HÀ NỘI (NV) - Tòa Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam vừa khẳng định phía Phần Lan sẽ điều tra toàn diện việc thực hiện dự án “Ứng dụng Điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc ở Việt Nam”.
Đồng thời sẽ yêu cầu Ban Quản lý dự án “Ứng dụng Điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc ở Việt Nam” cũng như các cơ quan có liên quan phía Việt Nam, giải trình về hiện trạng của dự án này tại xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La.
Đây là kết quả từ cuộc gặp giữa đại diện Tòa Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam với hai bloggers Nguyễn Tuấn Linh và Đặng Trần Tùng.
Các thùng chứa thiết bị của trạm thu – chuyển hóa năng lượng mặt trời thành điện năng, được đưa từ Phần Lan tới Háng Đồng để phơi mưa, nắng. Mỗi trạm trị giá 2,8 tỷ đồng hay khoảng 135,000 đô la. (Hình: Blogger Nguyễn Tuấn Linh).
Tuần trước, blogger Nguyễn Tuấn Linh gửi một thư ngỏ tới Tòa Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam, đề nghị xem lại dự án có tên “Ứng dụng Điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc ở Việt Nam”, do chính quyền CSVN thực hiện bằng tiền của Phần Lan, sau khi khi đến thăm xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La.
Theo blogger Nguyễn Tuấn Linh, tại xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La có nhiều thùng gỗ mà nhãn trên thùng cho biết, đó là những thiết bị do hãng NAPS sản xuất để thu – chuyển hóa năng lượng mặt trời thành điện năng, đang để chỏng chơ giữa trời.
Nhãn trên các thùng chứa thiết bị, bị vứt lăn lóc ở xã Háng Đồng. (Hình: Blogger Nguyễn Tuấn Linh)
Hỏi thăm một số viên chức trong xã và dân chúng địa phương, blogger Nguyễn Tuấn Linh được biết thêm, những thùng thiết bị đó, đã chuyển tới Háng Đồng từ năm 2009, nghe nói là để thực hiện dự án có tên là “Ứng dụng Điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc ở Việt Nam” nhưng không rõ vì sao lại bỏ dở từ đó tới nay.
Blogger Nguyễn Tuấn Linh tin rằng, những thiết bị đắt tiền này, chắc chắn đã trở thành vô dụng sau khi bị phơi giữa nắng, mưa suốt bốn năm qua.
“Ứng dụng Điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc ở Việt Nam” là một dự án do chính quyền CSVN soạn thảo. Mục tiêu là tìm kiếm nguồn tài trợ quốc tế để chuyển năng lượng mặt trời thành điện năng, cung cấp cho dân chúng hàng trăm xã miền núi mà vì nhiều lý do chưa có điện để dùng.
Một số tài liệu cho biết, năm 2000, Phần Lan đồng ý viện trợ cho Việt Nam thực hiện dự án vừa kể. Việc thực hiện sẽ được chia thành nhiều giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 2001 – 2010, phía Phần Lan giao cho Việt Nam 5,3 triệu Euro. Trong đó, 37% của khoản tiền 5,3 triệu Euro được xem là “hỗ trợ phát triển chính thức” (ODA). Việt Nam có trách nhiệm hoàn trả 63% còn lại (được xem là tín dụng ưu đãi, Việt Nam không phải trả lãi) sau 17 năm.
Cũng theo các tài liệu này, Ủy ban Dân tộc của chính quyền CSVN được giao làm chủ đầu tư của dự án. Phía Phần Lan giao thiết bị và trợ giúp kỹ thuật để đến cuối năm 2010, Việt Nam hoàn tất việc lắp đặt 70 trạm cung cấp điện lấy từ năng lương mặt trời cho 34 xã thuộc các tỉnh miền Trung và 36 xã ở vùng núi phía Bắc Việt Nam.
Tính trung bình, mỗi trạm cung cấp điện lấy từ năng lượng mặt trời cho một xã, trị giá khoảng 2,8 tỷ đồng. Hiện chưa rõ việc thực hiện các trạm cung cấp điện lấy từ năng lượng mặt trời cho 69 xã còn lại của dự án “Ứng dụng Điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc ở Việt Nam” thế nào, riêng tại Háng Đồng, rõ ràng Ủy ban Dân tộc của chính quyền CSVN đã vứt đi 2,8 tỷ đồng.
Trong Thư ngỏ gửi Đại sứ Phần Lan, blogger Nguyễn Tuấn Linh viết rằng, vì chính người Việt sẽ phải trả các khoản vay cho việc thực hiện dự án “Ứng dụng Điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc ở Việt Nam”. Blogger này “khẩn thiết đề nghị” phía Phần Lan cho kiểm tra tình hình thực tế việc triển khai, chất lượng và hiệu quả của dự án, tránh để xảy ra tình trạng lãng phí như ở xã Háng Đồng, gây tổn hại tới lợi ích kinh tế cho nhân dân Việt Nam và mất uy tín của Cộng hòa Phần Lan.
Blogger Nguyễn Tuấn Linh, người liên lạc với Tòa đại sứ Phần Lan thông báo các trang bị kỹ thuật viện trợ giúp các khu vực miền núi Việt Nam đã bỏ phơi mưa nắng suốt 4 năm qua. (Hình Blog Nguyễn Tuấn Linh)
Trong cuộc gặp hai bloggers Nguyễn Tuấn Linh và Đặng Trần Tùng, ông Tomi Särkioja – Tham tán Tòa Đại sứ Phần Lan khẳng định, những thông tin và hình ảnh do blogger Nguyễn Tuấn Linh cung cấp khiến phía Phần Lan sửng sốt. Ngoài việc yêu cầu phía Việt Nam giải trình, Phần Lan sẽ tổ chức các cuộc thị sát tại xã Háng Đồng và các xã khác trong danh sách triển khai dự án. Họ hứa sẽ gửi kết quả điều tra cho blogger Nguyễn Tuấn Linh.
Ngoài dự án “Ứng dụng Điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc ở Việt Nam”, Phần Lan đang hỗ trợ Việt Nam thực hiện nhiều dự án khác như: “Chương trình Giảm nghèo”, “Nước sạch và xử lý nước thải”, “Tín dụng ưu đãi”, “Thương mại và xúc tiến thương mại”.
Thực tế sử dụng viện trợ và vốn vay để thực hiện dự án “Ứng dụng Điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc ở Việt Nam” tại xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, chắc chắn sẽ khiến Phần Lan thận trọng hơn khi quyết định viện trợ và cho chính quyền CSVN vay tiền.
Có thể lại sắp có một scandal liên quan đến việc chính quyền CSVN sử dụng viện trợ và tiền vay của nước ngoài. Scandal này sẽ không chỉ ảnh hưởng đến các quyết định viện trợ, cho vay của riêng Phần Lan. Phần Lan là một thành viên của cộng đồng châu Âu và các thành viên này thường chia sẻ thông tin lẫn khuyến cáo nhau. (G.Đ)