Nguyễn Hưng Quốc (VOA blog) - Bất cứ trang web hay blog nào tập hợp được đông người, gây tiếng vang và có ảnh hưởng rộng rãi trong công luận, thể hiện được một tiếng nói chung về một số vấn đề liên quan chính sách của nhà nước hay tương lai của đất nước, đều có thể được xem như một tổ chức xã hội dân sự... Phong trào phản đối dự án bauxite sôi nổi ở Việt Nam từ đầu năm 2009 đến cuối năm 2010 là một hành-động-xã-hội-dân-sự; bản thân trang mạng Bauxite Việt Nam lại là một tổ-chức-xã-hội-dân-sự... Nhóm Mở Miệng và nhà xuất bản Giấy Vụn là một trong vài hiện tượng độc đáo và nổi bật nhất trong sinh hoạt văn học tại Việt Nam... Đó cũng là một hình thức xã hội dân sự đúng nghĩa đầu tiên tại Việt Nam, ít nhất là trong lãnh vực truyền thông và văn học nghệ thuật...
*
Nhìn xã hội dân sự như một tiến trình (theo Joseph Hannah) hoặc như một hành động (theo Jorg Wishermann) là một phát hiện đáng chú ý về phương diện học thuật: Một, chúng mở rộng nội hàm khái niệm xã hội dân sự vốn từ trước đến nay bị khống chế bởi kinh nghiệm từ các nước đã có nền dân chủ vững vàng (như ở Tây và Bắc Âu và Bắc Mỹ) hoặc đang trong tiến trình dân chủ hóa (như ở Đông và Trung Âu và Nam Mỹ); và hai, chúng giúp chúng ta hiểu rõ về quá trình vận động của xã hội dân chủ vốn mới manh nha ở Việt Nam cũng như ở nhiều quốc gia toàn trị khác ở châu Á và châu Phi. Tuy nhiên, có khi vì quá chú ý đến hành động và tiến trình, người ta lại trở thành lơ đễnh, từ đó, không nhận ra sự hình thành của xã hội dân sự với tư cách một thiết chế, hay nói theo chữ của Wishermann, theo “logic of domain”.
Một ví dụ tiêu biểu cho hiện tượng ấy là Hunter Marston. Trong bài “Mỏ bauxite ở cao nguyên Việt Nam: Một nơi để mở rộng xã hội dân sự?” (1), phân tích các vụ tranh cãi chung quanh quyết định để Trung Quốc đầu tư vào việc khai thác các mỏ bauxite ở Tây Nguyên của chính phủ Việt Nam, Marston nêu lên một số nhận xét thú vị: Thứ nhất, mặc dù quyết định khai thác bauxite ở Tây Nguyên đã được Nông Đức Mạnh ký kết vào tháng 12 năm 2001 và được Ban Chấp hành Trung ương đảng tán thành trong Đại hội lần thứ 10 vào tháng 4 năm 2006, nhưng làn sóng phản đối kế hoạch ấy chỉ thực sự bùng phát dữ dội từ tháng 1 năm 2009 khi bức thư phản đối của Võ Nguyên Giáp được công bố. Thứ hai, mặc dù các nỗ lực phản đối ấy đã thất bại khi các dự án khai thác bauxite vẫn tiếp tục được tiến hành, lực lượng phản đối vẫn thành công ở điểm: Họ xây dựng được một cái nền tảng chung cho các hoạt động khác trong tương lai. Thứ ba, lực lượng phản đối càng ngày càng đông đảo, thu hút được nhiều phần tử ưu tú trong hệ chính mạch (mainstream elite), những người đã hoặc đang có quan hệ chặt chẽ với nhà cầm quyền. Thứ tư, chính mối quan hệ với nhà cầm quyền ấy, cũng như sự bảo trợ của một tên tuổi lớn như Võ Nguyên Giáp, là lý do chính khiến việc phản đối có thể được kéo dài nhiều năm và những người phản đối được an toàn (trừ Cù Huy Hà Vũ, người đòi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về quyết định khai thác bauxite).
Điều đáng tiếc nhất là Marston không hề nhắc đến trang web và blog mang tên Bauxite Việt Nam do Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn và Nguyễn Thế Hùng khởi xướng. Đúng ra thì có. Có trong một câu: “Họ cũng tạo ra một trang web để thu hút sự chú ý đến vấn đề ấy.” Sau đó, trong phần chú thích, ghi địa chỉ trang web của Bauxite Việt Nam (2). Hết.
Theo tôi, trang web và blog Bauxite Việt Nam tồn tại không phải như một phương tiện chuyển tải thông tin thuần túy và một chiều, theo nghĩa truyền thống, mà còn là một diễn đàn như hai điều Ban chủ trương nêu lên ở trang nhà của họ: “1. Thông tin, trao đổi về vấn đề bauxite ở Việt Nam” và “2. Tiếng nói phản biện nhiều mặt của người trí thức”. Là diễn đàn, nó đồng thời cũng là một không gian, nơi tập hợp của đông đảo những người cùng chí hướng và quan điểm. Cái không gian ấy tồn tại lâu hơn hẳn các hành động phản đối dự án bauxite: Trong khi các hành động cụ thể đã chấm dứt từ mấy năm trước, cái không gian ấy vẫn còn và càng lúc càng sôi động. Nó cũng rất rộng rãi, không những chỉ bao gồm những người đã lên tiếng phản đối hay ký tên vào các bản kiến nghị mà còn cả các tác giả lẫn vô số độc giả ở khắp nơi. Không gian ấy không được nhà nước chấp nhận, nhưng nó vẫn hiện diện và gây tác động sâu sắc trong cộng đồng. Nó hoàn toàn vô vị lợi, phi chính phủ và mọi sự tham gia đều có tính chất tự nguyện. Theo cách nói “logic of domain” của Wishermann, trang mạng Bauxite Việt Nam là một “domain”. Nếu nó không phải là một xã hội dân sự thì là cái gì?
Hiện nay, chúng ta dễ dàng chấp nhận một cuốn sách điện tử là sách. Giống như sách in trên giấy. Chúng ta cũng chấp nhận báo điện tử là báo. Giống như báo in trên giấy. Tại sao một phong trào hiện hữu trên không gian mạng lại không thể được xem như một tổ chức và một thiết chế?
Bởi vậy, theo tôi, phong trào phản đối dự án bauxite sôi nổi ở Việt Nam từ đầu năm 2009 đến cuối năm 2010 là một hành-động-xã-hội-dân-sự; bản thân trang mạng Bauxite Việt Nam lại là một tổ-chức-xã-hội-dân-sự.
Thật ra, khuyết điểm của Hunter Marston cũng có thể tìm thấy trong bài viết “One-Party Rule and the Challenge of Civil Society in Vietnam” của Carlyle A. Thayer, một nhà nghiên cứu kỳ cựu, uyên bác và rất nổi tiếng trong ngành Việt Nam học tại Úc cũng như trên thế giới. Để chứng minh cho sự trỗi dậy của xã hội dân sự chính trị (political civil society) tại Việt Nam, Thayer tập trung vào một trường hợp đặc biệt: Khối 8406. Theo Thayer, đây là một tổ chức có sức phát triển rất nhanh và mạnh: thoạt đầu, vào ngày 8 tháng 4 năm 2006 (3), chỉ có 116 người ký tên vào bản Tuyên ngôn tự do dân chủ; chỉ một tháng sau, vào ngày 8/5, con số này nhảy vọt lên thành 424; đến cuối năm 2006, thành trên 2000 người. Thayer biết rất rõ là Khối 8406 sử dụng internet như một phương tiện chính để quảng bá bản tuyên ngôn, thu thập chữ ký và tổ chức các cuộc thảo luận về kế hoạch dân chủ hoá Việt Nam. Tuy nhiên, khi phân tích, ông chỉ tập trung vào Khối 8406 và quan hệ giữa Khối với đảng Việt Tân, từ đó, chứng minh sự tương tác giữa người Việt trong và ngoài nước. Với ông, dường như chỉ có Khối 8406 và đảng Việt Tân là thực; còn các trang web chỉ là một phương tiện, hơn nữa, lại là phương tiện ảo.
Tôi quan niệm ngược lại: Bất cứ trang web hay blog nào tập hợp được đông người, gây tiếng vang và có ảnh hưởng rộng rãi trong công luận, thể hiện được một tiếng nói chung về một số vấn đề liên quan chính sách của nhà nước hay tương lai của đất nước, đều có thể được xem như một tổ chức xã hội dân sự.
Trước đây, trong một bài viết về xã hội dân sự tại Việt Nam (4), Russell Hiang-Khng Heng có đặt vấn đề “Truyền thông như một diễn tố xã hội dân sự” (Media as civil society actor). Liên quan đến truyền thông Việt Nam, Heng ghi nhận một số sự kiện: Một, sự kiểm soát và kiểm duyệt ngặt nghèo của đảng và nhà nước ở mọi loại hình và mọi cấp. Hai, từ sau phong trào đổi mới, nhất là trong phong trào đấu tranh chống tiêu cực và chủ trương “nói thẳng, nói thật” do Đảng đề xướng, ranh giới giữa những điều có thể và không thể viết trên báo chí trở thành một vấn đề hết sức tế nhị. Ba, chính cái ranh giới mập mờ giữa cái có thể và cái không thể, cái được phép và cái không được phép ấy đã biến quan hệ giữa nhà nước và truyền thông trở thành một thứ quan hệ có tính chất tương tranh. Bốn, trong cuộc tương tranh ấy, một số tờ báo hoặc một số tổng biên tập đã xé rào và lấn tới. Heng nêu lên ba trường hợp tiêu biểu: Thứ nhất, vụ báo chí xúm vào tấn công Hà Trọng Hoà, một uỷ viên Trung ương đảng, về tội tham nhũng vào năm 1986 khiến về sau Hoà bị loại khỏi Trung ương. Thứ hai, vụ báo Văn Nghệ tích cực đổi mới và vạch trần các tệ nạn xã hội dưới thời Nguyên Ngọc làm Tổng biên tập. Và thứ ba, vụ báo Truyền Thống Kháng Chiến kêu gọi đẩy mạnh việc cải cách kinh tế và hệ thống chính trị tại Việt Nam năm 1990. Cuối cùng, Heng rút ra hai kết luận chính:
1. Sau đổi mới, truyền thông dần dần trở nên một xã hội dân sự.
2. Ở Việt Nam, xã hội dân sự có thể và trên thực tế, đang nổi lên từ bên trong nhà nước.
Có điều, bài viết này, cũng như hầu hết các bài viết khác về truyền thông tại Việt Nam, kể cả luận án tiến sĩ được đệ nạp tại trường Australian National University (5) của Russell Heng đều được hoàn tất vào cuối thập niên 1990 và đầu những năm 2000, lúc báo mạng chưa được phổ biến. Bởi vậy, thứ “truyền thông” ông đề cập chỉ là thứ truyền thông cũ.
Thật ra, nếu giới hạn truyền thông theo nghĩa cũ, chủ yếu tập trung vào sách và báo in trên giấy, nơi đáng gọi là xã hội dân sự thực sự ở Việt Nam chính là nhóm Mở Miệng và nhà xuất bản Giấy Vụn.
Xuất hiện từ đầu năm 2001, nhóm Mở Miệng thoạt đầu gồm bốn người: Lý Đợi, Bùi Chát, Khúc Duy và Nguyễn Quán; sau, hầu như chỉ còn hai người đầu là hoạt động tích cực. Ngoài chuyện sáng tác thơ, hai người còn làm một việc táo bạo chưa từng có dưới chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là lập một nhà xuất bản riêng, mang tên Giấy Vụn (6). Cho đến đầu năm 2012, Giấy Vụn đã xuất bản khoảng 30 cuốn sách, từ thơ đến văn, từ sáng tác đến dịch thuật. Chỉ in dưới hình thức photocopy. Nhưng in rất đẹp. Và đầy tính chất chuyên nghiệp. Điều cần chú ý là, tuy Giấy Vụn không được giấy phép chính thức từ nhà nước nhưng nó lại hoạt động công khai và rất nổi tiếng, không những trong mà còn ở ngoài nước, không những trong cộng đồng Việt Nam mà còn cả trong cộng đồng quốc tế. Bùi Chát, người điều hành Giấy Vụn được mời tham dự nhiều cuộc hội nghị quốc tế: Một lần, vào năm 2008, tại Đại hội thứ 28 của Hiệp hội các Nhà xuất bản Quốc tế được tổ chức tại Seoul (7); lần thứ hai, vào năm 2010, dưới sự tài trợ của Bộ Ngoại giao Đức, Bùi Chát lại được Trung tâm văn học Literaturwerkstatt tại Berlin mời “giao lưu” với đồng nghiệp quốc tế cũng như với độc giả tại Đức (8). Lần nào cũng với tư cách một người hoạt động xuất bản độc lập. Tư cách ấy lại được khẳng định một cách chính thức và đầy trân trọng khi Bùi Chát được Hiệp hội các Nhà xuất bản Quốc tế (The International Publishers Association, viết tắt là IPA) chọn để trao giải Tự Do Xuất bản năm 2011 (9).
Có thể nói, trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, với tư cách một tập thể, nhóm Mở Miệng và nhà xuất bản Giấy Vụn là một trong vài hiện tượng độc đáo và nổi bật nhất trong sinh hoạt văn học tại Việt Nam. Đã có nhiều người viết về họ từ góc độ này (10). Ở đây, tôi chỉ xin nhấn mạnh ở một góc độ khác: Đó cũng là một hình thức xã hội dân sự đúng nghĩa đầu tiên tại Việt Nam, ít nhất là trong lãnh vực truyền thông và văn học nghệ thuật. Đó là một tổ chức công khai, tự nguyện, phi lợi nhuận, hoàn toàn độc lập với nhà nước, có ảnh hưởng sâu và rộng, ít nhất trong giới văn nghệ, và đặc biệt, có một thái độ rõ ràng và dứt khoát đối với nhà nước. Thái độ về mỹ học: Chống lại lối thơ sáo mòn về cả ngôn ngữ lẫn ý tưởng vốn được xem là “chính thống” tại Việt Nam. Về xã hội: Chọn vị trí của những “kẻ đứng bên lề” (11). Về chính trị, nói như chính Lý Đợi, trong bài trả lời phỏng vấn do Nhã Thuyên thực hiện:
“Lý do chính của việc thành lập Mở Miệng, ban đầu, là phản ứng lại vấn đề kiểm duyệt và cấp phép xuất bản - vốn đang trị vì một cách bảo thủ, quan liêu. Sau đó, thì muốn bình thường hóa việc tự do ngôn luận, tự do sáng tác và xuất bản.” (12)
Mấy năm sau khi nhóm Mở Miệng ra đời, internet càng ngày càng phát triển và phổ cập, các trí thức và giới văn nghệ sĩ chuyển hướng hoạt động, từ giấy in, họ bước vào không gian ảo với các website và blog. Hiện nay, số lượng các website và blog, đặc biệt blog, có tính độc lập rất nhiều. Tôi chỉ ghi lại một số blog hay bàn về chuyện chính trị, xã hội và được nhắc nhở nhiều nhất:
Nguyễn Tường Thụy: https://nguyentuongthuy2012.wordpress.com/
Người Buôn Gió: http://nguoibuongio1972.multiply.com/
Huỳnh Ngọc Chênh: http://huynhngocchenh.blogspot.com/
Trương Duy Nhất: http://www.truongduynhat.net/
Bùi Văn Bồng: http://bvbong.blogspot.com/
Đoan Trang: http://trangridiculous.blogspot.com/
Thùy Linh: http://www.buudoan.com/
Phạm Viết Đào: http://phamvietdao3.blogspot.com/
Nguyễn Xuân Diện: http://xuandienhannom.blogspot.com/
Nguyễn Quang Lập: http://quechoa.vn/
Anh Ba Sàm: http://anhbasam.wordpress.com/
Dân Làm Báo: http://danlambaovn.blogspot.com/
Quan Làm Báo: http://quanlambao.blogspot.com/
Bauxite Việt Nam: http://boxitvn.blogspot.com/
Các blog trên có một số đặc điểm đáng chú ý:
Thứ nhất, trừ Dân Làm Báo và Quan Làm Báo, phần lớn đều không đặt vấn đề chống chế độ. Chống, chủ yếu là họ chống tham nhũng và một số chính sách hoặc một số cá nhân nào đó. Ước muốn của họ là có một chính phủ trong sạch, dân chủ, làm việc có hiệu quả, cho phép tự do, ít nhất là tự do thông tin, và đặc biệt, khôn ngoan và biết tự trọng trong quan hệ với Trung Quốc.
Thứ hai, phần lớn các blog ấy, tuy trên danh nghĩa là blog cá nhân, nhưng trên thực tế, người ta thường đăng lại bài viết của nhau. Riêng Dân Làm Báo, Bauxite Việt Nam, và đặc biệt, Anh Ba Sàm thì có số lượng bài vở rất phong phú, được trích từ, hoặc nối kết với, nhiều nguồn khác nhau. Điều đó làm cho các blog trở thành một thứ báo, một nguồn thông tin và đồng thời, một diễn đàn có tính chất tập thể.
Tính tập thể ấy cho phép chúng ta hình dung ra một thứ cộng đồng mạng, nơi gặp gỡ của những người thường xuyên đau đáu về tình hình của xã hội và đất nước. Trong quan niệm của tôi, bản thân cộng đồng mạng ấy là một tổ chức xã hội dân sự. Tổ chức ấy có tính khả xúc (palpability): ai cũng có thể thấy được, đọc được, tiếp xúc được. Tính khả xúc ấy lại làm không gian mạng trở thành một thứ không gian thật, có thể nhìn theo logic vùng miền (logic of domain), để có thể được xem như một thiết chế. Nó thật không phải trong hoạt động mà còn cả trong tác động. Một số blog đã trở thành một sự đe dọa đối với chính quyền, hoặc ít nhất, một số thành phần trong chính quyền. Đó là lý do tại sao trong năm 2012, nhiều nhà lãnh đạo thuộc loại cao nhất nước, từ Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (13) đến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (14) và Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải, (15) đều lên tiếng kết tội các blog ấy (đặc biệt Quan Làm Báo và Dân Làm Báo). Nếu xem các blog như một đối trọng của hệ thống truyền thông thuộc lề phải do nhà nước quản lý gồm gần 800 tờ báo các loại, trong đó có gần 200 tờ báo ngày và báo tuần, 63 tờ báo trung ương và 97 tờ báo địa phương, gần 70 đài phát thanh (16), chúng ta sẽ thấy ngay một tình thế oái oăm: chiến thắng dường như thuộc về số các blog ít ỏi kia. Chính giới lãnh đạo đã thừa nhận chiến thắng ấy khi kết tội chúng gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng đến tư tưởng chính trị của nhiều người, kể cả đảng viên và cán bộ, do đó, đã huy động một lực lượng cực kỳ hùng hậu, bao gồm từ Bộ Công an đến Bộ Thông tin và Truyền thông, báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Cổng thông tin điện tử chính phủ và các cơ quan thông tin đại chúng... chống trả như đã ghi trong công văn số 7169 của chính phủ (17).
Trong tương quan như vậy, việc xem một số tờ báo in, trong một thời điểm nào đó, là xã hội dân sự, nhưng lại phủ nhận tính chất xã hội dân sự của các tờ báo mạng, theo tôi, là điều hoàn toàn vô lý.
Nếu, từ thực tế ở Việt Nam cũng như ở các quốc gia toàn trị khác ở châu Á và châu Phi, người ta đành phải thay đổi bản chất của khái niệm xã hội dân sự, từ một thiết chế đến một tiến trình và một hành động, từ tự trị đến tương đối tự trị, thậm chí, nảy sinh từ bên trong nhà nước, theo tôi, người ta cần bước thêm hai bước nữa: một, mở rộng khái niệm “thiết chế” từ thế giới thực đến thế giới ảo; và hai, chấp nhận cả các hiện tượng không được nhà nước chính thức công nhận.
Không chấp nhận điểm thứ nhất, chúng ta thành những kẻ lạc hậu trước những thay đổi triệt để và lớn lao trong truyền thông, và từ đó, trong xã hội. Không chấp nhận điểm thứ hai, chỉ nhìn vào các cơ quan được nhà nước cấp giấy phép, chúng ta sẽ không bao giờ thấy được diện mạo xã hội dân sự thực sự.
***
Chú thích:
Hunter Marston, “Bauxite Miningin Vietnam’s Central Highlands: An Arena for Expanding Civil Society?”, Contemporary Southeast Asia số 34 (2012).
Hunter Marston, “Bauxite Mining in Vietnam’s Central Highlands: An Arena for Expanding Civil Society?”, Contemporary Southeast Asia số 34 (2012), tr. 184.
Tên khối 8406 chính là ngày tháng năm sinh của tổ chức này.
Russell Hiang-Khng Heng, “Civil Society Effectiveness and the Vietnamese State - Despite or Because of the Lack of Autonomy”, in trong cuốn Civil Society in Southeast Asia do Lee Hock Guan biên tập (2004), sđd., tr. 144-166.
Luận án của Ruseell Hiang-Khng Heng có nhan đề là “Of the State, For the State, Yet against the State - The Struggle Paradigm in Vietnam’s Media Politics” (1999).
Trước nhà xuất bản Giấy Vụn, nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh (ở Sài Gòn) cũng đã tự in tác phẩm của mình dưới hình thức photocopy kèm theo một “lời nói đầu”, trong đó, ông tuyên bố thái độ từ chối kiểm duyệt của ông. (Xem bài “Nguyễn Quốc Chánh, nhà thơ từ chối kiểm duyệt” của Nguyễn Hưng Quốc, trên VOA: http://www.voatiengviet.com/content/nguyen-huu-chanh-02032010-83458717/845336.html). Tuy nhiên, Nguyễn Quốc Chánh lại không lập nhà xuất bản, và cũng không in gì khác ngoài thơ của ông.
Xem bản tin trên Tiền Vệ: http://tienve.org/home/activities/viewActivities.do?action=viewnews&newsId=144
Xem bài phỏng vấn Bùi Chát do Song Chi thực hiện trên Diễn Đàn Thế Kỷ: http://www.diendantheky.net/2011/01/nha-tho-bui-chat-tuong-lai-cua-cac-nen.html
Xem bài viết “Nhà xuất bản Giấy Vụn được trao giải Tự do Xuất bản quốc tế” của Trùng Dương trên http://www.voatiengviet.com/content/nha-xuat-ban-giay-vun-04-28-2011-120879739/916937.html
Ví dụ ba bài viết “Vài nhận định về nhóm Mở Miệng” và “Tản mạn đôi chút với bài thơ ‘Vô địch’ của Bùi Chát” của Như Huy (http://huybeo.blogspot.com.au/2011/04/nhu-huy-hai-bai-viet-au-tien-ve-mo.html); bài “Cuộc nổi dậy của rác thải” của Nhã Thuyên (http://damau.org/archives/26332), đặc biệt bài “‘Ta, một công dân ô nhục bậc nhất, một thánh nhân nát rượu…’ — Thơ và Lề trong xã hội Việt Nam đương đại” của Đoàn Cầm Thi trên Tiền Vệ (http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=5898).
Xin xem thêm một bài viết khác của tôi về Bùi Chát và nhà xuất bản Giấy Vụn trên http://www.voatiengviet.com/content/nha-xuat-ban-giay-vun-04-30-2011-121019644/901771.html
Xem trên http://damau.org/archives/20163
Xem bài “Mãi mãi là sao sáng dẫn đường” của Trương Tấn Sang trên http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/524848/Mai-mai-la-sao-sang-dan-duong.html
*