Trần Mạnh Hảo (Danlambao) - Trong cuộc đời mình, Trần Gia Thái nổi tiếng nhất là vụ ông dùng Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội để chiếu một bộ phim phóng sự dài nhằm bôi nhọ, vu cáo, bịa đặt bao chuyện xấu xa cho những những người dân yêu nước biểu tình chống bọn xâm lược Trung Quốc. Ông này bị những người biểu tình kiện ra tòa; nhưng ông ta được nhà nước thân Trung Quốc bảo vệ. Những kẻ sai Trần Gia Thái làm một bộ phim phải nói là đê tiện kia quyết không để người nào dám đụng đến lông chân một kẻ có công bịa chuyện vu cáo những người yêu nước chân chính, cốt để buộc tội họ, nhằm tống họ vào tù...
*
Trên báo Văn Nghệ số 8 (2767) thứ bảy ngày 23-02-2013, có in bài “Những cơn mưa thơ” của nhà thơ kiêm diễn viên điện ảnh Hoàng Nhuận Cầm khen ngợi tới tận mây xanh tập thơ “Mưa không mùa” (NXB Hội Nhà Văn 2012) của Trần Gia Thái. Theo website Hội Nhà báo Việt Nam giới thiệu ông nhà thơ này với các chức vụ khá to:
Đồng chí Trần Gia Thái
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam
Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hà Nội
Tổng Giám đốc, Tổng biên tập Đài PT-TH Hà Nội (1)
Trong cuộc đời mình, Trần Gia Thái nổi tiếng nhất là vụ ông dùng Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội để chiếu một bộ phim phóng sự dài nhằm bôi nhọ, vu cáo, bịa đặt bao chuyện xấu xa cho những những người dân yêu nước biểu tình chống bọn xâm lược Trung Quốc. Ông này bị những người biểu tình kiện ra tòa; nhưng ông ta được nhà nước thân Trung Quốc bảo vệ. Những kẻ sai Trần Gia Thái làm một bộ phim phải nói là đê tiện kia quyết không để người nào dám đụng đến lông chân một kẻ có công bịa chuyện vu cáo những người yêu nước chân chính, cốt để buộc tội họ, nhằm tống họ vào tù.
Trong giới viết lách đồn nhau: ai muốn lên đài truyền hình Hà Nội cứ đem thơ Trần Gia Thái ra khen vống lên dù thơ dở tệ. Từ ông Hữu Thỉnh đến anh cóc ké trong làng văn nghệ đều thi nhau ca ngợi những tập thơ dở của Trần Gia Thái. Nhà thơ kiêm kép điện ảnh Hoàng Nhuận Cầm hôm nay bỗng đè ngửa tập thơ “Mưa không mùa” của Trần Gia Thái ra khen không biết ngượng.
Trước hết, Hoàng Nhuận Cầm dùng kiểu nói gian (nói dối - gian dối chủ nghĩa) để bốc thơm tập thơ không được... thơm cho lắm là tập thơ trước đây của ông Gia Thái: “Sau dư âm khá tốt đẹp của đồng nghiệp và bạn bè dành cho “Lời Nguyện Cầu Trước Lửa””. Xin qúy vị vào công cụ tìm kiếm đánh mấy chữ: “phê bình thơ Trần Gia Thái”, hoặc: “lên án Trần Gia Thái tổng giám đốc phát thanh và truyền hình Hà Nội” sẽ nhận được hàng trăm bài chê thơ ông này cực dở, chê nhân cách ông này xấu xa, một người không đàng hoàng tử tế... Hoàng Nhuận Cầm khen nịnh kiểu gian dối bất cần sự thật như vậy có xứng đáng là người cầm bút chân chính hay không?
Xin dẫn nguyên đoạn Hoàng Nhuận Cầm bốc thơm một thứ thơ khó ngửi của Trần Gia Thái:
“Sau dư âm khá tốt đẹp của đồng nghiệp và bạn bè dành cho “Lời Nguyện Cầu Trước Lửa” – “Mưa Không Mùa” là tập thơ thứ hai của thi sĩ Trần Gia Thái. Cảm nhận đầu tiên của tôi là đã có một sự “đối trọng” giữa hai tập thơ này - một sự đối trọng hết sức tương thích để tạo nên một “xung lực mới” cho thơ của anh. Đó là sự đối trọng giữa lửa và nước, giữa chất thế sự và chất trữ tình, giữa giọng đắng chát và giọng ngọt ngào. Trần Gia Thái vẫn duy trì và vẫn giữ được sự “Ngơ ngác toàn thân” khi đứng trước trang giấy trắng.
“Có nhiều lúc./Không biết đang làm gì./ Không muốn làm việc gì./ Định đi tìm cái gì./ Không tài nào nghĩ nổi./ Đành gọi là quên (Khoảng vắng)”
Cái mà nhà thơ tìm không thấy hoặc chưa thấy - nên “đành gọi là quên” – nhưng nếu hỏi nhà thơ quên gì thì như nhà thơ đã thú nhận cũng không nhớ nổi? Và cái điều trắc ẩn đó, chúng ta gọi là Thơ. Nó kỳ lạ và bí ẩn như tình yêu, tìm không thấy, gọi không đến - nhưng khi đã đến thì đuổi cũng không đi. (hết trích) (2)
Trời ơi, cái “ ngữ” này của Trần Gia Thái mà Hoàng Nhuận Cầm dám gọi là thơ ư? Lại là thơ hay kinh dị phải đưa cả mùi thiền giọng triết vào bình như trên mới ác liệt chứ:
“Có nhiều lúc
Không biết đang làm gì.
Không muốn làm việc gì
Định đi tìm cái gì
Không tài nào nghĩ nổi
Đành gọi là quên”
(thơ Trần Gia Thái)
Trần Gia Thái viết những câu rất “thần kinh” thế này thì thơ con cóc phải gọi bằng cu nặng (cụ).
Nhà thơ trẻ Thanh Tre (vốn nối dõi “thi pháp gãi háng Thanh Thảo”) nhân cái gọi là thơ chết cười trên của Trần Gia Thái, bèn nhại trường “thơ ngơ ngác toàn thân” này, gửi đến Trần Mạnh Hảo sáu câu (vọng cổ?) còn ấm ớ hơn thơ Trần Gia Thái trên, tất nhiên là mô phỏng thơ ông Thái, rồi nhờ kẻ viết bài này bình chơi:
“Có dịp thức mà ngủ
Không hiểu mình thế nào
Không biết đi đường nào
Định tìm một con nào
Có trời biết tên nó
Đành gọi là chiêm bao”
(thơ của thi sĩ Thanh Tre)
Trần Mạnh Hảo xin mượn phép “phê bình toàn thân ngơ ngác” của Hoàng Nhuận Cầm khi bình thơ ú ớ Trần Gia Thái trên mà bình thứ thơ vô dục mới tinh của thi sĩ Thanh Tre:
“Nếu Hoàng Nhuận Cầm nói thơ của Trần Gia Thái “ngơ ngác toàn thân” thì thơ của thi sĩ Thanh Tre vừa dẫn còn vượt lên cả sự ngơ ngác là u minh toàn phần, ấm ớ toàn diện, hâm hâm cả hồn lẫn xác, một trạng thái lên đồng, vong thân triệt để, tha hóa khôn cùng, xứng đáng với bút pháp tân kỳ có thể gọi bằng tên mới “hết hồn ngáp ngáp”. Gã nhà thơ nơi Trần Gia Thái còn mang ý thức như mang một con đom đóm trong người, còn biết mình đang nghĩ “Không tài nào nghĩ nổi”...
Nhưng với thi sĩ mở đường cho các thi pháp tân kỳ Việt Nam Thanh Tre, bỏ xa thi pháp Tân Con cóc của trường thơ Nguyễn Quang Thiều, bỏ qua thi pháp gãi háng của Thanh Tháo, bỏ qua thi pháp ngơ ngác toàn thân của Trần Gia Thái, Thanh Tre chơi một lối thơ hoàn toàn thoát xác, tháo bỏ y phục ý thức hay tư duy ném vào sọt rác.
Con người trong sáu câu trên của Thanh Tre đi ngật ngưỡng trên đời hoàn toàn không biết mình thức hay ngủ, không biết mình là ai, mình đang đi đâu cũng cóc có biết, muốn tìm một con nào để thử tồn tại chút chút mà cóc nhớ tên nó... Nghĩa là con người ấy phi hiện thực, phi thời gian, phi không gian, một thế giới lấy chiêm bao làm vũ trụ, làm mái nhà, sống mà như con ma, sống mà như cái bóng. Cõi ấy mới đích thực thơ, thơ chí tôn chí thánh, thơ ma ma Phật Phật. Mây bay trên bầu trời so với không gian thơ Thanh Tre vô cùng tận kia chỉ đáng gọi là sâu kiến. Đành phải gọi bọn mây trắng kia đến mà mắng chúng rằng: chúng mày đang bay trên trời hay đang bay trong một cái hũ con con?
Đọc sáu câu tuyệt tác trên của thi sĩ Thanh Tre, ta thấy xuất hiện một thi pháp mới trên thi đàn Việt Nam: “Thi pháp thần kinh”. Hàn Mặc Tử xưa với tập “Thơ điên” mới chỉ là điên tập sự, giả điên, làm dáng điên - tức là điên một cách có ý thức; nói như ngôn ngữ chính trị thời nay, Hàn Mặc Tử sáng tạo theo một định hướng điên. Còn Thanh Tre, thi sĩ của thời đại tham nhũng, thời đại những con bú dù chính trị, thời đại sự giả dối, đểu cáng trở thành quốc sách, quốc hồn, quốc tính, quốc doanh, quốc nạn, quốc huy, quốc ca, quốc sắc, quốc túy, quốc khùng, quốc phòng, quốc phạm... thì đã không thèm điên lẻ tẻ mà điên nặng điện, điên mà ngôn ngữ thi ca bừng sáng ánh điện tràn đầy trang giấy với ba tiếng khàn khàn mèo gào: nào? nào? nào? (hết bình thơ Thanh Tre)
Trong bài đã dẫn, Hoàng Nhuận Cầm tiếp tục bốc thơm thơ Trần Gia Thái một cách vô lối, vô phương, thơ đã sến mà lời bình còn sến hết mức:
“Ôi câu thơ rút ruột./ Rỏ máu người làm thơ. / Viết ra thì tự đọc. / Ai tri âm bây giờ. / Viết ra thì tự đọc. / Người cần nghe không nghe. / Mặc nháo nhào tranh giật. / Thơ cứ rơi não nề. (Đã mang lấy nghiệp).”
Những câu thơ rút ruột, những câu thơ rỏ máu, những câu thơ không người nghe, những câu thơ tự đọc cho mình cứ âm thầm rơi xuống bốn mươi hai bài thơ để làm nên tập “Mưa Không Mùa”. Đây là những giọt mưa không rơi theo quy luật tự nhiên – những giọt mưa rơi xuống theo quy luật của tình cảm – để tạo nên những Cơn Mưa Thơ trả nợ cho đời – những cơn mưa khô mà thấm đẫm tình người. (hết trích Hoàng Nhuận Cầm - HNC)
Những câu nói dễ dãi, tầm thường sáo rỗng trên mà Trần Gia Thái gọi nhầm là thơ đã được Hoàng Nhuận Cầm bình như bình những câu tuyệt tác. Thơ và người bình thơ dường như cùng dắt tay nhau đi vào con đường thảm hại bức tử thi ca, con đường trao đổi làm ăn: ông bốc thơm thơ thối của tôi, tôi sẽ dành cho ông mấy cái kịch bản dựng phim hoặc mấy vai diễn xuất...
Thơ Trần Gia Thái và người bình thơ kiểu Hoàng Nhuận Cầm như trên cứ đôi lứa xứng đôi, dắt nhau đi đưa đám thi ca, tham gia chôn cất nền thơ văn minh họa, một nền văn chương con hát, thi ca thằng hề mua vua cho đám cai đầu dài chính trị coi văn nghệ chỉ là những tên đầy tớ mua vui...
Sài Gòn ngày 16-3-2013
_________________________________
Ghi chú:
* Xin qúy bạn đọc hãy vào công cụ tìm kiếm http://google.com đọc tiếp ba bài phê bình thơ Trần Gia Thái sau:
“Đọc tập thơ của Trần Gia Thái, buồn về hội chứng “méo mó hình hài vẹo xiêu nhân cách” của nền văn học VN hôm nay”
“Thơ Trần Gia Thái cường tráng thế nào trong mắt Hửu Thỉnh?”
Khi nhà thơ Hữu Thỉnh hết lời ca ngợi những câu thơ tẻ nhạt của Trần Gia Thái