Việt Hoàng (ethongluan) - “...Một trong những vấn đề quan trọng bậc nhất mà dân tộc Việt Nam phải giải quyết rõ ràng với tất cả thiện chí và sự bao dung sau khi đất nước có dân chủ, đó là vấn đề “Hòa giải và Hòa hợp Dân tộc” thật sự...”
Một trong những bài viết cuối năm 2012 gây được nhiều chú ý trong cư dân mạng có lẽ là bài “Đảng cộng sản Việt Nam đã chết” của ông Nguyễn Gia Kiểng, Thường trực của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Năm 2012, đảng cộng sản Việt Nam đã có những cố gắng vượt bậc để nhằm cứu đảng khỏi sụp đổ bằng nghị quyết TƯ4 “chỉnh đốn đảng”. Kết quả hội nghị TƯ6 như thế nào thì ai cũng đã rõ. Những nỗ lực cuối cùng để cứu đảng đã thất bại thảm hại. Ông Nguyễn Phú Trọng mếu máo khi kết luận là TƯ đảng quyết định không kỷ luật một ai. Ông Nguyễn Tấn Sang thì vào Sài Gòn kêu gọi toàn dân chống tham nhũng giúp ông, còn ông thì đã chịu bó tay.
Cuộc chiến Ba - Tư giữa hai phe Nguyễn Tấn Dũng và liên minh Sang - Trọng cũng đã kết thúc. Các bài viết cổ vũ cho liên minh Sang - Trọng trên Quan Làm Báo đã chấm dứt. (theo ý kiến cá nhân thì trang QLB là một lực lượng tương đối mạnh trong nội bộ đảng và đối lập với thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, có thể là một bộ phận của lực lượng an ninh. Lực lượng này đang không biết chọn ai làm minh chủ trong khi sự ủng hộ của họ cho đối lập dân chủ còn chưa rõ ràng vì e dè và thành kiến?). Việc Nguyễn Bá Thanh “ra Ba đình” đang được cư dân mạng bàn luận rôm rả. Cũng là ý kiến cá nhân: ông Thanh sẽ không làm được bất cứ điều gì để thay đổi hiện tại. Sự thay đổi chỉ có thể tìm thấy từ bên ngoài đảng cộng sản.
Cũng trong những ngày cuối năm 2012, ông Nguyễn Tấn Dũng đã miễn cưỡng giúp người dân Việt Nam làm quen với một cụm từ mới, khái niệm mới, một dạng tổ chức mới ngoài đảng cộng sản, đó là “các tổ chức đối lập chính trị”. Đây là một gợi mở cần thiết cho phong trào dân chủ Việt Nam nói chung và các tổ chức, cá nhân muốn tìm các giải pháp bên ngoài đảng cộng sản để thay đổi xã hội nói riêng. Ông Nguyễn Tấn Dũng cho thấy sự hình thành và sức mạnh của các “tổ chức chính trị đối lập” là có thể cạnh tranh với đảng cộng sản và ông ta lo điều đó sẽ đến. Đây cũng là điều mà nhiều tổ chức dân chủ đối lập đã kêu gọi mọi người dân Việt Nam tham gia và ủng hộ từ rất lâu nay nhưng vẫn chưa thu được kết quả. Riêng lần này thì cá nhân người viết cho rằng cần cám ơn ông Dũng.
Khi đã nói đến một “tổ chức chính trị đối lập” thì phải nói đến cương lĩnh chính trị (như là đơn xin việc của tổ chức đó gửi toàn thể nhân dân Việt Nam để hy vọng người dân Việt Nam lựa chọn họ), đó cũng là nói đến đội ngũ, nói đến người lãnh đạo, là các hoạt động có tổ chức… Sinh hoạt có tổ chức, hay những kết hợp có tổ chức là biểu hiện và hành động của những con người văn minh và hiện đại. Để duy trì được một tổ chức dù là các “tổ chức xã hội” cũng là một khó khăn rất lớn, nhất là đối với người Việt. Vì từ trước đến nay chúng ta chưa được phép và chưa thực hành sinh hoạt có tổ chức. Muốn bất cứ một tổ chức nào đó duy trì được hoạt động lâu dài thì phải có những sở thích, tư tưởng hay một mục đích nào đó gắn kết các thành viên lại với nhau. Những điều lệ, nguyên tắc hay tư tưởng làm chất keo gắn kết đó phải đủ trong sáng, rõ ràng, minh bạch mới có thể tạo được sự đồng thuận và giúp tổ chức đó vận hành được suôn sẻ.
Một tổ chức chính trị, dù là cầm quyền hay đối lập cũng phải có những dự án chính trị rõ ràng, dễ hiểu để thuyết phục được người dân và tạo ra sự đồng thuận trong xã hội. Sự đồng thuận của đa số người dân trong xã hội về những việc làm cần thiết, cụ thể trước mắt hay những dự án trong tương lai là rất quan trọng, nó như là cái la bàn giúp chúng ta không bị lạc lối và để nhanh chóng đi đến đích. Mỗi cá nhân hay mỗi quốc gia dân tộc cũng cần có cái đích nào đó để hướng tới, nếu không biết đích là đâu thì khi đó đâu cũng là đích, kể cả đang đứng tại chỗ.
Chúng ta có thể thấy tại các quốc gia phát triển mạnh mẽ hàng đầu trên thế giới từ Mỹ, Pháp, Nhật, Hàn Quốc hay Đài Loan…thì sự đồng thuận quốc gia của họ rất lớn, hầu như sự khác biệt giữa cương lĩnh tranh cử tổng thống tại các nước này rất ít, kết quả bầu cử chỉ khác nhau 1 - 2% tỉ lệ phiếu bầu, thậm chí tài Đài Loan trong kỳ bầu cử tổng thống trước, thì sự chênh lệch phiếu giữa hai ứng cử viên chỉ là hai mươi nghìn phiếu. Những khác biệt giữa các đảng chính trị, đôi khi chỉ là những vấn đề nhỏ như nạo phá thai hay kết hôn đồng tính…
Vì vậy, việc có những ý kiến nêu ra như trong bài viết “Bảy đề nghị cho tương lai khi không còn chế độ cộng sản” của tác giả Bắc Trung Nam có phải là việc “trứng chưa nở đã đi đếm gà” hay không? Người viết cho là không. Thậm chí là còn cần thiết nữa là đằng khác vì chúng ta cần biết ngôi nhà trong tương lai mà chúng ta sẽ xây dựng nó ra làm sao? Việc làm thế nào để dọn dẹp đống đổ nát hiện tại để có thể xây ngôi nhà mới trên đó là một chuyện khác và chúng ta cũng cần có những đồng thuận nhất định về chủ đề này, trong những dịp khác, trên tinh thần tôn trọng tuyệt đối sự đa nguyên và sự khác biệt.
Bảy (7) đề nghị cho tương lai, thật ra vẫn chưa đủ. Sẽ có rất nhiều việc phải làm. Khi có dân chủ và tự do báo chí thì rất nhiều vấn đề khó khăn sẽ được tìm ra cách giải quyết hợp tình hợp lý vì một người hay một nhóm người không thể nghĩ ra nhưng cả một dân tộc thì hoàn toàn có thể nghĩ ra. Trí khôn của con người là vô tận. Một trong những vấn đề quan trọng bậc nhất mà dân tộc Việt Nam phải giải quyết rõ ràng với tất cả thiện chí và sự bao dung sau khi đất nước có dân chủ, đó là vấn đề “Hòa giải và Hòa hợp Dân tộc” thật sự. Đó cũng là ý kiến của độc giả Người Đưa Tin của Dân Làm Báo bổ sung “Điều thứ 9: Nghiêm cấm mọi hành động trả thù, khuyến khích mọi người tham gia truy tìm tài sản của tất cả những đảng viên cộng sản “có chức” bự , thu hồi những thứ tài sản chúng đã cướp đoạt, cái gì của Dân phải trả cho Dân, cái gì của đất nước phải trả lại đất nước”.
Người viết muốn đưa ra những ý kiến của cá nhân về bảy đề nghị cho tương lai của tác giả Bắc Trung Nam. Còn Cương lĩnh chính trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên mà người viết là một thành viên, có trên trang nhà Thông Luận ở Danh Mục, phần “Tìm hiểu THDCDN” phía bên trái cột báo.
Đề nghị 1: Quần đảo Trường Sa, và Hoàng Sa là của Việt Nam.
Tất nhiên là sẽ như vậy. Cho dù chúng ta chưa thể lấy lại Hoàng Sa bây giờ nhưng phải luôn ghi nhớ vấn đề này và truyền lại cho thế hệ mai sau.
Đề nghị 2: Chính phủ tương lai không có trách nhiệm hoàn trả những khoản nợ do đảng cộng sản nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam vay mượn của quốc tế.
Tôi, có lẽ không đồng ý với đề nghị này. Vay là phải trả. Đảng cộng sản khi vay mượn nợ nước ngoài, vẫn đang là đại diện duy nhất cho Việt Nam. Chúng ta cần thương thảo với các quốc gia chủ nợ để giãn nợ và hoàn trả khi có điều kiện.
Đề nghị 3: Chính phủ Việt Nam tương lai không công nhận giá trị tiền bạc của Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam phát hành.
Vấn đề này rất khó thực thi, những người dân quê lấy đâu ra ngoại tệ để trao đổi? Theo tôi, chúng ta cần phát hành tiền mới và lưu hành song song với tiền cũ trong khoảng 1-2 năm, sau đó ngân hàng nhà nước thu hồi hết tiền cũ.
Đề nghị 3b: Không có sổ hưu, chỉ còn tiền hưu. Bằng chiêu bài hăm dọa mất sổ hưu, đảng CS muốn vẽ một thảm cảnh tối tăm với đồng chí cũ của mình. Nhưng nuôi nấng những người đã từng nuôi nấng chúng ta là một bổn phận.
Cái này thì tôi đồng ý hoàn toàn. Không chỉ có những người đang có lương hưu mà tất cả những người đến tuổi nghĩ hưu cần phải có tiền hưu, không phân biệt bất cứ thành phần nào trong xã hội.
Đề nghị 4: Không trả thù tập thể vì lý tưởng chính trị, chỉ có tòa án cho nhân quyền.
Rất đồng ý. Sẽ tuyệt đối không có sự trả thù chính trị. Chính quyền sẽ không được nhân danh nhà nước để truy tố bất cứ ai về bất cứ một cương vị gì họ đã từng giữ trong quá khứ. Tất cả các tranh tụng đều là việc cá nhân và do các Tòa án độc lập xét xử. Anh Nguyễn Chí Đức có thể kiện công an Minh về việc bị đạp vào mặt, vì ngay cả luật hiện hành cũng không cho phép lực lượng công an làm việc đó. Anh Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) có quyền khởi kiện vị chánh án xét xử anh không đúng với Hiến pháp…
Đề nghị 5c: Đất nước Việt Nam là của toàn dân. Đất đai nhân dân là của nhân dân. Đất đai chính phủ là của chính phủ.
Đồng ý. Tuy nhiên vẫn còn nhiều lo lắng. Những phần đất của người dân đã bị thu hồi và bán lại cho người khác rồi, giờ không thể thu hồi để trả cho chủ cũ mà mua lại thì ngân sách lấy đâu ra đủ tiền? Quả thật là oan nghiệt và là tội ác của chế độ cộng sản để lại cho chính quyền mới và những người dân oan mất đất.
Đề nghị 6: Nhân dân có quyền giám sát công an. Quân đội bảo vệ tổ quốc, công an bảo vệ luật pháp, luật pháp bảo vệ nhân dân.
Phi chính trị hóa lực lượng quân đội và công an. Đó là điều chính quyền mới phải nhanh chóng thực hiện. Trả hai lực lượng này về cho nhân dânViệt Nam. Hai lực lượng này không thể là của riêng bất cứ một tổ chức hay bất cứ một thế lực nào.
Điều 7: Đảng cộng sản được quyền tồn tại cùng với các đảng phái chính trị khác.
Chính quyền mới sẽ là một chính quyền lấy sự hòa giải, bao dung và tôn trọng sự đa nguyên làm tư tưởng chủ đạo vì vậy tôi đồng ý với đề nghị sau cùng này.
Trên đây là những ý kiến cá nhân, đưa ra với mục đích tìm kiếm sự đồng thuận trong xã hội về một tương lai mà chắc chắn nó sẽ phải đến trong một tương lai gần. Rất mong nhận được sự hồi âm từ độc giả.
Việt Hoàng (ethongluan)