Thanh Phương (RFI) - Trong một thông cáo đề ngày 24/04/2013, nhưng được công bố sớm trước một hôm trên mạng, nông dân Văn Giang một lần nữa kêu gọi các lãnh đạo Việt Nam giải quyết vụ này, đồng thời kêu gọi dư luận trong và ngoài nước ủng hộ cho cuộc đấu tranh bảo vệ "quyền người cày có ruộng".
Cách đây 1 năm, ngày 24/04/2012, chính quyền huyện Văn Giang, Hưng Yên, cùng với chính quyền tỉnh này đã huy động ngàn người, đa số là cảnh sát, để thực hiện lệnh cưỡng chế thu hồi đất cho dự án Ecopark của một công ty tư nhân. Trong một thông cáo đề ngày 24/04/2013, nhưng được công bố ngày hôm nay trên mạng, nông dân Văn Giang một lần nữa kêu gọi các lãnh đạo Việt Nam giải quyết vụ này, đồng thời kêu gọi dư luận trong và ngoài nước ủng hộ.
Trong bản thông cáo, những người ký tên đại diện cho hơn 1200 hộ nông dân ở ba xã Văn Quan, Cửu Cao, Phụng Công, huyện Văn Giang, nhắc lại là trong vụ cưỡng chế nói trên, nhiều nông dân đã bị đàn áp, đánh đập, bị bắt, gây phẫn nộ dư luận trong và ngoài nước.
Ngày 01/05/2012, hàng trăm nhân sĩ, trí thức người Việt đã ký "Tuyên bố về việc cưỡng chế giải tỏa đất đai Văn Giang bằng vũ lực", hàng nghìn người trên khắp Việt Nam và từ nhiều nước khác đã ký ủng hộ bản tuyên bố này, phản đối việc cưỡng chế bằng vũ lực của chính quyền Văn Giang và tỉnh Hưng Yên.
Mặc dù cho tới nay các luật sư của những hộ nông dân bị cưỡng chế thu hồi đất đã có trên 10 kiến nghị gởi các cơ quan có thẩm quyền ở trung ương và địa phương, để yêu cầu giải quyết, nhưng vẫn chưa được trả lời. Chỉ riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức đối thoại một lần vào ngày 21/08/2012, nhưng theo các nông dân Văn Giang, các quan chức bộ này đã « cố tình lảng tránh những vấn đề cốt lõi, thậm chí đưa sai những căn cứ pháp lý để giải thích. »
Không những thế, theo tố cáo của nông dân Văn Giang, các doanh nghiệp liên quan đến dự án Ecopark còn thuê côn đồ hành hung những người đấu tranh tích cực nhất. Sáu người trong nhóm hành hung đã bị đem ra xử, nhưng cho tới nay các phiên xử chưa làm rõ ai là kẻ chủ mưu.
Trong bản thông cáo, các nông dân Văn Giang tuyên bố sẽ đấu tranh đến cùng để bảo vệ « quyền người cày có ruộng ». Họ kêu gọi các lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam giải quyết vụ việc ở Văn Giang, nếu không, sẽ không giữ được niềm tin của nông dân vào Đảng và Nhà nước. Đồng thời các nông dân Văn Giang kêu gọi sự ủng hộ tinh thần của dư luận trong và ngoài nước.
*
Thông cáo của nông dân Văn Giang
Nhân 1 năm chính quyền cưỡng chế thu hồi đất trái pháp luật tại Xuân Quan – Văn Giang – Hưng Yên.
Văn Giang, ngày 24 tháng 04 năm 2013
Ngày 24/04/2012, Uỷ ban nhân dân (UBND) huyện Văn Giang và chính quyền tỉnh Hưng Yên đã huy động lực lượng gồm hàng ngàn người, phần lớn là cảnh sát thực hiện cưỡng chế nhằm thu hồi 5.8 ha đất của 166 hộ dân xã Xuân Quan cho Dự án Ecopark 500 ha của một công ty tư nhân, sử dụng đạn pháo nghiệp vụ với khối lượng lớn để uy hiếp nông dân từ sáng sớm đến trưa, cấm báo chí tiếp cận hiện trường. Nhiều nông dân bị đàn áp, đánh đập, bị bắt, có 02 nhà báo bị đánh đập dã man. Mặc dù vậy, thông tin về vụ cưỡng chế trái pháp luật này đã được những công dân mạng loan khắp Việt Nam và thế giới, dư luận trong nước và quốc tế đã phẫn nộ, lên án cuộc cưỡng chế trái pháp luật này. Ngày 01/05/2012, hàng trăm nhân sĩ, trí thức người Việt đã ký Tuyên bố về việc cưỡng chế giải tỏa đất đai Văn Giang bằng vũ lực, hàng nghìn người trên khắp Việt Nam và từ nhiều nước khác đã ký ủng hộ Tuyên bố này, phản đối việc cưỡng chế bằng vũ lực của chính quyền Văn Giang và tỉnh Hưng Yên.
Sau đó, các hộ dân bị thu hồi đất tại Văn Giang vì Dự án Ecopark (1244 hộ) đã nhờ Văn phòng luật sư Trần Vũ Hải và nhiều luật sư khác trợ giúp pháp lý cho các hộ dân để khiếu nại tới các cấp chính quyền tại Việt Nam, khởi kiện ra Tòa án.
Từ tháng 05/2012 đến nay, các luật sư đã có trên 10 Kiến nghị và thư gửi các cơ quan có thẩm quyền và liên quan ở Trung ương và địa phương để yêu cầu các cơ quan này cung cấp thông tin, tham gia giải quyết và trả lời những vấn đề thuộc thẩm quyền của họ, trong đó có 02 Kiến nghị gửi trực tiếp cho ông Nguyễn Tấn Dũng – Thủ tướng Chính phủ đồng thời là người ký 02 quyết định quan trọng (số 303/QĐ-TTg ngày 30/03/2004 và số 742/QĐ-TTg ngày 30/06/2004, khi ký ông Nguyễn Tấn Dũng là Phó Thủ tướng) liên quan đến việc thu hồi đất tại Văn Giang cho Dự án Ecopark. Hầu hết các cơ quan đã không trả lời những Thư và Kiến nghị trên. Riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN-MT) đã tổ chức đối thoại 01 lần vào ngày 21/08/2012, nhưng cố tình lảng tránh những vấn đề cốt lõi, thậm chí đưa sai những căn cứ pháp lý để giải thích.
Ngày 08/11/2012, ông Giáo sư, tiến sĩ Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng BộTN-MT, người ký 02 Tờ trình của BộTN-MT để tham mưu cho ông Nguyễn Tấn Dũng ký 02 quyết định nêu trên, đã có cuộc đối thoại với chúng tôi và luật sư của chúng tôi. Trong buổi đối thoại này, ông Võ thừa nhận sai và xin lỗi nông dân Văn Giang. Tuy nhiên, sau đó, ông Võ lại bác bỏ ý kiến của mình trong buổi đối thoại, trong đó nêu lý do nhiều người đương chức đã phản ứng gay gắt với ý kiến của ông trong buổi đối thoại.
Gần đây, các luật sư Trần Vũ Hải, Hà Huy Sơn, Lưu Vũ Anh, Nguyễn Anh Vân đã gửi Kiến nghị số 05 ngày 16/01/2013 đến các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam và nhiều Bộ, ngành, đoàn thể, chính quyền tỉnh Hưng Yên và các cơ quan báo chí đề nghị ông Thủ tướng và các cơ quan chức năng quan tâm giải quyết dứt điểm vụ việc Văn Giang, bố trí lịch gặp đại diện các hộ dân và luật sư. Các luật sư đã liên hệ với nhiều Bộ, ngành để làm việc, nhưng đều chưa có kết quả.
Các hộ dân Văn Giang cũng đã gửi đơn khiếu nại, khởi kiện về việc cưỡng chế thu hồi đất trái pháp luật đến UBND huyện Văn Giang, Tòa án nhân dân huyện Văn Giang, nhưng các cơ quan này đều không giải quyết theo Luật Khiếu nại, chưa thụ lý theo Luật Tố tụng hành chính.
Chúng tôi cũng đã kiên trì nhiều lần đến các cơ quan dân cử (Quốc hội), Mặt trận và một số cơ quan khác ở Trung ương và huyện Văn Giang, nhưng chưa thấy những vấn đề của chúng tôi được quan tâm, giải quyết.
Đại diện của chúng tôi (luật sư Trần Vũ Hải) đã gặp đại diện của Chủ dự án Ecopark, có vẻ Chủ dự án này cũng muốn giải quyết, nhưng lo ngại chính quyền địa phương không đồng ý thỏa thuận giữa Chủ dự án với các hộ dân.
Trong quá trình đấu tranh, đã diễn ra nhiều vụ va chạm giữa nông dân Văn Giang với một số đối tượng mà theo chúng tôi được một nhóm lợi ích của Dự án Ecopark thuê nhằm dằn mặt những người đấu tranh tích cực của chúng tôi. Đỉnh điểm là ngày 12/07/2012, hàng chục tên côn đồ đã hành hung các ông Lê Thạch Bàn (73 tuổi), ông Đàm Văn Nghiệp (54 tuổi), ông Đàm Văn Đồng (52 tuổi) ở xã Xuân Quan. Cơ quan pháp luật huyện Văn Giang chỉ đưa ra xét xử 06 tên, tách thành 03 phiên xử nhằm che giấu những kẻ thuê họ.
Như vậy, chúng tôi và các luật sư đã sử dụng mọi phương thức đấu tranh pháp lý và hòa bình, nhưng chưa thấy cơ quan có thẩm quyền và liên quan nào tiếp nhận giải quyết vụ việc, mặc dù ai cũng thấy chính quyền huyện Văn Giang và tỉnh Hưng Yên rõ ràng sai, hành động chỉ vì lợi ích của một nhúm người liên quan đến dự án Ecopark, bỏ qua quyền lợi và cuộc sống của hàng nghìn hộ nông dân Văn Giang.
Chúng tôi đã kiên nhẫn, tiếp tục kiên nhẫn và sẽ đấu tranh đến cùng để bảo vệ quyền căn bản của nông dân quyền người cày có ruộng. Chính vì quyền này, nông dân đã theo tiếng gọi của Đảng, đã gửi nhiều người con chiến đấu và hi sinh cho cách mạng, bảo vệ đất nước.
Chúng tôi kêu gọi lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam hãy quan tâm giải quyết vụ việc Văn Giang, nơi chỉ cách chỗ làm việc của các vị chưa đầy 10km. Nếu các vị không quan tâm giải quyết đến một vụ lớn và sát Hà Nội như vậy, đương nhiên người dân sẽ hiểu, những vụ oan sai khác của nông dân địa phương khác sẽ không được Trung ương quan tâm. Liệu niềm tin của nông dân vào Đảng và Nhà nước sẽ còn giữ được không?
Nhân dịp này, chúng tôi cám ơn đồng bào gần xa, báo chí trong nước, các cá nhân, báo chí nước ngoài đã quan tâm đến những vấn đề của chúng tôi, đã lên tiếng ủng hộ chúng tôi, vạch trần và lên án những sai trái của chính quyền địa phương và nhóm lợi ích đã gây ra đối với chúng tôi. Chúng tôi mong mỏi các vị tiếp tục theo dõi và đưa tin về việc giải quyết của chính quyền các cấp ở Việt Nam, ủng hộ tinh thần đấu tranh của nông dân Văn Giang.
Vì công lý, nông dân Văn Giang nhất định bảo vệ được quyền người cày có ruộng!
http://anhbasam04.wordpress.com/2013/04/23/thong-cao-cua-nhan-dan-van-giang/
*
*
Một năm sau vụ cưỡng chế đất ở Văn Giang
Gia Minh (RFA) - Vụ cưỡng chế đất bằng vũ lực tại huyện Văn Giang gây nhiều bức xúc trong dân chúng ngay tại địa phương và những người nông dân khác diễn ra cách đây đúng một năm. Tình hình hiện nay tại đó ra sao?
Dậm chân tại chỗ
Sau vụ Tiên Lãng với tiếng súng hoa cải và bom tự chế nổ từ phía người dân bị cưỡng chế mà họ cho là bất công hồi ngày 5 tháng giêng năm 2012; thì đến ngày 24 tháng 4 tiếng súng nổ không phải từ phía người dân bị cưỡng chế mà từ phía lực lượng đi cưỡng chế. Trong vụ này còn có hai nhà báo của Đài Tiếng nói Việt Nam là Nguyễn Văn Năm và Hán Phi Long bị chính lực lượng cưỡng chế hành hung.
Vụ cưỡng chế tại Văn Giang cũng bất thành, nhiều người dân vẫn cương quyết giữ đất và phía nhà đầu tư không thể triển khai dự án của họ.Tuy nhiên sau một năm, những yêu cầu của người dân vẫn chưa được giải quyết, dù rằng họ cho rằng quyết định thu hồi đất cho dự án là sai trái, và đã có đơn khiếu kiện đến tận trung ương.
Đến ngày 24/4 đúng một năm sau đợt cưỡng chế đó, 1244 hộ dân tại ba xã Cửu Cao, Phụng Công, Xuân Quan, huyện Văn Giang ra thông cáo về việc chính quyền cưỡng chế thu hồi đất đai trái pháp luật tại đó.
Ông Phạm Hoành Sơn, một người đại diện cho người dân ở đó vào ngày 23 tháng 4 cho biết về diễn tiến của tình hình và thái độ của người dân tại đó như sau:
So với mong đợi và so với qui định của pháp luật thì chưa được một chút nào cả. Vì nghị quyết 10 của Tỉnh Ủy và Ủy ban Thường Vụ Tỉnh ủy, họ nói vẫn tiếp tục thực hiện dự án; trong khi đó họ nêu ra là đã trả lời các kiến nghị của dân; nhưng trong thực tế chúng tôi gửi đơn khiếu nại và tố cáo. Đúng ra theo luật họ phải giải quyết theo đúng ‘khiếu nại, tố cáo’; nhưng họ lái sang ‘kiến nghị’; điều đó làm cho chúng tôi rất thất vọng.
Thực ra không đáp ứng được chút nào theo nguyện vọng của người dân và hoàn toàn không đúng theo qui định của pháp luật.
Nói chung, chúng tôi vẫn kiên trì, và mình là dân nên chỉ có mỗi một chỗ dựa đó là luật pháp, đồng thời nhờ các đoàn luật sư, mà trực tiếp là luật sư Trần Vũ Hải. Chúng tôi tuyệt đối đi theo pháp luật để có thể bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Nhưng chính quyền các cấp từ tỉnh đến trung ương, từ ngày đó đến giờ họ vẫn cứ lờ đi. Họ cho rằng chúng tôi ‘chống đối’…; nhưng họ không đưa được căn cứ nào theo qui định pháp luật như vậy. Theo luật sư hướng dẫn, chúng tôi bám sát các qui định của pháp luật’; nhưng rõ ràng họ làm sai họ phải chịu trách nhiệm. Trước sau họ vẫn phải chịu trách nhiệm.
Phía luật sư tư vấn pháp lý cho người nông dân Văn Giang trong việc khiếu kiện về việc cưỡng chế trái pháp luật ở đó cũng có nhận định về diễn biến của vụ khiếu kiện tập thể đó trong suốt thời gian qua cho đến nay:
Trong quá trình, chúng tôi thấy có rất nhiều cơ quan cũng quan tâm đến vụ này. Có vẻ như họ cũng nhận thức rằng vụ việc này rõ ràng có sự vi phạm, trái pháp luật từ các cơ quan chức năng; tuy nhiên họ cũng vì nhiều vấn đề mà họ cho là ‘nhạy cảm’, hay vì lý do nào đó mà họ cũng không muốn tích cực tham gia vào.
Chúng tôi có quen biết nhiều quan chức khác nhau; trong chỗ riêng tư họ thừa nhận; nhưng bằng văn bản thì họ né tránh vì lý do nào đó để không thành người phát ngôn để thừa nhận,hoặc xác nhận vấn đề đó.
Theo tôi nghĩ, chưa thành công vì không có cơ quan nào tìm cách giải quyết; thế nhưng thành công là có nhiều người hiểu ra vấn đề; nhưng lại tìm cách tránh né.
Theo thông tin tôi được biết thì thủ tướng chính phủ có yêu cầu ông bộ trưởng văn phòng chính phủ Vũ Đức Đam đích thân tiếp cá nhân tôi cũng như đại diện các hộ dân Văn Giang để giải quyết vấn đề. Thế nhưng ông ta lấy lý do hiện nay rất bận chưa thể giải quyết được. Tuy vậy chúng tôi vẫn kiên trì gửi thư đến ông bằng các con đường khác nhau.
Chúng tôi cho rằng việc đi tìm công lý từ các cơ quan hành pháp cũng đã ‘cạn kiệt’. Về mặt tư pháp, các hộ dân đã có đơn gửi cho các cơ quan tòa án. Theo luật lẽ ra họ phải xử lý, nhưng họ chưa chịu thụ lý. Chưa thụ lý cũng là bằng chứng cho thấy họ rất lo ngại những vấn đề đó buộc phải xét xử, phải thừa nhận có sự sai trái của chính quyền. Họ lo ngại như thế nên tìm mọi cách né tránh việc thụ lý. Tuy nhiên, theo luật pháp họ phải thụ lý và các nông dân kiên nhẫn để đến khi họ thụ lý.
Như trình bày của luật sư Trần Vũ Hải, dù kiên trì khiếu kiện theo đúng phát luật tại Việt Nam để đòi hỏi quyền lợi của người nông dân như thế; nhưng rồi các cơ quan hành pháp và tư pháp của Việt Nam vẫn né tránh đối với trường hợp nông dân Văn Giang, nay họ phải trở lại cách thức đầu tiên đã thực hiện là yêu cầu quốc hội, cơ quan về mặt nguyên tắc được nói là do dân cử, để giải quyết chuyện đất đai bị thu hồi cho công ty tư nhân làm khu đô thị sinh thái như thế.
Qui chụp ‘chính trị’
Hồi ngày 18 tháng tư vừa qua, tại cuộc họp ở Hà Nội về tình hình khiếu kiện, ông Huỳnh Phong Tranh, tổng Thanh Tra Chính phủ cho rằng ở thủ đô Hà Nội và tại thành phố Hồ Chí Minh chỉ riêng trong mấy tháng đầu năm đã có hơn trăm đoàn khiếu kiện tập thể về đất đai mang theo biểu ngữ, mặc áo đỏ … kéo đến văn phòng tiếp dân của Trung ương Đảng và chính phủ. Ông này cho rằng trong số đó có những người đi kiện vì ‘động cơ chính trị’.
Ông Phạm Hoành Sơn có ý kiến về điều đó:
Nếu chống đối phải đưa ra căn cứ. Người dân đưa ra vấn đề ( thu hồi đất) là không có pháp lý, không thực hiện theo các quyền mà pháp luật qui định… Còn chúng tôi thực hiện quyền do pháp luật mà chính ‘các ông ấy’ đề ra; thế mà các ông ấy không đảm bảo các quyền ấy cho chúng tôi; đó là lỗi của chính quyền; không thể nói chúng tôi chống đối được. Rõ ràng chính quyền đã không thực hiện những điều luật pháp đề ra để bảo đảm lợi ích hợp pháp của người dân. Chúng tôi nghĩ mình được hưởng những điều đó. Chúng tôi chấp nhận đóng thuế để nuôi hệ thống chính quyền, chỉ mong đến lúc mình cần, chính quyền phải đứng ra bảo vệ.
Luật sư Trần Vũ Hải cũng phân tích về phát biểu của ông tổng Thanh Tra Chính Phủ Huỳnh Phong Tranh:
Nói về chính trị, mỗi một người đều có quan điểm khác nhau. Theo tôi, chính trị là một khái niệm rất rộng lớn. Người ta đấu tranh cho quyền lợi của họ cũng là vấn đề chính trị.
Nếu nói chính trị chỉ trong phạm vi hẹp để tranh giành quyền lực hay chỉ để thay đổi thể chế, rõ ràng những người nông dân này không hề có ý định như vậy. Họ chỉ quan tâm và đấu tranh cho quyền lợi của mình và nếu có cao hơn là họ đấu tranh để làm cho luật đất đai tốt hơn đối với họ thôi.
Tình hình khiếu kiện vì đất đai bị chính quyền các cấp thu hồi một cách phi pháp diễn ra suốt nhiều năm qua tại Việt Nam. Những vụ việc như Tiên Lãng, Hải Phòng hay Văn Giang, Hưng Yên, cho thấy cơ quan chức năng hiện nay tỏ ra hết sức lúng túng, dù họ thấy sai như thú nhận của nhiều quan chức đối với luật sư Trần Vũ Hải mới trình bày trong bài.