FB Nguyễn Văn Tuấn - Xin nói cho rõ, “phi chính thống” ở đây là unorthodoxy, là cách làm chẳng theo một qui tắc khoa học nào cả. Tôi đang nói về cái thang điểm lấy ý kiến tín nhiệm của Quốc hội Việt Nam. Theo thang điểm này, mỗi đại biểu có thể đánh giá thành viên Chính phủ bằng cách chọn một trong 3 điểm như sau:
• Tín nhiệm cao
• Tín nhiệm
• Tín nhiệm thấp
Những ai am hiểu khoa học xã hội nhận ra ngay rằng đây là thang điểm Likert. Xin nhắc lại (vì có người hiểu lầm rằng Likert là lấy từ chữ Like!) rằng người phát kiến ra thang điểm này tên là Rensis Likert, một nhà tâm lí xã hội học. Likert đề xuất thang điểm này vào năm 1932 và sau đó hoàn thiện vào năm 1934. Thang điểm này dùng để đánh giá thái độ, hành vi, sở thích, v.v. của con người. Đây là những biến khó định lượng, nên phát kiến của Likert rất quan trọng, dù nó rất ư đơn giản.
Nhưng thang điểm Likert là thang điểm hai chiều – bipolar scale. Nói cách khác, thang điểm này phản ảnh tất cả những thái độ đi từ tiêu cực đến tích cực. Chẳng hạn như trong trường hợp lấy ý kiến tín nhiệm, thì thang điểm Likert có thể là 4 điểm như:
• Rất tín nhiệm (very trustworthy)
• Tín nhiệm (trustworthy)
• Không tín nhiệm (untrustworthy)
• Rất không tín nhiệm (very untrustworthy)
Còn đằng này, Quốc hội chỉ dùng thang điểm chẳng giống ai, vì chỉ có 1 chiều! Ngay cả cách soạn câu trả lời (“Tín nhiệm cao”, “Tín nhiệm”, “Tín nhiệm thấp”) đã là bất bình thường. Cái điểm “Tín nhiệm” có nghĩa là gì? Tại sao không cho đại biểu bày tỏ sự “Không tín nhiệm”? Đúng là những kiểu lấy ý kiến như thế này chẳng có ý nghĩa gì và rất khó diễn giải kết quả. Chẳng có ý nghĩa là vì nó không phản ảnh được tâm tình và thái độ của đại biểu. Kết quả khó diễn giải là vì thang điểm chỉ có 1 chiều.
Vậy thì kết quả lấy phiếu tín nhiệm nên được hiểu như thế nào? Tôi nghĩ vì vấn đề phương pháp, nên chúng ta chỉ có thể mô tả mà thôi. Qua mô tả, chúng ta có thể so sánh giữa các thành viên trong Chính phủ. Để so sánh, chúng ta cần phải tổng hợp 3 giá trị “Tín nhiệm cao”, “Tín nhiệm”, và “Tín nhiệm thấp” thành một điểm tổng hợp (điểm quân bình). Nhưng vấn đề là làm sao tính điểm trung bình cho từng cá nhân?
Báo chí có vẻ lấy số phần trăm “Tín nhiệm cao” để so sánh, nhưng cách làm này không công bằng. Để minh hoạ, chúng ta có thể xem hai trường hợp sau đây: Ông Nguyễn Tấn Dũng, có tỉ lệ “Tín nhiệm cao” là 43%, và ông Nguyễn Văn Hiện cũng có tỉ lệ “Tín nhiệm cao” 43%. Chúng ta có thể xem hai vị này cùng thứ hạng? Câu trả lời là không. Lí do là vì ông Dũng có 25% phiếu “Tín nhiệm”, thấp hơn ông Hiện với 52% phiếu “Tín nhiệm”. Do đó, để đánh giá và xếp hạng công bằng, cần phải định lượng thang điểm.
Tôi nghĩ có cách định lượng thực tế hơn. Ở đây, mấy người trong Quốc hội chỉ cho các điểm “tích cực” (tín nhiệm), nhưng chúng ta có thể hiểu rằng những người đánh giá điểm “Tín nhiệm thấp” có nghĩa là “Không tín nhiệm” và “Rất không tín nhiệm”. Những người cho điểm “Tín nhiệm” có thể phản ảnh cả đánh giá “Không tín nhiệm”. Giả định đằng sau của thang điểm Likert là có một biến số liên tục. Trong trường hợp chúng ta đang bàn, từ “Rất không tín nhiệm” đến “Rất tín nhiệm” là một dãy số liên tục từ -1 đến +1 (trung bình là 0).
• Rất tín nhiệm cao: trọng số từ 0.5 đến 1 (trung bình là 0.75).
• Tín nhiệm: trọng số từ 0 đến 0.5 (trung bình 0.25)
• Tín nhiệm thấp: trọng số 0 đến -1 (trung bình -0.50)
Do đó, trong trường hợp ông Nguyễn Tấn Dũng, với 210 phiếu “Tín nhiệm cao”, 122 phiếu “Tín nhiệm”, và 160 “Tín nhiệm thấp”, chúng ta có thể tính điểm quân bình là:
(210*0.75 + 122*0.25 – 160*0.50) / 492 = 0.22
và ông Hiện:
(210*0.75 + 253*0.25 – 28*0.50) / 491 = 0.42
Nói cách khác, điểm của ông Dũng trên trung bình chỉ 0.22, và “điểm thật” của ông Hiện cao gần gấp 2 lần điểm ông Dũng. Tính tương tự, và xếp hạng, tôi có bảng số liệu sau đây. Theo bảng này thì bà Kim Ngân có điểm cao nhất (0.61), kế đến là bà Trương Thị Mai, ông Phùng Quang Thanh, ông Uông Chu Lưu, Nguyễn Sinh Hùng, và Trương Tấn Sang. Năm người có điểm thấp nhất là ông Nguyễn Văn Bình (0.02), ông Phạm Vũ Luận (0.07), bà Nguyễn Thị Kim Tiến (0.13), ông Hoàng Tuấn Anh (0.16), và bà Phạm Hải Chuyền (0.19).
Nhưng tất cả chỉ là vui thôi, chứ số liệu thu thập theo kiểu phi chính thống, bất chấp qui tắc khoa học, và 1 chiều thì rất khó diễn giải. Dù sao đi nữa, những số liệu này cũng nói lên một điều là các thành viên trong Chính phủ có độ tín nhiệm thấp. Người cao nhất cũng chỉ 0.61, tức chỉ hơn trung bình 0.11 điểm!
0.61 Bà Nguyễn Thị Kim Ngân
0.58 Bà Trương Thị Mai
0.57 Ông Phùng Quang Thanh
0.56 Ông Uông Chu Lưu
0.55 Ông Nguyễn Sinh Hùng
0.54 Ông Trương Tấn Sang
0.54 Bà Tòng Thị Phóng
0.53 Ông Phùng Quốc Hiển
0.52 Ông Nguyễn Hạnh Phúc
0.52 Ông Phan Trung Lý
0.52 Bà Nguyễn Thị Nương
0.51 Ông Nguyễn Kim Khoa
0.50 Ông Nguyễn Văn Giàu
0.50 Bà Nguyễn Thị Doan
0.50 Ông Trần Đại Quang
0.49 Ông Trần Văn Hằng
0.47 Ông Ksor Phước
0.47 Ông Đào Trọng Thi
0.46 Ông Phạm Bình Minh
0.45 Ông Huỳnh Ngọc Sơn
0.45 Ông Phan Xuân Dũng
0.45 Ông Nguyễn Xuân Phúc
0.43 Ông Vũ Đức Đam
0.42 Ông Nguyễn Văn Hiện
0.42 Ông Bùi Quang Vinh
0.42 Ông Nguyễn Hòa Bình
0.40 Ông Trương Hòa Bình
0.37 Ông Nguyễn Bắc Son
0.37 Ông Hoàng Trung Hải
0.37 Ông Hà Hùng Cường
0.35 Ông Nguyễn Thiện Nhân
0.35 Ông Cao Đức Phát
0.33 Ông Vũ Văn Ninh
0.32 Ông Nguyễn Minh Quang
0.31 Ông Giàng Seo Phử
0.31 Ông Nguyễn Quân
0.29 Ông Đinh La Thăng
0.28 Ông Huỳnh Phong Tranh
0.24 Ông Nguyễn Thái Bình
0.23 Ông Vũ Huy Hoàng
0.23 Ông Trịnh Đình Dũng
0.22 Ông Nguyễn Tấn Dũng
0.19 Bà Phạm Thị Hải Chuyền
0.16 Ông Hoàng Tuấn Anh
0.13 Bà Nguyễn Thị Kim Tiến
0.07 Ông Phạm Vũ Luận
0.02 Ông Nguyễn Văn Bình