Kiến nghị bãi bỏ Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 - Dân Làm Báo

Kiến nghị bãi bỏ Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005



Kính gửi: Ban điều hành mạng Dân Luận

Ngày 10 tháng 10 năm 2012 tôi đã gửi kiến nghị lên Quốc hội về việc bải bỏ Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2005 Quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng vì nó vi hiến và sửa đổi một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Quốc hội đã nhận được kiến nghị của tôi nhưng đến nay không bãi bỏ cũng chẳng hồi âm.

Để rộng đường dư luận, kính nhờ Dân Luận công bố bản kiến nghị này cùng phiếu CPN và phiếu báo QH đã nhận được KN (bản gửi đăng đã được chỉnh sửa cách trình bày, nhưng vẫn giữ nguyên nội dung như bản gửi QH và 1 số ĐBQH).

Xin cảm ơn!

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
* * *

KIẾN NGHỊ

Bãi bỏ Nghị định vi hiến và sửa đổi luật


Kính gửi:

- Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

- Đồng kính gửi các Đại biểu Quốc hội khóa 13.

Tôi tên là: Hồ Quang Huy

Địa chỉ thường trú: đường số 3, tổ 15, phường Ngọc Hiệp, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
ĐT: 0905029813

Căn cứ điều 53 Hiến pháp năm 1992, sửa đổi bổ sung năm 2001 về quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước, kiến nghị với cơ quan Nhà nước;

Căn cứ điều 93 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 quy định công dân có quyền đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật,

Kiến nghị lên các cơ quan chức nói trên 2 việc sau đây:

Việc thứ nhất: Bãi bỏ Nghị định số 38/2005/NĐ - CP.

Ngày 18 tháng 3 năm 2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2005/NĐ-CP Quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng.

Theo nghị định này điều chỉnh mọi hoạt động tập trung đông người, trừ hoạt động của một số cơ quan của Đảng CSVN và Nhà nước, như vậy là bao gồm cả biểu tình.

Còn Thông tư số 09/2005/TT-BCA ngày 05 tháng 9 năm 2005 của Bộ Công an hướng dấn thi hành nghị định, ở mục số 4 quy định như sau:

“4. Quy định về hoạt động tập trung đông người ở nơi công cộng

4.1. Hoạt động tập trung đông người ở nơi công cộng theo quy định của Nghị định số 38 và hướng dẫn tại Thông tư này là những trường hợp tổ chức tập trung từ 5 người trở lên tại các khu vực, địa điểm phục vụ chung cho mọi người như vỉa hè, lòng đường, quảng trường, cơ sở kinh tế, văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng; tại khu vực trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội hoặc tại những nơi công cộng khác nhằm mục đích đưa ra yêu cầu hoặc kiến nghị về những vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, gia đình, tổ chức hoặc nhằm đưa ra những yêu cầu, kiến nghị về những vấn đề có liên quan chung đến đời sống chính trị – xã hội, đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.”

Như vậy theo TT 09 thì hành vi bị nghị định điều chỉnh là “yêu cầu” “kiến nghị”.

Khi nhân dân đưa ra “yêu cầu” tức là họ thể hiện nguyện vọng, mong muốn về vấn đề nào đó.

Mà theo từ điển tiếng Việt thì thể hiện nguyện vọng, mong muốn là một trong các nội dung của biểu tình. Như vậy nghị định này ngoài việc điều chỉnh hành vi “kiến nghị”, còn điều chỉnh một phần của “biểu tình”.

Hai quyền này là quyền cơ bản và phổ quát của con người, đã được quy định tại điều 53 và điều 69 Hiến pháp 1992 sữa đổi, bổ sung năm 2001

Mặt khác Hiến pháp cũng quy định:

“Điều 51:
Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân.
Nhà nước bảo đảm các quyền của công dân; công dân phải làm tròn nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước và xã hội.
Quyền và nghĩa vụ của công dân do Hiến pháp và luật quy định.”

Như vậy quyền “kiến nghị” “biểu tình” chỉ bị chi phối bởi Hiến pháp và luật, tức là chỉ Quốc hội mới đủ thẩm quyền điều chỉnh, do đó Chính phủ ban hành nghị định nói trên là trái thẩm quyền, vi hiến.

Việc thứ 2: Sửa đổi một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008:

a) Điều 14 quy định:

“Điều 14. Nghị định của Chính phủ
Nghị định của Chính phủ được ban hành để quy định các vấn đề sau đây:
1. Quy định chi tiết thi hành luật, …
2. Quy định các biện pháp cụ thể để thực hiện chính sách kinh tế,… quyền, nghĩa vụ của công dân và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền quản lý, điều hành của Chính phủ;
3…
4. Quy định những vấn đề cần thiết nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật hoặc pháp lệnh … Việc ban hành nghị định này phải được sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội.”

Theo HP thì quyền và nghĩa vụ công dân chỉ được quy định trong HP và luật, do đó quy định như khoản 2 là vi hiến. Nếu có luật điều chỉnh quyền và nghĩa vụ công dân thì nghị định cũng chỉ quy định chi tiết thi hành luật đó mà thôi, trường hợp này đã nói ở khoản 1. Vì vậy đề nghị bỏ cụm từ “quyền, nghĩa vụ của công dân” trong khoản 2.

Khoản 4 trái HP và Luật Tổ chức QH, vì xây dựng luật là của QH, do đó những vấn đề cần thiết nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật, muốn ban hành nghị định thì phải được QH cho phép mới đúng thẩm quyền.

b) Tại điều 83 quy định như sau:

“Điều 83. Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật

1. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực.
Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp văn bản có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó.
2. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.
3. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau.
4. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới.”

Điều 83 chưa hợp lý và nó có thể làm cho hiến pháp bị vô hiệu, để chứng minh ta xét tình huống sau đây:

Giả sử một luật A ban hành sau và có vấn đề X trái với hiếp pháp. Nếu xét về hiệu lực pháp lý thì vấn đề X phải áp dụng theo hiếp pháp, tức áp dụng khoản 2. Nếu xét về thời gian ban hành thì vấn đề X phải áp dụng theo luật A, tức áp dụng khoản 3. Hiến pháp có hiệu lực pháp lý cao nhất, mọi văn bản QPPL khác đều không được trái hiến pháp, nhưng theo điều 83 này thì các văn bản QPPL khác do Quốc hội ban hành sau hiến pháp có thể trái hiến pháp nhưng vẫn có giá trị để áp dụng. Điều này dẫn đến hiến pháp bị vô hiệu hóa là điều không thể chấp nhận.

Đành rằng, khoản 3 và 4 là dự trù cho trường hợp các vấn đề khác nhau giữa 2 văn bản ngoài ý muốn, nhưng quy định như thế là không chặt, không hợp lý. Điều đó chỉ làm cho đơn vị soạn thảo “lười” hơn, nhưng làm cho việc áp dụng khó hơn, cho chất lượng văn bản QPPL không cao.

c) Ngoài ra, trong các điều 33, 35, 58, 61, 62 có quy định dự thảo VBQPPL phải đăng trên web của cơ quan soạn thảo hoặc web của Chính phủ thì sẽ khó khăn cho nhân dân đóng góp, vì không biết chắc chắn cơ quan nào soạn thảo, ngay cả một số vấn đề người dân cũng khó xác định thuộc bộ, ngành nào quản lý. Vì vậy có lẽ tất cả các dự thảo văn bản QPPL nên gom về một mối ví dụ tại trang duthaoonline chẳng hạn.
Để bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền công dân, bằng thư này tôi kiến nghị:

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội đình chỉ thi hành nghị định 38/2005/NĐ-CP và trình Quốc hội bãi bỏ ngay trong kỳ họp gần nhất.

2. Sửa đổi các điều nói trên của Luật Ban hành văn bản QPPL.

3. Đề nghị thành lập một tổ chuyên trách soạn thảo luật của QH làm nòng cốt về mặt kỹ thuật, ngoài những người này, trong ban soạn thảo mời thêm các chuyên gia am hiểu, công tác trong các chuyên ngành liên quan và các luật sư giỏi, nhiều kinh nghiệm thuộc lĩnh vực đó.

Kính mong Quốc hội xem xét và sự ủng hộ của các Đại biểu Quốc hội.

Xin trân trọng cảm ơn!

Khánh Hòa, ngày 05/10/2012

Người kiến nghị

Hồ Quang Huy

Nơi nhận:

- Như trên;

- Một số ĐBQH.

 Phiếu chuyển phát nhanh Thư kiến nghị.

Phiếu báo QH đã nhận được Thư kiến nghị.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo