Có người lái và không người lái - Dân Làm Báo

Có người lái và không người lái

Hiệu Minh - Thấy tin VN sản xuất thành công máy bay không người lái (UAV), mình quá vui. Đề tài này do Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, làng KH Nghĩa Đô của anh Dove, thực hiện thành công. Lần đầu tiên nghe thấy nước mình có Viện HLKH, chả hiểu nó ra đời từ khi nào.

Mua động cơ về, lắp ráp, thêm cái camera gắn phía dưới, rồi dùng điều khiển từ xa, bay trên trời ở độ cao vài trăm mét, quét một một vùng rộng lớn và gửi tín hiệu về trung tâm,.. là giỏi rồi.

Trong bối cảnh Việt Nam chưa sản xuất nổi cái kim khâu, việc lắp UAV cũng là tốt lắm. Sau hơn 4 năm mà cho máy bay vài cân cất cánh chứng tỏ trình độ cũng cao, gần bằng anh Hai Lúa tự chế tạo máy bay.

Bà con hang Cua nên khen các nhà khoa học chút, đừng giễu làm nhụt khí các Tiến sỹ, Giáo sư, vốn lâu nay chẳng có việc gì để làm.

Nhân chuyện UAV, tôi nhớ chuyện xưa. “Không người lái” nhiều khi lại hay, “có người lái” mà không giỏi thì hay “lái” nhầm mục tiêu.

Thời những năm 1960, người ta “lái” nông dân miền Bắc vào hợp tác xã, rồi thất bại thảm hại. Cuối cùng phải để nông nghiệp ở chế độ “không người lái”. Sau vài năm, từ một nước đói ăn, VN thành nước xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới.

Đến thời giá lương tiền, chỉ đạo giá từ trên xuống, từ cái kim sợi chỉ, đến con lợn con gà, cân gạo giá bao nhiêu đều có “người lái”. Thị trường không được tự điều tiết, ngăn sông cấm chợ nên sản xuất đình đốn, dân đói nhăn răng.

Nảy ra ông Kim Ngọc, sau này là ông Kiệt và mấy bà buôn gạo ở Nam Bộ, bỏ qua chế độ “người lái” từ trên cao, dân mới đỡ khổ.

Kinh tế thị trường đã chứng minh “không người lái” đã tỏ ra tác dụng. Từ một nước nghèo tới 80% dân số, nay còn khoảng 15%. Đây là một kỳ tích trong mấy chục năm “không người lái” hoặc “người lái” can thiệp không xuể.

Thời mở cửa, “người lái” thất bại phải kể đến những doanh nghiệp nhà nước, quả đấm thép Vinashin, Vinalines, làm thiệt hại hàng chục tỷ đô la trong vài năm. Những doanh nghiệp “tự lái” kể cả tư nhân lại vượt qua sóng gió.

Chuyện “người lái” trong hệ thống chính trị nước nhà cũng gợi ra nhiều điều.

Thời chiến tranh, chế độ “người lái” đã tạo dựng được niềm tin trong dân chúng nên đất nước vượt qua nhiều khó khăn. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, nói gì là cấp dưới nghe tăm tắp. Bộ Chính trị đưa danh sách ai vào TW là đại hội đảng bầu y nguyên như thế.

Thời nay đã khác. BCT đưa một đồng chí UVBCT ra kỷ luật nhưng TW không nghe. Bầu bán bổ sung vào BCT gần đây cũng vậy. Mấy ứng viên mà TBT đưa vào nhưng TW không bầu, có hiện tượng trên bảo dưới không nghe.

Có vẻ như hiện nay BCT và kể cả đảng đang ở chế độ “không người lái”. Có người lo, có người chả lo. “Có người lái” mà không giỏi, nên để chế độ “tự hành” tốt hơn.

Dự án UAV của làng khoa học Nghĩa Đô chả biết có mang lại lợi ích kinh tế hay quốc phòng như mục đích đề ra. Nhưng ngắm chiếc máy bay tự bay tới đích trên bầu trời Hòa Lạc, chúng ta sẽ hiểu, độc lập trong suy nghĩ, tự chọn cho mình con đường đi, cũng là tín hiệu tốt lành cho một xã hội văn minh.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo