‘Thiếu tâm lẫn tầm’
HÀ NỘI (NV) - Ông Phó Thủ Tướng CSVN Hoàng Trung Hải mắng các quan chức cầm đầu Bộ Giao Thông Vận Tải là “không có tâm và tầm” vì đường sá hư hỏng khắp nơi, nạn kẹt xe kinh niên bên cạnh những tồi tệ khác.
“Quản lý ngồi đút chân gầm bàn, không có tâm và tầm, sâu sát với cuộc sống đang vận động, thay đổi liên tục mà đi xây dựng luật lệ rồi mong cuộc sống chấp nhận thì khó khăn lắm. Luật người ta viết ra, trải qua bao nhiêu năm vẫn không phải sửa đổi mà mình thì cứ vừa ra đã sửa.”
Báo Người Lao Ðộng hôm Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013 dẫn lại lời ông Hoàng Trung Hải mắng quan chức cầm đầu Bộ Giao Thông Vận Tải khi ông đến dự và “chỉ đạo” tại “hội nghị trực tuyến vào ngày 10 tháng 1, tổng kết công tác năm 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013” của Bộ GTVT.
Ðó là những lời đả kích rất nặng nhắm vào từ ông Bộ Trưởng Ðinh La Thăng trở xuống khi ông “chỉ ra hàng loạt yếu kém trong công tác chỉ đạo, điều hành, giám sát” của Bộ GTVT.
Quốc lộ 1A, đoạn qua xã An Dân, huyện Tuy An-Phú Yên được ví như chiếc áo rách chưa bao giờ vá lành suốt 5 năm qua. (Hình: Người Lao Ðộng)
Mới đây, nhà cầm quyền CSVN ra nghị định mới bắt các người chủ xe gắn máy và các loại xe hơi, xe tải đóng thêm “phí bảo trì đường bộ.” Loại “phí” cũng là thuế này bị nhiều người đả kích là “phí chồng lên phí” vì nhà cầm quyền đã đánh nhiều loại “phí” trên xăng dầu, hiểu ngầm là có cả “phí bảo trì đường bộ” trong đó.
Trên nguyên tắc loại “phí” này bắt đầu thu từ ngày 1 tháng 1, 2013. Xe hơi dưới 9 chỗ ngồi phải nộp 130,000 đồng/tháng; các loại xe tải, “xe chuyên dùng” phải đóng cao nhất là 1,040,000 đồng/tháng. Chủ xe đóng qua các lần đăng kiểm.
Tuy nhiên các loại xe máy (đóng 50,000 đồng/năm (dung tích dưới 100cm3), 100,000-150.000 đồng/năm (trên 100cm3) lại phải đóng tại UBND xã, phường, thị trấn. Nếu không đóng thì bị phạt từ 800,000 đồng đến 10 triệu đồng tùy loại xe.
Nhưng đóng “phí bảo trì” như vậy thì đường lộ sẽ khá hơn hay vẫn vậy? Ðây là điều sẽ nhìn thấy trong những ngày sắp tới.
Trong cuộc họp nói trên, ông Trương Tấn Viên, thứ trưởng Bộ GTVT kêu rằng, “thiếu vốn duy tu, sửa chữa định kỳ nên ảnh hưởng lớn đến chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông và giảm năng lực khai thác; sự thiếu kiểm soát xe quá tải trên diện rộng cũng khiến các tuyến quốc lộ hư hỏng, mất an toàn.” Nhưng không thiếu những con đường chưa khánh thành đã hỏng, đang xây thì cậu sập xuống sông vì tham nhũng rút ruột, nuốt sắt nuối xi măng, nhựa đường. Có cả những trụ “bê tông cốt tre” lộ ra tại một số công trình cầu đường tại Việt Nam. Dù vậy, không thấy có ông lớn nào bị bỏ tù.
Ông Ðinh La Thăng, 52 tuổi, được đôn lên làm bộ trưởng GTVT từ ngày 3 tháng 8, 2011 khi đang cầm đầu tập đoàn dầu khí quốc doanh Việt Nam.
Sau khi được Quốc Hội Hà Nội phê chuẩn vào chức bộ trưởng, ông nói với báo chí là: “Bộ trưởng là tư lệnh lĩnh vực ngành, phải cho tôi toàn quyền. Tư lệnh ra chiến trường phải được toàn quyền quyết định chiến đấu, tiến hay lùi, nếu chờ xin phép thủ trưởng ở nhà thì sẽ lỡ cơ hội.”
Ông cũng tuyên bố đưa ra “3 khâu đột phá chiến lược” gồm “Thứ nhất là đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, thứ hai là tình trạng tai nạn giao thông, thứ ba là ùn tắc giao thông. Tôi sẽ thực hiện quyết liệt ba vấn đề trên.”
Nhưng các thành phố lớn vẫn kẹt xe như nêm cối, đường lộ hư hỏng không sửa chữa bao nhiêu, hạ tầng cũng không thấy được đầu tư nhiều hơn. Ðã vậy, ông còn nổi tiếng với những lời tuyên bố đòi công chức Hà Nội phải đi làm bằng xe buýt cũng như cấm họ chơi gôn và cũng chỉ những lệnh suông, chẳng ai nghe. Cái lệnh đổi giờ làm công sở, đổi giờ học của học sinh để tránh kẹt xe vẫn cứ kẹt, chỉ đầy những lời kêu ca bất tiện.
Cuối năm 2011, ông Ðinh La Thăng đề nghị Quốc Hội cấp cho ngân sách thêm 40,000 tỉ đồng đầu tư vào hạ tầng vì “hiện Bộ GTVT không còn tiền.”
Bây giờ, ông bị ông phó thủ tướng mắng là “không có tâm và tầm.” (TN)