Dương Quang (NLĐ) - Đợt điều chỉnh giảm giá xăng dầu ngày 18-4 với mức “khiêm tốn” 100-410 đồng/lít mang tính chất xoa dịu dư luận chứ chẳng phải là sự chia sẻ chân thành của ngành xăng dầu với cộng đồng doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng vốn đang bị khó khăn bủa vây.
Nói như thế bởi giá xăng tại thị trường Singapore đã giảm rất sâu gần cả 10 ngày trước đó, giá dầu thế giới cũng sụt liên tục. Các DN xăng dầu đầu mối thừa nhận lãi khá, từ 1.000 - 1.750 đồng/lít, tùy cách tính (!), có thừa điều kiện để giảm giá bán lẻ song phải chờ cơ quan quản lý quyết bởi 2 lần điều chỉnh giá gần nhất phải cách nhau 10 ngày. Càng câu giờ càng thu vén nhiều thêm những khoản lãi, ai kêu gào mặc kệ, đã có liên bộ Tài chính - Công Thương đứng ra đỡ đòn, dại gì mà không gồng mình chịu điều tiếng thêm vài ngày! Mà có giảm cũng chẳng là bao, hôm 28-3 đã tăng 1.430 đồng/lít xăng; nay giảm 410 đồng/lít, gộp cả khoản giảm 500 đồng/lít hôm 9-4 thì vẫn còn thừa 520 đồng/lít.
Giá xăng dầu ngày 18-4 giảm “khiêm tốn” 100-410 đồng/lít
Đó là bổn cũ soạn lại của các DN xăng dầu đầu mối trước nay. Tù mù trong tính giá và báo cáo lỗ - lãi, mập mờ giữa 2 nhiệm vụ bảo đảm an ninh năng lượng và chỉ tiêu hiệu quả kinh doanh, "rình rập" giữa tranh tối tranh sáng của Nghị định 84 (về quản lý, kinh doanh xăng dầu), ngành xăng dầu đang vận hành không theo một quy luật nào, luôn tạo cho dư luận cảm giác hoài nghi, niềm tin mai một.
Đáng nói là cơ chế đó do các cơ quan quản lý Nhà nước đặt ra và bị những DN xăng dầu lợi dụng. Ví như việc điều tiết giá, khi muốn tăng thì DN gửi đề xuất rất sớm; còn khi giá thế giới giảm thì có DN nào xin hạ giá bán đâu! Cơ quan quản lý cũng thiếu hẳn chế tài ngoài việc ra quyết định hành chính buộc DN làm theo. Hoặc như quỹ bình ổn, tiền đóng quỹ được trích từ mỗi lít xăng dầu bán cho người tiêu dùng. Khi DN xăng dầu kêu lỗ, Nhà nước xả quỹ để san sẻ, hóa ra là đem tiền dân để cứu DN trong khi đáng lý DN phải tự cứu mình. Như vậy, chủ thể tiêu dùng luôn bị thiệt thòi.
Nếu có cơ chế quản lý minh bạch thì ngành xăng dầu làm gì còn đất để diễn trò. Tình trạng ấy kéo dài đã lâu, buộc chúng ta phải hỏi cơ chế điều hành đang phục vụ cho ai. Vì người tiêu dùng? Không phải. Vì cộng đồng DN? Chưa chắc. Nhìn thực trạng bi đát của DN trong nước thì rõ: Gần 100.000 DN phá sản trong năm 2012, tỉ lệ DN thua lỗ giai đoạn 2002-2011 rất cao, khoảng 42% (theo VCCI). Đáng chú ý, hầu hết DN Nhà nước, trong đó có xăng dầu, kinh doanh kém nhưng không phải phá sản, giải thể mà đa số các DN "chết" thuộc về khối DN tư vốn được cho là năng động nhất. Đó là hậu quả của tư duy điều hành kiểu cứu nhà giàu - buông nhà nghèo, "bòn nơi khố rách - đãi nơi quần hồng", làm cho môi trường kinh doanh kém minh bạch, thiếu bình đẳng kéo dài.