Tản mạn về đạo đức - Dân Làm Báo

Tản mạn về đạo đức

Tiểu Vũ (Danlambao) - Những ngày vừa qua, tôi được nghe nhiều về đạo đức và những tranh cãi về đạo đức; mất nhiều đêm không ngủ mà vẫn không sao hiểu nổi cái gọi là “đạo đức” của đảng.

Uống nước nhớ nguồn 

Lý rằng, đạo đức con người bắt đầu từ cái gọi là nguồn cội, là uống nước nhớ nguồn. Hay thực tế hơn là: “ăn cây nào rào cây ấy”. Vậy nên, tôi thấy các đảng viên bảo vệ cho Điều 4 Hiến pháp những ngày qua cũng là lẽ thường tình. Ít ra họ có đạo đức đấy chứ, vì họ được hưởng lợi từ điều đó thì phải hết lòng hết sức bảo vệ nó, che chắn nó. Được “ăn” thì phải “rào” lại là chuyện đương nhiên rồi. 

Nhưng hỡi ôi! Các đảng viên thì thế, sao lại bắt người khác không được sống “đạo đức” như các ngài. Sao các ngài bắt quân đội “ăn cây táo, rào cây sung”? Quân đội là từ nhân dân mà ra, ăn của dân, sống vì dân,… khoan nói về nhiệm vụ, chức trách của họ, chỉ nói rằng nguồn cội và lợi ích của họ. Quân đội “ăn” cây nhân dân sao các ngài lại bắt quân đội phải “rào” cây đảng? 

Mà nói cho đúng, chính bản thân đảng các ngài cũng “ăn” từ cây nhân dân, cớ sao lại không “rào” cho cây nhân dân trước đã, rồi hãy tính đến “rào” cho cây khác. Nước không còn, dân không còn thì thử hỏi đảng của các ngài sẽ tồn tại thế nào? 

Các ngài cần được bảo vệ, cần được bình yên? Nhân dân cũng cần được bảo vệ, cũng cần được bình yên, tổ quốc cần tự do, cần độc lập,… Thái bình, hạnh phúc là ao ước bao đời nay. Ngẫm rằng, cái chính sách thư hoãn sức dân làm kế sâu dễ, bền gốc hay ngắn gọn hơn là lấy dân làm gốc của tiền nhân vẫn luôn là bài học thời sự, các ngài có thấu hiểu? 

Sao các ngài cần phải có quân đội bảo vệ? Nếu các ngài có chính nghĩa, là những người thực tốt thì đâu cần đến ai bảo vệ? Những người làm cách mạng xưa kia, người bảo vệ đầu tiên là nhân dân, vì quân đội khi đó là của ai? Của nhà cầm quyền mà đấy chứ? 

Quân đội hay các lực lượng khác, xét cho cùng cũng là con người, là nhân dân và đa phần đều có đạo đức – phần người trong mỗi “con người” đấy ạ. Chính vì thế, lịch sử đã cho các ngài thấy bao nhiêu triều đại dù có quân đội hùng mạnh cũng chẳng thể tồn tại nếu rời xa nhân dân. Người lính không bắn vào cha mẹ, đồng bào của họ vì đó là “đạo đức” chứ không phải vì “bổng lộc” hay mệnh lệnh của nhà cầm quyền. 

Thành thật, tôn sư, trọng đạo 

Chủ thuyết của các ngài là “cộng sản” thì cớ làm sao tài sản của người thân hoặc trực tiếp các ngài ủy viên, bí thư các cấp,.. lại nhiều vậy nhỉ? Các ngài kêu gọi xây dựng xã hội “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” cơ mà? Không biết năng lực các ngài đến đâu và đã làm được những gì? Nhưng nhìn vào cái mà các ngài đang hưởng thì quả thật tôi thấy rằng “nhu cầu” của các ngài lớn quá, còn đại bộ phận người dân chắc là không có nhu cầu gì đáng kể rồi. Lời nói không thành thật ấy có được coi là “đạo đức” không thưa các đảng viên? 

Đạo đức, xét cho cùng cũng chỉ là một khái niệm thuộc phạm trù ý thức. Mà chủ nghĩa duy vật biện chứng - kim chỉ nam cho hành động của các ngài - đã chỉ rõ điều gì: “vật chất quyết định ý thức”. Vậy đạo đức mà các ngài đang giảng giải có bị một thứ “vật chất” nào đó quyết định không? Các ngài hãy đối diện với lương tâm, thẳng thắn mà làm người trung thực một lần khi trả lời câu hỏi ấy đi? 

Tôn sư, trọng đạo, trung thực có phải là đạo đức không? Triết học duy vật biện chứng khẳng định: “mâu thuẫn là nguyên nhân, động lực của sự phát triển”; cái mâu thuẫn nói ở đây hẳn nhiên không phải là mâu thuẫn và đấu tranh của các mặt đối lập của cùng một sự vật, hiện tượng; mâu thuẫn nói ở đây là mâu thuẫn giữa các đối tượng, các sự vật khác nhau mới đem lại động lực cho sự phát triển; mà như thế, số đối tượng để hình thành mâu thuẫn tối thiểu phải là hai. Vậy lý nào, các ngài đi ngược lại “kim chỉ nam”, phản lại lời thầy dạy bằng việc để độc đảng, độc quyền mà vẫn mơ về sự phát triển? Như vậy là đạo đức đấy sao? 

Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm 

Tôi không xin trích lại một câu có lẽ đà trở thành thành ngữ: “mất mùa đổ tại thiên tai, được mùa ca ngợi thiên tài đảng ta”. Còn về thực tiễn, quá nhiều dẫn chứng để ai cũng có thể nhận thấy, ai cũng có thể tự kê cho mình những dẫn chứng thiết thực nhất. 

Tôi cũng từng có thời mơ mộng đất nước ta sánh vai cùng các cường quốc năm châu, và cố gắng rất nhiều vì điều đó. Nhưng khi nghe về những nước “độc đảng” mà chúng ta đang “sánh vai” thì tôi thật sự thất vọng cho “đạo đức” của những người như thế. 

Dũng cảm, thật thà ở đâu khi những từ này còn được nhắc đến: “một bộ phận không nhỏ”, “không kỷ luật một đồng chí”, “đồng chí X”,…? 

Thay lời kết 

Nói về đạo đức, mà cái tâm không trong sáng, cái lòng không ngay thẳng thì cũng chỉ đưa người ta vào vòng xoáy của câu chữ mù mờ, như một thủ đoạn chính trị thôi. Những người đọc bài này, hiểu được những điều tôi nói xin hãy mạnh dạn sống thật với đạo đức của mình, và cùng xem cái mà mình muốn là gì đi nhé: 

“Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo