Lịch sử không xu nịnh ai - Dân Làm Báo

Lịch sử không xu nịnh ai

Nguyễn Tường Thụy - Lịch sử không xu nịnh ai. Không ai có thể bưng bít, bóp méo được lịch sử. Làm sao có thể dễ dàng quên sự hy sinh dũng cảm của những chiến sĩ 2 tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 12 đã chiến đấu với cả sư đoàn địch và hy sinh đến người cuối cùng sau 5 ngày cầm chân dịch ở mặt trận Đồng Đăng. Làm sao có thể quên những vụ tàn sát dân thường ở thôn Đổng Chúc, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An tỉnh Cao Bằng ngày 6/3/1979. Hôm ấy, quân Trung Cộng đã giết 43 người, gồm 21 phụ nữ và 20 trẻ em, trong đó có 7 phụ nữ đang mang thai, rồi ném xác xuống giếng hoặc chặt ra nhiều khúc rồi vứt hai bên bờ suối...

*

Cách đây 34 năm, Trung Cộng đã huy động một lực lượng lớn quân đội, tới 300 nghìn tên tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Ngày 17/2/1979, chúng tấn công Việt Nam trên toàn bộ tuyến biên giới phía Bắc. 

Nhiều trận đánh đẫm máu xảy ra. Nhiều cuộc tàn sát dân thường Việt Nam chỉ có thể so sánh với những đội quân tàn bạo man rợ nhất trong lịch sử. Làng mạc, công sở, trường học, bệnh viện, nhà máy xí nghiệp, hầm mỏ nơi chúng chiếm đóng bị tàn phá hoàn toàn. 

Vừa ra khỏi cuộc chiến tranh đau thương kéo dài 30 năm, Việt Nam lại mang thêm những vết thương do người “đồng chí” phản bội gây nên. 

Trung Cộng gọi cuộc chiến tranh xâm lược này là cuộc chiến tranh đánh trả tự vệ trước Việt Nam. Đúng là bọn vừa ăn cướp, vừa la làng, trơ trẻn. Đến trẻ con cũng hiểu, Việt Nam không bao giờ có ý định khiêu khích hay thôn tính Trung Quốc mà chỉ có điều ngược lại. Năm 1974, khi chúng chiếm Hoàng Sa, lãnh thổ chưa bao giờ thuộc quyền quản lý của chúng, của cha ông chúng, thế nhưng chúng gọi đây là sự kiện thu hồi lãnh thổ. 

Tuy nhiên, sau khi hai bên bình thường hóa quan hệ, được đánh dấu khởi đầu từ hội nghị Thành Đô, cuộc chiến tranh này không được hai bên nhắc đến nữa. Báo chí có nói bóng gió đến đều bị kiểm duyệt, nếu lọt lưới kiểm duyệt thì phóng viên, tổng biên tập bị kỷ luật. Bia chiến công bị đục bỏ một cách nhục nhã, ê chề. 

Về phía Trung Cộng – kẻ xâm lược, chúng không muốn nhắc đến đã đành vì không kẻ xâm lược nào muốn nhắc lại tội ác của mình. Thế nhưng chúng ta là người bị xâm lược cũng không dám hé răng. Chúng ta phải cay đắng ngậm miệng để đổi lấy cái gì, ngoài 16 chữ vàng và 4 cái tốt mà mỗi khi nhắc đến, thiên hạ đều chế giễu. Trung Cộng vẫn tiếp tục gây hấn ở Biển Đông, vẫn có những hành động khiêu khích, bắn giết, cướp bóc ngư dân ta. Tham vọng thôn tính Biển Đông thể hiện qua việc khoanh đường lưỡi bò chiếm tới 80% diện tích dù không có bất cứ một cơ sở pháp lý nào vẫn không hề thay đổi. 

Một dân tộc yêu hòa bình luôn sẵn sàng gác lại quá khứ, hướng tới tương lai. Điều đó không mâu thuẫn với việc phản ánh trung thực lịch sử. Gác lại quá khứ không có nghĩa là xóa bỏ lịch sử. Quá khứ, hiện tại, tương lai là một xâu chuổi, có quan hệ nhân quả, không thể cắt bỏ một giai đoạn nào 

Lịch sử không xu nịnh ai. Không ai có thể bưng bít, bóp méo được lịch sử. Làm sao có thể dễ dàng quên sự hy sinh dũng cảm của những chiến sĩ 2 tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 12 đã chiến đấu với cả sư đoàn địch và hy sinh đến người cuối cùng sau 5 ngày cầm chân dịch ở mặt trận Đồng Đăng. Làm sao có thể quên những vụ tàn sát dân thường ở thôn Đổng Chúc, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An tỉnh Cao Bằng ngày 6/3/1979. Hôm ấy, quân Trung Cộng đã giết 43 người, gồm 21 phụ nữ và 20 trẻ em, trong đó có 7 phụ nữ đang mang thai, rồi ném xác xuống giếng hoặc chặt ra nhiều khúc rồi vứt hai bên bờ suối. 

Những tấm gương chiến đấu hy sinh anh dũng của các chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc còn nhiều lắm và những tội ác của quân xâm lược Trung Cộng còn nhiều lắm. 

Rồi qua thời gian, lịch sử sẽ được viết lại. Đừng để sự hy sinh của các chiến sĩ đã bỏ mình vì Tổ Quốc trở thành vô nghĩa. Đừng để cho những nấm mồ của họ hương lạnh khói tàn. Đừng quên những đồng bào của mình đã chết thê thảm bởi bàn tay của kẻ xâm lược những tháng ngày đầu năm 1979 tang thương ấy. 







Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo