Tiểu Khê (Danlambao) - Vụ việc Tiên Lãng có phần dịu bớt khi thủ tướng trực tiếp xuống làm việc. Tuy nhiên nhiều vấn đề mới đặt ra khiến cho việc xử lý tiếp theo không hề đơn giản.
Vụ cưỡng chế xảy ra tại Cống Rộc đã được chính thủ tướng kết luận "Sai cả về luật pháp và đạo lý..." Điều đó có nghĩa là chính quyền đã sai phạm về mặt luật pháp. Do thiếu hiểu biết hay cố ý vì một mục đích vụ lợi nào đó? Rõ ràng việc sai về mặt đạo lý đã trả lời câu hỏi đó và như vậy "công vụ" đã trở thành "tư vụ" bởi việc cưỡng chế không hề vì lợi ích của dân hay vì mục đích an sinh xã hội nào đó, mà vì lợi ích của một nhóm người có chức, có quyền tìm cách cướp trắng công sức của dân.
Ông Vươn đã chống lại chính quyền chỉ vì bị dồn vào bước đường cùng. Việc chống đối của ông là việc của một người chống lại kẻ cướp định cướp trắng mồ hôi công sức của mình sau khi đã nhẫn nhịn hết khả năng chịu đựng. Nếu ông Vươn nhu nhược, ngoan ngoãn chấp hành rồi sau đó khiếu kiện (Theo đúng trình tự pháp luật. ..) liệu có ai sẽ biết được vụ việc xảy ra như thế nào hay tất cả lại chìm vào bóng tối ma quái, như bao nhiêu vụ kiện tụng về đất đai xảy ra hàng chục năm chưa có hồi kết và chính quyền Tiên Lãng vẫn là chính quyền của dân, do dân và vì dân.
Xét xử ông Vươn như thế nào đây? Khi chính quyền vẫn cho rằng khẩn trương khởi tố vụ án giết người, chống người thi hành công vụ. Mặc dù ông Vươn chống lại quân cướp ngày chà đạp lên mồ hôi công sức của mình. Tiếng súng Đoàn Văn Vươn đã khiến cho nhà cầm quyền phải giật mình, cái giật mình tỉnh ngộ khỏi những cơn ngủ mê. Cái giật mình làm cho những ánh mắt quan liêu không còn dám "đờ đẫn" vô cảm trước những đòi hỏi bức thiết của cuộc sống. Cái giật mình để thu lại khoảng cách giữa dân và chính quyền đang ngày càng xa rời. Ông là người có công thức tỉnh chế độ, ông đáng được tuyên dương.
Với quan chức Hải Phòng thì sao? Thái độ hứng khởi của đại tá công an Ca thì nên hiểu thế nào, với các chiến sỹ công an và bộ đội thì có thể thông cảm cho việc họ không hiểu hết tình hình và làm theo chỉ đạo cấp trên. Còn với cương vị một lãnh đạo như ông Ca, ông được học nhiều, đào tạo nhiều với danh nghĩa CAND. Việc cảm thấy phấn khích khi truy bắt ông Vươn và những người trong gia đình, thờ ơ trước việc phá tan hoang nhà cửa người ta. Còn đầy cảm hứng trước thành tích vẻ vang đó và ví nó như bài học cần thiết phải phổ biến thì thật khó để đánh giá về năng lực cũng như đạo đức của ông. Phải chăng điều đó cũng lý giải cho vấn đề gia tăng tội phạm xã hội.
Bỏ qua phát ngôn của ông Thoại bởi chắc trình độ của ông cũng chỉ đến thế. Sự im lặng của các quan chức Hải Phòng trước khi thủ tướng công bố sẽ xuống làm việc, có lẽ cũng là những câu hỏi lớn về khoảng cách giữa nhân dân và chính quyền, mấy trăm km, mấy ngàn hay mấy triệu km? Xử thế nào còn lệ thuộc vào mức độ "giật mình" của chế độ. Với đại bộ phận nhân dân, ông Vươn xứng đáng là "Anh hùng nhân dân ".