Le Nguyen (Danlambao) - “Diễn trò” là chủ trương nhất quán đã diễn ra nhiều lần trong lịch sử đảng cộng sản Việt Nam và sự kiện dự thảo sửa đổi hiến pháp là một vở diễn khác của đảng như tôi cùng với một số tác giả nhận định, phân tích trong các bài viết được đăng tải trên các báo lề dân trước đây. Lúc trình bày quan điểm ở những bài trước, tôi nghĩ đã khá đủ nên tự nhủ lòng không muốn nghe cũng như không muốn nhắc đến đề tài sửa đổi hiến pháp nữa nhưng dư luận xã hội ngày càng nóng lên với nhiều diễn biến ngoạn mục khiến tôi thay đổi chủ kiến để nói thêm về sự kiện được đảng “lên gân” cho là chính trị quan trọng này.
Trong bài viết này tôi không nhắc đến những điều đã nói về nội dung “hỗn độn” của bản văn được gọi là hiến pháp chỉ nói đến những diễn biến xoay quanh việc sửa đổi dự thảo hiến pháp của nước xưng danh cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tưởng cũng nên nhắc lại, trước khi phát động phong trào sửa đổi, ông Phan Trung Lý trưởng ban biên tập dự thảo hiến pháp thay mặt ủy ban soạn thảo đăng đàn tuyên bố:
“Ở nước ta, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân nên nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng và sửa đổi Hiến pháp...
Mục đích là phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp...
Nhân dân có thể cho ý kiến đối với điều 4 Hiến pháp như với tất cả các nội dung khác trong dự thảo, không có gì cấm kỵ cả".
Không phải chờ lâu chỉ cần vài ba ý kiến góp ý sửa đổi là người dân nhận ra bản chất thật của “tất cả quyền lực thuộc về nhân dân... không có gì cấm kỵ cả...” của cái loa Phan Trung Lý!
Khác với ông Phan Trung Lý, các con “cáo” đại diện cho đảng là ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đại diên cho nhà nước là ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chỉ đạo các cơ quan ban ngành định khung sửa đổi và ra lệnh cho công an, quân đội cảnh giác, ngăn chận từ xa những tình huống bất lợi, những diễn biến phức tạp vượt ra ngoài vòng kiểm soát của các ý kiến sửa đổi dự thảo hiến pháp khác ý đảng, trong đó có nội dung:
“Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương lãnh đạo, kiểm tra việc lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp trong lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân; chỉ đạo chặt chẽ công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; phối hợp với các cơ quan tổ chức hữu quan kịp thời đấu tranh, ngăn chặn những hành vi lợi dụng dân chủ việc lấy ý kiến nhân dân để tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước ta.”
Dù đã lượng định những tình huống có thể xảy ra để đối phó trong tư thế sẵn sàng “chiến đấu” gán ghép ý kiến sửa đổi dự thảo hiến pháp của nhân dân, khác ý đảng là thế lực thù địch, thậm chí là phản động tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá... để kết tội tống giam. Thế nhưng đảng không ngờ, sự đóng góp ý kiến “sôi nổi” của người dân, đặc biệt là sự kiện “dâng” kiến nghị sửa đổi dự thảo hiến pháp của 72 nhân sĩ, trí thức là những công thần đã dựng lên cũng như đóng góp không nhỏ công sức gần như cả đời cho đảng đương quyền, vượt ra ngoài khung định hướng, sử dụng lưỡi dao tư tưởng sắc bén chọc đúng vào tử huyệt đảng lãnh đạo.
Trước các ý kiến sửa đổi chính đáng hợp xu thế thời đại nhưng lại thách thức độc quyền quyền lực lãnh đạo của đảng khiến cho ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không dám khinh thường cũng như không thể gán ghép cho các công thần của chế độ là thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá đảng và nhà nước. Ông chỉ biết đấm ngực, nghiến răng hử, hả... kêu là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống đòi xử lý:
“... Xem ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Có tam quyền phân lập không... Hả? Có phi chính trị hóa quân đội không?
Người ta đang có những quan điểm như thế, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Như thế là suy thoái chứ còn gì nữa, chỉ ở đâu nữa nào?
Tham gia đi khiếu kiện, biểu tình, kí đơn tập thể... thì nó là cái gì? Cho nên các đồng chí phải quan tâm xử lý cái này.”
Thực tế trong dư luận xã hội vốn âm ỉ phẫn nộ, bức xúc với bao bất công do đảng gây ra, với thi hành luật cách tùy tiện của nhà nước nhưng chưa có cơ bùng phát nên khi ông tổng bí thư đảng báng bổ ý chí, nguyện vọng của đại đa số nhân dân đòi hủy bỏ điều 4, đòi tam quyền phân lập, đòi đa nguyên đa đảng, đòi quân đội phải trung thành với tổ quốc, với nhân dân chứ không phải trung thành với bất cứ đảng phái nào cả, lại bị cho là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống.
Lời phát biểu của ông Trọng như giọt nước làm tràn ly, vượt mức chịu đựng của phận làm “dân” khiến cho nhà báo trẻ Nguyễn Đắc Kiên, một công dân Việt Nam từ trong đám đông quần chúng thầm lặng bước ra dõng dạc tuyên bố với lập luận sắc bén thuyết phục nhưng không thiếu phần đanh thép:
“...Cần phải xác định, ông đang nói ai suy thoái? Nếu ông nói với nhân dân cả nước thì xin khẳng định luôn là ông không có tư cách...
... Ông nói suy thoái về đạo đức. Tôi muốn hỏi ông đạo đức ông đang muốn nói là đạo đức nào? Đạo đức làm người? Đạo đức công dân? Đạo đức dân tộc Việt Nam?...
... Tôi muốn hỏi ông tư tưởng chính trị ông đang muốn nói là tư tưởng chính trị nào? Có phải là tư tưởng chính trị của đảng cộng sản? Vậy ra chỉ có đảng cộng sản các ông là duy nhất đúng à? Cá nhân tôi cho rằng, không một người có lương tri bình thường nào thừa nhận như thế cả...
... Chỉ có tham ô, tham nhũng... đi ngược lại lợi ích nhân dân mới là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống...”
Từ nội dung tuyên bố của bạn trẻ Nguyễn Đức Kiên được sự biểu lộ đồng tình của số đông nhân dân thầm lặng dẫn đến hình thành lời tuyên bố chung của các công dân tự do trên nền tảng ý tưởng của Nguyễn Đức Kiên. Lời tuyên bố chung này đã thu hút nhiều ngàn người trong ngoài nước tham gia ký tên ủng hộ và số lượng tăng thêm số trăm cho mỗi một ngày đi qua.
Những diễn biến cụ thể khởi nguồn từ 72 người gửi kiến nghị phát sinh hiện tượng Nguyễn Đắc Kiên cho đến việc ra đời của Bản Tuyên Bố Chung của các Công Dân Tự Do, khá bất ngờ đối với đảng!
Từ các sự kiện đó chỉ ra rằng dù đảng có kiểm soát gắt gao, có hù dọa khủng bố tinh thần, đánh phủ đầu quy chụp lợi dụng dân chủ trong sự kiện sửa đổi dự thảo hiến pháp tuyên truyền, phỉ báng, chống phá đảng nhà nước cho những ai nói khác ý đảng vẫn không thể áp đặt, ngăn chận được ý chí nguyện vọng người dân bày tỏ chính kiến phản bác luận điệu “đảng lãnh đạo là sự chọn lựa lịch sử được nhân dân thừa nhận...”
Thiết nghĩ, đảng cộng sản cũng cần nhận ra rằng, không chỉ số đông nhân dân không thừa nhận vai trò lãnh đạo độc quyền của đảng mà ngay cả bên “phe” đảng ủng hộ độc quyền lãnh đạo vẫn tồn tại lấn cấn trong góp ý vừa dí dỏm vừa hài hước, có pha chút “thông minh” nói kháy, mắng khéo những điều quy định ngớ ngẩn trong dự thảo sửa đổi hiến pháp.
Xin không nhắc đến khá nhiều câu góp ý sửa đổi hiến pháp của một bộ phận không nhỏ “ưu tú” của đảng mang tầm “chiến lược” cố đấm ăn xôi khá tội nghiệp, tờ tợ như ông thiếu tướng làm việc ở viện chiến lược quốc phòng: “Xin hãy chỉ cho tôi có quốc gia nào trong số 200 quốc gia trên thế giới quân đội không phục vụ cho một chính đảng?”
Riêng loại góp ý dí dỏm, hài hước pha lẫn chút thông minh còn sót lại... là lời góp ý của các đại biểu trong cơ quan quyền lực được bản văn gọi là hiến pháp chưa sửa đổi của đảng cộng sản, quy định là cơ quan quyền lực cao nhất nước. Than ôi, lại nằm dưới sự lãnh đạo của đảng!
Các lời góp ý của đại biểu trong cơ quan này có những câu đại loại mang nội dung như đặt vấn đề chất vấn: “Ai đứng ra giám sát đảng?”
“...Khẳng định vai trò lãnh đạo của đảng là cần thiết, không thể thay thế nhưng nội dung sửa đổi có đề cập đến việc đảng chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân... như vậy chưa cụ thể... cơ chế giám sát như thế nào phải làm rõ?” (đại biểu Nguyễn Bá Thuyền - Lâm Đồng)
“...Cách tốt nhất là giữ nguyên điều 4 như hiến pháp hiện hành... việc bổ sung được cho là mới mẻ lại gây ra tranh cãi... tự nhiên làm cho mọi chuyện không có vấn đề thành ra có vấn đề?...” (đại biểu Phạm Xuân Thường - Thái Bình)
Đi xa hơn nội dung điều 4 hiến pháp là các đại biểu quốc hội góp ý về việc thiết chế hội đồng hiến pháp và có một số đại biểu cho rằng:
“...Không cần lập ra mô hình hội đồng hiến pháp bởi với chức năng kiến nghị thuần túy thì cơ quan này chẳng phát huy được vai trò gì... rồi sẽ nảy sinh thêm cơ quan giúp việc chỉ có chức năng tham mưu.” (đại biểu Phạm Xuân Thường - Thái Bình)
“...Thành lập hội đồng hiến pháp sẽ xung đột với các thiết chế hiện hành bởi cơ quan này chỉ có chức năng yêu cầu, đề nghị sẽ không khác gì với các ủy ban của quốc hội hiện nay.” (đại biểu Huỳnh Thành Lập - Tp Hồ Chí Minh)
Sự thật, các góp ý sửa đổi dự thảo hiến pháp lòng vòng huề vốn của các đại biểu quốc hội không thật sự “ấn tượng” so với góp ý thẳng thắn, ngắn gọn hơi “giang hồ” của blogger Người Buôn Gió: “Nếu hiến pháp tự biên tự diễn của đảng là duy nhất đúng thì tổ chức sửa làm đ... gì cho mất thời giờ lại tiêu phí tiền thuế của nhân dân?”
Thật ra ai cũng biết, màn diễn sửa đổi dự thảo hiến pháp chỉ nhằm đánh lạc hướng dư luận xã hội để người dân không chú tâm đến khủng hoảng chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa... với nguy cơ tiềm ẩn mất nước vào tay bá quyền Trung Cộng. Tất cả đang bên bờ vực phá sản do đảng độc quyền lãnh đạo gây ra là có thật.
Qua những diễn biến ngoạn mục của sửa đổi hiến pháp chỉ ra cho đảng thấy rằng, người dân không còn cam chịu thân phận “cừu” ngoan ngoãn nghe theo lời đảng chăn dắt, định hướng như xưa. Ngày nay thời đại tin học, thời đại toàn cầu hóa người dân Việt Nam đã trưởng thành trong nhận thức, dạn dày trong đấu tranh biết phải làm gì, phải làm sao để thực hiện được khát vọng tự do của mỗi con người sinh ra vốn có.
Thế đảng có thay đổi tư duy, thuận theo xu thế thời đại hay vẫn tiếp tục cố thủ trong các trò diễn gian manh dối trá được đảng xem như chiếc gậy chỉ huy thần diệu dẫn dắt đảng lầm lủi đi ngược dòng tiến hóa văn minh của cộng động nhân loại, như đi trong đêm mơ về cõi thiên đường?...