BBC - Blogger Huỳnh Ngọc Chênh bị cơ quan an ninh cửa khẩu ở sân bay Tân Sơn Nhất từ chối cho xuất cảnh vào tối thứ Sáu ngày 10/05.
Trả lời BBC tiếng Việt qua điện thoại ngay tại sân bay nơi ông và người thân đi cùng bị từ chối xuất cảnh sang Mỹ du lịch, ông Chênh cho biết an ninh cửa khẩu nói với ông rằng cần liên hệ với Cục Bảo vệ Chính trị Bộ Công an, trực thuộc Tổng Cục An ninh II (An ninh Nội địa), để biết lý do khi ông hỏi.
Blogger Huỳnh Ngọc Chênh mới đây được nhận giải thưởng quốc tế Công dân mạng Netizen của Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) và hãng Google đồng trao tặng năm 2013.
Trong cuộc phỏng vấn với BBC tuần trước để đánh dấu ngày Tự do Báo chí Thế giới (03/05), ông Chênh, cựu phóng viên tờ Thanh Niên, cho rằng việc sử dụng phản biện thông qua các dư luận viên có thể lành mạnh hơn các hình thức áp chế, trấn áp trước đây.
Tuy nhiên ông cũng mô tả điều ông gọi là "nhận thức và trình độ của các dư luận viên này vẫn không cao".
Blogger mới ra nước ngoài để nhận giải thưởng quốc tế và trở về này cũng nêu quan điểm về điều được cho là 'khối công chúng thầm lặng' và 'bộ phận với thái độ bàng quan'.
Bộ Ngoại giao Anh tuần trước mừng sinh nhật lần thứ 20 của Ngày Tự do Báo chí Thế giới nhằm "làm sáng tỏ" thực trạng trấn áp truyền thông và tự do biểu đạt qua lời kể của nhân chứng trên toàn cầu.
Trang web Đại sứ quán Anh tại Hà Nội vào dịp này đăng bài viết của ông Huỳnh Ngọc Chênh (bằng tiếng Anh).
'Báo lề dân'
Bài viết có đoạn "Sau khi Internet được phổ biến và trong vòng 10 năm trở lại đây, khi các trang web và blog ra đời, tự do ngôn luận của người dân dần được cải thiện. Những tiếng nói phản biện xuất hiện ngày càng nhiều cùng với giới blogger. Có nhiều trang blog uy tín có trên 100.000 lượt người vào đọc mỗi ngày...
"Các blog này đã tạo nên một hệ thống báo chí đa dạng, tồn tại song song bên cạnh hệ thống báo chí của đảng cầm quyền, được người dân yêu quý gọi là "báo lề dân".
"Tuy nhiên hệ thống “báo lề dân” này xuất hiện không bao lâu đã phải đối đầu với những thách thức. Một số chủ blog bị gây khó dễ, bị mời làm việc, bị côn đồ hành hung quậy phá. Một số blog phải đóng cửa, một số blog khác bị ngăn chặn tường lửa, bị hacker đánh phá liên tục.
"Quyền tự do ngôn luận mà người dân vượt qua sợ hãi, vượt qua các thách thức để vươn tới đang bị ngăn chặn quyết liệt.
"Tuy nhiên không vì thế mà tiếng nói của người dân bị dập tắt. Bị chặn tường lửa thì giúp nhau tìm cách vượt tường lửa, trang này bị hack thì chủ blog lập ngay trang khác, blogger nầy bị đàn áp thì có ngay những blogger khác lên tiếng bênh vực, blogger nầy bị bắt liền xuất hiện hàng loạt blogger khác mạnh mẽ hơn.
"Ngay cả những người bị bắt bớ, bị bỏ tù thì sau khi ra tù họ lại tiếp tục chiến đấu bền bỉ và quyết liệt hơn. Bùi Hằng, Hà Sĩ Phu, Phạm Chí Dũng…đã viết nhiều bài báo mạnh mẽ và sâu sắc hơn sau khi đã ra khỏi nhà giam.
"Cuộc chiến cho quyền tự do báo chí và những quyền con người khác đang tiếp tục diễn ra trong cam go", blogger Huỳnh Ngọc Chênh kết luận.
Vào tuần này, Luật sư Lê Trần Luật nói với BBC lý do an ninh thường được dùng để cấm xuất cảnh với những người "tham gia biểu tình, có những bài viết có tính phản biện cao hay chỉ trích chính quyền trực diện".
Theo ông những người Việt Nam bị cấm xuất cảnh và nhập cảnh vì lý do an ninh có thể thắng nếu kiện Bộ Công an ra Tòa Hành chính.
Luật sư này cũng nói rằng việc Bộ Công an Việt Nam cấm công dân Việt Nam vào chính nước mình như trong thời gian vừa qua là 'trái luật'.
Bộ Công an Việt Nam thường chỉ nói nhà chức trách chỉ cấm nhập cảnh "những người vi phạm pháp luật", kể cả khi họ mang hộ chiếu Việt Nam