...Làm dần dần theo độ còng của lưng... - Dân Làm Báo

...Làm dần dần theo độ còng của lưng...

‘Không thể giải quyết tranh chấp Biển Đông một sớm một chiều’

Tá Lâm (Vietnamnet) - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, để đi đến giải quyết triệt để, dứt điểm tranh chấp trên Biển Đông không phải một sớm một chiều mà phải làm từng bước.

3 ngày sau khi bế mạc phiên họp QH, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dành cả ngày 24/6 tiếp xúc với cử tri quận 1 và 3, TP.HCM.

Nhiều cử tri đã bày tỏ thái độ quan tâm đặc biệt tới chuyến thăm Trung Quốc vừa qua của ông.

Cử tri Phạm Đức Hùng (quận 1) cho rằng, việc đi đến thỏa thuận giữa Bộ Nông nghiệp hai nước thành lập đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên Biển Đông là rất tốt cho ngư dân đánh bắt cá trên biển. Tuy nhiên, ông cũng muốn Chủ tịch nước nói rõ hơn về đường dây nóng này, cung cấp thêm một số thông tin cho cử tri biết.

Chủ tịch nước và cử tri TP.HCM ngày 24/6. Ảnh: Tá Lâm

Trả lời cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, chuyến thăm Trung Quốc của ông được không chỉ người dân Việt Nam quan tâm mà cả cộng đồng ASEAN và thế giới đều quan tâm.

“Kết quả là tích cực vì một số vấn đề lâu nay cả hai nước cũng đã bàn với nhau nhưng chưa đi đến thỏa thuận. Lần này đã thỏa thuận được rất nhiều vấn đề, kể cả những vấn đề nhạy cảm”, ông Trương Tấn Sang khẳng định.

Theo Chủ tịch nước, tranh chấp Biển Đông là vấn đề hệ trọng, để đi đến giải quyết triệt để, dứt điểm không phải một sớm một chiều vì lập trường hai bên hoàn toàn khác biệt nhau. “Cho nên phải bình tĩnh, xem xét kỹ vấn đề trên cơ sở giữ vững độc lập chủ quyền, đường lối của chúng ta, chúng ta không làm phương hại đến bất cứ quốc gia nào khác”, Chủ tịch nước nói.

“Một cuộc thăm và làm việc, một cuộc gặp gỡ đối ngoại không thể giải quyết một cách triệt để hết được. Vùng chúng ta tuyên bố chủ quyền trên biển khoảng 3 triệu km2, mà không phải chỉ ta với Trung Quốc mà còn Philippines, Indonesia, Malaysia... Cho nên phải giải quyết từng bước. Phương châm là phải làm dần dần”, ông Trương Tấn Sang nói tiếp.

Chủ tịch nước cũng cho biết, khi ông đến thăm các tỉnh miền Trung, người dân đã bày tỏ với ông bức xúc trước những việc gây hấn của Trung Quốc. “Lần đầu tiên thỏa thuận để thành lập đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên Biển Đông. Đây là biện pháp cực kỳ quan trọng, trước mắt giải quyết những vấn đề cuộc sống của ngư dân, còn về lâu dài sẽ tiếp tục đàm phán nữa”, ông Trương Tấn Sang nói.

Chủ tịch nước cũng cho biết, khi về Hà Nội có nhiều người nói, thỏa thuận như thế là tốt rồi nhưng vấn đề là hành động thế nào. Chủ tịch nước đã trả lời: “Hai bên cũng đã có sự nhất trí với nhau, phải đôn đốc cả hai nước triển khai có hiệu lực trên thực tế. Đây là kết quả của thỏa thuận”, ông nói.



*

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Hợp tác nhưng không phương hại đến chủ quyền 

24/06/2013 20:50 

Đình Phú (TNO) - Hôm nay 24.6, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổ Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị 1 tiếp xúc cử tri Q.1 và Q.3 (TP.HCM). 

Trước yêu cầu của cử tri “nói thêm một vài nội dung trong chuyến thăm Trung Quốc vừa qua của Chủ tịch nước”, Chủ tịch nước cho rằng lãnh đạo hai nước Việt Nam và Trung Quốc bàn bạc hết sức thẳng thắn và xây dựng. 

Theo Chủ tịch nước, kết quả chuyến thăm và làm việc là tích cực vì một số vấn đề lâu nay giữa hai nước đã bàn với nhau nhưng chưa đi đến thỏa thuận được nhưng lần này đã thỏa thuận được rất nhiều vấn đề, kể cả một số vấn đề nhạy cảm lâu nay cũng đã bàn mà chưa thỏa thuận được, thì nay cũng đã thỏa thuận được. 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao đổi thêm với 
cử tri TP.HCM sau buổi tiếp xúc - Ảnh: Diệp Đức Minh 

Chủ tịch nước khẳng định: “Phương châm, đường lối của Việt Nam thì nhiều lần chúng ta đã nói, công khai trên báo chí rồi; tức là phải làm dần dần nhưng những cái làm đó trong thời gian qua và cho đến cuộc làm việc vừa rồi, chúng tôi kiểm nghiệm lại là không phương hại đến đòi hỏi chủ quyền của chúng ta, không phương hại đến lợi ích của chúng ta”

Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri bày tỏ thái độ không hài lòng với kết quả phòng chống tham nhũng, lãng phí vì “đánh ngoại xâm được nhưng sao đánh nội xâm thì lại chùn tay”

Trước các chất vấn của cử tri, Chủ tịch nước nhìn nhận: “Đây là một vấn đề hệ trọng và chúng tôi thấy rất là chua xót”. 

Về vấn đề cải cách tiền lương “không đảm bảo được cuộc sống của cán bộ, công chức cơ sở”, Chủ tịch nước cho biết: “T.Ư đã bàn nhiều rồi nhưng thực hiện thì xin thưa thật là không có khả năng. Khi lên dự toán, tổng số tiền cần để thực hiện chủ trương này hơn 1,3 triệu tỉ đồng nhưng khi cân đối thì ngân sách chỉ có hơn 300.000 tỉ thôi”. 

“Nói thì nghe đơn giản nhưng nó chồng chéo nhau ghê gớm lắm, không làm tăng thêm sức mạnh mà lại làm giảm đi sức mạnh”, Chủ tịch nước nói thêm về bộ máy cồng kềnh hiện nay. 



*

Chủ tịch nước: 'Kết quả đàm phán Việt - Trung là tích cực'

Hữu Công (Vnexpress) - Nhìn nhận chuyến thăm Trung Quốc đã giải quyết được các vấn đề lâu nay hai nước bàn bạc nhưng chưa thực hiện được, kể cả một số vấn đề nhạy cảm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá kết quả đàm phán vừa qua là rất tích cực.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi cử tri quận 1 (TP HCM) ngày 24/6. Ảnh: Hữu Công. 

Ngày 24/6, tại hội nghị tiếp xúc cử tri quận 1 và quận 3 của Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM, nhiều cử tri đã bày tỏ sự quan tâm về chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Trung Quốc ngày 19 - 21/6. 

Cử tri Phạm Đức Hùng (phường Cầu Ông Lãnh) cho rằng, hai nước đã ra được tuyên bố chung, đồng thời thiết lập đường dây nóng về hoạt động nghề cá là kết quả rất đáng mừng. Tuy nhiên, theo cử tri này "người dân muốn biết rõ hơn nữa nội dung chuyến đàm phán cấp nhà nước vừa qua của Chủ tịch nước với Trung Quốc, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa". 

Cùng mối quan tâm về tình hình biển Đông, cử tri Lê Thanh Tùng cho biết, việc ra được tuyên bố chung giữa hai nước khiến người dân rất phấn khởi, là kết quả của đường lối đối ngoại mềm dẻo, linh hoạt. Song, ông cũng đề nghị Chủ tịch nước cho biết thêm "bên trong chuyến công du và đàm phán với Trung Quốc vừa qua còn có vấn đề gì nữa không? Người dân cần biết rõ hơn để có thêm sự phấn khởi cũng như niềm tin, đồng thời có tinh thần cảnh giác cần thiết". 

Nhiều cử tri TP HCM quan tâm đến kết quả chuyến thăm và làm việc với Trung Quốc 
của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào giữa tháng 6 vừa qua. Ảnh: Hữu Công. 

Bên cạnh đó, kết quả đợt lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh chủ chốt vừa qua cũng nhận được nhiều ý kiến quan tâm và băn khoăn của cử tri TP HCM. Ông Lê Văn Minh (phường Cầu Ông Lãnh) cho hay, theo dõi việc lấy phiếu tín nhiệm, bản thân ông cũng như người dân đã được "nâng cao niềm tin ghê gớm". "Đây là thắng lợi mang tính lịch sử về dân chủ, công khai và minh bạch đáp ứng được mong đợi của người dân", ông Minh đánh giá. 

Cho rằng việc lấy phiếu này đã bước đầu răn đe cũng như "lên dây cót" cho những thành viên còn yếu kém, nhưng cử tri Trần Thanh Tâm (phường Đa Kao) đề nghị, trong những lần lấy phiếu tín nhiệm tiếp theo, Quốc hội chỉ nên đưa ra 2 tiêu chí là "tín nhiệm" và "không tín nhiệm". "Không nên đưa ra 3 tiêu chí như trong đợt bỏ phiếu vừa qua. Trong từ điển Việt Nam không có định nghĩa thế nào là tín nhiệm cao và thế nào là tín nhiệm thấp", ông Tâm nêu ý kiến.

Còn cử tri Lê Thanh Tùng thì kiến nghị "về sau nên thay tiêu chí tín nhiệm thấp thành không tín nhiệm, vì sự tín nhiệm mà thấp cũng chính là không được tín nhiệm". Tuy nhiên, cần giữ lại 3 tiêu chí vì nếu chỉ có 2 thì sẽ nhiều trường hợp sẽ gây khó cân nhắc cho đại biểu. 

Trong khi đó, cử tri Nguyễn Hữu Châu đề nghị cần nâng cao hiệu quả việc lấy phiếu tín nhiệm hơn nữa. Cụ thể, trong tương lai những vị nào có số phiếu tín nhiệm cao dưới 50% thì phải xin từ chức. 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao đổi với lãnh đạo UBND 
quận 1 (TP HCM) sau hội nghị tiếp xúc cử tri ngày 24/6. Ảnh: Hữu Công. 

Chia sẻ với các cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, chuyến thăm và làm việc tại Trung Quốc vừa qua không chỉ thu hút được sự quan tâm của cả nước mà cả quốc tế, nhất là khối ASEAN. 

"Tôi xin báo cáo tóm tắt với bà con rằng, về cơ bản kết quả của đợt đàm phán Việt - Trung vừa qua là tích cực. Các vấn đề lâu nay 2 nước vẫn bàn bạc nhưng chưa có kết quả thì nay đã thực hiện được, kể cả một số vấn đề nhạy cảm. Tất cả nội dung của chuyến làm việc vừa rồi đã được đăng tải rất chi tiết trên các báo, nhất là trên mạng bà con nên tìm đọc để hiểu cho rõ", Chủ tịch nước cho biết. 

Theo người đứng đầu Nhà nước, biển Đông là vấn đề hết sức hệ trọng, để xử lý dứt điểm thì "không thể nào chỉ trong một sớm một chiều được". Quan điểm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vẫn trước sau như một, không hề thay đổi. Tuy nhiên, một chuyến thăm và làm việc không thể nào giải quyết hết các tranh chấp. "Lập trường 2 bên hoàn toàn khác nhau nên cần phải hết sức bình tĩnh", Chủ tịch nước nói thêm. 

Cũng theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, từ hàng nghìn năm nay ngư dân Việt Nam vẫn đánh bắt cá trên biển Đông. Trong quá trình đánh cá, sẽ có hai trường hợp thường xảy ra là gặp gió bão và đụng chạm nhau nên Việt Nam và Trung Quốc thiết lập đường dây nóng để kịp thời xử lý những trục trặc cho ngư dân. 

"Đường dây này sẽ do hai vị bộ trưởng của 2 nước trực tiếp điều hành để giải quyết thỏa đáng những tình huống xảy ra. Dù mình vẫn giữ quan điểm của mình, bạn vẫn giữ quan điểm của bạn, song những gì có thể hợp tác trên biển mà không phương hại đến chủ quyền của mình và của các nước khác thì vẫn có thể cùng nhau hợp tác", Chủ tịch nước nhấn mạnh. 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo