Bảo Giang (Danlambao) - “Thuyền ra khơi lưới cá, không cần mang theo nhiều cái lưới mành, nhưng cần một cái vừa khổ và bền, chắc”.
Nay thì cả nước đang đối diện với Làn Gió Mới. Làn gió của Công Lý, Sự Thật và Nhân Quyền. Một làn gió cực tốt lành, bảo đảm đem đến cho mọi người an vui thay nước mắt, hạnh phúc thay sầu khổ. An bình thay bạo tàn, áp bức. Yêu thương thay thế cho hận thù. Bao dung, tha thứ cho những lầm lỗi... Tuy thế, việc đón nhận làn Gió Mới này lại không đồng nhất. Trái lại có khuynh hướng đối chiều nhau.
1. Nhóm thứ nhất
Bao gồm một số thành phần đầu đặc, thủ cựu, có tính vô văn hóa ở trong đảng CS. Họ luôn chống lại nhân dân. Chống lại Công Lý, Sự Thật và quyền con người. Chống lại sự hiểu biết, tiến bộ của trí tuệ và nhân bản. Nhóm này chủ trương bám trụ quyền lực bằng bạo lực, gian dối. Chấp nhận làm nô lệ cho chủ nghĩa bành trướng Trung cộng để có quyền lợi thay vì về với cội nguồn dân tộc Việt. Phương châm hành động của nhóm là phi nhân bản, phi lương tri và phi đạo nghĩa con người.
2. Nhóm thứ hai
Dân chúng Việt Nam và một bộ phận không nhỏ (theo ước tính của Nguyễn Phú Trọng) nghĩa là lớn, mà lớn là phải hơn một nửa, hoặc có thể lên tới 2 phần ba trong tổng số các đoàn đảng viên cộng sản đã từ bỏ chủ nghĩa gian dối, phi nhân của cộng sản, hoặc, đang âm thầm trở về với cội nguồn văn hóa và nhân bản dân tộc nhưng chưa tỏ bày công khai vì những lý do cá nhân hay gia đình. Tuy nhiên, cái lý thuyết của Tam Vô không còn làm chủ thể bản thân của họ. Họ đã sẵn sàng về với nhân dân khi có cơ hội.
A. Thái độ của nhóm một
Quyết đào đường, đắp mô ngăn chặn Làn Gió Mới bằng mọi giá, kể cả bạo lực để củng cố chế độ. Họ ảo tưởng trong danh vọng và quyền lực, không đi theo xát với những cao trào dân chủ và tiến bộ trên thế giới.
Thật ra đối sách này không lạ, hơn thế, mọi người đã nhìn thấy từ trước. Bởi vì, một là thiếu văn hóa, kém hẳn về đạo lý nhân bản. Hai là ăn càn nói bậy, làm liều đã quen thói, họ không thể có một đối sách nào khá hơn như thế được. Đại diện cho nhóm này đã ồn ào phát biểu trong những ngày qua là Nguyễn Phú Trọng: "ngăn chặn những hành vi lợi dụng dân chủ việc lấy ý kiến nhân dân để tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước". Hôm 25/2/2013, tại Vĩnh Phú, chính ông ta lại ra lệnh "Cho nên các đồng chí quan tâm xử lý cái này". Loại phát biểu vô tư cách như thế đã bị Nguyễn Đắc Kiên, một nhà báo vỗ trực diện. Dĩ nhiên là Nguyễn Phú Trọng đã không có thể tìm được bất cứ một lời lẽ nào để phản bác lại lý lẽ của Kiên, ngoại trừ khả năng tặng cho Kiên một cái còng số tám hay một vụ đụng xe!
Đến Nguyễn Sinh Hùng, cũng không học được bài học này, dù mang hàm chủ tịch quốc hội, cũng ăn càn nói bậy không kém khi Hùng tuyên bố: “ngăn chặn tuyệt đối việc lợi dụng việc lấy ý kiến, góp ý vào dự thảo Hiến pháp để tuyên truyền vận động nhân dân chống lại đảng.” Hỏi thử xem, cái chức vụ ông ta đang giữ, dù chỉ đóng vai, nhưng nó đại diện cho ai? Nếu đại diện cho dân, tại sao ông ta lại đặt vấn đề “ngăn chặn tuyệt đối” ý kiến của người dân? Đã thế, còn yêu cầu các ban bệ vào cuộc và phải “xử lý” những ý kiến này? Ông Nguyễn Sinh Hùng làm việc cho ai trong tư cách chủ tịch quốc hội? Cho dân mà không biết bảo vệ dân ư? Chẳng lẽ ông ta không hề biết rằng Dân không phải là đoàn đảng viên, không bao giờ thuộc về hay bị ràng buộc vào một đảng phái nào hay sao? Dân không phải là đảng viên, không bị chi phối, ràng buộc từ đảng phái thì làm gì có chuyện phản đảng? Quả là thất vọng lớn. Với một trình độ như thế mà có thể làm chủ tịch quốc hội ư? Tôi không tin, có chăng chỉ là một quốc hội... chuột! Tuyệt đối không có tư cách đại diện cho nhân dân.
Ở đây, tưởng cũng nên vạch mặt một âm mưu thâm độc của Nguyễn Sinh Hùng trong việc triển hạn thời gian đóng góp ý kiến đến cuối tháng 9. Đứng trước việc có quá nhiều người tham gia ý kiến và ký tên ủng hộ cho Lá Thư của HDGMVN, cho kiến nghị của 72 người và cho phong trào Công Dân Tự Do làm rúng động dư luận trong và ngoài nước, gây bất lợi cho con được độc tôn chủ nghĩa. Nhưng chẳng có kẻ nào nào kiến nghị ủng hộ cho việc giữ lại điều 4 trong bản dự thảo, ngoài việc đưa dăm ba cái lưỡi gỗ của thời tiền sử ra vò vẽ dăm câu lếu láo. Bị bất lợi trước dư luận, Nguyễn Sinh Hùng phải đề nghị kéo dài thời gian đóng góp ý kiến đến cuối tháng 9-2013 với mục đích có thêm thời gian để thúc ép các quận huyện, tình thành, thị xã, các cơ sở, cũng như các đơn vị đến tận phường, xã, tổ dân phố, khu xóm tại nông thôn, mở học tập và buộc người dân phải ký vào những yêu cầu, kiến nghị làm sẵn là tuyệt đối ủng hộ điều 4 trong bản dự thảo. Việc làm đê tiện này không ngoài mục đích lấy con số, trưng ra chứng cớ cho là “toàn dân” ủng hộ việc giữ điều 4 trong HP.
Theo trò gian manh của Nguyễn Sinh Hùng, người ta có thể đọc trước được bản tin, bản thông báo sẽ được nhà nước phổ biến, đại loại như sau: “Để góp phần vào việc xây dựng xã hội chủ nghĩa, và phát huy tinh thần làm chủ tập thể đất nước của toàn dân. Quốc Hội nước CHXHVNVN đã phát động chương trình toàn dân tham gia đóng góp ý kiến về việc sửa đổi HP. Kết quả, tính đến trước ngày hết thời hạn, đã có 56 tỉnh thành, thị xã và tất cả các vùng nông thôn trên cả nước sôi nổi gởi những bản ý kiến, kiến nghị về ủy ban dự thảo HP. Vì nhu cầu ổn định và phát triển đất nước, đã có hơn 40 triệu người trong hạn tuổi đi bỏ phiếu đưa kiến nghị và bày tỏ hoàn toàn ủng hộ bản dự thảo HP do Ủy ban dự thảo HP đề ra. Và có gần một triệu người đề nghị hủy bỏ điều số 4 trong bản dự thảo này. Toàn bộ những thỉnh nguyện và kiến nghị của nhân dân đã được UB dự thảo chuyển sang văn phòng QH để đưa vào nghị trình làm việc trong phiên họp cuối năm của quốc hội để biểu quyết...”
Sau Nguyễn Sinh Hùng là những “tài năng” hàm ts, pts, gs, pgs. Đây là lớp người tôi cho là thuộc về thời dã sử, như Hoàng Chí Bảo lập lờ “Đảng với dân là thống nhất, phủ nhận Đảng tức là phủ nhận vai trò của dân. Vì dân mà phải bảo vệ Đảng, phải hiến định điều 4”. Xin hỏi ông, điều nào, ở đâu để làm cơ sở cho ông khẳng định rằng: “đảng với dân là thống nhất”? Thế nào là thống nhất? Có phải từ việc tổ chức họp các tổ dân phố, các cấp phường, thôn như những hung thần, theo lệnh nhà nước, ép dân ký giấy đồng thuận với điều 4, rồi ông cho đó là “thống nhất” chăng? Nếu đúng, thì xin trả lời ngay rằng: Nó không có lấy một tý giá trị xã hội nào hết.
Kế đến, nếu vì Dân thì phải bảo vệ dân chứ tại sao lại bảo vệ đảng? Hỏi thế, là làm khó ông chăng? Nó có vượt quá trí khôn của những TS nhà nước CS không? Thôi, tôi kể câu chuyện sau cho đơn giản nhá. Một con gà được chia ra làm bốn phần: phần đầu cổ, phần đầu cánh, phần cẳng chân, phần thân mình. Rồi ông đưa ra điều 4 hiến định như sau: Vì nhân dân làm chủ nên Dân được hưởng ba phần chính, gồm: đầu cổ, đầu cánh, cẳng và bàn chân. Đảng là đầy tớ nên chỉ được nhận một phần là cái thân mình con gà mà thôi! Đó có phải là ý nghĩa Dân và đảng là thống nhất hay không? Vì cộng lại là một con gà! Vậy là vì Dân sao?
Rồi hết ông pgs, ts kiêm nhà văn Nguyễn Thanh Tú, nguyên Phó tổng biên tập tạp chí Văn Nghệ Quận đội CS, ca cẩm lập lại “Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp (Điều 4) là hợp lý, hợp tình” mà chả biết thế nào là hợp tình hợp lý? Khi người ta lấy nhau thì cũng hợp tình hợp lý, đến khi ly dị thì cũng hợp lý hợp tình nốt! Lại tới phiên ông pgs, ts, tổng thư ký Hội Đồng “lí luận” trung ương Nguyễn Viết Thông hát bài “Tính hợp lý của Điều 4 trong Dự thảo Hiến pháp” mới là kinh hãi. Không biết nó hợp lý ở cái chỗ nào? Không biết có phải nó nằm ở trong trường hợp đã được định nghĩa ngay tại VP của HDND tp Hà Nội: “bây giờ kẻ cướp vào nhà chúng tôi, rồi ngang nhiên ở đó, rồi không có giấy tờ gì hết và họ mạnh, chúng tôi không đuổi ra được thì đương nhiên họ chiếm hay sao? (TGM Kiệt). Nếu đúng như thế thì nhân dân Việt Nam xin chào thua ngay. Xin thua những người của thời ăn lông ở lỗ chẳng may lạc bước vào thời đại văn minh của chúng tôi! Thua vì chẳng có lý lẽ nào của thời Nhân Quyền có thể nói chuyện với thời dùng búa!
Cũng vì mang tính học của thời dã sử nên Nguyễn Văn Thông lại viết: “nhân dân Việt Nam đã thừa nhận đảng cộng sản là đảng duy nhất lãnh đạo, không chấp nhận đa nguyên đa đảng”. Viết và chẳng cần chứng minh nó từ đâu mà có luận cứ này. Có phải từ những miếng giấy cán cộng ép dân ký trong những buổi gọi là học tập về đêm hay không? Hay lớp người tiền sử thường ăn ốc, nên viết như thế? Đối với xã hội ngày nay, ốc vẫn là món ăn ngon miệng, nhưng không hề có sách vở nào dạy “lý luận” như thế, nên không một người có học nào dám viết ra như thế cả. Tuy nhiên, ở đây có điều đáng khen là, dù ăn ốc, Nguyễn Văn Thông cũng nói được một điều rất chính xác: “các tầng lớp nhân dân Việt Nam nhận thức rõ ràng hơn ai hết, nếu chấp nhận đa nguyên đa đảng, chế độ XHCN sẽ sụp đổ ngay lập tức”. Đó là một Sự Thật hiển nhiên không một ai chối cãi. Có lẽ vì sợ hãi nó đổ, Nguyễn Văn Thông bị hỏng nồi cơm nên phải lý luận cho ra “người” của ủy ban thuộc UBLLTU để giữ lại cái điều 4 ấy bằng luận cứ: “Vai trò và quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một sản phẩm tự nhiên, mang tính khách quan của lịch sử đất nước” chăng?
Đúng đấy, ở điểm này, nó thật sự có vai trò của lịch sử đấy. Nhưng lịch sử nào thì cũng có đoạn kết và thay đổi không ngừng. Tuy nó có thay đồi, nhưng nó không mang tính lừa đảo, xảo trá như những dòng chữ “ bỏ điều 4 hiến pháp là việc làm nguy hiểm, bởi nó đe dọa sự tồn vong của dân tộc” của NT Tú. Và càng không bao giờ có tính cách vĩnh viễn. Để chứng minh điều này, và để xem nó có mang tính lịch sử vĩnh viễn hay không, tôi xin trân trọng kính mới quý ts, pts, gs, pgs của thời tiền, dã sử như quý ông NpTrọng, NS Hùng, NT Tú, NV Thông, HC Bảo.... vui lòng tham dự vào một buổi sinh hoạt văn hóa gồm các học sinh vừa tốt nghiệp tiểu học, và một số phụ huynh đang theo học lớp bình dân học vụ của thời đại văn minh, ngõ hầu nhờ đó, quý vị may ra mà lãnh hội được chút ít vốn liếng văn hóa của thời tiến bộ.
- Chào các em.
- Chúng em chào cô ạ.
- Hôm nay chúng ta học bài lịch sử về Tổ Quốc. Có em nào, vị nào biết Tổ Quốc là gì không?
- Thưa cô Tổ Quốc là nơi, như phần đất mình được sinh ra, lớn lên, sinh sống, làm việc, phục vụ và bảo vệ bằng cà con tim và khối óc, có khi là cả xương máu của minh nữa.
- Giỏi lắm, cám ơn em. Thế đảng là gì nào? Các em nhớ đấy, hôm nay có cả các đồng chí lãnh đạo đảng dự lớp học với chúng ta đấy.
- Thưa cô đảng là một tổ chức, có khi võ trang để đi ăn cướp và giết người. Có khi lại hội nhau để làm chính trị quyền lợi ạ.
- Tổ Quốc và đảng, cái nào lớn?
- Thưa cô Tổ Quốc là trên hết, là muôn đời, đảng thì nhỏ bé và mới có mấy chục năm thôi ạ!
- Cán bộ là gì, có ai biết không?
- Thưa cô, lần trước không có mấy ông này tham dự, cô bảo: Cán bộ là đầy tớ của nhân dân ạ. Họ là những công cụ giúp dân xây dựng đất nước a.
Bất ngờ một tràng vỗ tay nổ vang. Các tiến sỹ của thời tiền sử nở mặt nở mày, đứng thẳng người dậy mà vỗ tay: Xuất sắc, kiệt xuất sắc. Vượt chỉ tiêu tính đảng, cô giáo phải thưởng nhớn cho em ngay nhá!
- Thưa cô, em là học sinh ở nông thôn, em thấy đảng, hay cán bộ giống như là... là trâu, bò, giúp cho người dân trong việc sản xuất ạ?
- Em nói sao?
- Thưa cô, trâu, bò thì phụ giúp cho người dân trong việc đồng áng. Cán bộ, đảng thì giúp cho dân trong việc nước. Cả hai đều là công cụ xây dựng cơ sở và phát triển đất nước. Hơn thế, cán bộ còn được định nghĩa là đầy tớ của nhân dân, trong khi trâu, bò, không phải là đầy tớ, chỉ là những công cụ vượt thời gian, giúp và hỗ trợ người nông dân trong sản xuất thôi. Những con trâu, con bò kia, khi thì kéo cày khi thì kéo xe, khi thì được nghỉ ngơi là do sự chỉ đạo của người làm chủ. Chả có con nào đòi độc quyền nghỉ ngơi, kéo xe hay kéo cày bao giờ ạ.
- Bảo nó thôi phát.
- Thưa ông, em chưa nói hết ạ. Theo em, việc trâu, bò kéo cày, kéo xe là lẽ tự nhiên, mang tính khách quan của lịch sử, nhưng cũng là chủ quan nữa ạ. Tuy nó mang tích cách lịch sử lâu dài hơn đảng ta, nhưng nó vẫn không có tính cách vĩnh viễn. Vì ngày nay nhiều nơi đã thay trâu, bò bằng xe cày, xe kéo, để tăng gia sản xuất. Phần trâu, bò, không tranh giành lấy tính cách lịch sử của mình. Như thế, theo em, dù lịch sử có khách quan hay chủ quan thì cũng thay đổi. Không có lịch sử nào là vĩnh viễn. Trâu, bò hay sự phục vụ của đảng ta, của cán bộ cũng chỉ là một giai đoạn của lịch sử và thay đổi. Con trâu, con bò còn không đòi cho mình quyền ưu đãi mang tính lịch sử vĩnh viễn, chẳng lẽ đảng lại đòi độc quyền giữ điều bốn ư?
Câu chuyện nhỏ thôi, dù là ở hai thời đại khác nhau, nhưng chắc quý vị cũng có thể hiểu được lý lẽ và tính lịch sử của vấn đề?
B. Về phía nhân dân thì ra sao?
Họ chủ trương xây dựng một đất nước Độc Lập trong Tự Do, Công Lý và Nhân Quyền.
Với chủ trương này, khi Gió Mới Nổi Lên, tất cả mọi người đều phấn khởi. Hơn thế, tự vươn mình lên, thoát ra khỏi sự sợ hãi để cùng hòa nhập với Làn Gió Mới. Họ vươn lên, trước hết để cứu mình, cứu nhà, sau là cứu nguy cho Tổ Quốc. Và thái độ của họ từ những ánh mắt là đã sẵn sàng cho một cuộc chuyển mình lớn. Lăn những viên đá cản trên đường đi ra bên lề. Nếu cần, đập vỡ nó tan ra, lót đường mà đi.
Nguồn hưng phần ấy là có chứng cớ. Trong những ngày qua, dù là lời Tuyên Bố của Công Dân Tự Do, hay Lá Thư góp ý của HDGMVN. Hoặc giả kiến nghị của 72 người gởi cho nhà nước Việt cộng đều được người người ủng hộ. Tất cả như quyện vào nhau, tạo thành một cao trào đòi hỏi Nhân Quyền Công Lý cho con người và cho đất nước. Đặc biệt, có rất rất nhiều người ở Hải Ngoại đã ký tên ủng hộ cho những bản văn này. Đây là một nghĩa cử rất đáng trân trọng. Nhưng, chuyện như thế đã đủ chưa?
Chưa, hẳn nhiên là chưa. Bởi vì nếu chỉ có bấy nhiều mà chúng ta tự hoan hô mình và ngưng lại thì tôi cho rằng, chúng ta sẽ phải ngậm ngùi, tiếc nuối khi Làn Gió Mới đi qua, mà không thu được thành quả khả dĩ nào cho đất nước. Trái lại, Dân vẫn phải lầm lũi bước đi dưới ánh sáng của cái mã tấu trong tay CS dẫn đường. Nước vẫn bên bờ vực của một cuộc nô lệ cho chủ nghĩa bành trường Bắc Kinh. Phần cá nhân, nhiều vị có tên trong việc thổi lên Làn Gió Nhân Quyền sẽ bị ngạt thở vì những bạo hành từ phía nhà nước. Để tránh cho bản kịch bi đát xảy ra, tôi xin đề nghị một phương án nhỏ bé là:
1. Ở trong nước
a- Tất cả cùng vận động để quý vị đại diện các tôn giáo, đoàn thể, có thể xuống đến các cấp tại địa phương, đều lên tiếng ủng hộ cho các bản văn này. (việc vận động cá nhân là khó khăn, được thì càng tốt. Nhưng rất cần các cấp đại diện ký và lên tiếng ủng hộ)
b- Hãy vì đất nước, mở một chiến dịch vận động để góp chung ba bản văn ấy lại thành một tiếng nói duy nhất, làm nền cho những đòi hỏi của người dân phải được nhà cầm quyền lắng nghe và đáp ứng. Hoặc ít nhất, các vị đại điện cho ba bản văn thư này cùng lên tiếng hỗ trợ cho nhau, cho một đòi hỏi chung được ghi trong tuyên ngôn của các Công Dân Tự Do hay trong nhận định và đề nghị của HDGMVN (vì nội dung hầu như đều giống nhau)
c- Không nên có thêm những bản văn góp ý nào nữa, dù bản văn ấy có phát xuất từ tôn giáo này, hay đoàn thể khác. Lý do, dù bản văn mới có mang nhiều chữ nghĩa văn hoa bóng bẩy, hay trình diễn trang trọng hơn thì phần nội dung cũng đã có đến 95 phần trăm nằm trong các bản văn kia rồi. Theo đó, việc có thêm các bản văn mới chỉ làm cho công việc thêm rách mà thôi. Hơn thế, lý lẽ chính của lời đề nghị này là. Một con thuyền ra khơi lưới cá, không cần mang theo những tấm lưới mành, Nhưng cần một cái tốt, vừa khổ, bền và chắc chắn.
d- Cách riêng với người công giáo, xin đề nghị quý linh mục và quý vị lãnh đạo, nên tìm cách giải thích rõ ràng chu đáo cho giáo dân tại địa phương của mình nắm và hiểu rành rẽ những yêu cầu trong lá thư của HDGMVN đã gởi đi. Không nên để tình trạng, giáo dân chẳng biết gì về lá thư ấy. Hơn thế, việc giải thích là rất cần thiết. Bởi lẽ, dù công việc có đạt thành hay không thì họ vẫn tin tưởng tuyết đối vào Đấng là “Dường là Chân Lý và là Sự Sống” theo tinh thần của Tin Mừng qua sự hướng dẫn của các Đấng Bản Quyền, là những người luôn trung thành với đường lối và giáo huấn của giáo hội.
e- Tuyệt đối không ký vào các tờ kiến nghị ủng hộ điều 4 của nhà nước đưa ra trong các cuộc họp tổ dân phố, hay tại các xứ đạo. Hầu như chắc chắn cộng sản sẽ tìm cách thúc đẩy người Công giáo, có thể có cả một vài linh mục hay tu sĩ ra thông báo khác với ý kiến của HDGMVN và kiến nghị giữ lại điều số 4. Chúng ta phải cương quyết tẩy chay và vạch mặt những loại văn thư kiểu này ra trước công luận.. Ở đây, chúng ta cần khẳng định rằng, đây không phải là một cuộc chạy đua lấy chữ ký để ăn thua, thách đố. Nhưng là cuộc chạy đua để đem lại phúc lợi cho đất nước và cho con người.
2. Ở hải ngoại
Lẽ dĩ nhiên, cái bản gọi là hiến pháp của nhà nước CS có đổi hay không đổi, không có ảnh hưởng trực tiếp nào đến đến với những người Việt sinh sống tại hải ngoại bởi vì người Việt hải ngoại không phải sống dưới sự áp chế của nó. Tuy nhiên, vì Nhân Quyền cho đồng bào ở trong nước, vì nền Độc Lập, Tự Do cho Đất nước Việt Nam, tôi nghĩ là người Việt hải ngoại nên vận động một cách tích cực, mở rộng và toàn diện hơn.
a- Trước hết, không phải chỉ kêu gọi mọi cá nhân ký tên riêng rẽ, nhưng xin đề nghị tất cả các hội đoàn, đoàn thể, cộng đồng người Việt ở khắp nơi, tất cả các nhà thờ, chùa chiền, nơi thờ phượng của người Việt Nam tại hải ngoại đều đồng loạt lên tiếng và khuyến khích đạo hữu của mình tích cực ký tên và ủng hộ cho những văn bản chính đáng của đồng bào mình ở trong nước (nếu cần, có thể in thành nhiều bản để những người không quen sử dụng internet cùng ký tên). Hơn thế, còn có thể vận động bằng hữu là các cá nhân, hay các cơ quan chính phủ, đoàn thể tại địa phương cùng lên tiếng ủng hộ và theo dõi việc này nữa. Nếu tất cả người Việt hải ngoại cùng làm công việc này, Làn Gió Tự Do Nhân Quyền tại Việt Nam không dễ bị nhà cầm quyền cộng sản vùi dập. Trái lại, Làn Gió Mới ấy có nhiều cơ may đem lại nguồn sống mới cho đồng bào của chúng ta.
b- Việc chúng ta tích cực ký tên ủng hộ những văn bản này là gởi một thông điệp đến những người cộng sản. Kêu gọi họ cùng đứng dậy làm cuộc cách mạng mềm với toàn thể dân tộc. Bởi lẽ, thứ nhất, cuộc cách mạng này vận động cho chế độ cộng sản chết một cách êm thắm, để không làm tổn hại đến xương máu của bất cứ ai. Để cộng sản cũng tránh được những tội nghiệp chướng với đồng bào và với đất nước. Thứ hai, bản thân họ vẫn được tôn trọng và sống an bình trong vòng tay yêu thương và bao dung của dân tộc. Không một cá nhân nào sẽ bị loại trừ ra khỏi cuộc sinh hoạt của đất nước. Và ở đó, mọi người đều được đối xử như nhau và được hưởng những quyền lợi xứng đáng với công sức của mình trong việc phục vụ xã hội và đất nước.
c- Cách riêng, đề nghị các cơ quan truyền thông tư nhân như các đài phát thanh, truyền hinh, quý báo giấy phát hành trong tuần, tất cả các trang mạng, hãy đồng loạt vận động đồng bào tích cực tham gia vào việc ký tên ủng hộ cho các bản văn đòi hỏi nhân quyền tại quê nhà. Việc thông báo không chỉ làm một lần, nhưng cân nhắc đi nhắc lại nhiều lần để tất cả mọi người đều nắm vững được những đòi hỏi tích cực ấy.
Cùng làm như thế là chúng ta làm cho luồng Gió Nhân Quyền nổi lên, vững mạnh. Đó cũng chính là ý chí, là tâm nguyện của toàn dân. Là nghĩa cử của một cuộc cách mạng mềm. Một cuộc cách mạng thay đổi toàn diện cơ cấu của xã hội trong êm thắm. Một cuộc cách mạng, không đòi thêm máu xương của đồng bào. Một cuộc cách mạng mang trọn ý nghĩa đồng bào trong cội nguồn văn hóa của Việt Nam, mà chúng ta hãnh diện được mang trên vai, trong người.
Đó cũng là ý nghĩa đích thực của một cuộc cách mạng để đưa đất nước và dân tộc bước vào một kỷ nguyên mới. Kỷ nguyên của Độc Lập của Tự Do. Ở đó mọi người dân đều được đối xử bình đẳng trong tất cả mọi lãnh vực, từ xây dựng đời sống riêng, đến việc góp sức xây dựng cuộc sống chung. Ở đó, mọi người được chào đón trong yêu thương, bao dung. Ở đó, niềm tin tôn giáo và đạo hạnh, luân lý của xã hội tuyệt đối được nâng cao và bảo vệ. Ở đó, tương lai đất nước, không phải chỉ là lo cơm no áo ấm cho mọi người, mọi nhà, nhưng còn là việc chấm dứt cuộc khủng hoảng đạo đức đang lan tràn trong của xã hội. Để ở đó, phải là một xã hội an bình và đạo hạnh, bảo đảm quyền sinh của mọi người. Ở đó là một nơi, mà mọi người đều thiết tha và hãnh diện trong tiếng nói Quê Hương Việt Nam tôi đó.