Khi ngài “Ếch” gào, cầu mưa! - Dân Làm Báo

Khi ngài “Ếch” gào, cầu mưa!

Hoàng Thanh Trúc (Danlambao) - “... cấp bách, các đồng chí phải tiếp thu góp ý của báo chí, ý kiến chuyên gia đi, cái gì chưa phù hợp phải điều chỉnh bổ sung kịp thời ngay…” - đ/c Ếch-Thủ Tướng) (1)

Nghe tiếng ngài “Ếch”! gào, ộp ộp như chỉ đạo “cầu mưa” cho thuộc cấp khi nhiệt độ “đại hạn” kinh tế tài chánh quốc gia đã phà hơi, nóng ran sau gáy ngài: “... cấp bách, phải tiếp thu góp ý của báo chí, ý kiến chuyên gia đi...”

“Phải Tiếp thu ý kiến chuyên gia đi!” đọc thấy lời ấy của ngài mà ôm bụng cười ngất với ý nghĩ: Tới bây giờ mới “sáng dạ” kêu gọi! Bởi nhớ lại cách đây gần 4 năm (2009) lúc ngài “Ếch” đã “bắt vít” xong cho cái “mông” mình gắn chặt cứng, an tọa, trên cái ghế “kinh bang tế thế” nhiều quyền lực, Ngài Ếch tự mãn, không muốn bất cứ ai, dù vô tình hay cố ý là cái “mô đất” làm cho ngài muốn đi qua phải phiền toái nhấc chân lên, bằng cái công văn: QĐ/97/2009/QĐ-TT do chính ngài Ếch ký ngày 24-7-2009 có hiệu lực từ ngày 15-9-2009 tống đạt đến Viện Nghiên cứu Phát triển IDS (Institutes of Development Studies) - Viện nghiên cứu độc lập duy nhất tại Việt Nam, như ra lệnh: “Nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước cần gửi ý kiến phản biện đó cho cơ quan Đảng, nhà nước có thẩm quyền, không được công bố công khai với danh nghĩa riêng, hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học công nghệ ”.

Mà viện IDS là một tổ chức tư nhân độc lập, thành lập hợp pháp, đúng luật, một mô hình tổ chức mở, khách quan, không lệ thuộc bất cứ ai - phi vụ lợi, chuyên nghiên cứu, cố vấn, dự báo các vấn đề liên quan đến các chính sách, kinh tế chiến lược qui mô hay vĩ mô, kế hoạch phát triển cho các cơ quan nhà nước và kinh tế phát triển tư nhân, thành viên là những giáo sư, chuyên gia tổng hợp, nổi tiếng như: Hoàng Tụy (Chủ tịch Hội đồng Viện), Nguyễn Quang A (Viện trưởng), Phạm Chi Lan (viện phó), Lê Đăng Doanh, Chu Hảo, Tương Lai, Phan Huy Lê, Trần Đức Nguyên, Trần Việt Phương, Vũ Quốc Huy, Nguyên Ngọc, Nguyễn Trung, Phan Đình Diệu, Vũ Kim Hạnh, Phạm Duy Hiển, Huỳnh Sơn Phước... Tất cả, đều có học vị kiến thức tổng quát, nếu không xứng là thầy, ít ra cũng phải cao hơn ngài Ếch một cái đầu.

Dưới áp lực của ngài “Ếch” Viện nghiên cứu độc lập có hàm lượng chất xám cao uy tín duy nhất tại Việt Nam, và để phản kháng công văn Vi Hiến, can thiệp không hợp pháp vào chức năng độc lập nội bộ của viện IDS, ngày 15/09/2009 IDS thông báo nội dung lý do để tự giải thể.

Bốn năm trôi qua kể từ IDS bị bức tử,  thời gian ấy đủ để một học sinh cấp 3 ngơ ngác bước chân vào giảng đường đại học và khi bước ra có thể tự tin ngẩng mặt ngay cả với “đ/c Ếch ” thủ tướng, mà tự hào: Tôi đã “chín” đủ độ cứng, sau khi nung, để là viên gạch chất lượng tốt, cho ngôi nhà Tổ Quốc Việt Nam, còn bản thân “ngài Thủ Tướng” thì sao?

Thì cũng ngần ấy thời gian 4 năm, từ cái ghế phẩm hàm thượng đẳng “kinh bang, tế thế” (dựng nước giúp đời) ngài “Ếch ta” biến thành “mạt bang, mạt thế” (hại nước hại đời).

Minh chứng trong phiên họp thường kỳ Chính phủ trực tuyến với 63 tỉnh, thành vào ngày 27/6, lần đầu tiên kể từ “nhà nước đảng ta” gọi là đổi mới, Bộ Tài chính đã phải thừa nhận, dù tích cực nhất thì năm 2013 thu ngân sách sẽ vẫn bị thâm hụt 65.000 tỉ đồng, hiện nay chưa tính được làm cách nào để bù đắp. Trước tình hình này, ông Thủ tướng yêu cầu phải báo cáo sớm các phương án và bằng mọi giá phải ra sức tiết kiệm chi, không được để “vỡ” cân đối ngân sách. (1)


Hạ cấp thuộc quyền ngài “Ếch” tất nhiên không thể trái lệnh. 

Tuy nhiên công luận có thể tự vấn, không biết đám “cận thần” của ngài “Ếch” ấy tìm đâu cho ra cái phương án nào trong cái “mớ bòng bong” nợ xấu khổng lồ gọi là thành tựu to lớn từ cái tài: “kinh bang, tế thế” (dựng nước giúp đời) của ngài Ếch ta - trên vài số liệu mà từ tầm cao trí tuệ “định hướng XHCN” ngài Ếch đã vận dụng kinh nghiệm chất xám của “y tá vườn” thu hoạch được:


- Văn bản trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội của bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho hay, tính đến thời điểm 31/12/2011, tổng số nợ phải trả của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước là 1.292.400 tỷ đồng (bảy con số) - tăng 18,9% so với 2010. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2011 là 1,77 lần. (2)

- Hơn 1 triệu tỷ đồng (1.000.000 tỷ) tồn đọng trong bất động sản, hàng tồn kho cả nước lên tới 16.469 căn hộ chung cư cao cấp, hơn 4.000 biệt thự, và hơn 25.800 m2 văn phòng cho thuê bỏ trống.

- Theo Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 3, nợ nhóm 5 (nợ xấu) của toàn ngành chiếm khoảng 40% tổng nợ xấu, tương đương một trăm mười bảy ngàn bảy trăm (117.700). tỷ đồng). (3)

- Vinashin hơn 4 tỷ USD và Vinaline gần 2 tỷ USD nó bềnh bồng trên xác các con tàu ma, già cỗi, không biết giờ này cập bến nơi đâu?

- Nợ công Việt Nam - Bình quân người dân đang gánh là 808 USD/ người /97 triệu dân (VOV online)

Hai đầu tàu đất nước 

- Hà Nội - Chủ tịch UBND Nguyễn Thế Thảo cho biết Chính phủ giao cho Hà Nội thu ngân sách cả năm 162.000 tỉ đồng, nhưng 6 tháng đầu năm chỉ thu được 63.000 tỉ đồng, cuối năm để thu được 99.000 tỉ đồng là hết sức khó khăn.

- TP/HCM. Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân, bình quân 6 tháng đầu năm GDP của TP chỉ tăng 7,9%, thấp hơn 0,2% so cùng kỳ, nhưng tình hình thu ngân sách cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiệm vụ chủ yếu trong thời gian tới sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn.

Kỷ lục lạm phát của Việt Nam đã vượt qua mọi quốc gia!

Theo một nghiên cứu khoa học công bố sáng 21-5, kỷ lục lạm phát của Việt Nam đã vượt qua tất cả các quốc gia trong khu vực và thế giới kể từ khi đất nước tiến hành “đổi mới” đến nay. công trình nghiên cứu của tiến sĩ Đào Văn Hùng, Nguyễn Thạc Hoát và các đồng sự thuộc Học viện Chính sách và Phát triển phát hiện, trong tất cả các giai đoạn 5 năm suốt từ năm 1991 đến năm 2012, Việt Nam đã vượt qua tất cả các nước trong khu vực về một chỉ tiêu đáng buồn là “lạm phát”!

Công trình được đưa ra tại buổi hội thảo “Lạm phát và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức cùng Học viện Chính sách và Phát triển và USAID cho biết, mức lạm phát của Việt Nam lên tới hơn 18% năm 2011 và 6,8% năm 2012, cao hơn nhiều so với mức trung bình khoảng 3% của các nước như Trung Quốc, Indonesia, Phillippines và Thái Lan.

Theo tiến sĩ Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, kể cả so với Trung Quốc thì lạm phát của Việt Nam cao hơn, trong khi tăng trưởng lại thấp hơn.

Ông Lưu Bích Hồ đặt câu hỏi: “Tại sao trong 20 năm qua họ tăng trưởng gấp đôi ta, nhưng lạm phát cao nhất cũng chỉ bằng nửa ta?”. (4)

Trả lời cho câu hỏi này, nhiều người nhất trí phải hỏi cái “ống chích hay kim tiêm” ý tá của ngài “Ếch”!

Cũng nên biết rằng: Sau hơn một nhiệm kỳ “nhiếp chính” của ngài “Ếch” hiện nay CH/XHCN/VN là quốc gia có số người dân nghèo thu nhập dưới 2 USD ngày gần đứng đầu khu vực Asean (sau Campuchia) - theo nguồn của cơ quan Brookings.

Tóm lại - Viện Nghiên cứu Phát triển IDS không phải và cũng không có những đôi hia phép màu bước đi bảy dậm, nhưng tập thể các trí thức có tinh thần và hoài bão góp công sức xây dựng quốc gia dân tộc, mà sự cố tình “việt vị” họ là hành vi “vô đạo” chỉ có ở những phường “giá áo túi cơm” lộng quyền, ngồi nhằm chỗ.

Chắc chắn di lụy thiệt hại to lớn nói trên, hậu quả của ngài Ếch gây ra sẽ giảm đi ít nhiều nếu IDS vẫn còn tồn tại đến ngày nay bởi sự năng động nhạy cảm trong phản biện đầy trách nhiệm với tiêu cực hay bất lợi cho đất nước.

Gõ tới đây chợt nhớ lời lá thư của nghệ sĩ Kim Chi gởi Hội Điện ảnh Việt Nam: “Tôi không muốn trong nhà có chữ ký của người đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân, tôi xem sự hiện diện đó như là một điều xúc phạm” để từ chối bằng khen thưởng có chữ ký của đương kim thủ tướng Việt Nam “đ/c Ếch”, mới thấy sao nhân cách trái tim người phụ nữ ấy cương trực, sáng suốt và chính xác vô cùng.



___________________________________



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo