Trần Việt Hoàng (Danlambao) - Hành động đầu tiên là ký tên vào “Lời Tuyên Bố Của của các Công Dân Tự Do” để mạnh dạn khẳng định ước vọng và quyền hạn của mình. Số người ký tên càng đông thì sức mạnh của sự liên kết cho một lý tưởng càng trở nên to lớn, và những đòi hỏi chính đáng của mình càng sẽ dễ dàng biến thành hiện thực. Số đông sẽ làm cho người dân bình thường mới hôm nào đây còn e sợ, thì giờ đây đã trở nên mạnh bạo và dũng cảm. Nhưng chúng ta cũng không quên rằng mỗi một cá nhân dù cho nhỏ bé đến đâu cũng có thể làm cho cả một chế độ độc tài run sợ vì cái chính nghĩa của mình và nhờ những phương tiện truyền thông đang nối kết con người gần lại với nhau...
*
Mùa xuân vừa đến và cảnh vật dường như còn chứa đựng cái vẻ êm đềm, nhẹ nhàng của những ngày đầu năm se lạnh, nhưng đâu đây dường như có những cơn sóng ngầm đang âm ỉ trào dâng, và tôi nghe những cơn gió hình như đang thổi ngày càng mạnh mẽ. Phải chăng những dấu hiệu của một cơn bão đang nổi lên rồi?
Mùa xuân và bão tố, một kết hợp ít sự chờ mong. Nhưng không, tôi thấy vạn niềm vui trong ánh mắt của dân tôi đang khát khao đợi chờ. Tôi cảm nhận một sự háo hức, nức lòng của anh em tôi trên những trang báo điện tử vì họ đang thể hiện tiếng nói tự do của mình mà bao năm qua vẫn còn rụt rè, e sợ.
Đúng vậy! Cơn bão đòi hỏi dân chủ nhân quyền cho dân tôi đang đến. Nó đang còn là những cơn gió tụ họp lấp ló từ xa, nhưng tôi đã cảm nhận dược sức mạnh vô cùng của nó. Đó là những cơn gió của “Triệu con Tim, Một Tiếng Nói”, của “Kiến Nghị 72”, của “Lời Tuyên Bố Của của các Công Dân Tự Do”, của “Nhận Định và Góp Ý Sửa Đổi Hiến Pháp của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam”, và của những gì mà ta chưa biết đến.
Khi tôi gởi thư để ký tên vào bản “Lời Tuyên Bố của các Công Dân Tự Do” hôm Thứ Sáu, thì số chữ ký đang ở khoảng 800, nhưng hôm nay, Chủ Nhật, ngồi viết lên cảm nghĩ của mình, tôi đã thấy con số 3,300. Chỉ trong vòng một, hai ngày mà số người ký tên đồng tuyên bố đã tăng thêm 2,500. Một con số kỷ lục mà tôi chưa được thấy trong những năm qua. Nó đã nói lên một điều là hình như chúng ta đã tìm được một đáp số cho bài toán đồng thuận mà trong bao năm qua nhiều người đang mải mê tìm kiếm. Mà thật là thú vị khi người giải bài toán khó đó là một nhà báo trẻ vừa bị mất việc vì sự lý giải của mình. Nguyễn Đắc Kiên, anh quả thật là một nhân tài của dân tộc!
Để biện luận cho sự xác định của mình, tôi xin được nêu ra một vài chữ ký. Chữ ký của bác sĩ Nguyễn Đan Quế, của Linh Mục Phan Văn Lợi, Linh Mục Guise Đinh Hữu Thoại, của Linh Mục Peter Nguyễn Văn Hùng, Linh Mục Nguyễn Văn Khải, Luật sư Lê Thị Công Nhân, Nhà Đấu Tranh cho Dân Chủ Nguyễn Gia Kiểng, Blogger Huỳnh Thục Vy, Phạm Thanh Nghiên, Nhà thơ Bùi Chát, Blogger Mẹ Nấm, Blogger Huỳnh Ngọc Chênh, Nhạc sĩ Tô Hải, Mục Sư Nguyễn Trung Tôn, Luật sư Nguyễn Bắc Truyển, Nhà báo Bùi Tín, Nguyễn Văn Bông tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, và nhiều Bloggers, nhiều trí thức trong và ngoài nước, nhiều sinh viên và mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam. Chúng ta có thể nói đây là một đáp số chung vì nó chỉ khẳng định một hướng đi đúng đắn cho dân tộc và xác định những quyền căn bản của con người đã được Liên Hiệp Quốc và nhân dân Việt Nam công nhận.
Nó không chứa đựng những gì thuộc về quá khứ mà có thể là nguyên nhân của những nghi kỵ hay bất đồng. Nó là thể hiện một tình yêu quê hương và một ý nguyện trong sáng cho tương lai dân tộc, dựa trên kinh nghiệm phát triển thực tế của cộng đồng nhân loại. Bài toán thật sự khó khăn vì trên căn bản nó là một đề tài đã được hóa giải ở nhiều nơi trên thế giới nhưng lại là vùng cấm ở một vài xứ độc tài Cộng Sản mà thật không may đang có Việt Nam ta. Lời giải của nó thật không có gì khác hơn là mỗi công dân mạnh dạn thể hiện ý chí của mình bằng những lời khẳng định về ước vọng sống và quyền hạn của mỗi cá nhân, bất chấp những đe dọa và sự trù dập, như những lời khẳng định của nhà báo Nguyễn Đắc Kiên qua lá thư trả lời những phát biểu phản tiến bộ của ông tổng bí thư đảng Cộng Sản Nguyễn Phú Trọng.
Bão nổi lên rồi!
Nhưng trận cuồng phong nầy có đủ sức đánh đổ chế độ độc tài toàn trị hay không, là còn tùy thuộc vào hành động của mỗi người công dân Việt Nam trong và ngoài nước.
Hành động đầu tiên là ký tên vào “Lời Tuyên Bố Của của các Công Dân Tự Do” để mạnh dạn khẳng định ước vọng và quyền hạn của mình. Số người ký tên càng đông thì sức mạnh của sự liên kết cho một lý tưởng càng trở nên to lớn, và những đòi hỏi chính đáng của mình càng sẽ dễ dàng biến thành hiện thực. Số đông sẽ làm cho người dân bình thường mới hôm nào đây còn e sợ, thì giờ đây đã trở nên mạnh bạo và dũng cảm. Nhưng chúng ta cũng không quên rằng mỗi một cá nhân dù cho nhỏ bé đến đâu cũng có thể làm cho cả một chế độ độc tài run sợ vì cái chính nghĩa của mình và nhờ những phương tiện truyền thông đang nối kết con người gần lại với nhau. Cho nên một ngàn người mà kiên quyết liên kết với nhau thì cũng làm nên chuyện lớn, và một triện người cùng chung lý tưởng thì dân tộc chắc chằn sẽ thoát khỏi cảnh bị đọa đày và đất nước sẽ thoát khỏi nguy cơ bị xâm chiếm.
Từ sự thành công của “Lời Tuyên Bố của các Công Dân Tự Do”, chúng ta có thể dùng chung một phương tiện để tiến hành những bước kế tiếp, chẳng hạn rủ nhau xuống đường để đòi quyền lập hiến. Khi một ngày đã được xác định, thì mọi người cùng gởi emails về 3 địa chỉ đáng tin cậy để cùng hẹn nhau xuống đường. Số người đồng ý tham gia sẽ được cập nhật và đăng tải trên ba trang mạng độc lập mà không cần đăng tên tuổi. Như vậy tuy chúng ta sẽ không có yếu tố bất ngờ nhưng sẽ có ưu thế số đông mà không một lực lượng nào có thể đàn áp nổi.
Đây chỉ là một thí dụ của một chiến lược đơn thuần, nhưng chắc chắn các công dân tự do sẽ tìm ra nhiều cách để đi những bước kế tiếp.
Về phía những người lãnh đạo của đảng Cộng Sản, họ cũng phải tự hiểu rằng thời điểm cho một sự thay đổi đã đến. Nếu họ biết thức thời và tìm con đường hòa hợp tốt nhất thì hãy chịu sự thay đổi như những đòi hỏi của các công dân tự do hay ít nhất cũng bắt đầu những đổi thay như đã và đang xảy ra ở Miến Điện. Cái thời điểm cho sự thay đổi tốt nhất là ngay từ khi thấy có những khởi đầu của một cuộc cách mạng. Còn nếu cứ bám giữ sự độc tài toàn trị và mạnh tay đàn áp nhân dân thì phần nhiều cái kết cục sẽ rất bi thương như chúng ta đã thấy trong các cuộc cách mạng mùa Xuân Ả Rập, hay ở các nước Đông Âu ngày nào.
Đây là thời điểm cho một sự thức tỉnh như lời Nguyễn Đắc Kiên đã nói trong bài thơ Vì Người Ta Cần Ánh Mặt Trời:
bao thế hệ đã ngậm ngùi mắc nợ,
lũ chúng ta lẽ nào lại mắc nợ mai sau,
còn chần chừ gì mà không tỉnh dậy mau,
sống cho xứng danh xưng con người trên mặt đất.
tôi chưa thấy một đêm nào dài thế,
cũng chưa thấy có ngày mai nào không thể.
vì người ta cần ánh mặt trời,
tỉnh dậy đi lũ chúng ta ơi!
“tỉnh dậy đi lũ chúng ta ơi!”
có lẽ không chỉ là lời lay tỉnh cho nhân dân Việt Nam đang chịu nhiều đau khổ, mà còn cho cả những người lãnh đạo đất nước hiện nay.