Hiến pháp! Lời nói và việc làm của nhà cầm quyền - Dân Làm Báo

Hiến pháp! Lời nói và việc làm của nhà cầm quyền

Như Hà (Danlambao) - Kể từ khi nhà nước chính thức phát động nhân dân góp ý kiến sửa đổi hiến pháp, với thời gian hơi bị gấp rút là 3 tháng, từ ngày 1/1/2013-1/3/2013, những tưởng rằng người dân sẽ lũ lượt gửi thư góp ý, không sẽ mất cơ hội, hết thời gian góp ý với đảng, nhà nước, trong đợt sinh hoạt chính trị, được cho là trọng đại này. Nhưng trái với sự mong đợi, theo thông tin mà UB soạn thảo hiến pháp cung cấp, cho đến nay mới nhận được hơn 100 thư góp ý cho việc sửa đổi hiến pháp năm 1992.

Dù các báo lề đảng, lúc mau lúc thưa, lúc sôi động, lúc trầm lắng, những bài viết về đề tài sửa đổi hiến pháp chủ yếu vẫn do các quan chức nhà nước thông qua kiểm duyệt, cân đo định lượng xong mới được đăng tải lên mặt báo, nhằm tác động, kích cầu đến nhiệt huyết người dân, nhưng tình hình vẫn diễn ra tẻ nhạt, trầm lắng. Đó là những tín hiệu của người dân tỏ ra rất thờ ơ với chính trị, không mặn mà lắm với việc sửa đổi hiến pháp lần này.

Trước thực trạng đó, gần đây đảng và nhà nước đã cho đăng nhiều bài báo có tính chất đột phá, những vấn đề "nhạy cảm" có liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Hôm nay lại cho đăng, hai bài viết về vấn đề về quyền tự do, ngôn luận của công dân và bài "Những vấn đề còn để ngỏ trong hiến pháp" của TS Đặng Minh Tuấn, mạnh dạn nêu nên những vấn đề bất cập, gây nên sự bức xúc của người dân. Với mong muốn câu nhử dư luận hăng hái góp ý. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ để độ "nóng", độ tin cậy làm người dân nhiệt tình góp ý kiến.

Còn từ phía các nhà trí thức, lực lượng chính để có những đóng góp có chất và lượng cho việc sửa đổi hiến pháp, nhưng sự nhiệt tình của họ lại đòi hỏi phải có một bản hiến pháp hoàn toàn khác, như một sự thách thức đối với đảng và nhà nước cầm quyền

Sự thờ ơ của dân và sự phản kháng của giới trí thức hẳn đã làm phiền lòng, gây nên lo lắng cho giới cầm quyền trước sự vô cảm của dân và sự chống đối của trí thức với chế độ, cộng với tình hình kinh tế ngày càng ảm đạm. Sẽ là cái thước đo, là bức tranh chân thực nhất, phản ánh rõ nét tình hình xã hội Việt Nam hiện nay.

Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên? Phải chăng người dân đã hài lòng, an phận và trao tất cả quyền sinh, quyền sát cho đảng cầm quyền, cho nhà nước? Nhưng không! Những lý do đó ngay chính các bài báo do người của đảng đăng lên đã thừa nhận, rằng có rất nhiều bất cập trong bản dự thảo sửa đổi hiến pháp lần này. Vậy thì chẳng có lý do gì lại khẳng định là dân tin tưởng, yên tâm tuyệt đối vào sự lãnh đạo của đảng và nhà nước, bởi người dân không mù, không điếc và cứ xem cái cách ông xe ôm "nịnh" ông bí thư Đà Nẵng, thì chứng tỏ dân trí người dân không hề thấp. Cứ xem cái cách người dân quê, ở đâu, nếu có dịp đều bàn luận về ông thủ tướng thời gian qua, thì không thể nói dân thờ ơ với chính trị, với hiến pháp. Vậy nguyên nhân gì lại dẫn đến tình trạng người dân lãnh cảm với đợt sinh hoạt chính trị trọng đại này?

Xin thưa! Tất cả mọi người đều biết, ông biết, tôi biết, trong biết, ngoài biết, trời biết, đất biết... nhưng có điều không ai dám nói ra. Một nguyên nhân rất đơn giản. Đó là LÒNG TIN. Từ lâu dân đã không tin đảng hay nói cách khác đảng đã làm dân mất lòng tin vào đảng quá nhiều rồi. Dân mất lòng tin với đảng cả trong quá khứ và hiện tại.

Chưa bao giờ đảng cho dân một cơ hội để tin vào đảng. Đảng nói thì hay nhưng làm thì... dở, hứa hẹn với dân đủ điều, nhưng đảng lại không thực lòng với dân. Đâu có phải lần này đảng, nhà nước kêu gọi nhân dân góp ý kiến! Nhiều lần dân góp ý, thậm chí có nhà trí thức dồn hết tâm huyết, viết cả một tập đề cương dày hàng trăm trang, góp ý cho đảng trước kỳ đại hội, nhưng cuối cùng đều tẽn tò, bị đảng cho ăn "quả lừa" đắng chát. Người ta nói "thóc gạo có tinh", sự nhạy cảm của dân, rất di ứng với những lời hứa suông của đảng và mãi rồi người dân cũng phải cảnh giác, không thể mắc lỡm với đảng được nữa.

Nhất là kèm theo sự hô hào góp ý kiến sửa đổi hiến pháp, người của đảng còn mạnh mồm tuyền bố "không có vùng cấm" cho bất kỳ điều nào, trong nội dung bản dự thảo hiến pháp. Nhưng một mặt đảng lại lo sợ, ra sức hô hào là cảnh giác với các thế lực thù địch, lợi dụng tự do, dân chủ, để tuyên truyền chống phá nhà nước. Thậm chí còn tăng tần xuất trấn áp, bắt bỏ tù những người mà đảng qui kết cho tội phản động "chống lại chính quyền nhân dân". Có khác gì đảng cầm cây gậy và thay cho củ cà rốt là những lời vuốt ve suông. Thật là một trò hề lố bịch, ai mà tin được.

Kết luận: Đôi lời mách nhỏ với đảng và nhà nước, là dân không đến nỗi bị ngu đần, mụ mị mà không phân biệt được trắng đen, phải trái, không biết được kẻ nào lợi dụng tuyên truyền, phản động, kẻ nào là hết lòng với dân mà đảng phải lo lắng cho dân như vậy. Nếu có lo thì chỉ có đảng phải lo vì sợ mất quyền lực và quyền lợi mà thôi. Nếu có lo thì người dân lại lo với chính đảng chứ không phải thế lực nào khác. Rằng liệu đảng có thực lòng, có nới rộng cái vòng kim cô trên đầu dân ra không? Hay lại lúc thít lúc nới tùy theo "độ nóng" trong nội bộ đảng để hành dân.

Một điều nữa, nếu đảng muốn thật lòng với dân thì trước hết hay bằng hành động thực tế, là cam kết bằng văn bản (thông tư, nghị định v.v...) là sẽ không có sự trả thù bắt bớ trù dập, những người có ý kiến đóng góp thẳng thắn; Là chấp nhận thả hết những người yêu nước và xóa cái án "phản động" cho họ, vì chính họ là những người hăng hái, nhiệt tình nhất đóng góp cho sự hưng thịnh của đất nước; Là chấp nhận lắng nghe và tiếp thu thông tin trên báo "lề dân" góp ý, yêu cầu, kiến nghị, nếu đảng biết tôn trọng"phản biện là thầy ta".

Nếu được như vậy, thì tôi tin rằng, dân sẽ lũ lượt, xếp hàng để đóng góp ý kiến cho việc sửa đổi Hiến pháp một cách tâm huyết, nhiệt tình. Thời cơ đã chín muồi, qui luật có tính tất yếu. Nếu đảng không chịu thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh mới, rằng cạnh tranh để tồn tại, thì đảng sẽ bị qui luật đào thải là điều tất yếu. 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo