Sát thát và sát đất - Dân Làm Báo

Sát thát và sát đất

Đi Tới (Danlambao) - Đọc sử đời Trần, khi quân Nguyên sang xâm lấn nước ta, tướng Trần Hưng Đạo đã viết "Binh thư yếu lược" để rèn luyện quân sĩ, "Hịch Tướng Sĩ" để khuyên tướng sĩ hết lòng đánh giặc, nên ai cũng thích lên cánh tay hai chữ "SÁT THÁT" - giết quân Mông Cổ. Quân ta đã phá tan 500.000 quân Mông Cổ tạo nên chiến thắng oai hùng hiếm có trong lịch sử nhân loại và giữ yên được bờ cõi. Thời nay, giặc phương bắc lại qua xâm lược, đảng CS đã dâng đất, biển, đảo cho giặc; lại còn kết thân với giặc, hành hung, bỏ tù người dân yêu nước chống giặc Trung Quốc. Đảng CS đã hành xử như những kẻ bán nước, "quỳ gối SÁT ĐẤT" làm theo những yêu sách ngang ngược của giặc. Thật đáng hổ thẹn với tiền nhân và cộng đồng thế giới!

1 Gương anh hùng giữ nước của người xưa

Nhà Trần thời ấy, 1284, gặp khó khăn hơn nhiều so với ngày nay vì không có sự liên kết và che chở của cộng đồng thế giới. Nhà vua nhịn giặc nhưng có giới hạn. Khi đòi hỏi của giặc có tính đe dọa chủ quyền và sự an nguy của đất nước thì nhà vua nhất quyết chống lại. Khi nhà Nguyên đòi vua Trần Nhân Tông sang chầu bên Tầu thì ông không sang. Khi nhà Nguyên cắt cử quan sang cai trị nước ta thì nhà vua đuổi về. Khi nhà Nguyên phong cho Trần Di Ái - sứ giả và cũng là chú họ của vua Nhân Tông - làm An Nam Quốc Vương và sai Sài Thung đem 1000 quân hộ tống qua nước ta, vua Nhân Tông đã sai quan quân bắn đui mắt Sài Thung và bắt quân nghịch tặc trị tội. Khi nhà Nguyên sai Thái tử Thoát Hoan mang 500.000 quân xâm chiếm nước ta, giả bộ mượn đường sang đánh Chiêm Thành, nhà vua không cho với lý do: "Tự bản quốc sang Chiêm Thành, thủy lục không có đường nào tiện." Khi Thoát Hoan khai chiến, Trần Hưng Đạo thống lĩnh 200.000 quân chống giặc. 

Trong những tháng đầu tiên, thế giặc mạnh, quân ta phải lui về Vạn Kiếp, rồi bỏ thành Thăng Long. Trần Hưng Đạo đưa Thượng hoàng và vua đi lánh nạn ở Hải Dương. Bị giặc đuổi theo, có lúc phải chạy trên bộ, có lúc xuống thuyền, trèo đèo vượt bể, giãi nắng dầm mưa mới về được Thanh Hóa nhưng vua/tôi vẫn bền lòng nghĩ kế đánh giặc. 

Khi quân Nguyên mệt mỏi và thiếu lương thực, quân ta phản công. Trần Nhật Duật đánh tan quân Toa Đô tại Hàm Tử. Trần Quang Khải chiến thắng trận Chương Dương Độ khôi phục thành Thăng Long. Trần Hưng Đạo dẫn đại quân tiêu diệt quân Nguyên tại Vạn Kiếp khiến Thoát Hoan phải chui vào ống đồng trốn chạy về Tầu. Trong 6 tháng, quân ta phá tan 500.000 quân Nguyên. 

Ba năm sau, tháng 11/1287, Thoát Hoan lại kéo đại binh với hơn 300.000 quân sang nước ta để đánh báo thù. Quân Nguyên vây thành Thăng Long bị đẩy lui về Vạn Kiếp. Trần Hưng Đạo chiến thắng trận Bạch Đằng, đánh tan thủy quân của quân Nguyên và bắt sống toàn bộ tướng lãnh gồm Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ, Cơ Ngọc. Nghe tin thủy quân bại trận, quân Nguyên trên bộ phải rút lui bị phục binh ta đánh tan rã, Thoát Hoan dẫn tàn quân chạy thoát về Tầu. Sau khi đánh bại quân Nguyên lần thứ hai, nước ta lại được an bình như cũ. 

2. Thái độ hèn nhát của đảng CSVN trước giặc Trung Quốc

Sau cuộc chiến biên giới mà Trung Quốc đã xấc xược gọi là "dậy cho VN một bài học", năm 2000, đảng CSVN đã ký hiệp định biên giới nhường cho TQ một số đảo, lãnh hải và lãnh thổ biên giới phía bắc, trong đó có các địa điểm lịch sử như Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc, Suối Phi Khanh... 

Khi giặc TQ chiếm đảo Garma, đảng CS đã để bộ đội hải quân với tay không đứng dưới nước ngang bụng, lãnh đạn của giặc mà không được bắn lại. 

Khi giặc TQ liên tục bắn giết ngư dân, cướp phá ngư thuyền đòi tiền chuộc, đảng CS không bảo vệ ngư dân và gọi tầu TQ là tầu "lạ". 

Khi người dân VN biểu tình, lên tiếng xác nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của VN, đảng CS đã đàn áp và bỏ tù người dân yêu nước theo yêu cầu của giặc TQ. 

Khi tiếp đón Tập Cận Bình, đảng CS đã vẽ thêm một ngôi sao vào cờ Trung Quốc với ngụ ý VN là chư hầu thứ 5 của TQ. 

Đảng CSVN đã không có một biện pháp quốc phòng hữu hiệu để bảo vệ lãnh thổ khi cho người TQ được tự do ra vào, cư trú, làm ăn, buôn bán không cần chiếu khán nhập cảnh. Người TQ đã chiếm các khu rừng biên giới, cao điểm chiến lược Tây Nguyên và lập ra các khu vực riêng của người TQ trên khắp nước mà nhà cầm quyền CS không kiểm soát được. Với sự đồng lõa của đảng CSVN, với hơn một triệu hoa kiều và lính TQ trá hình công nhân, lực lượng này sẽ dư sức giải giới bộ đội và công an khi cần. Nguy cơ mất nước đã rõ ràng. 

Sự hèn hạ và lệ thuộc giặc TQ còn thể hiện qua các tuyên bố "hàng giặc" của các tay đầu lĩnh trong đảng CS: "Khẳng định tình hữu nghị đời đời Việt - Trung... cần truyền mãi cho các thế hệ mai sau... Phải biết ơn Trung Quốc đã nhường cơm sẻ áo... Trung Quốc cam kết không lấy đất, lấy biển của Việt Nam... Nếu Việt Nam cần sự đồng cảm, hợp tác phát triển, thì còn ai hơn một nước Trung Quốc xã hội chủ nghĩa láng giềng!..." 

Người xưa đã hiên ngang thích vào cánh tay hai chữ SÁT THÁT và anh dũng đẩy lui quân xâm lăng để bảo vệ bờ cõi. Ngày nay, qua các hành động và phát biểu hèn nhát của các tay đầu lĩnh, đảng CSVN đã viết hai chữ "SÁT ĐẤT" lên tay để tỏ dấu hiệu sẵn sàng "quỳ sát đất" hàng giặc Trung Quốc xâm lược. 

Phải chăng, qua các phát biểu trên, đảng CS đang chuẩn bị chiến dịch để viết 2 chữ "SÁT ĐẤT" lên cánh tay của 90 triệu dân Việt Nam? 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo