Nhân Khánh (RFA) - Vừa qua trên không gian mạng xuất hiện một album nhạc với tựa đề “Hòa giải để Hy vọng” do những thanh niên trong nước thực hiện. Vậy với album này, những người trẻ Việt Nam hôm nay nghĩ gì về hôm qua và mong muốn điều gì cho tương lai Việt Nam ?
"Hòa giải để Hy vọng"
"Hòa giải để Hy vọng" là một album video gồm những ca khúc và hình ảnh về một cuộc chiến đã qua. Điều khá thú vị là album nhạc này lại được giới thiệu bởi những người thuộc thế hệ trẻ sinh sau cuộc chiến 1975, họ hoàn toàn vô can với quá khứ ấy. Khi xem album ‘Hòa giải để Hy vọng’, khán giả sẽ thấy tuyển tập này dùng nhiều tác phẩm của các nhạc sĩ như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn…. Về cách thức lựa chọn nhạc phẩm và độ tuổi của các tác giả thực hiện album, chúng tôi được một thanh niên ẩn danh trong nhóm làm tuyển tập video này cho biết:
Những bản nhạc được lựa chọn trong album đều dựa trên sở thích âm nhạc của các thành viên trong nhóm. Trong quá trình tìm hiểu về tinh thần hòa giải dân tộc, các thành viên trong nhóm đã tìm thấy những bản nhạc phản chiến của Phạm Duy và Trịnh Công Sơn, mọi người rất thích những tác phẩm này. Do đó qua năm nay đến ngày 30 tháng Tư, khi mà chúng tôi cảm thấy thực sự cần gửi một thông điệp hòa giải đến với thế hệ của mình, đến những người Việt Nam khác đang còn tranh luận về cuộc nội chiến thì chúng tôi chọn phương thức là gởi những bản nhạc mà chúng tôi đang yêu thích.
Người lớn tuổi nhất trong nhóm thực hiện clip của chúng tôi có lẽ là người đọc lời giới thiệu, anh ấy cũng chỉ sinh đầu những năm 1980 thôi. Chúng tôi hầu hết là những sinh viên.
Khi nghe và xem ‘Hòa giải để Hy vọng’, người thưởng thức không quá khó để nhận ra tính nghiệp dư của nhóm thực hiện. Song điều gì khiến album nhạc này hấp dẫn khán thính giả, khi chỉ sau một ngày phát hành lên không gian internet đã thu hút hơn 1.000 người xem. Từ góc độ là người đã nghe qua ‘Hòa giải để Hy vọng’, một Cử nhân khoa học chuyên ngành Quản lý Xã hội là ông Phạm Văn Trội, hiện đang sống ở Hà Nội đã cho biết như sau:
Tôi đã nghe album ‘Hòa giải để Hy vọng’. Thứ nhất là về ý tứ của album này là họ nói lên những sai lầm trong quá khứ, sự khác biệt về ý thức hệ mà để cho cả dân tộc Việt Nam vùi trong chiến tranh tàn phá và chết chóc.
Họ muốn qua album này nói lên tinh thần xóa bỏ đi các định kiến, hòa giải dân tộc để xây dựng một dân tộc Việt Nam hoàn toàn mới. Không cho phép lập lại những sai lầm tương tự trong quá khứ. Ý tưởng của các bạn xây dựng album này cũng rất là hay, vì mong muốn các thế hệ tại Việt Nam hôm nay được hòa bình và tự do. Qua album, họ muốn gởi tới các nhà lãnh đạo Việt Nam là hãy tôn trọng sự khác biệt về chính kiến cũng như ý thức hệ; để cả dân tộc chung tay xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh, tự do và hạnh phúc.
Ở những tác phẩm sáng tạo như âm nhạc, rất dễ trở nên vô vị và nhạt nhẽo nếu người thực hiện không thổi hồn vào đó. Vậy nhóm người trẻ đã có những suy nghĩ gì khi tiến hành xây dựng ‘Hòa giải để Hy vọng’?
Ý tưởng của các bạn xây dựng album này cũng rất là hay, vì mong muốn các thế hệ tại Việt Nam hôm nay được hòa bình và tự do.
- Ông Phạm Văn Trội, HN
Khi thực hiện album này, chúng tôi đã suy nghĩ rất nhiều; nhưng cảm giác chung là buồn và cảm thấy nuối tiếc. Có lẽ chúng ta đã tránh được cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn này, nếu người Việt chúng ta biết yêu thương nhau hơn. Có những lúc tôi ước gì rằng, giá mà người Việt Nam chúng ta không có những thói quen giải quyết những tranh chấp và bất đồng bằng giải pháp bạo lực, dù bạo lực trong hành vi hay trong ngôn từ.
Nếu chúng ta đạt được bước tiến bộ này, có lẽ dân tộc chúng ta có được một may mắn lớn. Như thế chúng ta tránh được những thảm kịch như cuộc nội chiến vừa rồi. Và có lẽ cũng đã đạt được độc lập và dân chủ hóa thành công, mà không mất quá nhiều xương máu. Tôi nghĩ chúng ta có một lựa chọn khác và vẫn còn một lựa chọn khác… Nhưng điều đáng tiếc là cho đến lúc này, cái tâm lý tôn sùng bạo lực và hận thù ấy vẫn còn là tâm lý ngự trị trong chính thế hệ trẻ hay thế hệ của chúng tôi.
Mong chờ một nước Việt Nam mới
* Bảng hiệu tuyên truyền cho ngày 30 tháng 4 ở Hà Nội. RFA photo
Liệu những mong muốn của lớp người thuộc độ tuổi đại diện tương lai đất nước sẽ được người thuộc thế hệ đang đóng vai trò chủ động trong xã hội đón nhận như thế nào. Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, ông Phạm Văn Trội cho biết suy nghĩ cá nhân về vấn đề hòa giải dân tộc như sau:
Hiện nay, ngay trong quốc nội Việt Nam cũng đã có quá nhiều rạn nứt. Rạn nứt ngay trong giới lãnh đạo cao cấp, rạn nứt giữa chính quyền với người dân ngày càng gia tăng. Niềm tin của người dân với đảng hiện nay như một con số không.
Vấn đề thứ hai là rạn nứt trong chính sách của nhà nước với những người đang sống ở hải ngoại, đó là một bộ phận của dân tộc ta. Chưa được hòa hợp thống nhất vì những người cộng sản hôm nay vẫn còn đối xử thù địch với đồng bào hải ngoại. Vì thế mà đất nước Việt Nam chúng ta chưa thể đoàn kết, thống nhất cùng nhau xây dựng một đất nước Việt Nam mới. Vì vậy, tôi cho rằng vấn đề hòa giải dân tộc hiện nay là một vấn đề vô cùng quan trọng. Chỉ có hòa giải thực sự thì mới xây dựng được một nước Việt Nam lớn mạnh. Để làm được điều đó, nhà cầm quyền cần từ bỏ độc đảng, tôn trọng các cá nhân có ý kiến khác biệt và tôn trọng các đảng phái khác để cùng nhau xây dựng một đất nước Việt Nam mới.
Giải thích về ý nghĩa của sự hy vọng theo như tựa đề của album nhạc tuyển, người thanh niên hơn 20 tuổi tiếp tục cho chúng tôi biết về những hy vọng của anh ấy cho tương lai Việt Nam:
Tôi thực sự hy vọng và mong chờ không chỉ về cuộc hòa giải liên quan về cuộc chiến tranh vừa qua, mà còn mong chờ một nước Việt Nam mới. Chúng tôi nghĩ đó là một nước Việt Nam đa sắc màu, thay vì chỉ quẩn quanh trong thế giới vàng và đỏ. Đó không phải là một Tổ quốc Việt Nam XHCN, mà là một Tổ quốc cởi mở và có đủ đất để ươm mầm cho mọi quan điểm, mọi chính kiến và mọi luồng tư tưởng khác nhau.
Tôi tin rằng một Tổ quốc như thế, có lẽ sẽ che chở con em của nó thoát khỏi những thảm kịch đau lòng như là cuộc nội chiến vừa rồi. Một nước Việt Nam dân chủ đa nguyên, hòa hợp và hòa bình sẽ trở thành một cường quốc. Tôi nghĩ là để xây dựng nước Việt Nam ấy, chúng ta phải huy động tấm lòng và sức lực của mọi người Việt. Đó là lý do để thế hệ chúng tôi, tức là thế hệ trẻ nên hòa giải khẩn cấp ngay từ ngày hôm nay.
Là người từng trả giá đến 4 năm tù giam cho việc nêu lên những quan điểm chính trị, ông Phạm Văn Trội có nhận xét gì về người trẻ Việt Nam hôm nay:
Tôi thực sự hy vọng và mong chờ không chỉ về cuộc hòa giải liên quan về cuộc chiến tranh vừa qua, mà còn mong chờ một nước Việt Nam mới.
- Một thanh niên VN
Tôi phải khẳng định rằng là giới trẻ Việt Nam hôm nay rất là năng động và tài năng, khác hẳn với thời cha ông của họ, cả về cái nhìn kinh tế lẫn chính trị. Về mặt chính trị thì họ không còn chính kiến giữa cộng sản hay là cộng hòa, các bạn trẻ đã thấu hiểu những mất mát trong chiến tranh. Một cuộc chiến vô nghĩa, không có người thắng và người thua. Một cuộc chiến sai lầm nhất trong lịch sử của dân tộc Việt Nam, mà trong đó là anh em ruột thịt bắn giết lẫn nhau, chỉ vì khác nhau về mặt ý thức hệ.
Vấn đề thứ hai là giới trẻ Việt Nam hôm nay thì họ rất muốn dân chủ và tự do, để phát triển những tài năng của họ; đặc biệt là mở rộng thực thi các quyền căn bản của con người.
Ngoài ra, người trong nhóm thực hiện album ‘Hòa giải để Hy vọng’ còn cho chúng tôi biết nhu cầu hòa giải không gói gọn trong không gian quá khứ, hòa giải cần phải trở thành một triết lý quản trị quốc gia.
Suy tư và ước vọng của các nhân vật xung quanh album ‘Hòa giải để Hy vọng’ mà chúng tôi hân hạnh được tiếp xúc hôm nay, không hẳn là đại diện duy nhất cho những người trưởng thành trong nước sau 1975. Nhưng trong một bối cảnh nhiều đặc thù như Việt Nam, những thiện chí nhân bản và giàu lòng ái quốc cần đáng được ghi nhận và tôn trọng.
Nhân Khánh