biết liên kết với nhau trên căn bản lâu dài; do đó, những trận chiến âm thầm sau bức màn nhưng luôn diễn ra không ngừng, và xã hội sẽ biến đổi theo những thắng thế của phe nhóm mạnh nhất. Nếu mục tiêu của nhóm lợi ích này phù hợp với sự đổi mới và tiến bộ của quốc gia, thì dân chúng vô cùng may mắn. Ngược lại, vấn nạn của xứ sở sẽ kéo dài, vì trên thực tế, đại đa số người dân không bao giờ đủ quyền lực và kiến thức để thay đổi một cơ chế, kể cả những nước dân chủ Tây Phương”.
Trở lại với khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với cử tri Hải Phòng mới đây: “Chúng tôi kiên quyết ngăn chặn lợi ích nhóm để đảm bảo sự công bằng xã hội. Việc hợp tác, liên kết để giúp nhau làm giàu chính đáng là tốt, nhưng không thể vì lợi ích của anh mà phương hại đến lợi ích của cộng đồng”. Những cam kết và khẳng định kiểu này của Thủ tướng khiến người ta thấy “quen quen”... Hình như là giống giống với rất nhiều cam kết cũng của ông Dũng về việc khẳng định sẽ ngăn chận, đầy lùi tham nhũng ngay từ nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên của ông cho tới nhiệm kỳ hiện tại. Chỉ tiếc là Thủ tướng càng khẳng định quyết tâm đầy lùi tham nhũng mạnh mẽ , hùng hồn bao nhiêu thì tham nhũng ngày càng tinh vi, phổ biến và nghiêm trọng bấy nhiêu.
Ông Dũng chỉ có thể thực hiện được lời cam kết “kiên quyết ngăn chặn lợi ích nhóm để đảm bảo sự công bằng xã hội” một khi ông thật sự thừa nhận bản chất của nhóm lợi ích như các chuyên gia đã phân tích ở trên. Ông không thể tự nhấc bổng mình lên, đứng tách ra khỏi nhóm lợi ích của chính mình rồi tuyên bố chắc chắn rằng ông sẽ dẹp bỏ được nó. Cách nói này thực ra cũng chỉ là một thủ thuật “lăng ba vi bộ”, cố tình làm cho cử tọa hiểu nhầm vị trí, tọa độ và chỉ nhìn thấy cái ảo ảnh của người đang phát biểu rằng ông ta không nằm trong cái nhóm lợi ích hoạt động bất hợp pháp, xâm hại tới lợi ích quốc gia, đang bị cộng đồng nhận diện và lên án gay gắt.
Trên thực tế, cần đối xử với các nhóm lợi ích một cách bình đẳng, tương xứng với vai trò, vị trí và hiệu quả đóng góp của nó cho sự phát triển của cộng đồng bằng khung luật pháp đầy đủ. Các nhóm lợi ích là một vấn đề lớn của xã hội hiện đại tồn tại khách quan do vậy cũng cần đối xử bằng các luật chơi được toàn thể cộng đồng chấp nhận.
TS Nguyễn Hữu Lam, giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Quản trị (CEMD), trường ĐH Kinh tế TP.HCM đề nghị, để các nhóm lợi ích không thể lũng đoạn, cần có một hệ thống luật pháp, chính sách và cơ chế ra quyết định công bằng và minh bạch. Cơ chế ra quyết định chính sách phải bảo đảm tính công khai, minh bạch dựa trên cơ chế đối thoại, tương tác cần thiết giữa các lợi ích có liên quan trong quá trình phát triển thông qua đối thoại, phản biện khoa học.
Những đại biểu của nhân dân ở các cơ quan dân cử và các cơ chế giám sát cần phát huy đầy đủ vai trò, nghĩa vụ của mình và phải có đủ năng lực để thực sự bảo vệ những lợi ích chính đáng và hợp pháp của những người có liên quan.
Việc tách bạch giữa hoạch định chính sách và thực thi chính sách cũng là một xu hướng chung trong đổi mới quản lý công trên thế giới hiện nay để đảm bảo trách nhiệm của những công chức, viên chức trong bộ máy chính quyền.
Cơ chế lên tiếng của người dân cũng cần được xây dựng và bảo đảm để người dân nói lên tiếng nói của mình khi lợi ích của họ bị xâm phạm. Ở đây, cần nâng cao năng lực cho các nhóm lợi ích có tổ chức (các hội và hiệp hội thương mại, nghề nghiệp, xã hội…) trong việc thực sự đại diện và bảo vệ cho lợi ích hợp pháp, chính đáng của các thành viên của mình.
Thông thường, các nhóm lợi ích sử dụng công cụ vận động hậu trường (lobby) để ảnh hưởng tới các quyết định chính sách. Vì thế, cần có luật về vận động hậu trường để đưa hoạt động này vào quỹ đạo luật pháp.
Cuối cùng, công khai, minh bạch là phương tiện rất quan trọng để đảm bảo sự công bằng, trung thực trong hoạch định và thực thi chính sách. Công khai, minh bạch sẽ ngăn chặn những sự méo mó trong hoạch định và thực thi chính sách do sự ảnh hưởng, tác động của các nhóm lợi ích.
Hữu Nguyên