Trần Gia Phụng (Danlambao) - Gần đây, có nhiều ý kiến cho rằng chủ trương của cụ Phan Châu Trinh có thể góp phần giải quyết những khó khăn hiện tại ở Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là tại sao chủ trương của một nhà hoạt động chính trị cách đây 100 năm, lại có thể tái ứng dụng với tình hình ngày nay?
1) Bản chất chế độ cai trị
Khỏi cần phải nói, ai cũng biết chế độ Pháp bảo hộ Việt Nam là chế độ thực dân. Chế độ CS hiện nay ở trong nước có những đặc tính giống chế độ thực dân Pháp: ngu dân, bóc lột, đàn áp, tù đày. Chế độ CS Việt Nam chỉ khác chế độ Pháp là chế độ nầy do người Việt thành lập để đàn áp bóc lột chính dân Việt. Nhà nghiên cứu người Pháp, ông Jean Lacouture gọi hình thức cai trị nầy là “autocolonisation”, xin tạm dịch là “tự thực dân” hay “thực dân nội địa”, tức là một chế độ thực dân do người trong nước thiết lập, chứ không phải do người nước ngoài áp đặt. Chế độ tự thực dân CS hiện nay còn độc tài chặt chẽ hơn cả chế độ thực dân Pháp.
Trong khi ngày nay hầu hết các nước trên thế giới đều chủ trương dân chủ, tam quyền phân lập, thì CSVN đi ngược lại. Tam quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp của CS không phân lập, mà lại đồng quy về một mối, trong tay đảng CS. Rõ ràng nhất là điều 4 hiến pháp 1992 quy định rằng đảng CS là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Luật sư Nguyễn Mạnh Tường, trong sách L’Ecommunié [Kẻ bị rút phép thông công] đã gọi nhà cầm quyền Hà Nội là cánh tay nối dài của đảng CSVN.
Cần chú ý là cộng sản chiếm toàn bộ Việt Nam năm 1975. Theo các thống kê hiện nay, khoảng 2/3 dân số Việt Nam ở lứa tuổi dưới 40. Hai phần ba dân số nầy bị CS nhồi sọ từ 38 năm nay, hoàn toàn không được học Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Các em lớn lên dưới chế độ CS, nghe hoài, đọc hoài, học hoài điệp khúc lừa dối của CS qua các phương tiện giáo dục và truyền thông của nhà nước CS. Nhà nước CS còn bao cấp tất cả các việc kinh tế, chính trị, văn hóa, giải trí. Thế hệ thanh niếu niên nầy nghe nói láo mãi, nên bị nhập tâm và lầm tưởng rằng sự cai trị của CS là một tất yếu lịch sử, hay thiên mệnh Trời định. Có nhiều em không chấp nhận điều nầy như Lê Thị Công Nhân, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tấn Hoành, Huỳnh Thục Vy, Nguyễn Đắc Kiên… Tuy nhiên nhóm nầy rất thiểu số, có thể đếm được trên đầu ngón tay, bị đàn áp và cô lập ngay. Còn lại đại đa số thanh thiếu niên đành phải chấp nhận và bằng lòng với cuộc sống bưng bít dưới tay CS. Các lớp tuổi nầy thật đáng thông cảm. Đó là tình hình về dân trí.
Về dân khí, vì CS cai trị quá tàn bạo, nhất là sau các vụ Cải cách ruộng đất, biến cố Mậu Thân, tù đày dưới hình thức học tập cải tạo năm 1975, nên dân chúng sợ sệt CS không khác gì Tú Xương đã nói trước đây dưới thời Pháp thuộc: "Sĩ khí rụt rè gà thấy cáo."
Hiện nay, có người cho rằng sau một thời gian sợ sệt quá đáng, ngày nay dân khí dần dần phục hồi; có một số người viết bài gởi lên Internet kêu gọi dân chủ. Tuy nhiên, ở trong nước có mấy người dùng computer? Có mấy người vào được Internet? Những người lên tiếng công khai phản đối, liền bị CS mạnh mẽ đàn áp, bắt bớ, cô lập. Cộng sản bưng bít đến nỗi có nhiều người trong nước hiện nay vẫn chưa nghe hai bản nhạc tuyệt luân của Việt Khang, vẫn chưa biết Tạ Phong Tần, Điếu Cày là ai?
Vì vậy, phải công nhận một thực tế là đa số dân chúng trong nước vẫn an phận với cuộc sống do chế độ CS bao thầu tất cả các mặt trong sinh hoạt hàng ngày, giao khoán chuyện chính trị cho CS điều khiển, chỉ lo kiếm sống và hưởng thụ. Đó là lý do xảy ra hiện tượng nhiều người đâm đầu vào bàn nhậu suốt ngày, và say sưa từ ngày nầy qua ngày khác, tinh thần trở nên bạc nhược. Như thế còn gì là dân khí?
Vì không còn dân khí, nên đất nước bị Trung Quốc xâm lấn, dân Việt bị Trung Quốc khiêu khích, giết chóc mà quân đội VNCS, gọi là quân đội nhân dân “anh hùng”, không dám phản ứng. Vì không còn dân khí, cán bộ đảng viên không tin tưởng ở lý tưởng chính trị, không còn giữ liêm chính, không còn tự trọng, quay qua vơ vét, hối lộ tham nhũng, tạo thành một chế độ tham nhũng giây chuyền từ trên xuống dưới. Một dân tộc bạc nhược, không sinh khí, không sĩ khí thì dần dần sẽ đi đến chỗ suy vong.
Về dân sinh, một số người Việt hải ngoại trở về Việt Nam, cỡi ngựa xem hoa, thấy cảnh lầu cao nhà rộng, xe cộ rộn ràng ở thành phố, vội cho rằng hiện nay đời sống kinh tế người Việt đã được nâng cao. Thật sự chỉ có một nhóm tư bản đỏ và một số cán bộ đảng viên CS dựa vào thế lực, sống bám vào hối lộ tham nhũng và một số người được thân nhân ở bên ngoài giúp đỡ, trong khi đại đa số dân chúng vẫn nghèo khổ, nhất là dân chúng nông thôn. Chuyện nghèo đói ở Việt Nam hiện nay thì chẳng cần nói nhiều. Ai cũng biết.
Vì các lẽ trên đây, ngày nay thật là cần thiết phải trở về với chủ trương nâng cao dân trí, đề cao dân chủ, dân quyền, chấn hưng dân khí, phục hồi dân sinh mà Phan Châu Trinh đã hô hào cách đây hơn 100 năm, để cho toàn bộ thanh thiếu niên trong nước cũng như toàn dân, nhất là các đảng viên CS, hiểu rằng đất nước Việt Nam là của toàn dân, do toàn dân quyết định, ai cũng có quyền bình đẳng, mà không một ai có đặc quyền đứng trên toàn dân, độc quyền cai trị đất nước.
2) Tranh đấu bất bạo động
Pháp đặt nền bảo hộ tại nước ta năm 1884. Từ đó, người Việt Nam liên tiếp nổi lên chống Pháp trên khắp nước, mở đầu là phong trào Cần vương, đến phong trào Văn thân. Cho đến đầu thế kỷ 20, tất cả những cuộc võ trang khởi nghĩa đều bị Pháp đánh dẹp, vì võ khí thô sơ của người Việt Nam không chống lại được võ khí tối tân của Pháp.
Trước tình trạng nầy, Phan Châu Trinh đưa ra chủ trương tranh đấu bất bạo động, mở phong trào Duy tân, bắt đầu từ Quảng Nam năm 1905. Trong bài diễn thuyết tại Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội năm 1907, nhan đề là “Hiện trạng vấn đề”, Phan Châu Trinh phát biểu: “Không nên bạo động, bạo động thì chết. Tôi chỉ có một lời để nói với đồng bào, không gì bằng học.” Học tức để khai dân trí. Khai dân trí đi song song với chấn dân khí và hậu dân sinh, là những điểm chính trong chủ trương của Phan Châu Trinh.
So với tình hình Việt Nam hiện nay, đảng CS chiếm được toàn quốc năm 1975, áp đặt chế độ độc tài toàn trị. Dân chúng nhiều nơi chống đối. Quan trọng nhất là những phong trào kháng chiến từ Hải ngoại về nước kiếm cách phục quốc. Tất cả đều thất bại. Trong lúc đó, các nước trên thế giới quay qua làm ăn buôn bán với CSVN. Không một người ngoại quốc nào thương yêu và hy sinh cho Việt Nam. Họ chỉ đến Việt Nam để kiếm lợi và hưởng thụ mà thôi.
Vì vậy, việc tranh đấu võ trang không còn thích hợp, nên hiện nay người Việt cần phải trở lại con đường tranh đấu bất bạo động bằng văn hóa, chính trị và vận động tự do dân chủ mà Phan Châu Trinh đã mở ra cách đây 100 năm.
Nếu trước đây Pháp thấy rõ cuộc vận động văn hóa bất bạo động của Phan Châu Trinh là nguy hiểm, bắt đày ra Côn Lôn tất cả những nhân vật trong Phong trào Duy tân năm 1908 từ Bắc vào Trung, thì ngày nay, CSVN cũng rất sợ những cuộc vận động dân chủ bất bạo động ở trong nước mà cộng sản gọi là “diễn biến hòa bình”, bắt giam tất cả những nhà tranh đấu dân chủ trong nước, dù chỉ viết blog để bày tỏ tư tưởng mà thôi.
Lướt qua rất sơ lược tình hình Việt Nam như trên, thì rõ ràng ngày nay cần phải trở lại với chủ trương tranh đấu bất bạo động, nhất là nâng cao hiểu biết của dân chúng về dân quyền. Phan Châu Tinh đã nói: “Chỉ nên đề xướng dân quyền, dân đã biết có quyền thì mọi việc khác có thể lần được.” (Chương Thâu, Phan Bội Châu toàn tập, tập 6, tr. 116.)
Thật vậy, khi toàn dân ý thức được tự do, dân chủ, dân quyền, nhân quyền là quyền lợi thiêng liêng của mọi người, thì toàn dân sẽ tự động đứng lên tranh đấu đòi hỏi chế độ CS hoặc phải thực thi dân chủ, hoặc phải tránh qua một bên, nghĩa là phải giải thể chế độ CS, thì mới có thể cứu vãn được đất nước, xây dựng nội lực dân tộc nhằm chống lại kẻ thù xâm lược từ phương bắc, mở ra sinh lộ cho tương lai Việt Nam.
Có thể có nhiều người bi quan cho rằng con đường tranh đấu bất bạo động thật khó khăn, lâu dài. Tuy nhiên, kinh nghiệm lịch sử cho thấy rằng CS cai trị Liên Xô từ năm 1917, các nước Đông Âu từ năm 1945, nhưng nhờ ánh sáng dân chủ tự do từ Tây Âu truyền sang, nên cuối cùng dân chúng Đông Âu và Liên Xô bừng tỉnh, nổi lên thu hồi dân quyền, nhân quyền và tự do dân chủ về tay dân chúng. Không lý nào mà dân tộc Việt Nam không làm được?
Trước đây, trong bài diễn thuyết cuối đời của ông tại Sài Gòn tháng 6-1925 là bài “Quân trị chủ nghĩ và dân trị chủ nghĩa”, Phan Châu Trinh đã nói: “Tôi nghĩ rằng vì cái độc của quân chủ nó giết hẳn cái lòng ái quốc của dân tộc Việt Nam ta.”
Ngày nay, để bảo vệ quyền lực của mình, nhà cầm quyền cộng sản bán đất, bán biển, bán luôn linh hồn cho cộng sản Trung Quốc, đàn áp bắt bớ những người yêu nước lên tiếng bảo vệ tổ quốc, nghĩa là chính cộng sản hiện nay là cái độc đang giết lần giết mòn lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam.