Thanh Phương (RFI) - Theo tin của Tân Hoa Xã, trích dẫn thông cáo của Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc, một đội gồm 2 tàu hải giám của Trung Quốc, với sự yểm trợ của máy bay trinh sát, hôm qua, 01/01/2013, đã đi vào vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, để « tiến hành tuần tra định kỳ vùng sản xuất dầu trên biển của Trung Quốc ». Không rõ là các tàu hải giám và máy bay trinh sát nói trên có đã đi vào vùng hải phận và không phận của Việt Nam hay không.
Đội tàu hải giám Trung Quốc đã đến vùng Vịnh Bắc Bộ sau khi tuần tra tại vùng biển Trường Sa. Theo Tân Hoa Xã, trong ngày đầu tiên của năm 2013, đã có 5 tàu chủ lực thuộc đội hải giám Trung Quốc tại Biển Đông tuần tra « bảo vệ chủ quyền trên biển ». Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc cũng cho biết là trong toàn bộ năm 2012, tàu hải giám của Trung Quốc đã thực hiện 58 nhiệm vụ tuần tra trên Biển Đông.
* Một chiếc tàu hải giám của Trung Quốc thả neo ở cảng Sanya (Reuters)
Hôm qua 01/01/2013, chính quyền tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, bắt đầu áp dụng quy định cho phép cảnh sát biên phòng của tỉnh này khám xét toàn bộ các tàu bị xem là « hoạt động trái phép » trong khu vực mà Trung Quốc xem là vùng biển của họ trên Biển Đông.
Trước đó, ngày 31/12/2012, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã yêu cầu Việt Nam « chấm dứt những biện pháp làm phức tạp và trầm trọng thêm các vấn đề giữa hai nước, như Luật Biển của Việt Nam, bắt đầu có hiệu lực ngày 01/01/2013 ».
Trong cuộc họp báo, bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc, nhấn mạnh rằng « Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi tại các quần đảo Tây Sa, Nam Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa) và các vùng biển liền kề tại Nam Hải (tức Biển Đông). Tất cả các yêu sách và hành động của nước khác liên quan đến chủ quyền các quần đảo này là bất hợp pháp và vô giá trị ».
Luật Biển của Việt Nam đã được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2012, trong đó khẳng định các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Thanh Phương