Gởi ông Nguyễn Bá Thanh! - Dân Làm Báo

Gởi ông Nguyễn Bá Thanh!

Trường Sơn (Danlambao) - Đọc bài “Thượng phương bảo kiếm” của ông Nguyễn Bá Thanh của Bùi Hải đăng trên giaoduc.net hôm thứ năm ngày 1/1/2013, tôi thấy tâm đắc quá chừng, vì tôi thấy người dân cả nước đặt nhiều niềm tin vào nhân vật này. Tôi không thể chịu nổi nên mở máy gởi vài dòng cho ông Nguyễn Bá Thanh.

Trước tiên tôi xin trích lại nguyên văn bài viết đó. 

“Thượng phương bảo kiếm” của ông Nguyễn Bá Thanh 

Thứ năm 10/01/2013 06:40 

(GDVN) - Rất hiếm khi, việc bổ nhiệm một quan chức không thuộc vào hàng trọng yếu nhất của đất nước, lại được dư luận quan tâm và bàn luận sâu sắc đến như vậy. 

Có lẽ, cái người ta mong chờ nhất ở cương vị mới của ông Nguyễn Bá Thanh là tái hiện hình ảnh (hoặc một phần hình ảnh) của Bao Chửng Phủ Khai Phong thuở trước: Tài giỏi, chính trực và không đội trời chung với tham quan ô lại, cái xấu, cái ác. 

Nhưng ngày trước, để thực thi công lý và để bảo vệ chính mình, Bao Thanh Thiên còn có một “Thượng phương bảo kiếm” có thể tiền trảm hậu tấu. Tất nhiên, gần như không thấy Bao Công lạm dụng thứ bảo bối khủng khiếp này. Ông Nguyễn Bá Thanh thì không có một bảo vật màu nhiệm như vậy. 

Sự tin tưởng của Trung ương và các vị lãnh đạo cao nhất khi giao trọng trách Trưởng ban Nội chính Trung ương cho ông Nguyễn Bá Thanh, là một cơ hội, là sự hậu thuẫn tuyệt vời để ông Thanh thực thi nhiệm vụ, nhưng về bản chất, đó không phải là “Thượng phương bảo kiếm”. 

Một nhà nước đang đẩy mạnh pháp quyền, thì không một “thanh kiếm” nào đứng cao hơn luật pháp, vì thế chẳng ai có quyền “tiền trảm hậu tấu” mà cùng lắm, trong những trường hợp đặc biệt, chỉ là “tiền Luật hậu tấu”. 

Chống tham nhũng hiệu quả khi vẫn thượng tôn pháp luật, mới là đòi hỏi lớn và căn bản của xã hội. 

Những thành quả vượt bậc mà Đà Nẵng đạt được dưới sự chèo lái của ông Thanh, cũng không phải là “Thượng phương bảo kiếm”. Những thành tựu quá khứ là kinh nghiệm và động lực để ông tự tin và quyết tâm hơn trên cương vị mới, một cương vị đối mặt với nhiều thách thức hoàn toàn khác với trải nghiệm cũ. 

Những cộng sự tài giỏi và chính trực của ông cũng không thể là “Thượng phương bảo kiếm”. Họ sẽ đóng vai Công Tôn Sách, Vương Triều, Mã Hán, Trương Long, Triệu Hổ như các cộng sự của Bao Chửng. Họ tham mưu, hiến kế, góp sức chứ không thể quyết định thay ông. 

Sự tin tưởng, đồng thuận, kỳ vọng lớn lao của đông đảo nhân dân dành cho ông, cũng không phải là “Thượng phương bảo kiếm”. Không người nào có thể đấu tranh với quan tham chỉ bằng sự yêu mến của nhiều người khác dành cho mình. Muốn hạ gục chúng, chỉ có thể bằng chứng cứ và ý chí sắt đá, mà mục tiêu là vì đất nước, vì nhân dân. 

Mặt khác, sự tin tưởng, kỳ vọng của quá nhiều người, lại có thể trở thành áp lực khổng lồ khi tiến trình đấu tranh gặp phải những cam go, trở ngại. 

Thế thì bảo vật của ông Nguyễn Bá Thanh là gì? 

Thanh “Thượng phương bảo kiếm” ấy, nếu có, đó chính là bản – thân – ông, chứ không phải một công cụ nào khác. Kinh nghiệm, sự dày dạn, sự cứng cỏi của ông chính là đế kiếm. 

Sự sắc sảo, quyết liệt đến cùng, có phương pháp khoa học trong đấu tranh chống tham nhũng của ông, sẽ là lưỡi kiếm sắc bén. 

Một thanh kiếm thật vua ban, dù là bảo vật, thì càng dùng nhiều sẽ càng mẻ, cùn, hỏng. Sức bền vật liệu luôn có giới hạn. 

Nhưng thanh kiếm làm bằng tài năng, đạo đức, ý chí, phương pháp khoa học của con người, thì rất có thể, càng dùng nhiều càng sắc bén. Sức mạnh đạo đức, ý chí, niềm tin, uy tín thì ngày càng lan tỏa và nhân lên. 

Tuy nhiên, trong lịch sử chống tham nhũng của nhân loại, cũng đã có những người tuyên bố chống tham nhũng, nhưng cuối cùng lại rơi tõm vào vòng xoáy khủng khiếp của nó. Sắt thép của thanh kiếm thật là thứ thuộc về “cứng”, còn ý chí chí, đạo đức thuộc về thứ “mềm”, mà khi đã mềm thì có thể tác động. 

Tôi thì tin “thanh kiếm” của ông Nguyễn Bá Thanh sẽ ngày càng cứng rắn và sắc bén. 

Cả triệu người dân Đà Nẵng và có thể là nhiều triệu người Việt nam khác cũng đang tin như vậy. 

Bùi Hải 

*

Quả thực, đúng như tác giả đã khuyên ông như vậy. Tôi thiết nghĩ, ông đừng hòng đụng đến một cọng lông của những “nhân vật hoàng cung” nếu như ông không có “Thượng Phương Bảo Kiếm” và quả thật đến bây giờ ông đã bị “knock out” thì nguyên do chính là vì ông chưa thật sự có một “Thượng Phương Bảo Kiếm” trong tay ông. Thế nhưng đối với tôi thanh “Thượng Phương Bảo Kiếm” mà ông Thanh cần phải có đó ngoài những thứ mà tác giả Bùi Hải đưa ra, riêng theo quan điểm của tôi “Thượng Phương Bảo Kiếm” đó chính là việc đầu tiên là ông phải vào được Bộ Chính Trị, mà muốn vào được Bộ Chính Trị thì xung quanh ông phải có những nhân tài xuất chúng để bảo vệ và che chở cho ông trước mắt, cụ thể là ông phải có quan võ giỏi như “Triển Chiêu” để xông pha binh lửa, bắt được mọi hung thủ, rồi quan trọng hơn nữa là ông phải có “Công Tôn Sách” đầy mưu lược để hiến kế giúp ông phá án, và ông phải biết “phò vua” nào? 

Hãy nhìn vào thực tế những gì ông đã thành công ở Đà Nẵng đó là vì ông có cái “ê kíp” hành động rất ăn ý ở Đà Nẵng, và để có được cái Đà Nẵng ngày hôm nay thì ông đã bỏ ra bao nhiêu năm vất vả gầy dựng thì chính ông đã biết. Còn ở Trung Ương ông mới ra chân ướt chân ráo, ông cần có rất nhiều thời gian để “coi mặt đặt tên” từng nhân vật một, rồi sau đó mới củng cố gầy dựng nên cái “ê kíp” giống như Bao Thanh Thiên đã làm. Hãy nhìn qua thời gian ông Thanh ở Trung Ương, chúng ta chưa thấy ông có nhiều người đáng tin cậy ở bên mình, thậm chí ông lại đi “phò” một “ông vua bù nhìn”, mới vừa bị “võ sĩ nặng cân” Nguyễn Đắc Kiên hạ “knock out”, nên còn chưa hoàn hồn, sau đó Tổng Trọng bị cư dân mạng “ném đá” tời bời, “Tổng” Trọng không phải là “ông vua” biết dùng người tài mà ông cần phải “phò”, “Tổng” Trọng cũng không phải là “Triển Chiêu” võ nghệ cao cường, lại càng không phải là “Công Tôn Sách” đầy mưu lược! Tổng Trọng chẳng qua chỉ muốn dùng ông làm bia đỡ đạn, để gỡ cái uy tín đang bị sa sút trầm trọng cả trong Đãng lẫn trong dân. Điều đó cho ta thấy ông Thanh đã nhìn lầm người rồi! 

Những nhận xét trên ta thấy ông Thanh chưa đủ già giặn làm “Bao Thanh Thiên” để sử dụng “Thượng Phương Bảo Kiếm” mà nhân dân Việt Nam ban cho. Ông Thanh chỉ đủ năng lực làm một ông “quan” ở thành phố nhỏ như Đà Nẵng mà thôi. Ông Thanh đã làm thất vọng biết bao trái tim nhiệt huyết của người dân Việt Nam. Ông Thanh đã bỏ lỡ thời cơ “ngàn năm có một”. Thật đáng tiếc quá chừng! 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo