BBC - Việt Nam đứng dưới mức tối thiểu về chỉ số công khai ngân sách (OBI), theo báo cáo mới nhất của tổ chức mang tên Đối tác Ngân sách Quốc tế (IBP) đăng trên trang Internationalbudget.org. Mức điểm tối thiểu đưa ra là 21 – 40 và Việt Nam đạt 19 trên 100 điểm tối đa, cho giai đoạn từ năm 2010 - 2012.
Trong số các tiêu chí chính mà OBI dùng để đánh giá, ba hạng mục khiến Việt Nam mất điểm là kế hoạch chi tiêu ngân sách của chính phủ chỉ được công bố nội bộ, và không đưa ra báo cáo tài chính giữa năm và báo cáo chi tiêu ngân sách cho công dân.
Phần đánh giá tiến bộ của chính phủ trong việc nỗ lực công khai ngân sách cho thấy, từ năm 2010 tới 2012, Việt Nam tăng được thêm 5 điểm, nhưng vẫn bị xếp vào hàng “không đủ”.
Những nước cuối bảng theo xếp hạng của OBI trên 100 quốc gia
Báo cáo phân tích, trong số 100 nước thực hiện khảo sát ngân sách, Việt Nam đứng ở vị trí cực kỳ thấp, kể cả so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và cả Đông Timor.
“Điểm số này cho thấy chính phủ Việt Nam cung cấp thông tin ít ỏi tới công dân về ngân sách quốc gia và các hoạt động tài chính trong mỗi năm.
“Điều này khiến cho người dân khó tin vào cách quản lý ngân sách chung của nhà nước.”
‘Gợi ý cho Việt Nam’
"Việt Nam đã có báo cáo tài chính trong năm, song cần chi tiết và cụ thể hơn, cần nêu rõ tất cả các khoản chi tiêu, so sánh với cùng giai đoạn năm trước, và đặc biệt là phải công bố thông tin về các khoản nợ của nhà nước."
Các nước trong khu vực đứng sau Việt Nam có Campuchia được 15 điểm, và Trung Quốc gần chót bảng với 11 điểm.
Đối tác Ngân sách Quốc tế đưa ra năm điểm gợi ý cho Việt Nam nhằm “cải thiện điểm số” OBI, mà lời khuyên đầu tiên là công bố rộng rãi kế hoạch chi tiêu ngân sách của chính phủ, thay vì chỉ thông báo trong nội bộ.
IBP lấy ví dụ, báo cáo tương tự của 79 quốc gia khác trong đó có các nước láng giềng như Đông Timor, Thái Lan, có thể tìm đọc được trên trang web của IB.
Việt Nam đã có báo cáo tài chính trong năm, song cần chi tiết và cụ thể hơn, cần nêu rõ tất cả các khoản chi tiêu, so sánh với cùng giai đoạn năm trước, và đặc biệt là phải công bố thông tin về các khoản nợ của nhà nước.
Báo cáo kiểm toán của Việt Nam đã được công bố, song cần trình bày toàn bộ chi phí của chính phủ trong phần ngân sách 6 tháng cuối năm, và kiểm rõ những khoản ngân sách hỗ trợ.
Ngoài ra, báo cáo kiểm toán cũng phải được đưa ra rộng rãi trước dân chúng để có thể theo dõi các hoạt động của những người đứng đầu chính phủ và góp ý cho cơ quan kiểm toán.
Báo cáo OBI về Việt Nam dài bốn trang, với các số liệu, phân tích, so sánh, kết luận và giải pháp để giúp quốc gia này “cải thiện” các hoạt động công khai ngân sách, đồng thời cũng đưa ra đường dẫn tới các phần hướng dẫn và báo cáo tài chính của các quốc gia trong khu vực và thế giới.
Theo IBP, khảo sát ở Việt Nam được thực hiện trong vòng 18 tháng từ tháng 07/2011 tới tháng 12/2012, với sự tham gia của xấp xỉ 400 chuyên gia và cũng đã được gửi tới chính phủ Việt Nam để tham khảo.
IBP là tổ chức chuyên theo dõi ngân sách các quốc gia, với mục tiêu “đảm bảo ngân sách chính phủ đáp ứng được nhu cầu của lớp người dân có thu nhập thấp và nghèo trong xã hội, và theo đó, khiến cho hệ thống ngân sách được minh bạch và đáng tin cậy hơn cho dân chúng”.
*