Như Nguyên (Danlambao) - Trong cuộc sống của chúng ta, nhiều người tuy có hoàn cảnh gia đình khác nhau, nhưng lại có nhiều điểm tương đồng và từ đó trở thành những người bạn tri kỷ. Thức và Long ngồi chung một giảng đường Đại học, sau đó cùng công tác trong một công ty, có cùng chí hướng và có cùng một nỗi đau là sự ra đi về cõi vĩnh hằng của hai người Mẹ trong lúc mà sự nghiệp đấu tranh vì tự do cho dân tộc Việt của hai bạn còn dang dở.
Tôi có một chút quen biết với hai bạn Thức và Long, đã chứng kiến sự đi về cõi vĩnh hằng của hai người Mẹ. Xin mạn phép hai bạn cho tôi được ghi lại những dòng cảm xúc của mình.
Đức Phật Thích Ca đã dạy "Sinh, Lão, Bệnh ,Tử". Đó là qui luật mà mỗi người chúng ta đều phải trải qua, nhưng khi chứng kiến sự ra đi vĩnh viễn của đấng sinh thành ra mình thì nỗi đau này thật khó diễn tả bằng ngôn từ.Chỉ có những người từng trải qua mới cảm nhận được những nỗi đau đó. Đặc biệt còn gì đau buồn hơn khi biết Mẹ mình ra đi mà không được về để đốt nén nhang vĩnh biệt lần cuối.
Cái đêm mà an ninh Việt Nam vào đọc lệnh bắt Anh Trần Huỳnh Duy Thức, khi đó thân mẫu của Anh đã ngủ say. Những ngày sau đó vì sức khỏe của bà nên gia đình phải nói dối là Thức đi công tác nước ngoài một thời gian và người mẹ già đã không có gì phải lo nghĩ về sự vắng mặt của người con thân yêu của mình. Người Á Đông chúng ta có một truyền thống là kính yêu cha, mẹ và chăm lo chu đáo đến cuối đời .Thức rất thương mẹ, thường đáp ứng mọi yêu cầu mà mẹ mình mong muốn, tuy nhiên có một việc mà Thức chưa thực hiện được là đưa thân mẫu của mình đi du lịch HONG KONG như đã hứa, tuy vậy khi nhắm mắt xuôi tay trên khuôn mặt của bà hình như toát lên một sự toại nguyện và niềm vui chờ đợi ngày về của con trai mình. Khi thân mẫu của Thức qua đời, ngày hôm sau gia đình lên báo hung tin, Thức ít nói hơn mọi khi, đôi măt thỉnh thoảng như nhìn vào một cõi xa xăm nào đó, sau đó ôm hai cô con gái vào lòng nói rõ từng tiếng một "hai đứa thay ba lạy bà nội một trăm lạy nghe".
Kìm nén cảm xúc đau thương, giữ thái độ bình thảng trước mọi người lúc này là điều mà không phải ai cũng làm được Khác với Thức, thân mẫu của Long phản đối kịch liệt khi biết được những lý tưởng mà Long đang theo đuổi. Những ngày đầu khi lên Xuân Lộc thăm Long,bà vẫn thường hay trách móc và khuyên con mình những điều theo nhãn quan của người mẹ bốn mươi tuổi đảng; nhưng những lần thăm sau, nhìn thấy con mình tiều tụy vì tuyệt thực để phản đối bản ký nhận tội, cuối cùng người mẹ cũng phải xiêu lòng và lắng nghe quan điểm của con mình. Sau khi được trả tự do, hai mẹ con có dịp hàn huyên, nên cuối cùng bà và cả gia đình đều ủng hộ con đường mà Long đã chọn.
Nhưng cuộc đời lại quá oái ăm; khi Long nhận được sự ủng hộ của gia đình, thì căn bệnh ngoặc nghèo lai đến với thân mẫu của Long. Những ngày cuối đời,tuy bệnh tật đã làm cho thân xác bà chỉ còn là da bọc xương, nhưng ánh mắt của bà như muốn nói lên niềm tự hào vì những đóng góp của con trai mình cho sự nghiệp xây dựng một xã hội tự do, dân chủ cho Việt Nam.
Tình thương của người mẹ dành cho con, bao giờ cũng dạt dàovà bao la như biển Thái Bình. Tôi tin rằng hương hồn của hai cụ bà sẽ mãi mãi bên cạnh con trai của mình, giúp con mình giữ vững niềm tin và thực hiện được điều mà người dân Việt đang mong mỏi chờ đợi.
Sài gòn, 08-01-2013