Nhân đọc bài Nghiên cứu Mô Hình Dân chủ trên báo Nhân Dân - Dân Làm Báo

Nhân đọc bài Nghiên cứu Mô Hình Dân chủ trên báo Nhân Dân

Le Nguyen (Danlambao) - Ý nghĩa nhân dân, bản chất nhân dân là tốt nhưng không ít người dân “dị ứng” với hai chữ nhân dân bởi cũng tại cái gọi là công an nhân dân, quân đội nhân dân, chính quyền nhân dân, tòa án nhân dân... và tôi, công dân tự do là một người trong khối nhân dân không đồng ý với tờ báo nhân dân - tiếng nói của đảng, nhà nước cộng sản Việt Nam đã nhiều lần đồng hóa quan điểm sai trái bỏ vào mồm nhân dân, chống lại ý nguyện của nhân dân lại bảo rằng đó là tiếng nói của nhân dân.

Gần đây nhất là luận điểm ngớ ngẩn ngờ nghệch lệch lạc, thiếu trung thực của đảng, nhà nước cộng sản không phải của nhân dân, thể hiện qua bài viết “Dân chủ Và Mô Hình Tổ Chức, Quản Lý xã Hội” của Trần Văn Linh, đăng tải trên tờ báo được gọi là Nhân Dân. 

Để dễ cho mọi bề, trong nội dung bài viết này, tôi sẽ sử dụng trích dẫn, kèm theo chủ kiến riêng dưới dạng vấn đáp ngắn gọn, không thông qua hình thức tranh luận, phản biện với đề tài khô khan “khó nuốt” như những nhà lý luận thường làm xưa nay: 

“...Từ năm 2007, mạng lưới đoàn kết nhân dân Nam-Nam tiến hành nghiên cứu dự án dân chủ hóa và quyền lực của nhân dân, với sự tham gia của một số học giả tiến bộ đến từ nhiều nước cùng quỹ hòa bình phát triển Việt Nam phân tích, đánh giá và khuyến nghị về giải pháp đối với vấn đề đã đặt ra...” (*) 

Xin hỏi “tiếng nói của đảng” một số học giả tiến bộ đến từ nhiều nước... chính xác là nước nào, có thể chỉ rõ ra không?... Nói thật nếu các “học giả” có nguồn gốc Trung Cộng, Triều Cộng, Cu Cộng liệu có khá hơn “học giả” Việt Cộng của các ông không? Theo tôi, các học giả mê cuồng “Cộng” như ông Hà Sĩ Phu nói, thường là không “thông thái” thì hy vọng gì ở họ, nhất là bàn về mô hình tổ chức, quản lý xã hội dân chủ thật sự là thôi rồi lượm ơi! 

“...Công thức dân chủ tự do (thường gọi là dân chủ quy trình - procedural democracy) tập trung chủ yếu vào một số cách thức thực thi dân chủ. Tuy một số công cụ có thể hữu ích, song thực tiễn chính trị tại các nước cho thấy việc áp dụng công thức này đã và đang không thể bảo đảm được bản chất của dân chủ là quyền lực của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân...” (*) 

Hỏi thật bệnh gì “tiếng nói của đảng” ngọng nghịu, kiêng không dám dịch thẳng thừng cụm từ “procedural democracy” ra là dân chủ thủ tục, dân chủ hình thức lại lén lén, lút lút núp vào bóng con chữ dân chủ quy trình tối mờ mờ lại còn liều mạng phán rằng, công thức “dân chủ quy trình” không bảo đảm quyền lực của dân, do dân, vì dân? Thế dân chủ tập trung cộng sản bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân à? Láo vừa thôi nhân dân thấy hết cả rồi “tiếng nói của đảng” ơi! 

“...Nguyên nhân cơ bản là sự chi phối đồng tiền trong đời sống chính trị của bầu cử tự do bởi quá trình vận động bầu cử tốn kém dẫn đến thực tế là chỉ những ai giàu có hoặc được các tập đoàn tư bản lớn ủng hộ thì mới có khả năng trở thành ứng cử viên thật sự. Do đó, quyền lựa chọn của nhân dân luôn bị giới hạn trong phạm vi các ứng cử viên của các nhóm thiểu số lớp trên...” (*) 

“Tiếng nói của đảng” lập luận rằng vận động bầu cử tự do của nền “dân chủ quy trình” tốn kém bằng tiền túi với tiền tự nguyện đóng góp của ủng hộ viên và những ai giàu có hoặc tập đoàn tư bản lớn ủng hộ mới trở thành ứng cử viên được? Thế thì vận động bầu cử “vô sản chuyên chính” ứng cử viên do đảng cử dân bầu có tốn kém không? Và hẳn mọi người đều biết tốn kém đó là tiền túi của người khác, nói trắng ra là tiền thuế của dân nhưng người dân không chỉ bị giới hạn quyền lựa chọn đại diện cho mình lại còn bị cưỡng bức, không có lựa chọn nào khác là phải bầu cho ứng viên do đảng chỉ định. Như thế mô hình tổ chức bầu cử nào tồi tệ hơn? 

“...Tự do báo chí gắn liền với tư nhân hóa báo chí, thực tế chỉ là tự do của chủ báo, của một số người giàu có sở hữu các phương tiện truyền thông. Vì vậy, sau hình thức "tự do" của báo chí, nhiều vấn đề bản chất của xã hội, lợi ích của cộng đồng luôn bị bỏ qua, báo chí vẫn là công cụ chi phối nhận thức chung nhằm phục vụ lợi ích của giai cấp cầm quyền...” (*) 

Xin lỗi “tiếng nói của đảng” cho công dân tự do chúng tôi nói thật là báo chí tự do tuy do một số người giàu có sở hữu, dù xấu đến cỡ nào đi nữa vẫn tốt hơn loại báo chí có hàng trăm tờ báo chỉ có duy nhất một tổng biên tập, một chủ sở hữu là đảng cộng sản và báo chí tự do không có “thằng” chủ báo tư nhân nào có khả năng làm công cụ chi phối nhận thức chung, phục vụ lợi ích của giai cấp cầm quyền bởi họ không có súng, không có nhà tù như báo chí “tự do” của “thằng” đảng sở hữu. Có đúng không nào? 

“...Trên thực tế, về bản chất, chế độ đa đảng trong nền chính trị do đồng tiền chi phối luôn luôn là sự thống trị của một nhóm các tập đoàn quyền lực... Chỉ có tầng lớp giàu có mới thật sự có đầy đủ các quyền tự do... Tuy nhân dân lao động là bộ phận chiếm số đông trong xã hội nhưng có rất ít đại diện đích thực cho lợi ích của họ tại quốc hội...” (*) 

Hỏi thật “tiếng nói của đảng” và xin nhắc “tiếng nói của đảng” nên thành thật trả lời: “Thể chế chính trị đa đảng bị đồng tiền chi phối, vậy chế độ độc đảng có bị đồng tiền chi phối không, và đa đảng với độc đảng thể chế nào bị đồng tiền chi phối nghiêm trọng hơn?” Thế căn cứ vào đâu các ông cho rằng mô hình “dân chủ quy trình” chỉ có tầng lớp giàu mới có đầy đủ tự do và thành phần chiếm đa số trong khối quần chúng nhân dân, có ít đại diện đích thực để bảo vệ lợi ích của họ ở quốc hội? Lập luận như thế, có phải do các ông nghĩ rằng phải có đủ mặt mọi thành phần xã hội đại diện như sắc tộc thiểu số, thượng tọa, linh mục, lao công quét rác... ở quốc hội Việt nam được cho là quyền lực cao nhất nước mới bảo đảm lợi ích của thành phần có đại diện? 

Thiết nghĩ Không cần phải bàn cãi với “tiếng nói của đảng”, thực tiễn đời sống chính trị độc đảng đã trả lời cho tất cả? 

“... Dù là chế độ đa đảng nhưng tại mỗi thời điểm thì luôn chỉ có một đảng hay một nhóm đảng nắm quyền, vẫn luôn là sự thống trị của bộ phận thiểu số, thường là thiểu số giàu có, đối với toàn bộ xã hội. Vì vậy, các chế độ này không thể khắc phục được sự bất công, không thể bảo đảm được bản chất đích thực của dân chủ...” (*) 

Dường như càng lý luận “tiếng nói của đảng” càng sa đà vào bẫy ngụy biện, thiên về cảm tính nhiều hơn lý tính. Xin hỏi “tiếng nói của đảng” có nhận ra một đảng hay một nhóm đảng cầm quyền vẫn tốt hơn “muôn năm” chỉ có một đảng cầm quyền và qua đời sống chính trị thực tiễn của Việt Nam, một đảng cộng sản có khắc phục được bất công, có bảo đảm được dân chủ thực chất cũng như người dân có thực hiện được đầy đủ quyền, nhất là quyền dân làm chủ đời sống, làm chủ đất nước của chính mình không? 

“...Các đảng nói trên không thể so sánh với các đảng không có lợi ích riêng, tôn chỉ duy nhất là phục vụ lợi ích của dân tộc và của nhân dân lao động... Chỉ có đảng chân chính của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, gắn bó mật thiết với nhân dân, tập hợp được trí tuệ tiêu biểu của xã hội, được tổ chức một cách dân chủ, được nhân dân tín nhiệm, mới có đầy đủ tư cách để lãnh đạo ổn định, lâu dài đối với toàn xã hội... Có như vậy thì mới có điều kiện để xây dựng một chế độ chính trị ổn định, thật sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân...” (*) 

Lý luận đến đây, có lẽ “tiếng nói của đảng” trở về bản chất thật của đảng là lý luận cả vú lấp miệng em kiểu hàng tôm hàng cá của dân chợ, kết hợp với phô diễn sức mạnh lý lẽ của nòng súng “... Chỉ có đảng chân chính của giai cấp công nhân, nhân dân lao động... mới có đủ tư cách để lãnh đạo ổn định lâu dài đối với toàn xã hội...” Thế thì mấy mươi năm hiện diện, đảng cộng sản đủ tiêu chuẩn, điều kiện là đảng chân chính của giai cấp nhân dân lao động. Thử hỏi đảng cộng sản có xây dựng được một nhà nước thật sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân chưa hay chỉ xây dựng được một nhà nước dân chủ trên mép môi của đảng? 

“...Xét từ góc độ mục tiêu, xã hội loài người có thể được phân thành hai loại cơ bản là xã hội lợi ích và xã hội giá trị...Xã hội lợi ích là xã hội mà trong đó, cạnh tranh, chiếm đoạt lợi ích riêng là động lực chủ yếu chi phối hành động của các thành viên... Xã hội giá trị là xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, vì hạnh phúc bền vững của con người và nhân loại... Xã hội, xã hội chủ nghĩa là thí dụ tiêu biểu của xã hội giá trị...” (*) 

Nữa, đảng lại giở trò dóc láo lộ liễu, bốc mùi thối không ngửi được nữa rồi! Xã hội lợi ích, xã hội giá trị là đám đ... éo.. gì mà đảng ăn nói linh tinh, lang tang “...xã hội, xã hội chủ nghĩa là thí dụ tiêu biểu của xã hội giá trị...” bỏ tật nói láo rất trẻ con để làm người lớn xem có được hơn không hở “tiếng nói của đảng?” 

“...Về cơ bản, các tác giả tham gia nghiên cứu dự án Dân chủ hóa và quyền lực của nhân dân đều cho rằng, theo tư duy hệ thống, có ba mô hình cơ bản về tổ chức, quản lý cộng đồng, xã hội với tư cách là các hệ đa trí tuệ, đa văn hóa. 

Trong đó, mô hình "tập trung" và mô hình "phi tập trung" là đặc trưng của các xã hội có cạnh tranh về lợi ích. Mô hình "đồng thuận xã hội" được coi là mô hình tổ chức, quản lý ưu việt, được xây dựng trong một tập thể, cộng đồng, xã hội cùng hướng tới giá trị chung, đòi hỏi phải có một trung tâm làm nòng cốt trong việc phát huy dân chủ, tạo nên đồng thuận xã hội, chứ không phải là các lực lượng đối lập, đối kháng hay cạnh tranh với nhau để thống trị xã hội. 

Trung tâm này cần trung thành với các giá trị chung, tiêu biểu về trí tuệ, có đầy đủ năng lực để lãnh đạo, có các cơ chế và các mối liên hệ hữu cơ chặt chẽ với các bộ phận còn lại của xã hội để bảo đảm sự đồng thuận trong nhận thức và thống nhất trong hành động.” (*) 

Đọc toàn bộ bài “tường trình” có kết luận công trình nghiên cứu dài hơi “Dân Chủ Và Mô Hình Tổ Chức, Quản Lý Xã Hội” quy tụ các học giả tiến bộ, từ 2007 đến 2013 mất chừng 6 năm quả thật đáng thất vọng. 

Nói thật “tiếng nói của đảng” đừng buồn, lý lẽ của đảng giống em bé lắm, đa phần luận điểm trong công trình nghiên cứu mô hình dân chủ nhảm nhí như kẻ mộng du đi trong đêm mơ. Điển hình là kết luận của mô hình dân chủ “...Có ba mô hình cơ bản... Mô hình đồng thuận xã hội được coi là mô hình tổ chức, quản lý ưu việt... Phải có một trung tâm làm nồng cốt trong việc phát huy dân chủ... Trung tâm này cần trung thành với các giá trị chung, tiêu biểu về trí tuệ, có đầy đủ năng lực để lãnh đạo...” 

“Tiếng nói của đảng” có biết, xã hội là một tổ chức đa dạng hình thể, đa nguyên tư tưởng luôn vận động chuyển động, luôn biến đổi thay đổi để thích nghi, đáp ứng nhu cầu tồn tại và phát triển của xã hội loài người. Trong đời sống hiện thực không tồn tại đồng thuận xã hội hay quản lý xã hội ưu việt cũng như trong thực tiễn đời sống cho chúng ta thấy không hề có trung tâm nòng cốt để phát huy dân chủ và trung tâm trung thành với giá trị chung, trí tuệ tiêu biểu, đầy đủ năng lực lãnh đạo?... Cái gì là giá trị chung? Trí tuệ sao là tiêu biểu? Năng lực như thế nào để gọi là đầy đủ? Tư tưởng đó chỉ tồn tại trong tư duy của những ông “học giả” đi trên mây nói chuyện thần thoại trên trời dưới biển để hù dọa “đám trẻ” ngày càng già đi nhưng không chịu lớn, cứ mãi si mê bóng hình ảo thời xuân sắc của “bà đầm già” xã hội chủ nghĩa. 

Mô hình tổ chức quản lý xã hội được “tiếng nói của đảng” gọi là dân chủ quy trình, dân chủ tự do của phương tây, xin đính chính mô hình đó không của ai cả, nó là tài sản chung của cộng đồng nhân loại. Quốc gia, dân tộc nào cũng có thể sử dụng trong tổ chức cai trị nếu muốn và những ai quan tâm đến dân chủ đều biết mô hình này còn khiếm khuyết nhưng nó có khả năng tự điều chỉnh, tự cân bằng tổ chức quản lý xã hội cho chính nó. 

Nói thật với đảng, tại sao tôi không dùng lý luận phản bác những luận điểm dân chủ “phù phiếm” của các học giả tiến bộ do “tiếng nói của đảng” giới thiệu mà lại sử dụng hình thức vấn đáp trên nền tảng của công trình nghiên cứu “Dân Chủ Và Mô Hình Tổ Chức, Quản Lý xã Hội? 

Rất đơn giản bởi tôi muốn sử dụng lý luận “dân chủ” nguyên gốc từ “tiếng nói của đảng” để cho các “học giả” của đảng dễ hiểu, để khơi dậy tính thiện trong mỗi con người vốn có và mở cửa cho các lý luận gia, “học giả” tự do “Nhận Diện Dân Chủ” (1), tự nguyện tạo “Điều Kiện Thực Thi Dân Chủ” (2), tự tìm hiểu “Tiến Trình Hình Thành Chính Thể Dân Chủ (3), nhất là tự tìm biết sự khác biệt giữa mô hình tổ chức quản lý xã hội của chính thể “Dân Chủ Tư Sản Và Dân Chủ Cộng Sản”(4) để tích lũy vốn kiến thức dân chủ cho ngân hàng trí tuệ của riêng mình, làm vốn sống trong thời đại dân chủ, đóng góp vào tài sản dân chủ chung cho cộng đồng nhân loại. 



__________________________________

Chú Thích

(*) Báo Nhân Dân: Dân Chủ và Mô Hình Tổ Chức, Quản Lý Xã Hội của Trần Văn Linh. 

(**) (1, 2, 3, 4) là tên của bốn trong loạt bài chuyên đề chính trị, tự do, dân chủ, nhân quyền đã đăng trên Dân Làm Báo. 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo