Minh triết Việt Nam - Dân Làm Báo

Minh triết Việt Nam

Nguyễn Nghĩa 650 (Danlambao) - Minh triết của 1 quốc gia, dân tộc là trí thông minh chính trị, là ngọn đuốc cả thần thánh, thiêng liêng bùng sáng soi đường, mỗi khi quốc gia, dân tộc gặp tình huống phải trả lời câu hỏi: Tồn tại hay không tồn tại ? Lựa chọn nào: tự vệ hay khuất phục? Nhượng bộ lãnh thổ quốc gia hay bảo vệ đến cùng? Nô lệ hay độc lập?...

Minh triết chính là trí thông minh đúc kết từ pho sử vàng của quốc gia, dân tộc. Chính là những mưu kế, sách lược ngoại giao khôn khéo, tránh cho quốc gia 1 thảm họa nếu có nguy cơ chiến tranh. Chính là những kiến thức về binh pháp, cách dùng binh, cùng những mưu kế thi hành chiến tranh trên địa hình của quốc gia. Chính là những kết luận rút ra sau những thất bại, hay những bài học rút ra sau những thành công.

Minh triết còn bao gồm những tư tưởng trong triết học, trong văn học, trong nghệ thuật... đã thu được trong quá trình hình thành và phát triển của quốc gia, dân tộc.

Minh triết còn là phương thức sản xuất, kiến thức nghề nghiệp, cũng như những phát kiến khoa học ích quốc lợi dân...

Tóm lại minh triết là tất cả kiến thức tinh túy có được về các mặt của xã hội Việt Nam lúc thịnh vượng cũng như lúc suy tàn.

Trong xã hội đương đại, khi thông tin đã lưu thông toàn cầu, minh triết của dân tộc Việt Nam đòi hỏi phải có trí thông minh học hỏi tinh túy kinh nghiệm thế giới, kinh nghiệm trở thành cường thịnh của các quốc gia khác, để áp dụng cho con đường tiến bộ của Việt Nam.

Trên những so sánh với 99 tộc Việt khác, đã từng sinh sống hàng nghìn năm qua, từ bờ nam sông Dương tủ, hiện đã bị hán hóa hoàn toàn, không để lại dấu vết, thì dân tộc Việt Nam có 1 minh triết đúng đắn. Hôm nay, mảnh đất hình chữ S ôm lấy Biển Đông, là tổ quốc của hơn 90 triệu người dân thuộc hơn 60 dân tộc Việt Nam sinh sống.

Trên so sánh với dân tộc Do Thái, một dân tộc đã cống hiến cho nhân loại bao nhân tài khoa học, ngay cả Chúa Jezus của Kito giáo cũng người Do Thái, thì sự kiện dân tộc Do Thái phải lang thang gần nghìn năm trời không tổ quốc, trong khi dân tộc Việt Nam vẫn bảo vệ được quê hương của mình, là 1 tự hào cho người Việt Nam.

Tuy nhiên, do chế độ phong kiến Việt Nam kéo dài hàng nghìn năm, Việt Nam đã suy yếu, dẫn đến hơn 80 năm thực dân. Đây là lúc cần đặt câu hỏi về về tính đúng đắn hay đã lạc hậu của minh triết Việt Nam đúc kết qua quá trình dựng nước và giữ nước đến cuối chế độ phong kiến, đến thời kỳ Pháp thuộc.

Chế độ cộng sản ở Việt Nam, hiện đã kéo dài hơn so với các dân tộc Nga, Ba Lan, Tiệp Khắc..trên 20 năm kể từ 1990, cũng đã gợi ý để đặt câu hỏi về các giá trị tinh thần như tự do, dân chủ, nhân quyền ...đứng ở vị trí nào trên thang bậc các giá trị được suy tôn của dân tộc Việt Nam.

Trên nền những thành tựu kinh tế của các dân tộc Nhật Bản, Nam Hàn, Singapor..., 1 so sánh làm dân tộc Việt Nam phải hổ thẹn: Chúng ta có được phép thua kém như vậy không?

Tình hình nóng bỏng tại Biển Đông, do những xâm lấn Biển, đảo, lãnh hải EEZ của Trung Quốc đối với Việt Nam, đã đặt dân tộc Việt Nam trước câu hỏi lớn: Nhượng bộ chịu mất lãnh hải, hay gìn giữ đến cùng? 

Trước kẻ xâm lược truyền thống, đang phát triển mạnh về kinh tế, có thực lực quân sự, 1 câu hỏi nẩy ra tự nhiên lúc này là:

Con đường nào sẽ là con đường cho Việt Nam hôm nay, để phát triển quốc gia, để bảo tồn văn hóa Việt Nam, để dân tộc Việt Nam thịnh vượng, để Việt Nam gìn giữ được an toàn biên cương, lãnh hải Việt Nam.

Con đường do ĐCS VN đã chọn: đồng minh chiến lược với Trung Quốc, coi tình hữu nghị với Trung Quốc "vừa là đồng chí, vừa là anh em", đã phá sản hoàn toàn.

Nhất là sau khi quốc hội Trung Quốc thành lập thành phố huyện Tam Sa 21/6/2012, chính thức đặt 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam thành quận huyện của Trung Quốc, y hệt như Mã Viện thời nhà Hán đã đặt Việt Nam thành các quận, huyện Trung Quốc với các tên như Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam....

Không những xâm lược Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc còn tăng cường các hành động khiêu khích quân sự trên Biển Đông, ngang ngược tổ chức mời thầu 9 ô thăm dò dầu khí dầu khí trong vùng lãnh hải EEZ của Việt Nam, tổ chức mời thầu 26 ô trên Biển Đông, có ô thuộc lãnh hải Hoàng Sa của VN, hiện TQ đang chiếm giữ.

Đây là lúc phải hỏi vào minh triết Việt Nam.

Cũng phải nhấn mạnh rằng Minh triết Việt Nam chỉ soi sáng cho những suy nghĩ xuất phát từ những tấm lòng yêu nước, đặt lợi ích của dân tộc Việt Nam làm lợi ích tối thượng.

Minh triết Việt Nam sẽ soi rọi như kính chiếu yêu quái, soi rõ những phản trắc của những kẻ đặt lợi ích đảng phái, phe nhóm, cá nhân lên trên độc lập chủ quyền của Việt Nam.

Đây là lúc minh triết Việt Nam phải bừng sáng, để soi sáng mỗi tâm hồn Việt Nam.

1. Minh triết Việt Nam trong giai đoạn dựng nước.

Minh triết Việt Nam có 1 khởi đầu rất tự hào, nhuốm mầu sắc thần thánh, là 1 thần thoại đẹp đẽ về hơn 60 các dân tộc đang sinh sống trên mảnh đất Việt Nam. Các dân tộc này đều có chung nguồn gốc, đều là anh em 1 nhà, đều là cùng cha, cùng mẹ.

Đây là điểm khác biệt với nguồn gốc người Do Thái và người Ả Rập: họ là những anh em cùng cha nhưng khác mẹ. Tổ tiên đầu tiên của dân tộc Do Thái xuất phát từ người con trai của vợ cả, người Ả Rập xuất phát từ con vợ 2, thân phận nô lệ./xem Wikipedia “Abraham”/

Truyền thuyết VN nói rằng thần rồng Lạc Long Quân, chúa tể Biển Đông, lấy tiên nữ Âu Cơ, tiên nữ của rừng núi đại ngàn Việt Nam và sinh ra 100 chàng trai Việt, thủy tổ hơn 60 các tộc Việt, sinh sống từ rùng núi xuống đồng bằng, ra biển cả.

Đây là 1 trong những truyền thuyết về nguồn gốc dân tộc hiếm hoi và hay nhất thế giới, nếu ta thực hiện so sánh với các truyền thuyết nguồn gốc dân tộc ta với các dân tộc khác trên thế giới.

Truyền thuyết này là minh triết đầu tiên nhất, đẹp đẽ nhất của minh triết Việt Nam:

Các dân tộc trên tổ quốc Việt Nam đều là anh em, đều có 1 thủy tổ, đều là con cháu của Lạc Long Quân và Âu Cơ, đều là chủ nhân của rừng núi Việt Nam, đồng bằnh Việt Nam, đều là chủ nhân của biển cả Việt Nam, Biển Đông. Các bộ tộc thực hiện các nghề khác nhau trên đất Việt từ nghề trên rừng, đến nghề trồng trọt tại đồng bằng, hay nghề cá ven biển đều có nguồn gốc chung mà thủy tổ của họ đã là những anh em cùng cha, cùng mẹ.

Chính lòng tự hào là con rồng cháu tiên đã giải thích tại sao người Việt Nam không bị hán hóa qua nghìn năm bắc thuộc.

Sau này, dân tộc Việt Nam đã vượt qua được chính sách đồng hóa tàn bạo của người Hán tại Việt Nam, như giết con trai, lấy con gái làm vợ, tàn sát hầu hết các họ Việt gốc, Việt cổ như họ Chủ, họ Thi, họ Triệu, họ Trưng...,đào mang về Trung Quốc những di chỉ văn hóa, bằng mọi cách xóa hết quá khứ của tộc Việt Thường trên đất Giao Chỉ...

Thế nhưng bản sắc dân tộc Việt Nam kiêu hãnh, Con Rồng Cháu Tiên, không hề mất qua gần 1000 năm đô hộ bạo tàn của phong kiến Trung Quốc.

Dân tộc này đã hồi sinh, vẫn kiêu hùng bên bờ Biển Đông, vẫn tự coi là hậu duệ chính thống của đại ngàn Việt Nam và chúa tể Biển Đông, là người thừa kế quyền chủ nhân tại Rừng núi, Đồng bằng, và Biển cả Việt Nam: Biển Đông.

Câu hỏi tương tự, mà thế giới đặt ra với dân tộc Do Thái là: tại sao qua gần nghìn năm lang thang không tổ quốc, người Do Thái vẫn gắn với nhau thành 1 dân tộc, dù rằng đã nhiều thế hệ hậu sinh coi đất nước cho họ cư trú như tổ quốc, đã nói những ngôn ngữ khác nhau, đã thấm nhuần những văn hóa khác nhau...?

Câu trả lời chính là tín ngưỡng của người Do Thái. Tổ tiên Do Thái đã tạo ra cho dân tộc Do Thái 1 tín ngưỡng tinh thần, trước khi mất tổ quốc. Đây là 1 niềm tin mãnh liệt: dân tộc Do Thái được Chúa trời chọn để giao nhiệm vụ truyền đạt ý Chúa đến loài người.

Chính niềm tin này đã giúp người Do Thái vượt qua các kỳ thị chủng tộc, kỳ thị tôn giáo, ghen ghét về của cải giàu có của họ..., mà tồn tại như 1 dân tộc không tổ quốc trong cộng đồng loài người.

Hôm nay, niềm tin ấy đã trở thành sự thật. Một nhà nước Israel trên bán đảo Xi Nai đang phát triển và hùng cường.

* * * 

Khởi đầu thần thoại con Rồng cháu Tiên của dân tộc Việt Nam được nối tiếp bởi các triều đại Hùng Vương.

Người con trai cả của Lạc Long Quân và Âu Cơ đã dựng nên nước Việt cổ gọi là Văn Lang và xưng hiệu Hùng Vương.

Cả giai đoạn hàng nghìn năm các vua Hùng dựng nước, cũng là cả giai đoạn hàng nghìn năm phát triển của minh triết Việt Nam.

Đầu tiên là đồng tâm hiệp lực chiến thắng lụt lội, chiến thắng Thủy tinh.

Cần chọn chỗ đất cao, cây cối tốt tươi, muôn hoa khoe thắm mà an cư lạc nghiệp, phải làm bạn với Sơn tinh.

Phải biết bảo vệ quê hương, làng mạc, tổ quốc Việt Nam mỗi khi có giặc phương bắc. Phải biết trang bị cho mình những vũ khí lợi hại hòng tiêu diệt kẻ thù. Phải quyết tâm cao đánh địch, khi giặc Ân đến nhà, thì trẻ em cũng trở thành Phù Đổng. Truyền thuyết Thánh Gióng là minh triết có nội dung này.

Minh triết của giai đoạn này cũng còn là câu chuyên Mai An Tiêm không cầu lụy, nhờ vả, mà luôn trông cậy đôi bàn tay lao động của mình.

Minh triết VN lúc này còn là câu chuyện hoàng tử thứ 13 thời Hùng Vương thứ 18 phát minh ra bánh chưng, bánh dầy, làm phong phú văn hóa Việt Nam....

Minh triết VN của giai đoạn này là bản anh hùng ca, ca ngợi tinh thần lao động quên mình của người dân Việt Nam.

Bản anh hùng ca này ca ngợi tinh thần không khuất phục các tai ương của thiên nhiên, cùng nhau đồng tâm, đồng lòng bảo vệ tổ quốc Việt Nam mỗi khi có ngoại xâm phương bắc.

Đã hình thành 1 quốc gia có cương thổ, biên cương rõ rệt với phương bắc. Đã có 1 nền văn hóa văn minh với các tập tục, chẳng hạn tập tục truyền ngôi, khác các tập tục TQ. Chỉ là hoàng tử trưởng thôi, chưa chưa phải là tiêu chuẩn duy nhất chọn người kế vị. Vua Hùng đã chọn Hoàng tử 13 làm người kế vị ngôi báu.

Ngày hôm nay, Việt Nam ta có bờ biển dài hơn 3300km, cong hình chữ S, với 2 chuỗi chấm ngọc trai xinh đẹp Hoàng Sa, Trường Sa, với dẫy Hoàng Liên Sơn thành chuỗi tường đá biên giới, với dẫy Trường Sơn đòn gánh cơ đồ Việt Nam, với cao nguyên Tây Nguyên, cao địa quân sự của cả bán đảo Đông Dương,...

Tất cả có khới đầu từ Mẹ Âu Cơ, Cha Lạc Long Quân, từ 100 chàng trai Việt đầu tiên, từ các vua Hùng Vương, từ Sơn Tinh, từ Thủy Tinh, từ Thánh Gióng, từ Mai An Tiêm,...

Đây là cội nguồn của Minh triết Việt Nam.

2. Minh triết Việt Nam giai đoạn giữ nước.

Minh triết đầu tiên của giai đoạn này là truyền thuyết Mị Châu, Trọng Thủy.

Vì quá yêu thương con gái Mị Châu, mà nhà vua Việt Nam, Thục An Dương Vương đã không cảnh giác, để TQ dùng quan hệ thông gia lừa lọc, dẫn đến nỏ thần Kim Qui, bí mật của vũ khí mũi tên bọc kim loại đồng, bị vô hiệu hóa.

Nước Việt Nam cổ đại bị TQ xâm lược.

Bài học mất nước đầu tiên đã cho chúng ta 1 chân lý thông minh: TQ luôn là kẻ thù số một của dân tộc Việt Nam.

Không bao giờ bành trướng Trung Quốc lại kết bạn thật lòng, kết thông gia thật bụng với Việt Nam.

Việt Nam muốn tồn tại, phải luôn cảnh giác với mọi mưu mô sảo quyệt hòng thôn tính VN của TQ.

Thật trớ trêu thay, bài học giữ nước đầu tiên lại là bài học Âu Lạc mất nước.

Sau thất bại của An Dương Vương, Việt Nam bị mất độc lập, bị chia nhỏ, trở thành những quận, huyện của TQ.
Xong không bao giờ dân tộc VN cam chịu nô lệ.

Hai người con gái kiệt xuất của tộc Lạc Việt là Trưng trắc, Trưng Nhị đã đuổi giặc Hán, chiếm 65 thành trì và tự chủ trong vòng 40 năm.

Sau đó, các cuộc nổi dậy tiêu biểu như khởi nghĩa anh em Triệu Quốc Đạt và Triệu Thị Trinh vào thời thuộc Đông Ngô.

Cuộc nổi dậy của anh em Lý Trường Nhân và Lý Thúc Hiến từ thời bắc thuộc Lưu Tống, Nam Tề từ năm 468 đến 485.

Năm 541, Lý Bí nổi dậy khởi nghĩa, đã đánh đuổi được thứ sử Tiêu Tư nhà Lương, sau 3 lần đánh bại quân Lương những năm kế tiếp, Lý Bí tự xưng đế tức là Lý Nam Đế, lập ra nước Vạn Xuân vào năm 544. Đến năm Năm 545, nhà Lương cử Trần Bá Tiên và Dương Phiêu sang đánh nước Vạn Xuân, Lý Nam Đế bị thua trận, giao lại binh quyền cho Triệu Quang Phục. Sau khi Lý Nam Đế mất, Triệu Quang Phục đánh đuổi được quân Lương vào năm 550, bảo vệ được nước Vạn Xuân. Ông tự xưng là Triệu Việt Vương, đến năm 571 một người cháu của Lý Nam Đế là Lý Phật Tử đã cướp ngôi Triệu Việt Vương, tiếp tục giữ được sự độc lập cho người Việt thêm 30 năm đến khi nhà Tùy sang đánh năm 602.

Kế tiếp nhà Tùy, nhà Đường đô hộ Việt Nam gần 300 năm. Trong thời kỳ thuộc nhà Đường, đã nổ ra các cuộc khởi nghĩa chống bắc thuộc của người Việt như khởi nghĩa Lý Tự Tiên và Đinh Kiến, khởi nghĩa Mai Hắc Đế, khởi nghĩa Phùng Hưng và khởi nghĩa Dương Thanh từ cuối thế kỷ 7 đến thế kỷ 9.

Năm 905, hào trưởng địa phương người Việt Khúc Thừa Dụ đã chiếm giữ thủ phủ Đại La, bắt đầu thời kỳ tự chủ của người Việt ./ nguồn Wikipedia: lịch sử VN/

Từ chiến thắng lừng lẫy của Ngô Quyền trên sông cả Bạch Đằng giang( năm 938), 1 nhà nước Việt Nam hiên ngang độc lập đã sừng sững riêng 1 góc trời nam.

Thành công vĩ đại của Ngô Quyền đã cho dân tộc VN 1 bài học sâu sắc : Để chiến thắng quân ngoại xâm hùng mạnh Nam Hán, trước hết phải dẹp xong thù trong nước Kiếu Công Tiễn.

Dân tộc Việt Nam đã dành lại được tổ quốc sau bao cuộc khởi nghĩa, sau bao hy sinh vô bờ bến của con dân Việt Nam.

Máu Việt Nam đã ngấm vào từng thước của mảnh đất này.

Từ nay trở đi, không bao giờ cúi đầu nô lệ nữa.

Giai đoạn lịch sử tiếp theo, là giai đoạn minh triết Việt Nam phát triển rực rỡ, huy hoàng.

Ở giai đoạn này, Minh triết Việt Nam đã trở thành 1 kho thông minh đầy đủ, hoàn thiện, chứa đựng sức mạnh vô địch Việt Nam. 

Minh triết giúp quốc gia Việt Nam, dân tộc Việt Nam tồn tại hiên ngang bên cạnh 1 quốc gia hung hãn, bành trướng, lúc nào cũng lăm le ăn sống nuốt tươi Việt Nam.

Minh triết của dân tộc Việt Nam giai đoạn này là không chấp nhận ách đô hộ của Trung Quốc, không chấp nhận văn hóa Trung Quốc, quyết tâm bảo vệ 1 Việt Nam độc lập do người Việt làm chủ.

Bài học trong 20 năm mất nước của Hồ Quí Ly là bài học của 1 chính quyền không có lòng dân ủng hộ.

Minh triết Việt Nam trên mặt bằng phát triển quốc gia, so sánh với các quốc gia Chân Lạp, Phù Nam...,, đã là 1 trong những minh triết tiên tiến của giai đoạn lịch sử của loài người, của chế độ phong kiến.

2.1 Một trong những bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam, hùng tráng nhất, đầy đủ nhất là bài thơ bất hủ của Lý Thường Kiệt( năm 1076):

Nam quốc sơn hà.
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Bài thơ đã vạch rõ Nam quốc là 1 quốc gia độc lập, tự chủ do vua Nam ở. Quốc gia này có sông, có núi riêng biệt, thuộc quyền cai quản của vua Nam, đã được sách trời ghi nhận. Đây là điều khoản do trời định, mà người thường, cho dù là 1 quốc gia to hơn, đông hơn, mạnh hơn ...cũng không thể thay đổi được.

Thuận ý trời, cả dân tộc Việt định cư tại phương Nam này quyết đánh cho bành trướng phương bắc thất bại tan tành.

Hơn 500 năm sau, rất nhiều bộ tộc người da đỏ tại Châu Mỹ, thổ dân Úc Châu, hay thổ dân Châu Phi đã bị mất tổ quốc, khi Chủ nghĩa thực dân Châu Âu bành trướng.

Các quốc gia đơn giản của các bộ tộc này, đã bị biến mất, không có tên trên bản đồ chính trị thế giới hôm nay, là do phát triển tổ chức quốc gia kém, trên mặt bằng phát triển chung của toàn nhân loại, mà một trong những yếu kém chính là họ chưa có khái niệm cương thổ, biên giới riêng biệt.

2.2 Bản di chúc bất hủ của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.

Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo là linh hồn của 3 cuộc kháng chiến / 1257,1284,1287/. chống Đế quốc Nguyền-Mông hung hãn, mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ.

Lòng yêu nước của ông thể hiện qua câu nói bất hủ :

"Bệ hạ chém đầu tôi trước rồi hãy hàng”

—Trả lời Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông trong cuộc kháng chiến lần 2./1284/

“ Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối. Ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa. Chỉ căm tức chưa xả thịt,lột da quân giặc. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, Ta cũng cam lòng"/ Hịch Tướng Sĩ/ 

Tất cả đều toát lên tinh thần: Thà chết chứ không đội trời chung với giặc xâm lược phương bắc.

Cả cuộc đời tận tụy vì gìn giữ độc lập cho nước nhà, trước kẻ địch mạnh, Trần Hưng Đạo luôn coi trọng sức mạnh của đoàn kết, của toàn dân.

Nếu trở lại khung cảnh xã hội nhà Trần thế kỷ thứ 13, khi chế độ nô lệ vẫn thịnh hành, khi chỉ 1 nhóm quí tộc phong kiến là có quyền tự do, ta càng hiểu tính nhân văn cao cả của Trần Hưng Đạo.

Ông đã coi tất cả mọi người dân đều bình đẳng. Vận mệnh đất nước, vận mệnh vương triều Nhà Trần là phụ thuộc vào những người dân lao động bình dị này.

Khi lâm chung, Trần Hưng Đạo còn đau đáu vì tương lai đất nước.

Bản di chúc của ông là tổng kết cho muôn đời sau kinh nghiệm chống giặc xâm lược Trung Quốc.

Vị Quốc công Tiết chế, người từng chỉ huy tất cả các đạo quân của nhà Trần, những đạo quân thiện chiến làm nên những chiến thắng oai hùng như Chương Dương, Hàm Tử, Tây Kết, Vân Đồn, Bạch Đằng...đã ân cần dặn dò các thế hệ sau :

"Nếu chỉ thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió thì thế dễ chế ngự.

Nếu nó tiến chậm như các tằm ăn, không cầu thắng chóng, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế, có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được.

Vả lại, khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy" /Wikipedia. Trần Hưng Đạo/

2.3 Cáo Bình Ngô. Thiên anh hùng ca bất hủ của dân tộc Việt Nam.

Cáo Bình Ngô (Nguyễn Trãi, năm 1427) là áng thiên cổ hùng văn có một không hai của dân tộc Việt Nam.

Đọc áng văn hào hùng này, không có người Việt Nam nào lại không thấy tự hào về văn hiến, về những chiến công giữ nước, về minh triết thông minh Việt Nam, về truyền thống đánh giặc ngoại xâm của ông cha ta...

Đây là minh triết Việt Nam ở giai đoạn phát triển phồn thịnh nhất.

Tư tưởng nhân nghĩa Việt Nam đã đứng ở đỉnh cao, lấy dân làm trọng.

Quân đội, bạo lực chính trong tay nhà vua cũng phải phục vụ, trừ bạo loạn mà an dân. Đây là đặc điểm của Đại Việt, 1 nước văn hiến đã lâu :

"Việc nhân nghĩa cốt ở an dân.
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo."

Chữ "dân" của Cáo Bình Ngô chính là những “dân đen”, “con đỏ”, chính là “Người bị ép xuống biển.., kẻ bị đem vào núi”, chính là “.. nhân dân,..kẻ góa bụa”..

Đây là tất cả những con dân Đại Việt đã bị giặc Minh bóc lột, coi như nô lệ, đây cũng chính là lực lượng chính của quân đội Lam Sơn.

Theo Nguyễn Trãi, Nhân Nghĩa có nội dung chính là "an dân", do đó: "Quân điếu phạt trước lo trừ bạo".

Chính nhờ quan điển "an dân", "nhân nghĩa" tiến bộ, vương triều nhà Lê dựa trên nền tảng minh triết này, đã đưa nhà nước Đại Việt đến đỉnh cao phồn thịnh.

Đây là những năm thái bình thịnh trị nhất lịch sử Việt Nam, khi tiếng nhạc, tiếng đàn còn vọng trên đường làng, trong góc xóm thanh vắng.

Minh triết Việt Nam nhà Lê đã khẳng định chân lý: Sự phồn thịnh của quốc gia Việt Nam phải dựa trên những minh triết nhân bản, những minh triết lấy dân làm trọng.

Minh triết của Cáo Bình Ngô, còn là minh triết của thông minh Việt Nam, của binh pháp Việt Nam nhằm thắng quân xâm lược hùng mạnh Trung Quốc:

"Thế trận xuất kỳ lấy yếu chống mạnh,
Dùng quân mai phục lấy ít địch nhiều".

Dân tộc Việt Nam đã "lấy yếu chống mạnh", "lấy ít địch nhiều". Ngoài nguyên do trí tuệ quân sự Việt Nam :" Thế trận xuất kỳ", "Dùng quân mai phục", còn nguyên do chính nghĩa Việt Nam. Đó là:

"Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
Lấy chí nhân để thay cường bạo".

Minh triết Nguyễn Trãi đã chỉ rất rõ nguyên nhân của ngoại xâm Trung Quốc. Xâm lược phương bắc luôn rình rập chờ cơ hội Đại Việt yếu kém. Thế cho nên:

"Nhân họ Hồ chính sự phiền hà,
Để trong nước lòng dân oán hận.
Quân cuồng Minh đã thừa cơ gây họa,
Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn,
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ
Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế
Gây thù kết oán trải mấy mươi năm
Bại nhân nghĩa nát cả đất trờị
Nặng thuế khóa sạch không đầm núi."

Đây là minh triết về sự cướp nước của bọn xâm lược Trung Quốc và minh triết về sự bán nước của bọn người Việt Nam, những kẻ đã bán linh hồn cho quỉ sứ TQ, và vào hùa với chúng, tàn hại đồng bào của mình.

Bao giờ trước khi ra trận chống xâm lược Trung Quốc, quân dân các triều đại phong kiến Việt Nam cũng trước dẹp yên phản trắc trong nước, sau đem hết tinh lực Việt để chống cự đến cùng với ngoại xâm phương bắc.

Là phát triển liên tục tinh thần "Nam quốc sơn hà Nam Đế cư", Cáo Bình Ngô khẳng định : "Núi sông bờ cõi đã chia". Tiến xa hơn nữa, Nguyễn Trãi khẳng định Đại Việt có 1 nền văn hiến khác hẳn Trung Quốc, nền văn hiến này không phải mới hình thành mà đã " Vốn xưng nền văn hiến đã lâu", do đó : "Phong tục bắc, nam cũng khác." Tinh hoa của dân tộc Việt là con người , là " hào kiệt đời nào cũng có":

"Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,
Nước non bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác;
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần; bao đời xây nền độc lập;
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên; mỗi bên hùng cứ một phương;
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,
Song hào kiệt thời nào cũng có".

Để thắng giặc mạnh, người lãnh tụ, theo Cáo Bình Ngô tổng kết :

1. Phải có lòng yêu nước sâu sắc:

"Ngẫm thù lớn há đội trời chung
Căm giặc nước thề không cùng sống
Đau lòng nhức óc, chốc đà mười mấy năm trời
Nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối".

2. Phải có tri thức, cương lĩnh đuổi giặc ngoại xâm, xem xét trước sau lẽ hưng phế, phải có lòng căm thù giặc không đội trời chung:

"Quên ăn vì giận, sách lược thao suy xét đã thông.
Ngẫm trước xét sau, lẽ hưng phế đắn đo càng kỹ.”

2.4. Phải có có chính sách cầu nhân tài, cầu nhiều nhân tài cùng gánh vác sự nghiệp :

“Tấm lòng cứu nước,
Vẫn đăm đăm muốn tiến về Đông,
Cỗ xe cầu hiền,
Thường chăm chắm còn dành phía tả.”

4. Gặp khó khăn, gian khổ, quyết không lùi bước :

Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần,
Lúc Khôi Huyện quân không một đội.
Trời thử lòng trao cho mệnh lớn
Ta gắng trí khắc phục gian nan.

5. Quan trọng nhất là đoàn kết của toàn dân, và toàn quân, cùng xả thân vì tổ quốc, giang sơn. Đây chính là cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam.:

"Nhân dân bốn cõi một nhà,
Dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới
Tướng sĩ một lòng phụ tử,
Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào."

Người lãnh tụ có những đức tính anh hùng như vậy, một dân tộc có truyền thống yêu nước nồng nàn như vậy, thì không kẻ ngoại xâm nào mà VN ta không đánh thắng.

Nguyễn Trãi, người anh hùng dân tộc vĩ đại của VN, với tư tưởng nhân văn cao cả đã khẳng định sức mạnh của nhân dân trong mọi thời đại : Chở thuyền là nước mà lật thuyền cũng là nước.

Lịch sử VN phong kiến là lịch sử chống ngoại xâm TQ.

Giai cấp thống trị phong kiến VN luôn đồng hành cùng dân tộc trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược TQ. Sự đoàn kết này đã đem lại kết quả to lớn : quốc gia Đại Việt luôn tồn tại hiên ngang bên bờ Biển Đông, không 1 chút tự ti với phong kiến TQ. VN đã đánh thắng các đội quân xâm lược tàn bạo kể cả Đế quốc Mông cổ, kẻ đã xâm lược toàn bộ TQ và 1 phần Châu Âu cùng Châu Á.

Thế nhưng cũng có giai đoạn, do lẫn lộn quyền lợi dân tộc với quyền lợi 1 tầng lớp quí tộc phong kiến, mà nhà Mạc đã cầu sói TQ vào nhà, hay Lê Chiêu Thống đã nghe lời các đại trí thức, khoa bảng của triều Lê mạt mà rước Tôn Sĩ Nghị vào Thăng Long.

Đây là những chấm đen nhức nhối trong trang sử vàng chói lọi của dân tộc VN.

3. Địa lý Việt Nam, một yếu tố quan trọng tạo nên các chiến thắng ngoại xâm TQ.

Trong bài "Phú Bạch Đằng Giang" đại thi hào Trương Hán Siêu có viết :

"Từ có vũ trụ,
Đã có giang san.
Quả là: trời đất cho nơi hiểm trở,"

Nếu ta đặt câu hỏi: Phải chăng những tộc Việt khác, đã từng an cư từ bờ nam sông Dương Tử, có tinh thần chống Hán kém người Việt Nam ta?

Thì câu trả lời là phủ định.

Tìm trong lịch sử Trung Quốc, sự gan góc, kiên cường chống Hán hóa của những dân tộc Việt này không thua kém bất cứ sự hi sinh quên mình chống ngoại xâm TQ của tộc Việt Nam.

Vậy thì thành công của người Việt Nam có đóng góp rất quan trọng của phần đất đai mà Mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân để lại cho chúng ta.

Tộc Việt Nam là tộc nông nghiệp, coi nghề nông là kế sinh nhai. Chúng ta cứ ven các châu thổ các sông mà phát triển sinh sống.

Đồng bằng lại là nơi bằng phẳng, rất thuận tiện cho tác chiến, cho những đạo quân xâm lược TQ dàn trận tấn công.

May thay cho Việt Nam, dải Hoàng Liên Sơn hùng vĩ như 1 vách đá sừng sững chặn mọi đoàn quân xâm lược TQ. Đường thông thương, từ TQ sang Việt Nam, sang các đồng bằng châu thổ sông ngòi Miền Bắc, phải đi qua dẫy núi Hoàng Liên Sơn, biên giới tự nhiên TQ-VN. Đường đi nhỏ hẹp, vách đá cheo leo.

Có những đèo, những ải, hiểm trở, thuận cho phòng ngự, chỉ cần mai phục một số ít quân lính, có để chống trọi lâu dài với với trăm vạn quân TQ xâm lược.

Đưa 1 đội quân xâm lược số lượng lớn để chinh phục Việt Nam đã khó, mà vận tải chuyển quân trang quân dụng, vũ khí đạn dược tiếp tế cho đội quân này còn khó hơn.

Binh pháp thế giới gọi đất châu thổ đồng bằng Bắc Bộ bao bọc bởi Hoàng Liên Sơn là tử địa cho mọi đạo quân xâm lược.

Đưa quân vào đã khó khăn, tiếp tế càng khó khăn hơn, mà rút lui ra thì càng khó khăn hơn nữa.

Trận chiến Biên giới 1979 là thí dụ gần nhất về đặc tính phòng vệ hữu hiệu của Hoàng Liên Sơn đối với Việt Nam. Quân xâm lược TQ đã bị tiêu diệt tử vong lúc rút chạy nhiều hơn khi kéo quân vào Việt Nam.

Nếu chỉ kể những địa danh mang tính chiến lược như mô tả trên, Việt Nam ta có

1. Dẫy núi Hoàng Liên Sơn, biên giới đá tự nhiên với TQ.
2. Dẫy núi Trường Sơn hiểm trở chạy dài suốt Việt Nam.
3. Các cánh rừng biên giới với Lào, Cămpuchia.
4. Dải Hoành Sơn với đèo Hải Vân độc đạo.
5. Tây Nguyên, cao địa quân sự khống chế cả bán đảo Đông Dương.
6. Hoàng Sa, Trường Sa, phên dậu của duyên hải Việt Nam.

Về Hoàng Liên Sơn, ta đã phân tích ở trên. Dẫy núi Trường Sơn, Tây Nguyên đã được nhiều nhà quân sự Pháp, Mỹ bình luận. Hoàng Sa, Trường Sa trong kỷ nguyên biển, hiển nhiên là 2 quần đảo có tính chiến lược không những cho Việt Nam, mà cho tất cả các quốc gia muốn đội thương thuyền của mình được an toàn trên Biển Đông.

Dải Hoành Sơn có lý do lịch sử.

Nước Việt ta, cho đến thời Lê mạt, chỉ có biên giới đến đèo Hải Vân. Tuy nhiều triều đại Việt hiển hách, đã đánh thắng Chiêm thành nhiều lần, nhưng đều rút quân về do dãy núi hiểm trở này, tạo ra khó khăn cho tiếp tế.

TQ rất biết vị trí địa lý gây nguy hiểm cho Việt Nam là dải đất sau Hoành Sơn. Chẳng hạn trong lần tấn công Đại Việt thời Trần lần 2, tướng Nhà Nguyên Toa Đô đã lãnh 1 cánh quân chinh phục Chiêm thành và đánh thốc lên Đại Việt từ phía Nam.

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm khi khuyên nhủ Nguyễn Hoàng đã cho 1 lời tiên tri :

"Hoành Sơn nhất đái,
Vạn đại dung thân.'

Câu từ có cánh này đã tạo nên sự nghiệp Việt Nam hôm nay.

4. Minh triết Việt Nam từ thất bại chống Pháp thực dân.

Nếu kẻ xâm lược Việt Nam là TQ, mà không phải là Pháp, thì Việt Nam lại chiến thắng là điều ai cũng có thể đồng ý với tôi.

Khẳng định này dựa vào lịch sử Việt Nam.

Nước xâm lược Việt Nam là nước Pháp thực dân, nước có chế độ chính trị tư bản tiên tiến hơn, giầu có hơn và khoa học kỹ thuật quân sự vượt trội hơn Việt Nam ta nhiều lần.

Sư nhu nhược ban đầu của vương triều nhà Nguyễn đã phá hoại đoàn kết dân tộc. Nhân dân Việt Nam không còn tin vào khả năng lãnh đạo cứu nước của tầng lớp quí tộc phong kiến.

Muốn đánh thắng kẻ xâm lược, trước hết phải hiểu kẻ xâm lược.

Muốn hiểu kẻ xâm lược, trước hết phải có trình độ phát triển xã hội, trình độ phát triển khoa học kỹ thuật, đặc biệt là khoa học kỹ thuật quân sự, ..ít nhất là ngang bằng với kẻ xâm lược.

5. Kết luận.

Phong kiến Việt Nam đã thành công giữ gìn độc lập cho Việt Nam trước những xâm lược của TQ.

Đã tạo nên một minh triết rực rỡ thông minh.
Nhưng cuộc sống vận động không ngừng.

Minh triết của ngày hôm qua, nếu không trau dồi, phát triển trong tình huống mới, sẽ không phát huy được tác dụng.

Phong kiến Việt Nam đã thất bại trước xâm lược của Thực dân Pháp do không vận động, phát triển xã hội theo thế giới, mà chỉ nhìn vào TQ, chỉ biết học ở TQ những lạc hậu phong kiến.

Cộng sản Việt Nam tuy dành được độc lập từ Pháp, nhưng lại đang lệ thuộc và mất dần Biển Đảo cho TQ.

Minh triết Việt Nam hơn lúc nào hết, phải được phát huy lên tầm cao mới, để trong trận đấu tranh sinh tồn này của Việt Nam, phải toàn thắng trước những hung hãn xâm lăng của TQ.

Ý thức hệ cộng sản đang trói buộc sự phát triển của Việt Nam, làm Việt Nam lạc hậu hơn so với TQ, trong khi TQ chỉ coi ý thức hệ cộng sản như 1 công cụ để bành trướng hướng Đông - Nam.

Nếu chỉ dựa vào hơn 3 triệu đảng viên, mà vào đảng là để tham nhũng, để chọn người tài, lấy đâu ra anh hùng xuất chúng.

Nếu chỉ dựa vào giai cấp công nhân và liên minh công-nông, là đã tạo ra sự phân biệt đối sử trong xã hội, đã tạo ra những bất bình đẳng trong xã hội, làm sao lại có được đại đoàn kết dân tộc?

Nếu chỉ dựa vào nền tảng lý thuyết Mác LêNin, mà thế giới đã từ bỏ, làm sao có được tư tưởng tiên tiến?

Minh triết Việt Nam hôm nay chính là kết hợp những minh triết của hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của Việt Nam, kết hợp với thành công của các quốc gia hiện đại trên thế giới hôm nay, kết hợp với thất bại trước Thực dân Pháp, kết hợp với tinh thần nhân quyền của thời đại, để tỏa sáng trong mỗi người Việt Nam yêu nước chúng ta.

Dân chủ, đa đảng phái, quyền con người, quyền tự do internet, quyền bình đằng đẳng mọi nghĩa vụ và quyền lợi...chính là sức mạnh tinh thần mới của thời đại hiện nay, đưa mặt bằng dân trí Việt Nam vượt lên trên TQ; tạo điều kiện đóng góp trí tuệ, tài, lực của toàn dân Việt Nam cho Tổ quốc Việt Nam,..;.cũng sẽ là vũ khí hữu hiệu chống lại những xâm lăng Biển Đảo Việt Nam, uy hiếp tinh thần đối với Việt Nam của nhà nước cộng sản phong kiến TQ.

Nguyễn Nghĩa650


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo