BBC - Trước sự e dè của truyền thông Việt Nam không chỉ đích danh Trung Quốc trong các sự kiện lịch sử như chiến tranh biên giới năm 1979 hai các cuộc hải chiến trên Biển Đông, ông Dương Danh Dy, nguyên tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, cho biết ông cũng thấy bất bình. "Tôi không biết ai ra lệnh cấm. Tôi đang tìm hiểu để phê phán đích danh," ông nói và cho biết việc cấm kỵ về Trung Quốc đã trở thành 'bắt buộc không anh nào dám đụng đến cả'.
"Nó xâm lược mình, đánh mình như thế mà mình không dám nói đến là sao?," ông nói.
Theo ông Dy thì mặc dù Việt Nam e dè không dám đụng chạm đến Trung Quốc thì các trang mạng Trung Quốc mà ông theo dõi hàng ngày 'vẫn nói đó (chiến tranh biên giới) là cuộc chiến tự vệ do Việt Nam bài Hoa'.
"Trung Quốc nói thoải mái về cuộc chiến năm 1979. Quan điểm chính thức của họ coi cuộc chiến đó là chính nghĩa. Họ nói xấu m̀inh không còn trời đất gì cả và đến giờ cũng vẫn liên tục luận điệu đó mà phía ta vẫn im thin thít."
Theo ông thì các lãnh đạo Việt Nam 'biết quá nhưng giả điếc' và không ai 'dám bước qua ranh giới này', ông cho biết.
Khi được hỏi liệu đề cập thẳng thắn đến chiến tranh biên giới thì có làm Bắc Kinh mất lòng hay không, ông Dy nói rằng 'mất lòng hay không thì cũng phải nói'.
"Họ đem 60 vạn quân sang giết đồng bào ta, phá hoại nhà cửa của ta mà mình im lặng là hèn," ông nói, "Cũng như với Mỹ không đánh nhau nữa nhưng vẫn nói về Mỹ có sợ Mỹ mất lòng đâu mà tại sao lại sợ Trung Quốc".
Còn về sự đối xử với các liệt sỹ đã hy sinh dưới tay Trung Quốc, ông Dy nói rằng cách đối xử của Nhà nước 'không những không công bằng mà phải nói là vô ơn, bất nhân'.
"Cùng là hy sinh nếu hy sinh chống Mỹ chống Pháp thì được nói công khai gia đình là thương binh liệt sỹ còn hy sinh trong chiến tranh biên giới thì lại không được công khai," ông giải thích.
"Hoàng Sa và Trường Sa các chiến sỹ hy sinh các chế độ chính sách vẫn lặng lẽ thi hành nhưng không dám nêu gương công khai như là những anh hùng," ông nói thêm.
Ông cho rằng thái độ của Nhà nước đối với Trung Quốc có thể giải thích là 'nhẫn nhịn với Trung Quốc đến lúc không nhịn được thì thôi' và phải 'sau này nhìn lại thì mới phê phán được'.
"Nhưng nhẫn nhịn quá mức đến chỗ hèn là không được."