Hoàng Đức Doanh (Danlambao) - Kể từ khi đánh đổ phong kiến, thực dân để xây dựng xã hội mới thì dân chủ là niềm mong ước của mọi người. Nói về dân chủ thì nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số là cốt lõi, là điều kiện cơ bản để mọi người tuân theo.
Thôn Đoài xứ Đông Đáy trấn Sơn Nam cũng như bao làng quê khác trong vùng châu thổ sông Hồng được tham gia và chứng kiến bao lần biểu quyết buộc thiểu số phải phục tùng đa số.
Nhớ lại những năm bầu chủ nhiệm, bầu trưởng thôn. Chi bộ họp bàn đề cử 2 người rồi đưa ra dân bỏ phiếu, sau vài kỳ dân phát hiện chi bộ bố trí quân xanh, quân đỏ thế là dân bấm nhau không bầu quân đỏ nữa mà bầu quân xanh, làm trái ý chi bộ, thành ra bầu người ngoài đảng vào vị trí lãnh đạo, gây khó cho chi bộ trong công tác lãnh đạo.
Sau đó chi bộ rút kinh nghiệm khi sử dụng lá phiếu của dân. Được một, hai khóa thực hiện nghiêm túc, yên lòng dân nhưng lại bị trên phê bình là theo đuôi quần chúng cho nên chi bộ lại có sáng kiến mới.
Nông thôn Việt nam là túi đựng chính sách. Có ông cán bộ than phiền, nhiều vô cùng, từ đường (giao thông nông thôn), trường (quản lý 2 cấp học), trạm (Y tế xã, tram bơm) đến "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người, rồi thì sinh đẻ có kế hoạch."
Công tác kế hoạch hóa gia đình cũng không đơn giản, bao nhiêu cuộc họp, bao nhiêu nghị quyết mà có mấy việc: đặt vòng, dùng bao cao su, sử dụng thuốc tránh thai mà vẫn chưa có hồi kết. Tỷ lệ sinh con thứ 3, thậm chí thứ 5 không hề thuyên giảm.
Những cuộc họp có nhiều ý kiến, chưa đạt được chỉ tiêu là do ý thức người sử dụng. So sánh 3 cách tránh thai thì chỉ có cách đặt vòng là khả dĩ vì chị em không tự ý tháo ra được. Khốn nỗi chị em không ưa bởi vì có nhược điểm rong huyết, kinh nguyệt không đều, chị em sợ là có lý. Không nhẽ xác suất vài phần trăm mà ảnh hưởng đến phong trào.
Chi bộ lại vắt óc họp bàn, đến lúc phải sử dụng biện pháp dân chủ, tìm cách đưa ra hội nghị lấy biểu quyết cho việc đặt vòng. Hai cán bộ chịu trách nhiệm là ông công tác Mặt Trận (đảng viên) và chị trưởng thôn mới bầu (ngoài đảng). Hai vị này liên hệ với cán bộ Kế Hoạch Hóa(KHH) gia đình của xã để triển khai. Theo lệ thường, trước khi lấy biểu quyết là các đảng viên đi vận động cùng với hội Phụ nữ. Chỉ tiêu đề ra là 100% chị em trong đối tượng đặt vòng. Trước đây cũng đã có biểu quyết nhưng lá phiếu không tập trung là do thiếu phương pháp, lần này rút kinh nghiệm sâu sắc, có kế hoạch cụ thể, phân công ông chi hội trưởng triệu tập cuộc họp người cao tuổi.
Thôn Đoài là thôn có dân số đông thứ nhì trong xã cho nên danh sách người cao tuổi cũng gần trăm người. Nghe trên loa các cụ không thấy phổ biến nội dung cuộc họp, các cụ bàn tán, có lẽ chi bộ cho họp để bàn về việc xây lại (đền bù) ngôi đình mà từ năm 2006 phải dỡ để lấy đất xây chùa. Sáu, bảy năm nay các cụ vẫn bức xúc, nhà chùa, trưởng thôn hứa hẹn sẽ xây trả các cụ vào địa điểm mới, nhưng rồi cứ lần lữa, Vật liệu bằng gỗ đang mục nát, vật liệu gạch, ngói cũng không vẹn toàn. Các cụ đang mong đợi cho nên thấy báo họp các cụ rủ nhau đi rất đông, lòng tràn đầy hy vọng.
Thôn Đoài mới khánh thành nhà văn hóa, việc họp hành rất tiện lợi. Có sân khấu, có bục chủ tọa, có đủ ghế cho trăm người ngồi họp. Đến giờ chi hội trưởng nói vài câu mào đầu cho đúng nguyên tắc, cử chỉ ấp úng có vẻ khác thường, ông công tác Mặt Trận (MT) nháy mắt, ông chi hôi trưởng càng lúng túng hơn rồi giới thiệu ông công tác MT lên phát biểu:
Kính thưa các cụ ông, các cụ bà trong năm qua thôn ta có rất nhiều tiến bộ… Có được thành tích là nhờ sự dạy bảo của các cụ, những cây đa, cây đề để cho con cháu cậy nhờ.
Riêng công tác KHH gia đình là hơi yếu… như các cụ đã biết trong năm rồi có 3 trường hợp sinh con thứ 3, một ca sinh con thứ tư và hai ca sinh con thứ 5. Vậy thôn ta bị xã khiển trách. Theo cán bộ KHH phản ánh thì nguyên do chị em không chịu đặt vòng. Khi vận động thì họ bao biện rằng chúng tôi dùng bao cao su. Đặc biệt có chị Nhung còn nói bừa: "chồng tôi hoạn rồi còn việc gi phải đặt vòng nữa!"
Riêng công tác KHH gia đình là hơi yếu… như các cụ đã biết trong năm rồi có 3 trường hợp sinh con thứ 3, một ca sinh con thứ tư và hai ca sinh con thứ 5. Vậy thôn ta bị xã khiển trách. Theo cán bộ KHH phản ánh thì nguyên do chị em không chịu đặt vòng. Khi vận động thì họ bao biện rằng chúng tôi dùng bao cao su. Đặc biệt có chị Nhung còn nói bừa: "chồng tôi hoạn rồi còn việc gi phải đặt vòng nữa!"
Qua nghiên cứu thấy rằng đặt vòng là hiệu quả nhất, chị em không chịu chấp hành là chưa có nghị quyết. Hôm nay xin các cụ biểu quyết cho, khi có nghị quyết rồi ai không chấp hành theo hương ước là sẽ phạt, phạt thật nặng, không thể để thiểu số cứ lộng hành. Dân chủ của chúng ta là thiểu số phục tùng đa số. Sau đó có thêm mấy ý kiến của các cụ đảng viên phụ họa rồi lấy biểu quyết.
Mọi người đang đắn đo, cụ Xoáy nhắc cụ Nhàn:
- Sao cụ không giơ tay? Cụ Nhàn thủng thẳng:
- Biết vòng vèo thế nào mà biểu quyết.
Cuối cùng biên bản xác nhận có 52% các cụ đồng ý, thế là thành nghị quyết. Sau cuộc họp chị em ấm ức nhưng chẳng dám nói ra vì nghĩ rằng cha mẹ, ông bà bàn lợi cho con cháu mình…
Vài tháng sau lại có cuộc họp toàn dân bàn về việc số xi măng huyện, xã cho để làm đường mà chưa sử dụng hết, khuyến khích các ngõ nhỏ sử dụng kẻo trả lại trên thi phí, và cúng giải thích có dư luận cho rằng xi măng sử dụng sai mục đích. Vài việc vặt mà hết nửa thời gian, trưởng thôn vội vã nhường cho ông công tác MT điều hành, ông nói:
Kính thưa toàn thể bà con, trong thôn ta vẫn âm ỉ ý kiến thắc mắc của các cụ ông, vẫn đòi hỏi xây trả ngôi đình cho các cụ… Chúng tôi có tìm hiểu thì một cụ cao niên cho biết: Ngôi đình đã dỡ là thờ Thánh Bà, nguyên do có ngôi đình đó là do thời kỳ phong kiến đã chia rẽ đoàn kết, thôn ta có 2 họ to kình địch nhau, Họ Trần ganh tị với họ Lý, họ tranh nhau được tế lễ Thành hoàng, khi gắp thăm có họ trúng 2 năm liền thành thử họ kia trơ mắt ếch, các họ nhỏ không ganh tị mà chỉ biết theo nên năm nào cũng được tế lễ. Lúc đó lý trưởng thể theo nguyện vọng đã nhờ chánh tổng thảo tờ sớ trình với triều đình, xin nhà vua sắc phong cho một vị thần để cho dân thờ cúng. Nhà vua liền ban sắc một vị hoàng hậu, nhưng mà kỵ húy nên không biết tên mà trong các bài tế chỉ viết rằng Quốc sắc, Thiên hương, dân làng nôm na vẫn gọi là thánh Bà và cũng có tên là đình Mới.
Từ khi dỡ đình đã rước bài vị linh sàng của thánh Bà thờ chung với Thành hoàng. Hôm nay nhân buổi họp dân, Mặt trận đứng ra lấy biểu quyết là thờ chung hay thờ riêng? Vậy ai đồng ý thờ chung xin giơ tay. Cuối buổi họp nghị quyết được ghi rành mạch, đa số đồng ý thờ chung. Bấm ngón tay các cụ ông chưa đến 30 lại trừ mấy cụ là đảng viên thì làm sao mà các cụ đa số được!
Trải qua cũng đã mấy tháng, các cụ rất giận dân làng, chị em phụ nữ thì giận các cụ, tiếng chì, tiếng bấc mọi lúc, mọi nơi. Hôm nay nhân trong làng có đám cưới, già trẻ lại lục tục kéo về nhà đám, Khách quan trọng thì đã được mời ngồi trong 3 gian nhà thờ, còn ngoài rạp thì đang sắp cỗ, có 2 bàn dành riêng để uống nước, thế là ông Xoáy chạm trán chị Nhung, dân làng đặt thêm tên là con mẹ Đốp. Ông Xoáy nhớ đến hôm họp, được nêu tên, ông khề khà chất vấn:
- Cái con mẹ này, mày bảo chồng mày hoạn rồi thì giấy tờ đâu? Không có chứng thực vi phạm hương ước của làng là ăn phạt đấy nghe chưa con? Mà phạt nặng làm gương.
- Dạ thưa bố, chồng con có đấy, chồng con vẫn lấy mo che, không dám ra đường, bây giờ lại yêu cầu đặt lên bàn để làm chứng, chúng con không chịu đâu, phạt thì phạt, con kiên quyết không đi đặt vòng, chúng con không sinh con thứ 3 là được!
Mấy người xung quanh nghe mẹ Đốp chống chế, được thể chĩa ánh mắt sang cụ Xoáy mà cười. Cụ Xoáy đâu có chịu, cụ chậm rãi:
- Tao hỏi mày, chúng mày biểu quyết thờ chung, Thành hoàng là đàn ông thờ chung với Thánh Bà lấy gì bảo đảm cho công tác Kế hoạch hóa xóm làng?
Mọi người im bặt, không ai dám cười, tai họ đang nghe nói đến Thành hoàng mà từ xưa đến nay không ai dám nói.