Quốc Anh (Danlambao) - Khi ông Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình vào ngày 02/09/1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tính cho đến hôm nay, nước ta đã có năm bản Hiến pháp: 1946, 1959, 1980, 1992 và bản dự thảo hiến pháp năm 2013 (không kể hai bản Hiến pháp của chế độ Sài Gòn). Trải qua suốt một thời gian dài gần bảy mươi năm, dù bản hiến pháp nào cũng chỉ là những mục tiêu để phục vụ cho tầng lớp, giai cấp thống trị của một đảng chuyên quyền vì tất cả quyền lực Nhà nước đều nằm trong tay của đảng! Ở Việt Nam chỉ có một Nhà nước bù nhìn với vai trò luật hóa hiến pháp, biến các bản Hiến pháp trở thành công cụ nhằm thể chế hóa các sách lược thống trị xã hội và chủ trương mọi nhiệm vụ chính trị với mục đích bảo vệ vai trò lãnh đạo độc tôn của đảng. Vì vậy dự thảo hiến pháp lần này cũng vậy, nó chỉ mang tính dân chủ hình thức giống như chuyện sắp xếp nhân sự trong tất cả các kỳ đại hội đảng hoặc chỉ định người đại diện ứng cử đại biểu quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp mà thôi?
Việc thông tin, tuyên truyền góp ý cho bản dự thảo lần này tuy rầm rộ nhưng các sở, ngành địa phương hầu như tổ chức theo chiếu lệ! Vì cán bộ, công chức họ nhận thấy nhiều thiếu sót trong chủ trương, sai trái trong hàng loạt các chính sách nhưng một số vì muốn giữ chức quyền nên không dám nói thẳng, nói thật; một số đông lại thờ ơ chẳng mấy quan tâm vì cho rằng cả ban bệ soạn dự thảo đều là những giáo sư, tiến sĩ, những nhà triết học uyên thâm, lỗi lạc chắc gì những góp ý của họ được trân trọng lắng nghe? Mặt khác, một kiểu dân chủ hình thức khá rõ nét đó là việc khi tổng hợp ý kiến, lãnh đạo các cơ quan sở ngành địa phương đã chỉ đạo lược bỏ gần hết những ý kiến đóng góp chỉ giữ lại một vài ý kiến có liên quan đến ngành nghề mình quản lý và góp ý chủ yếu ở những chỗ thiếu sót về mặt câu chữ chứ không dám động đến những quan điểm, chủ trương không phù hợp. Và khi lấy ý kiến sâu rộng trong quần chúng nhân dân cũng vậy; từng khu phố, xã - phường chỉ thu nhặt những bản góp ý thuận theo chương, điều, khoản của bản dự thảo hoặc tổng hợp các ý kiến có tính cách ve vuốt, ca ngợi! Còn những bản góp ý nào chỉ ra tính bất hợp hiến, thiếu minh bạch đề nghị sửa đổi, bổ sung thì được thu gom đem tiêu hủy.
Phân tích các bản hiến pháp theo quan điểm cá nhân như sau:
1. Hiến pháp năm 1946: (Giai đoạn 1945 – 1959), bản Hiến pháp này tuy ngắn gọn nhưng đã thể hiện đầy đủ một tinh thần pháp chế dân chủ nền nếp. Ngày nay nhiều người cho rằng đây là bản hiến pháp mang đầy đủ tính chất cho việc thiết lập nên một Nhà nước pháp quyền tiến bộ. Nhận định nầy có thể đúng! Vì bản Hiến pháp năm 1946 đã được ban soạn thảo gạn lọc, tiếp thu những tư tưởng dân chủ tiến bộ từ các bản hiến pháp của các quốc gia phát triển lúc bấy giờ. Thật đáng tiếc, dù bản Hp nầy đã được quốc hội thông qua nhưng không được ký ban hành với nhiều ngộ nhận bởi lý do chiến tranh nhưng thực chất lại mang ý đồ, dự tính chính trị sâu xa. Vì sau cuộc kháng chiến 9 năm thắng lợi bằng chiến thắng Điện Biên Phủ thì từ ngày ký kết hiệp định đình chiến Giơ ne vơ ngày 20/07/1954 cho đến lúc Hiến pháp 1959 ra đời còn đến những 5 năm để thi hành hiến pháp năm 1946, nhưng trong khoản thời gian này, chính phủ miền Bắc chỉ quản lý, điều hành đất nước bằng sắc lệnh và các nghị quyết của đảng không hề đả động gì đến Hiến pháp năm 1946.
Với những vết nhơ lịch sử về chính sách “Cải cách ruộng đất” dẫn đến việc đấu tố thí điểm ở những vùng giải phóng từ cuối năm 1953 và trở thành một cao trào lan rộng khắp miền Bắc cho đến năm 1956 đã làm cho tinh thần đoàn kết dân tộc bị phân hóa, chia rẽ bởi việc con tố cha, vợ tố chồng, giải quyết tư thù cá nhân, một triệu người rời bỏ quê cha đất tổ chạy trốn vào Nam. Theo thống kê đăng tải trong tập hai cuốn Lịch sử kinh tế Việt Nam: có 170.008 người bị quy kết thành phần địa chủ, phú nông, khoảng 15.000 người bị xử tử tại nơi đấu tố, số còn lại bị giam giữ, bị phân biệt đối xử trong đó có những người từng là ân nhân, có công với kháng chiến cùng mấy trăm đảng viên trung kiên bị đem đấu tố (trong số đó hơn 70% trường hợp oan sai). Tuy nhiên giới sử gia cho rằng con số thống kê nầy chưa đáng tin cậy vì quyển sách đó do chính chế độ cho phát hành nên con số thực tế sẽ cao hơn gấp nhiều lần so với tình hình sôi sục, thảm khốc lúc bấy giờ... Kế đến là phong trào: “Nhân văn - Giai phẩm” một phong trào, hướng đến tự do dân chủ do một số văn nghệ sĩ, trí thức khởi xướng đầu năm 1955 đã bị gán ghép có xu hướng chính trị đối lập bị dập tắt vào tháng 6 năm 1958. Một cuộc đấu tranh đòi hỏi chính đáng về tự do, dân chủ làm cho hơn 200 nhà văn và hai vạn trí thức bị bách hại, tù đày phải tan nhà nát cửa (chính thức sản sinh nên một thế hệ bồi bút chỉ biết ca ngợi đảng, ca ngợi chế độ về sau này). Thật đáng thương thay! Bởi nhân dân miền Bắc chưa kịp vui mừng khi vừa thoát khỏi ách thực dân, phong kiến đã nhận lấy những bản án oan khiên và nhiều cái chết oan khuất.
Nếu nói rằng ông Hồ Chí Minh là bậc vĩ nhân, vĩ đại suốt đời vì nước, vì dân và tư tưởng, đạo đức của ông cần phải học tập, noi theo thì nhân dân miền Bắc đã không phải hứng chịu một cuộc đấu tranh giai cấp đẫm máu, một phong trào tư tưởng tiến bộ bị đàn áp vô nhân và lịch sử dân tộc Việt Nam đã không phải chứng kiến và mãi mãi nguyền rủa công hàm bán nước do ông Phạm Văn Đồng nguyên thủ tướng dưới quyền của ông đã ký trong năm 1958 công nhận quần đảo Hoàng Sa là của bọn hán quyền Trung Quốc.
2. Hiến pháp năm 1959: (Giai đoạn 1959 – 1980), một bản hiến pháp xây dựng theo mô hình xã hội chủ nghĩa, chuyển hướng chính trị theo chế độ cộng sản gọi là thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (điều 9), với mục tiêu đấu tranh giai cấp phá bỏ mọi văn hóa lễ hội truyền thống, đàn áp tự do ngôn luận, dập tắt chính kiến, tư tưởng rập khuôn, giáo điều... Chủ trương một chính sách độc quyền chính trị - kinh tế cả văn hóa - tư tưởng. Tư tưởng ngoại lai, giáo điều, duy ý chí bắt đầu áp đặt trên toàn miền Bắc, dẫn dắt toàn dân bước đi trên con đường chủ nghĩa xã hội đầy gian lao, khổ nhọc. Một nền kinh tế kế hoạch hóa (điều 10) biến cả miền bắc thành một đại công trường đã đẩy tất cả phụ nữ, người già phải lao động quần quật trong các nhà máy, xí nghiệp; trên các công nông trường để sản xuất ra lương thực, thực phẩm chuẩn bị cho bộ máy chiến tranh, nhằm thôn tính miền Nam. Hệ thống chính trị miền Bắc khởi xướng một nền quốc phòng toàn dân, ngụy tạo nên một cuộc chiến tranh chính nghĩa đẩy tất cả thanh niên trai tráng phải lên đường tòng quân, cả dân tộc phải lao vào một cuộc chiến huynh đệ tương tàn giữa những người anh em hai miền, để lại hệ quả nặng nề cho toàn cõi dân tộc Việt Nam (chết chóc, thương tật, đất nước bị tàn phá).
Khi một xứ sở kém phát triển, chà đạp lên dân chủ, nhân quyền lại nhân danh công cuộc “giải phóng miền Nam” phát động nên một cuộc chiến tranh tổng lực, đánh đổ cả một xã hội dân chủ, văn minh, tiến bộ và hậu quả để lại là một nền kinh tế thị trường phát triển hoàn toàn sụp đổ sau ngày 30/4/75, một “Hòn Ngọc Viễn Đông” vĩnh viễn bị xóa sổ đi vào dĩ vãng. Hơn một triệu quân nhân, nhân viên hành chánh, các chính đảng và chức sắc tôn giáo của chế độ Sài gòn đang độ tuổi cống hiến trong đó là cả một thế hệ trí thức được đào tạo quy củ, tiến bộ phải bị giam hãm trong các trại tù cải tạo nơi rừng thiêng, nước độc. Một số vĩnh viễn nằm lại trên đất khách quê người mãi mãi không còn cơ hội nhìn thấy người thân, tuy một phần lớn được tha về nhưng hầu hết cũng chết lần, chết mòn vì mang mầm mống của bệnh tật bởi chế độ lao tù, bởi lao động vất vả nhưng ăn uống thiếu thốn và phải chống chọi với thời tiết, khí hậu khắc nghiệt.
Ai gây nên cảnh đau thương, tan tác cho cả miền Nam Việt Nam sau sự kiện lịch sử ngày 30/4/1975, khi cha mẹ phải lìa xa con, vợ xa chồng? Và hơn ba triệu người phiêu bạt bỏ đất nước ra đi nhưng chỉ 1/3 trong số đó đến được bến bờ tự do, gần hai triệu số phận chìm dưới đáy đại dương làm mồi cho cá mập hoặc bị cướp biển giết hại, một số bỏ mạng trong rừng sâu làm mồi cho thú dữ.
3. Hiến pháp năm 1980: (Giai đoạn 1980 – 1992), bản hiến pháp này tuyên bố thời kỳ quá độ trên toàn cõi đất nước đánh dấu một chương sử bi hùng của cả dân tộc. Chính thức trở thành một nhà nước Quốc doanh toàn trị trên tất cả mọi lĩnh vực, đây là một bản hiến pháp vi hiến nhất trong tất cả các bản hiến pháp vì nó tước đoạt các quyền sinh sống của con người mà tạo hóa ban tặng và hạn chế tối đa quyền cư trú, đi lại của mỗi công dân khi đang sinh sống trên chính quê hương xứ sở của mình. Một nhà nước quốc doanh bởi vì nó vừa kế thừa hiến pháp 1959 vừa phát triển thành một nền tảng chuyên chế: độc tài chính trị, độc quyền kinh tế, độc đoán tư tưởng. Chế độ đã áp dụng chính sách ban phát làm cho toàn dân phải phục tùng (chế độ tem phiếu), cùng với mục tiêu: “ làm cho xã hội bần cùng, nghèo đói” để dễ dàng sai khiến (hợp tác hóa nông nghiệp, xí nghiệp quốc doanh..), đẩy cả xã hội đi một bước thụt lùi đến hàng trăm năm. Với chủ trương văn hóa nhồi nhét, thông qua hệ thống trường, lớp họ đã đầu độc tư tưởng cả một thế hệ tương lai bằng những bài học đấu tranh giai cấp, đề cao cái gọi là chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ca ngợi đảng, ca ngợi bác, ca ngợi chủ nghĩa xã hội vô thần, một thứ chủ nghĩa vốn dĩ đi ngược với bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Những loại kiến thức vô bổ, cực đoan ấy, nó trở thành một bãi rác thải về hình thái ý thức của xã hội, một hệ quả tất yếu và lãng phí rất lớn về mặt thời gian, lẫn công sức trong giáo dục. Và từ đây đã phát triển hình thành nên một xã hội bất nhân, bất tín, suy đồi đạo đức; sản sinh nên cả một thế hệ người vô cảm, vô tâm, tàn nhẫn, lạnh lùng.
Với chủ trương quốc hữu hóa toàn bộ nền kinh tế, triệt tiêu mọi thành phần kinh tế khác dẫn đến việc toàn bộ tư liệu sản xuất của nông dân là nông – ngư – cụ, là đất đai, nhà cửa, ruộng vườn và của doanh nhân là máy móc thiết bị, công xưởng chế tạo, là nhà máy, xí nghiệp, bị trưng thu, trưng dụng (tịch thu) tạo nên cảnh: “cha chung không ai khóc”. Tất cả mọi thứ hàng hóa đều trở nên khan hiếm vì không được điều tiết và tự do lưu thông trên thị trường. Từ cây kim, sợi chỉ, viên đá hộp quẹt cho đến lương thực, thực phẩm tất cả đều là hàng quốc cấm chỉ có thứ tạp chất phẩn uế nằm trong cơ thể người mới không bị kiểm tra, xét hỏi? Và với chính sách bế quan tỏa cảng, ngăn sông cấm chợ ngày đó đã gây nên nạn đói kém không đáng có của những năm 1978 -1982! Nơi dư thừa để ẩm mốc đem đổ bỏ, tiêu hủy chứ không thể nào cung cấp, trao đổi cho nơi thiếu thốn. Nạn khan hiếm tiền lẻ gây nên cảnh dở khóc, dở cười cho nền kinh tế vốn đã èo uột, thoi thóp nay càng thêm xơ cứng, trì trệ. Những tư tưởng giáo điều vô nhân chỉ có ở những chế độ u tối nhưng khi mở miệng ra là văn chương, triết lý vận dụng sáng tạo học thuyết mác-lê và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội chỉ đem đến mỗi việc chà đạp trên nền tảng dân chủ, vì ở đó người dân thực sự mất tất cả quyền dân chủ, dân sinh. Công an tự do khám xét, bắt giữ, giam cầm tùy ý, tòa án xét xử, tuyên án tùy hứng, khoản thời gian này là khoản thời gian mà tình trạng xét xử oan sai và kết án bằng những loại án bỏ túi thông dụng nhất của mọi thời đại và hầu như tất cả mọi công việc đều trở thành khuôn mẫu có sẳn. Khó có thể thống kê hết nổi thống khổ do tình trạng xét xử oan sai trong khoản thời gian nầy gây ra! Nhiều tiếng kêu than, ai oán: “khi lỡ sinh ra làm người Việt Nam là phải đối đầu với những vận hạn may, rủi”.
4. Hiến pháp năm 1992: (giai đoạn 1992 – 2013), ra đời trong một hoàn cảnh bế tắc về hệ tư tưởng khi khối cộng sản Đông Âu và toàn đảng Liên xô sụp đổ, tan rả. Từ đó ở Việt Nam mới bắt đầu xuất hiện cụm từ: “tư tưởng Hồ Chí Minh”, gắn phía sau chủ nghĩa Mác-Lenin đồng thời mở rộng cải cách cho phù hợp với tình hình mới, trong đó có việc tiếp nhận nền kinh tế thị trường, dưới hình thức đa sở hữu và nhiều thành phần kinh tế (điều 15). Tuy nhiên chế độ hiện hành vẫn cố bám giữ và phát triển điều 19, 20 của hiến pháp năm 1980 thành điều 17, 18 của hiến pháp năm 1992 nhằm giữ thế độc quyền trong lĩnh vực đất đai nhằm tạo điều kiện cho các cán bộ từ trung ương xuống đến địa phương có cơ hội tham nhũng, chiếm hữu và sang đoạt đất đai của người dân một cách hợp pháp. Từ khi đảng độc quyền chưa thành phôi thai, nhà nước dân chủ cộng hòa chưa ra đời nhưng chỉ bẳng một khái niệm mơ hồ: “sở hữu toàn dân”, chế độ đã thể chế hóa toàn bộ đất đai nhằm tước đoạt đi bao mồ hôi, công sức lẫn máu xương của tiền nhân từ mấy mươi đời trước gầy dựng và của cha ông tổ tiên xưa khai phá để lại cho con cháu.
Chủ trương bần cùng hóa nông thôn (1976 – 1992) và mập mờ trong chính sách đất đai (1980 – 1992), đã làm cho nông dân không còn tha thiết với ruộng đồng bởi không tìm thấy ánh sáng, niềm tin trong sản xuất nông nghiệp và phải tự bơi giữa biển khơi của những cơ chế lẫn các chính sách tùy hứng tiềm ẩn đầy rủi ro. Điều bất cập nhìn thấy rỏ như giữa ban ngày khi Việt nam được tiếng thơm là một đất nước xuất khẩu gạo nhất, nhì thế giới! Thế nhưng hầu hết những gia đình nông dân vẫn sống trong cảnh thiếu thôn, khó nghèo. Hầu hết thanh niên, thiếu nữ nông thôn ngày nay không còn tha thiết, gắn bó với ruộng đồng, họ rời bỏ làng quê tìm công việc trong các công ty, nhà máy, xí nghiệp với hy vọng ổn định cuộc sống. Nhưng ở những nơi đó họ lại phải vắt kiệt sức vì lao động vất vả với đồng lương rẻ mạt khó tìm ra ánh sáng của tương lai. Ngày càng nhiều thiếu nữ nông thôn có xu hướng bỏ xứ ra đi tìm chồng Hàn Quốc, Đài loan để mong thoát cảnh khó nghèo, vừa kiếm tiền phụ giúp cha mẹ nơi quê nhà.
Về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, các bản hiến pháp đều có quy định:
- Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền hội họp, (tự do cư trú - 1946) lập hội, biểu tình,... (hp 1959, 1980), quyền được thông tin/ theo quy định của pháp luật (hp 1992 & dự thảo 2013). Nhưng trải qua suốt một thời gian dài, nhiều nhà bất đồng chính kiến chỉ trích, phê phán những chủ trương, chính sách phản dân, hại nước của chế độ và bày tỏ thái độ yêu nước qua việc tuần hành biểu tình chống bọn bành trướng xâm lược Trung quốc lại bị xét xử bằng những phiên tòa rừng rú, thiếu tính công khai, minh bạch và tuyên án với những mức án vô nhân không phù hợp ở một thời đại văn minh, tiến bộ ngày nay.
- Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể... không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án, quyết định phê chuẩn của Viện kiểm sát....! Thế nhưng trên thực tế có quá nhiều trường hợp khám xét, bắt giữ khi chưa có quyết định của Tòa án, Viện kiểm sát và rất nhiều trường hợp những người bị tạm giữ, tạm giam đã bị đánh phủ đầu ngay từ khi mới bước vào đồn công an mà chẳng cần phân biệt người đó có phạm tội hay không? Xảy ra thường xuyên những trường hợp công dân từ đồn công an bước ra từ chết cho đến bị thương. Chuyện nạn nhân tự sát, té ngã, đột quỵ thường là dàn cảnh, tạo dựng chứng cứ giả, hiện trường giả nhằm né tránh trách nhiệm và chạy tội là ngón nghề điêu luyện của công an nhân dân.
5. Dự thảo Hiến pháp năm 2013: Ý đồ của tập đoàn lãnh đạo là chuyển hướng dư luận tập trung sang một chiều hướng khác đó là chú tâm đến việc góp ý cho bản hiến pháp. Thật vậy, từ khi bản dự thảo được công bố thì mọi tầng lớp nhân dân, các cơ quan công quyền, các đoàn thể, các tổ chức tôn giáo, các trang báo mạng, các nhà bất đồng chính kiến, đều chú tâm tập trung vào việc tìm hiểu, nghiên cứu không những bản dự thảo hiện tại mà còn tìm đọc, nghiên cứu tất cả những bản hiến pháp đã ban hành trước kia để phân tích, so sánh! Sự thật tuyên truyền rầm rộ về việc toàn dân góp ý cho bản dự thảo hiến pháp lần này? Đó là sáng kiến của ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng một con sâu bự trong bầy sâu mà ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từng đề cập:
- Trước hết nhằm dung hòa nhóm lợi ích chính trị đang làm xói mòn, phân hóa nội bộ của một đảng độc quyền. Kế đến nó còn là đòn tung hỏa mù nhằm trấn an, xoa dịu dư luận toàn dân đang dâng lên cao độ vì hàng loạt công trình, dự án mờ ám, không hiệu quả như: boxit tây nguyên, thủy điện Sông Tranh 2, nhà máy lọc dầu Dung Quất..., vì những quả đấm thép thi nhau tan chảy bởi những con tàu Vinashin, Vinaline, ụ nổi đang chìm dần xuống đáy đại dương mang theo khoản nợ công khổng lồ mấy trăm ngàn tỉ do bầy sâu gặm nhấm, đục khoét rồi tròng ách nợ vào cổ của thế hệ hiện tại và cả thế hệ tương lai con cháu phải oằn lưng gánh vác thông qua đủ loại thuế, phí.
-Những vụ cướp đất ở Tiên Lãng Hải Phòng, dự án Erobac bất nhân bị dân tình phản kháng. Những cảnh công an đàn áp, đánh đập dân. Những nhà bất đồng chính kiến bị tuyên những bản án nặng nề, không hề thuyết phục. Hàng gian, hàng giả, hàng tẩm hóa chất độc hại từ Trung Quốc ngập tràn trên khắp đất nước đang từng ngày đầu độc sức khỏe, làm giảm sút ý chí và tinh thần trung quân ái quốc của mỗi người dân. Gián điệp, tình báo Trung Quốc dưới lớp vỏ bọc doanh nhân, chuyên gia, công nhân giăng mắc khắp nơi. Họa xâm lăng, mất nước ngày càng gần, thảm họa đất nước bị thôn tính, bị đồng hóa thành những nước chư hầu, tự trị thuộc Trung Quốc là những câu chuyện tổn thương mà nhân dân Việt Nam không thể nào quên và nó như ngọn lửa âm ỉ cháy bỏng trong lòng dân tộc chỉ chực chờ có cơn gió mạnh thổi đến là bùng cháy lên.
Ở những quốc gia có nền tảng dân chủ vững chắc, họ không ngại những ý kiến trái chiều! Họ càng khuyến khích công dân nước mình có nhiều ý kiến đóng góp, nhiều ý kiến phản biện để họ nhìn thấy những khiếm khuyết trong quản lý, trong thực thi nhiệm vụ nhưng ở Việt Nam lại hoàn toàn trái ngược vì những tiếng nói của lương tri, của thời đại đều bị dập tắt bởi những bản án khắc nghiệt và vô lương. Dân chủ-tự do và văn minh-phát triển ở VN là một con đường hầm dài hun hút đầy chông gai, thử thách chưa tìm thấy lối ra. “Không phải cứ lập ra hiến pháp là có nhà nước pháp quyền, nếu như những nguyên tắc đã định ra không được tôn trọng” *. Vì vậy bất kỳ bản hiến pháp nào ra đời, cũng đều là những công cụ phục vụ cho tầng lớp thống trị, là tấm chắn bảo vệ cho tầng lớp ăn trên ngồi trước ra sức vơ vét, bốc lột đè đầu, cưỡi cổ dân đen thấp cổ bé miệng, dù hiến pháp nào được thông qua, nhân dân ta cũng đều phải đương đầu với những nổi gian truân, thống khổ và không thể thoát ra khỏi cảnh: “cốt khỉ vẫn hoàn cốt khỉ”.
Sài Gòn, ngày 31/3/2013
________________________________
Chú thích:
* Trả lời phỏng vấn trên SGTT (2007) của Ông TS Nguyễn Đình Lộc nguyên Bộ trưởng Tư pháp.