Anh Tư Sang: ngoại giao không bằng miệng thì bằng gì? - Dân Làm Báo

Anh Tư Sang: ngoại giao không bằng miệng thì bằng gì?

“Có người còn đến nhà nói với tôi: “Sao đồng chí chỉ toàn đấu tranh bằng miệng? Tôi nói ngoại giao không bằng miệng thì bằng gì? Chúng ta chọn con đường hòa bình, hữu nghị, có nguyên tắc. Mục tiêu cuối cùng là độc lập, chủ quyền phải giữ. Nhưng phải bình tĩnh. Bình tĩnh không phải là chần chừ để người ta lấn lướt. Khi khó khăn, bên ngoài chưa giải quyết xong mà trong nội bộ mình nghe có vẻ rối là không nên...” - anh Tư.

Không có chuyện chỉ bảo vệ chủ quyền bằng miệng

Quốc Thanh - Mai Hương (TT) - “Không nên nói rằng các vị lãnh đạo Việt Nam chỉ bảo vệ chủ quyền bằng nói miệng. Nói vậy cực đoan quá” - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định như vậy tại buổi tiếp xúc với cử tri Q.1, TP.HCM chiều 26-4. 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao đổi với cử tri quận 1, TP.HCM chiều 26-4 - Ảnh: Minh Đức.

Chủ tịch nước còn nhấn mạnh: “Nếu bảo vệ chủ quyền bằng nói miệng thì tình hình kinh tế, xã hội không phải như thế này. Quốc phòng, an ninh cũng không được như giờ này. Lập trường trước sau như một của Đảng và Nhà nước trong vấn đề bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của đất nước là bất di bất dịch”. 

Không bao giờ từ bỏ chủ quyền 

Cử tri Nguyễn Xuân Đán (P.Tân Định, Q.1) đặt vấn đề: “Bà con chúng tôi đọc báo thấy thủ tướng Nhật tuyên bố: nếu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền thì Nhật Bản sẽ dùng vũ lực. Thủ tướng Nhật nói thẳng thừng trước quốc dân đồng bào như thế, thể hiện thái độ rất kiên quyết và rõ ràng. Còn chúng ta thì thế nào trước tình hình căng thẳng ở biển Đông? Xin Chủ tịch nước nói rõ cho dân yên lòng”.

"Có vấn đề gì, bà con nói trực tiếp với chúng tôi tại các cuộc tiếp xúc cử tri, còn thấy tế nhị thì nói rỉ tai. Chúng tôi không ngại, ngay cả nói đến cá nhân chúng tôi. Cần tập thói quen như thế. Không nên ai khen thì thấy vui vẻ, còn ai chê, chọc vào mình thì ghét, để ý. Cái đó rất xấu. Ai làm quan cũng một lúc thôi, chứ có ai làm quan suốt đời. Làm sao khi về vườn còn gặp nhau vui vẻ"
Chủ tịch nước
TRƯƠNG TẤN SANG

Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch nước thẳng thắn: “Có người còn đến nhà nói với tôi: “Sao đồng chí chỉ toàn đấu tranh bằng miệng? Tôi nói ngoại giao không bằng miệng thì bằng gì? Chúng ta chọn con đường hòa bình, hữu nghị, có nguyên tắc. Mục tiêu cuối cùng là độc lập, chủ quyền phải giữ. Nhưng phải bình tĩnh. Bình tĩnh không phải là chần chừ để người ta lấn lướt. Khi khó khăn, bên ngoài chưa giải quyết xong mà trong nội bộ mình nghe có vẻ rối là không nên”. 

Về chủ quyền biển đảo, Chủ tịch nước giải thích: “Chuyện này đã nói rất nhiều lần trên các diễn đàn của Quốc hội, của trung ương chứ không có gì úp mở. Không chỉ tôi nói mà Tổng bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội cũng nói nhiều lần rồi, ở các góc độ khác nhau. Còn văn kiện về đường lối đối ngoại thì cả hệ thống chính trị đều biết, thành nghị quyết, thành chương trình đàng hoàng của Đảng... Chủ trương của ta là mọi tranh chấp phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế. Có thể nước lớn phớt lờ luật pháp quốc tế vì họ mạnh. Nhưng chúng ta không bao giờ và không được từ bỏ công cụ là luật pháp quốc tế. Lập trường này được Asean và các nước đồng tình, ủng hộ. Làm vậy không phải là hữu khuynh, nhu nhược, từ bỏ chủ quyền, mặc cho ai muốn làm gì thì làm. Cho đến giờ này, hệ thống luật quốc nội về biển của ta đã có đầy đủ trong tay. Trong bối cảnh như hiện nay, đó là chuyện không đơn giản. Đó là một bước chiếm hữu chủ quyền pháp lý. Ta có chủ quyền pháp lý, có lịch sử để chứng minh và thực tế về khai thác dầu khí, đánh bắt hải sản, vận tải biển, du lịch biển... Ta đã nộp hồ sơ về ranh giới thềm lục địa ra trước Liên Hiệp Quốc cách đây mấy năm rồi”. 

Liên quan đến vấn đề trang bị vũ khí cho quân đội, Chủ tịch nước nói: “Có lần tôi đã phát biểu với cử tri là mua sắm của ta cũng khá hơn trước, nhưng so với một số nước trong khu vực ta đi sau rất nhiều. Ai đó gọi Việt Nam chạy đua vũ trang chẳng qua là một sự bôi bác. Tuy nhiên, không thể không mua sắm, không thể không trang bị để phòng thủ, bảo vệ mình chứ không đánh ai cả. Các anh bảo vệ đất nước các anh, tôi cũng phải bảo vệ đất nước của tôi là chuyện bình thường. Điều đó hoàn toàn không mâu thuẫn gì với đường lối, chủ trương, chính sách lớn của ta là hòa hiếu, độc lập chủ quyền thông qua con đường hòa bình, thương lượng, ngoại giao để giải quyết những bất đồng”. 

Dự án bôxit là của Việt Nam 

Cử tri Nguyễn Xuân Đán còn bày tỏ sự lo ngại về việc Trung Quốc đưa dân vào các dự án bôxit tại Tây nguyên. “Chúng ta đặt vấn đề này ra sao, xử lý vấn đề bôxit Tây nguyên như thế nào?” - ông Đán chất vấn. 

Chủ tịch nước cho biết vấn đề bôxit đã nói nhiều lần rồi, đồng thời khẳng định dự án này là của Việt Nam 100%, chứ không phải của Trung Quốc. Nhưng dự án mua thiết bị của Trung Quốc và khi lắp đặt thiết bị xong thì chuyển giao lại. Trong quá trình thực hiện dự án thì kéo theo vấn đề lao động nước ngoài. Tuy nhiên, hiện đã có quy định trong nước về vấn đề này rất rõ. Nếu phát hiện sai về lao động nước ngoài không có kỹ thuật là tại các “ông” ban quản lý dự án của mình. Như vậy phải xử lý đội ngũ quản lý của mình. 

Chủ tịch nước cho biết thêm hai dự án bôxit ở Tây nguyên là làm thí điểm, không phải làm đại trà. Nếu có vấn đề gì sai sót sẽ phải xem xét lại. “Tôi nói luôn là không có chuyện bán cổ phần cho nước ngoài, văn bản đã ghi rất kỹ. Như vậy là đã rạch ròi, không có vấn đề gì mù mờ” - Chủ tịch nước nhấn mạnh. 

Cử tri lo lắng về quản lý vàng 

Cử tri Trịnh Mỹ Ngọc (Q.1) nói doanh nghiệp đang nợ vàng của các ngân hàng và đến ngày 30-6 phải trả nợ nên gặp khó khăn. Nhưng hiện vàng đang được tổ chức đấu giá, giá vàng trên thị trường không thể thấp hơn giá đấu giá. Bà Ngọc đặt vấn đề tiền (chênh lệch giá) rơi vào đâu? Cử tri Trần Minh Quang (Q.1) than phiền chính sách quản lý vàng như vừa qua gây lo lắng, khổ sở cho người dân. Có người giữ được 4-5 lượng vàng mà cũng phải lo, rất khổ, không biết làm sao, muốn bán thì không biết có bán được không? Đây là vấn đề cử tri đề nghị cần phải giám sát cho rõ ràng. Vừa rồi đấu giá cả chục tấn vàng với giá bằng giá thị trường, nhưng lại cao hơn giá thế giới 5-6 triệu đồng/lượng thì làm sao không có chuyện nhập lậu? 

Trao đổi về những bức xúc này, Chủ tịch nước nói vấn đề vàng đã nghe cử tri nói ở các buổi tiếp xúc. Đây cũng là vấn đề có nhiều dư luận, ý kiến khác nhau, nên Chính phủ đã quyết định thanh tra để xem có gì sơ hở và chấn chỉnh. Nếu phát hiện tiêu cực thì xử lý. Cử tri hãy chờ đợi kết quả thanh tra. 





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo