Anh Thư (VnExpress) - "Tham nhũng xảy ra phổ biến, mức độ thiệt hại, quy mô ngày càng lớn. Những vụ liên quan nhiều ngành nhiều cấp, tính chất tập thể, câu kết chặt chẽ có xu hướng tăng" - "Công tác phòng chống tội phạm tham nhũng gặp khó khăn do những tội phạm này thường có chức vụ quyền hạn, người dân không thể tiếp cận, phát hiện tố giác. Hơn nữa, nhân viên trong cơ quan không thể tố cáo vì sợ bị vùi dập, mất việc..." - Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Sáng 24/1, đại tá Nguyễn Đức Chung thông báo trong năm 2012, tội phạm tham nhũng trên địa bàn tăng hơn 10% so với năm trước. Lĩnh vực thường xảy ra tham nhũng là quản lý xây dựng cơ bản, quản lý ngân hàng, tài chính, giáo dục, giao thông vận tải, thanh tra xây dựng. Đặc biệt, trong năm qua, công an đã phát hiện sai phạm của công ty xây dựng. "Một số cán bộ của công ty cấu kết với những người lo việc giải phóng mặt bằng để tham nhũng", ông Chung cho hay.
Theo ông, tham nhũng xảy ra thường do móc nối giữa đối tượng ngoài xã hội với một số cán bộ thoái hóa biến chất trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp. "Tham nhũng xảy ra phổ biến, mức độ thiệt hại, quy mô ngày càng lớn. Những vụ liên quan đến nhiều ngành nhiều cấp, tính chất tập thể, câu kết chặt chẽ có xu hướng tăng", người đứng đầu ngành công an Hà Nội phát biểu. Trong năm qua, công an thành phố đã xử lý, kết thúc điều tra 32 vụ với 76 bị can; thu hồi cho nhà nước và người bị hại hơn 30 tỷ đồng.
Đại tá Nguyễn Đức Chung. Ảnh: Việt Dũng
Dù kết quả phá án tăng nhưng lãnh đạo Công an Hà Nội nhận thấy kết quả chưa tương xứng với tình hình thực tế. Các hoạt động mới chỉ tiến hành trên diện rộng, chưa đi vào chiều sâu, vụ việc chủ yếu được phát hiện thông qua nghiệp vụ của ngành công an. Số vụ tham nhũng phát hiện thông qua hoạt động của cơ quan thanh tra, kiểm tra kiểm toán còn ít, chỉ 3 vụ. "17 quận huyện, thị xã không phát hiện được tham nhũng. Việc nhận hối lộ, tham ô tài sản, nhận hối lộ, dư luận phản ánh nhiều nhưng tỷ lệ phát hiện khá thấp", đại tá Chung băn khoăn.
Theo ông, công tác phòng chống tội phạm tham nhũng gặp khó khăn do những tội phạm này thường có chức vụ quyền hạn, người dân không thể tiếp cận, phát hiện tố giác. Hơn nữa, nhân viên trong cơ quan không thể tố cáo vì sợ bị vùi dập, mất việc. Cơ chế bảo vệ người chống tham nhũng chưa cụ thể rõ ràng nên chưa khuyến khích động viên quần chúng tích cực tham gia.
"Các quy định của nhà nước về phương pháp quản lý luôn thay đổi, nhiều quy định chồng chéo gây khó khăn cho việc thu thập tài liệu, chứng cứ", đại tá Chung bày tỏ.